|
 |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân tham quan Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Armenia. |
Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại, Trung tướng Lê Tấn Tới; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình; Phó Bí thư Đảng ủy Quốc hội Vũ Hải Hà; Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương; Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ; Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng Lê Tiến Châu và Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga, kiêm nhiệm Armenia Đặng Minh Khôi; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Thu Hà…
|
 |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân tham quan Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Armenia. |
Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Armenia Davit Poghosyan nồng hậu chào đón Chủ tịch Quốc hội và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm chính thức Cộng hòa Armenia; bày tỏ vinh dự được đón Chủ tịch Quốc hội và Phu nhân cùng Đoàn đến thăm Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Armenia.
Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Armenia trân trọng giới thiệu với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và Phu nhân và các thành viên trong Đoàn một số nét nổi bật về quy mô, cách thức tổ chức các sự kiện văn hóa, triển lãm quy mô lớn, qua đó giới thiệu đến công chúng Armenia và du khách quốc tế các bộ sưu tập phong phú và đặc sắc về lịch sử đất nước, con người Armenia.
|
 |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi sổ vàng lưu niệm tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Armenia. |
Chủ tịch Quốc hội và Phu nhân cùng các thành viên Đoàn cũng nghe giới thiệu tổng quan lịch sử phát triển qua nhiều giai đoạn của đất nước Armenia. Bảo tàng hiện đang lưu giữ bộ sưu tập đồ sộ với hàng chục nghìn hiện vật, bao gồm các phát hiện khảo cổ, tài liệu lịch sử, nghệ thuật dân gian, thủ công mỹ nghệ, trang phục truyền thống…, phản ánh lịch sử và văn hóa của Armenia.
Tại đây, ghi sổ vàng lưu niệm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn viết: “Hôm nay, tôi và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam rất vui mừng được đến thăm Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Armenia - nơi lưu giữ những giá trị lịch sử và văn hóa quý báu của dân tộc Armenia anh hùng. Qua từng hiện vật, tôi cảm nhận sâu sắc bề dày truyền thống, tinh thần bất khuất và bản sắc độc đáo của đất nước Armenia qua hàng nghìn năm lịch sử”.
|
 |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tặng quà lưu niệm cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Armenia. |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nêu rõ, chuyến thăm chính thức Armenia lần này của Đoàn không chỉ là cơ hội để tìm hiểu thêm về Armenia mà còn là dịp để thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa Việt Nam và Armenia - mối quan hệ được xây đắp bởi sự tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau và những giá trị chung về hòa bình, phát triển.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ tin tưởng, với nền tảng lịch sử vững chắc và khát vọng vươn lên, hai dân tộc Việt Nam và Armenia sẽ tiếp tục cùng nhau viết nên những chương mới trong hợp tác và đoàn kết.
|
 |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân tham quan Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Armenia. |
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và nhân dân Armenia về sự đón tiếp nồng hậu; chúc Armenia ngày càng thịnh vượng và tình hữu nghị Việt Nam - Armenia ngày càng phát triển.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Armenia nằm trên Quảng trường Cộng hòa ở Yerevan, là một trong những bảo tàng quan trọng nhất của đất nước, lưu giữ và trưng bày hơn 400.000 hiện vật phản ánh lịch sử và văn hóa Armenia từ thời tiền sử đến hiện đại.
Được thành lập từ năm 1919 và mở cửa đón khách vào năm 1921, Bảo tàng ban đầu có tên Bảo tàng Dân tộc học - Thư viện. Qua nhiều lần đổi tên, từ năm 2003 đến nay, Bảo tàng chính thức được đổi tên thành Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Armenia.
Bộ sưu tập ban đầu của Bảo tàng gồm 15.289 hiện vật, được thu thập từ Hiệp hội Dân tộc học Armenia, Bảo tàng Cổ vật Ani và Kho lưu trữ các bản thảo cổ của Vagharshapat. Ngoài vai trò là trung tâm trưng bày, Bảo tàng còn là cơ quan nghiên cứu, giáo dục và bảo tồn di sản văn hóa quốc gia. Với những giá trị và hiện vật như vậy, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Armenia không chỉ là nơi lưu giữ quá khứ, mà còn là cây cầu nối giữa lịch sử và hiện tại, giữa văn hóa truyền thống và thế giới đương đại.