Ngọn nến trong gió…

Chủ nhật, 11/04/2021 22:40
(ĐCSVN) – 18h00 ngày 11/4, ngõ Hàng Cháo tràn ngập sắc xanh, phủ gần như kín bưng các quán café, trà đá vỉa hè. 18h30, tiếng trống lệnh vang lên liên hồi khắp dãy khán đài B sân Hàng Đẫy. Chỉ 30 phút sau, những tiếng hô vang “Quảng Ninh, Quảng Ninh” hòa cùng thanh âm hùng dũng của trống cái đã vang dậy một góc nhỏ Hà thành. Đó là một ngày như mọi ngày. Ngày V-League!
CĐV Than Quảng Ninh đứng trước viễn cảnh rời xa V-League (ảnh: baoquangninh.com) 

Vòng đấu thứ 9 của giải đấu hàng đầu Việt Nam có thể đánh dấu trận thứ 4 không thắng của Hà Nội hay không? Lẽ ra đó là một câu hỏi thú vị trong trận so tài giữa CLB thủ đô và Quảng Ninh. Nhưng tất cả đều đã không quan tâm nhiều đến điều đó nữa. Ngay cả khi Geovane ghi bàn thắng thứ 4 cho đội chủ nhà trong hiệp 1, những BLV vẫn đang còn nói về viễn cảnh chẳng mấy sáng sủa dành cho đội bóng đất Mỏ trong thời gian còn lại của mùa bóng. Họ đang chơi không tồi, họ có những con người được thừa nhận về đẳng cấp, một HLV điềm đạm và có “chất”, thêm vào đó là một lực lượng CĐV đông đảo và vô cùng nhiệt thành. Nhưng điều gì đang xảy ra? Ngay cả khi Quảng Ninh làm được những thứ vượt xa kỳ vọng tại Hàng Đẫy, sự thật vẫn là sự thật. Những giọt nước mắt của HLV Hoàng Thọ đã cho thấy tất cả. Than Quảng Ninh hoàn toàn có thể bị giải thể. Câu chuyện về nợ lương, thưởng, lót tay của các cầu thủ, khoản tiền 90 tỷ chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Sự thật, những mâu thuẫn giữa đơn vị chủ quản CLB và lãnh đạo địa phương đã khiến cho cả VFF lẫn VPF đều không dễ có phương án giải quyết nếu sự việc đi vào ngõ cụt.

Không ai có thể dạy các đại gia về cách làm kinh doanh, cho dù là những bài toán đơn giản nhất như “không bỏ trứng vào cùng một giỏ”. Nhưng với Than Quảng Ninh, mọi chuyện đang đi đúng theo hướng đó. Chỉ với số ít các đơn vị tài trợ chiếm ưu thế chi phối, bất cứ sự ngoảnh mặt nào, khó khăn nào cũng đồng nghĩa với nguy cơ vỡ trận. Ở đây, chúng ta đang nói đến sự “chuyên nghiệp” như một gánh nặng mà V-League đang phải gánh, chứ không phải là vòng nguyệt quế của những chế tài khoa học của bóng đá đỉnh cao.

Trong quá khứ, người hâm mộ từng háo hức và ủng hộ với những tuyên bố mạnh mẽ về việc bỏ giải vì tiêu cực của các CLB hàng đầu Việt Nam. Nhưng sẽ thật đáng sợ nếu sự bỏ cuộc ấy, những nỗi đau ấy lại nằm ở cơ chế rối rắm, thiếu minh bạch, và thiếu cả trách nhiệm của những bên liên quan. Tiền lệ đã có không chỉ 1 lần! Là Xi Măng The Vissai Ninh Bình năm 2014. Là Cà Mau năm 2015. Là những rắc rối ở Thanh Hóa 2018. Là số phận Đồng Nai chờ ý kiến… lãnh đạo tỉnh. Là những “ngọn nến” phập phù của An Giang, Kiên Giang hay Tây Ninh. Và bây giờ là Quảng Ninh. Điều gì đang diễn ra với lực lượng nguồn của bóng đá Việt Nam?

Trở lại với câu chuyện về Than Quảng Ninh, việc các cầu thủ trụ cột phải đăng đàn trên mạng xã hội để đòi hỏi quyền lợi đã tạo ra tranh cãi không nhỏ về cách quản lý, vận hành một nền bóng đá. Vai trò và trách nhiệm của các cơ quan thực thi nhiệm vụ đã không được thể hiện đúng lúc, khi lãnh đạo địa phương và lãnh đạo CLB không tìm được tiếng nói chung. Khác hẳn với các nền bóng đá phát triển, Việt Nam chưa hề có một Hiệp hội nào bảo vệ cho quyền lợi của cầu thủ dưới góc độ pháp lý. Việc nợ lương, thưởng, thái độ cư xử, hay cả những phán quyết một chiều của CLB chỉ thường nương theo “kẻ mạnh”. Nói thẳng ra là những ông bầu nắm quyền sinh sát, thậm chí sẵn sàng nắm cả chuyên môn lẫn cách vận hành CLB. Như một ông Vua 3 ngai: Chiến lược gia – Giám đốc kỹ thuật – Ông chủ chi tiền.

Đó là về lý thuyết được nhìn nhận trên thực tiễn. Còn về Luật, giải đấu cao nhất Việt Nam cũng quy định những thứ rất mơ hồ. Trong Quy chế cấp phép CLB chuyên nghiệp, một trong những quy định rất quan trọng lại được ghi không hề dễ hiểu: “Đơn vị xin cấp phép phải chứng minh được nghĩa vụ pháp lý và nghĩa vụ hợp đồng không có bất kỳ khoản phải trả quá hạn với các cơ quan thuế/tổ chức xã hội tại ngày 30 tháng 06 trước mùa giải, trừ trường hợp cho đến ngày 31 tháng 8”. Mâu thuẫn nằm ở chỗ, không ai kiểm soát được lộ trình từng phần và quy trình từng bước thanh toán của các CLB nếu nó nằm trong quy chế chi tiêu nội bộ. Điều này dẫn đến việc các cầu thủ Than Quảng Ninh bị nợ lương đến 8 tháng kể từ năm 2020 mà không biết kêu ai?!?

Thứ nhất, ngoài những khoản thưởng mang tính hình thức, động viên thành tích thi đấu, chắc chắn tỉnh Quảng Ninh sẽ không thể có trách nhiệm giải quyết khoản nợ khổng lồ với các cầu thủ.

Thứ 2, với vai trò chỉ là quản lý CLB, Công ty Cổ phần Khai thác khoáng sản vàng Hà Giang cũng có quyền tuyên bố không thể gánh cả trách nhiệm của các nhà tài trợ.

Thứ 3, VFF hay cả VPF hầu như không có đủ quyền hành để đưa sự việc đến viễn cảnh “đẹp” hơn, khi lá bài tài chính đã trở nên quá uy lực.

Vậy thì cuối cùng, tất cả có vẻ đang đi tới một ngõ cụt. Không chỉ với Quảng Ninh, “ngọn nến” run rẩy nhận 4 bàn thua trong cơn gió lạnh tại Hàng Đẫy. Mà còn cho những đội bóng khác, nếu mọi thứ vẫn y nguyên…

 

 


Yến Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực