Xây dựng chính sách cần tôn trọng quy luật thị trường

Thứ năm, 30/09/2021 16:03
(ĐCSVN) - Những khó khăn chưa từng có trong lịch sử hàng không thế giới do sự ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 đòi hỏi phải tháo gỡ bằng những giải pháp chưa từng có tiền lệ. Đối với ngành hàng không Việt Nam, một trong những giải pháp mới được đề xuất là quy định sàn giá vé máy bay nội địa. Tuy đây chỉ là chính sách mang tính khẩn cấp và cũng chỉ áp dụng trong ngắn hạn, song đã vấp phải không ít sự phản ứng của các bên liên quan.​
 Cơ hội bay sẽ ít dần với nhiều người khi áp giá sàn vé máy bay (Ảnh: M.P)

Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã hoàn tất giai đoạn lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, áp dụng từ ngày 1/11/2021 đến hết 31/10/2022.

Dựa vào chi phí bình quân/ghế cung ứng chặng bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh năm 2019 của các hãng hàng không là 1.511.249 đồng (bằng 47% so giá trần), Cục Hàng không Việt Nam đề xuất quy định giá tối thiểu cho vé máy bay nội địa bằng 20% mức giá trần vé máy bay phổ thông và bằng 43% chi phí bình quân khai thác. Các đường bay Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh hay Đà Lạt sẽ có giá thấp nhất 640.000 đồng/chiều (chưa gồm thuế, phí). Đường bay Hà Nội đi Cần Thơ/Phú Quốc/Côn Đảo có giá tối thiểu 750.000 đồng/chiều (chưa gồm thuế phí)…

Theo Cục Hàng không Việt Nam, việc đề xuất áp sàn giá vé máy bay là giải pháp mang tính chất tình huống, chỉ áp dụng trong thời gian ngắn và được cân nhắc trên cơ sở bảo đảm hài hoà lợi ích giữa người tiêu dùng, các hãng hàng không và Nhà nước. Trên thế giới, một số quốc gia cũng ban hành chính sách áp dụng giá tối thiểu đối với vé máy bay như một công cụ để điều tiết thị trường hàng không.

Đề xuất áp sàn giá vé máy bay được đưa ra tại thời điểm này, được cho là  nhằm chấm dứt “cuộc đua xuống đáy” đang trở nên trầm trọng kể từ khi xảy ra dịch COVID-19. Về bản chất, đây là công cụ chống bán phá giá, chống giảm giá vé dưới chi phí. Khung giá sàn và trần tại dự thảo thông tư vẫn tạo điều kiện để các hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách; góp phần giảm bớt khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam nói chung, đặc biệt giảm nguy cơ dẫn đến phá sản của Vietnam Airlines (hãng hàng không quốc gia).

PGS TS Nguyễn Hồng Thái, Phó trưởng khoa Vận tải - Kinh tế, Đại học Giao thông vận tải phân tích, việc giảm giá vé máy bay quá mạnh trong bối cảnh các hãng hàng không gặp áp lực lớn về tài chính chính có thể gây ra sự sụt giảm doanh thu trầm trọng, thậm chí đẩy hãng hàng không vào nguy cơ phá sản nếu doanh thu không đủ bù đắp chi phí hiện hữu. Trong ngắn hạn, một bộ phận người tiêu dùng có thể được hưởng lợi khi giá vé giảm nhưng trong dài hạn, nếu diễn ra tình trạng độc quyền dù chỉ ở một vài phân khúc, doanh nghiệp sẽ phải tăng mạnh giá bán để bù đắp tổn thất. Và khi đó, người tiêu dùng sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi.

Về phía các hãng hàng không, đã có 3/5 hãng đồng thuận với phương án quy định sàn giá vé máy bay, gồm: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific (doanh nghiệp mà Vietnam Airlines nắm cổ phần chi phối) và Bamboo Airways.

Thừa nhận mặt hạn chế của chính sách này là chi phí và dịch vụ cung ứng của các hãng bay không cùng một mặt bằng sẽ gây khó khăn cho việc xác định mức giá tối thiểu áp dụng chung cho cả thị trường song Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đây là chính sách mang tính khẩn cấp, chỉ áp dụng trong ngắn hạn.

Đề xuất này đã vấp phải sự phản ứng không nhỏ từ các bên liên quan. Đơn cử, Hãng hàng không giá rẻ Vietjet thẳng thắn kiến nghị, không quy định giá sàn vé máy bay trên các đường bay nội địa.

Lý do là giá sàn sẽ tạo ra nhiều bất cập và tác động tiêu cực như: không phù hợp quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, các cam kết thương mại quốc tế mà Việt Nam là thành viên; không bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng và quyền tiếp cận, thụ hưởng những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế trong xã hội; không bảo đảm thúc đẩy sự phục hồi của thị trường vận chuyển hàng không, không thúc đẩy sự phục hồi của các thị trường cung cấp hàng hóa dịch vụ có liên quan trực tiếp đến vận chuyển hàng không trong và sau đại dịch COVID-19.

Thực tế, ngay cả những người không hẳn thiếu tiền nhưng họ vẫn có thói quen lên kế hoạch và mua vé trước để tiết kiệm chi phí. Thậm chí, rất nhiều người chọn đã chọn “bay đêm”... để tranh thủ thời gian di chuyển và có được giá tốt. Những tình huống trên đã tạo ra những bài toán thị trường rất thú vị và tăng sức hấp dẫn, sôi động cho thị trường hàng không. Đó là bài toán lấp đầy các chỗ ngồi trên những chuyến bay, tăng công suất, bảo đảm chuyến bay có lãi.

Và hàng loạt câu hỏi đã được dư luận đặt ra.

Tại sao quản lý nhà nước lại can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong khi cơ chế thị trường sẽ tự điều chỉnh?

Phải chăng chính sách này được xây dựng chỉ để làm phao cứu sinh cho các doanh nghiệp hạn chế về năng lực cạnh tranh, nhưng lại có được sự ưu ái đặc biệt nào đó?

Và nếu doanh nghiệp chứng minh được với chương trình khuyến mãi giá thấp như vậy họ vẫn bảo đảm có lời và không gây nhiễu thị trường thì tại sao họ lại không có quyền hạ giá sản phẩm?

Thực tế, bản thân các doanh nghiệp hàng không phải có những chính sách phát triển, kích thích nhu cầu tiêu dùng riêng phù hợp nhất và dòng vé “0 đồng”, vé giá rẻ đã ra đời với vai trò như vậy.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, một khi vẫn còn quản lý theo kiểu bao giá sàn thì chúng ta sẽ triệt tiêu cơ chế thị trường, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Vậy nên, dư luận cho rằng, đề xuất áp dụng giá sàn vé máy bay của Cục Hàng không đồng nghĩa với giá vé máy bay rẻ sẽ không còn. Việc áp giá sàn vé máy bay sẽ tạo rào cản đối với người cần đi máy bay với chi phí thấp. Thậm chí, nó cũng chẳng khác nào buông một lời cự tuyệt bố phũ phàng: muốn rẻ thì đừng đi máy bay, hãy quay về đi xe lửa, xe buýt đi!

Và như thế cơ hội cho doanh nghiệp mới, hãng hàng không mới ra đời không còn. Khi thiếu tính cạnh tranh, những thương hiệu tồn tại lâu năm trên thị trường chắc chắn có được nhu cầu thiếu sự tự do lựa chọn của người tiêu dùng. Nếu áp dụng giá sàn vé máy bay, các hãng hàng không mới chỉ còn biết ngồi đợi đến lượt mình được phục vụ khi các “ông lớn” đã kín ghế.

Vậy cơ hội nào cho doanh nghiệp tham gia thị trường sau? Và đương nhiên sẽ thiếu vắng sự xuất hiện của các chương trình khuyến mãi ra đời để kích cầu thị trường, tăng thêm cơ hội lựa chọn và cả sự công bằng trong kinh doanh.

Đến một lúc nào đó, doanh nghiệp phải có những dòng sản phẩm khác nhau, đa dạng đối tượng khách hàng để xác định thị phần, khách hàng mục tiêu với cơ cấu dịch vụ chủ động thay đổi chứ không thể trông chờ sự can thiệp mang tính áp đặt của cơ quan quản lý.

Thậm chí, cuộc tranh luận về vấn đề này đã được đưa ra bàn thảo tại “Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội” do Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chúc mới đây.

Lý giải cho đề xuất áp giá sàn, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airline cho biết, thực tế hiện nay, tất cả các hãng hàng không đều không bay được. Toàn bộ hãng hàng không của Việt Nam có khoảng 250 máy bay đang đậu ở tất cả các sân bay Việt Nam, thậm chí còn không có chỗ đậu. Vì thế, bất kỳ khi nào thị trường có khả năng bay, các hãng hàng không đều cho máy bay bay và đưa ra giá vé chủ yếu để đỡ hỏng máy bay. Giá vé còn thấp hơn giá vé xăng dầu của một chuyến bay. Tuy nhiên, các hãng vẫn phải bay vì nếu không bay thì không có chỗ đậu, không bay thì gọi là máy bay hỏng và có ít dòng tiền để trợ giúp hãng hàng không.

Ông Hòa cho rằng, nếu các hãng hạ giá vé máy bay chỉ thấp hơn cả giá vé xăng dầu của một chuyến bay thì ảnh hưởng đến chi phí về an toàn hàng không là rất lớn. Nếu có sự cố an toàn xảy ra thì không chỉ từng hãng bị đâu, mà ảnh hưởng toàn bộ quốc gia. Bên cạnh đó, nếu giá vé máy bay thấp thì tất cả các hãng hàng không đều “yếu”. Chúng tôi rất lo ngại sau khi dịch phục hồi thì sức khỏe của các hãng hàng không không đủ để cạnh tranh với nhau, chứ chưa nói gì chuyện ra khu vực và quốc tế.

Thừa nhận giá vé máy bay sẽ ảnh hưởng tới việc đi lại của hành khách, song ông Hoà cho rằng nếu các hãng hàng không phá sản thì cũng ảnh hưởng chung đến nguồn lực xã hội.

Trong khi đó, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thẳng thắn chỉ rõ, quan điểm áp giá vé máy bay như vậy là không công bằng!

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nếu hàng không áp giá như vậy thì bằng chính sách, chúng ta có thể giết chết một số hãng hàng không. Trong khi, việc xây dựng, ban hành chính sách phải rất cân nhắc để không tạo ra bất bình đẳng, không tạo ra những điều khoản bất hợp lý cho nền kinh tế.

Dẫn câu chuyện giá sàn vé máy bay như một thí dụ trong việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh còn hạn chế, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) TS Cấn Văn Lực cho rằng, việc đề xuất áp giá sàn vé máy bay có nhiều ý kiến không đồng thuận vì cho rằng, áp giá như vậy là vi phạm pháp luật về giá, đồng thời cũng vi phạm cả luật doanh nghiệp vừa thông trong đó có nguyên tắc quan trọng là bình đẳng giữa các doanh nghiệp với nhau.

Thiết nghĩ, với sự nhất quán và nỗ lực từng bước xây dựng, hướng tới nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của toàn Đảng, toàn dân, một môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, công bằng và minh bạch đang dần hiện hữu. Trong vấn đề cụ thể của ngành hàng không, Nhà nước chỉ nên can thiệp khi các dòng vé rẻ có những bộc lộ bất thường, giá bán thấp gây ra những xáo trộn, rắc rối và chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp đó phá hỏng hình ảnh của các ngành hàng không, đem lại trải nghiệm bất tiện cho khách hàng, rủi ro cao. Vì lúc đó, những chiếc vé giá rẻ bất thường kia đã ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng, thiệt hại uy tín của cả ngành.

Việc can thiệp của cơ quản lý là nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, định hướng cho thị trường phát triển lành mạnh. Ngay lúc này bài toán về giá tốt là yếu tố tiên quyết để hồi phục thị trường. Dịch COVID-19 đã làm kiệt quệ tài chính cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng, ngay lúc này nhu cầu đi lại cũng chưa hồi phục, cả thị trường đang từng bước thận trọng tìm cách kích cầu, khuyến khích khách lên đường. Song những nỗ lực này lại đón nhận đề xuất áp giá sàn vé máy bay thì chẳng khác gì mở cửa nhưng chặn đường tiếp cận cơ hội sử dụng dịch vụ giá rẻ của khách hàng?

Chính vì vậy, việc xây dựng chính sách giá trong hàng không cần tôn trọng theo quy luật thị trường, quan hệ cung - cầu, cần bảo đảm cạnh tranh lành mạnh và phát triển thị trường một cách bền vững, tạo tiền đề cho các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế trong tương lai./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực