Thu phí giao thông vào nội đô: Cần cân nhắc kỹ!

Thứ hai, 01/11/2021 14:36
(ĐCSVN) - Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến thu phí ô tô vào nội thành ở một số tuyến đường thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Thông tin này tuy không mới nhưng lại gây sự chú ý của dư luận xã hội với nhiều ý kiến trái chiều. Do đó, thiết nghĩ cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi triển khai thực hiện.
Ùn tắc giao thông đã như một căn bệnh kinh niên của các đô thị lớn. (Ảnh minh họa/PV).

Ùn tắc giao thông đã như một căn bệnh kinh niên của các đô thị lớn, trong khi các phương tiện giao thông công cộng còn rất hạn chế và lượng xe cá nhân tiếp tục tăng lên, thì giải pháp chống ùn tắc cần phải được đặt ra cấp thiết. Vì vậy, cuối tuần qua, cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đồng loạt khởi động kế hoạch về việc lập dự án thu phí ôtô vào khu trung tâm trong giờ cao điểm.

Theo đó, tại Hà Nội mức thu phí thấp nhất để bù đắp chi phí đầu tư, quản lý, vận hành khoảng 50.000 đồng mỗi lượt. Tuy nhiên, với nguyên tắc mức phí đủ tác động điều chỉnh hành vi người tham gia giao thông và căn cứ vào mức chi trả của người dân hiện nay đề án đưa ra mức phí cao nhất 100.000 mỗi lượt. Dự kiến thời gian thu phí xe từ 5 đến 21h hằng ngày, chia ra các khung giờ cao điểm và thấp điểm. Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị đề xuất lập dự án thu phí ôtô vào trung tâm khung giờ cao điểm 6h-9h và 15h-19h, mức phí tạm tính 40.000-70.000 đồng, không thu chiều ra.

Trước đó, cả hai thành phố lớn này cũng đã đưa ra một số giải pháp để giảm ùn tắc giao thông như tính biển số chẵn lẻ để đi theo ngày chẵn lẻ nhằm hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Nhưng cuối cùng đến nay các phương án này không thành công…

Nói về các kế hoạch thu phí này, nhiều ý kiến cho rằng, để mua một chiếc ô tô thì họ phải gánh rất nhiều thứ thuế, phí, giờ lại chịu thêm phí ra vào trung tâm nữa thì “phí chồng phí”. Và cũng giống như BRT hoặc tăng phí gửi xe nội đô để giảm ùn tắc - dân mất thêm tiền, tắc vẫn hoàn tắc. Mặt khác, vào giờ cao điểm, rất ít người đi chơi, chủ yếu là cán bộ, nhân viên… đi làm. Việc người dân phải "cõng" thêm khoản phí nếu muốn vào nội đô là bất hợp lý, gây ảnh hưởng tới an sinh xã hội.

TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng: Việc thu phí vào nội đô sẽ đi ngược chủ trương giãn dân mà chúng ta đang thực hiện. Nếu thu phí thì dân sẽ quay lại mua nhà bên trong thành phố, tập trung đông đúc thì còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực hơn.

Còn theo thạc sĩ Vũ Anh Tuấn - Phó trưởng bộ môn Quy hoạch và Quản lý giao thông vận tải, khoa Vận tải - Kinh tế, Trường đại học Giao thông vận tải, bản chất của việc thu phí xe vào khu vực nội đô không phải là thu phí tăng ngân sách. Đây là giải pháp kinh tế để điều tiết giao thông, để người đi xe cá nhân chuyển sang phương tiện công cộng hoặc hạn chế chuyến đi không cần thiết vào khu vực hay ùn tắc.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, để giảm ùn tắc cùng với việc áp dụng một số biện pháp hạn chế ô tô cá nhân thì trước hết phát triển các phương tiện giao thông công cộng phải đáp ứng được nhu cầu thì mới nên triển khai. Bởi về nguyên tắc, khi hạn chế cái này thì phải có cái kia thay thế, để người dân lựa chọn. Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh mới đáp ứng được khoảng 17%, còn Hà Nội vào khoảng 21%. Trong khi đó quỹ đất giao thông đô thị còn thấp, kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ theo quy hoạch… Vì vậy, cần đầu tư để mở rộng thêm cơ sở hạ tầng cho lĩnh vực giao thông. Để thực hiện được việc thu phí vào nội đô thì giao thông công cộng phải đáp ứng từ trên 30% nhu cầu đi lại.

Mặt khác, để giảm ùn tắc giao thông cần một nhóm các giải pháp đồng bộ. Trong đó, không nên xây dựng thêm chung cư và phải nhanh chóng di dời dần các trường đại học ra khỏi nội đô, cải thiện cơ sở hiện có… thì mới mong giảm được ùn tắc…Chứ việc Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến thu phí ô tô vào trung tâm thành phố cũng chỉ là một biện pháp.

Đó là chưa nói đến việc, một số chuyên gia cũng nhấn mạnh đến yếu tố về mặt nghiên cứu, đánh giá cần chỉ rõ cơ sở của việc đưa ra mức phí. Phải nghiên cứu thật kỹ, xem lại chi phí lợi ích của việc người sử dụng phương tiện cá nhân với người sử dụng phương tiện công cộng. Bởi vì giá thu của các dịch vụ này phụ thuộc vào giá dịch vụ công, chi phí lợi ích mang lại khi mà chúng ta thực hiện những biện pháp quản lý.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi dịch bệnh còn ảnh hưởng nặng nề, gây ra gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân, cơ quan chức năng không nên “đánh vào túi tiền” của họ để tranh gây thêm “gánh nặng”. Nên chăng phải chờ đến khi nền kinh tế phục hồi, “sức khoẻ” của doanh nghiệp, người dân tốt hơn thì mới nên tính đến các loại thuế phí… Chứ trong lúc tất cả đang phải "thắt lưng buộc bụng" thì việc phải trả thêm khoản phí này thì ảnh hưởng đáng kể đến đời sống.

Còn đối với những người ủng hộ việc thu phí ô tô vào nội đô thì họ cho rằng, đây là biện pháp cần thiết  nhằm hạn chế ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, họ vẫn đề nghị cùng với việc phát triển phương tiện công cộng thì cần phải có lộ trình rõ ràng và đặc biệt phải minh bạch kế hoạch thu, phương án thu, số tiền thu được sử dụng vào mục đích gì? Phải tính toán mức phí thu sao cho phù hợp. Đặc biệt cần phải công khai, minh bạchvà  khoản phí thu được chỉ dùng cho công tác chống ùn tắc. Do đó, phí thu được cần dùng một phần tái đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông công cộng để cân bằng lợi ích…/.

Nam Khánh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực