19 tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội thêm 14 ngày

Thứ bảy, 31/07/2021 20:49
(ĐCSVN) - 19 tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội thêm 14 ngày; Việt Nam ghi nhận 8.624 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 31/7; Quách Thị Lan ghi dấu ấn lịch sử cho điền kinh Việt Nam tại Olympic; CDC Mỹ công bố phát hiện mới nhất về biến chủng Delta…là một số nội dung đáng chú ý trong ngày 31/7.

19 tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội thêm 14 ngày

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Công điện 1063/CĐ-TTg về phòng, chống dịch COVID-19 gửi: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, thực chất, hiệu quả các biện pháp cụ thể phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã ban hành trong thời gian qua.

leftcenterrightdel

19 tỉnh, thành phía Nam tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày  (Ảnh minh họa)

Các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg phải thực hiện nghiêm, nhất quán theo phương châm chỉ có thể thực hiện cao hơn, sớm hơn, phù hợp theo tình hình thực tiễn tại địa phương; tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”; tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/7/2021 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép).

Thủ tướng yêu cầu, các địa phương tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày (kể từ ngày kết thúc giãn cách xã hội theo Công văn số 969/TTg-KGVX) đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2021. Những tỉnh sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nếu đã kiểm soát được dịch bệnh có thể nới lỏng giãn cách theo từng khu vực trong nội bộ tỉnh. Đối với khu vực liên tỉnh thì phải có thỏa thuận, thống nhất với các tỉnh liên quan và phải báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVD-19 trước khi quyết định.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh, giữ vững thành quả chống dịch, không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn; đồng thời phối hợp, hỗ trợ, chi viện phù hợp cho TP. Hồ Chí Minh và các địa phương đang có dịch diễn biến phức tạp; vận động, kêu gọi, kiểm soát người dân ở TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội không được rời địa bàn, tiếp tục ở lại theo tinh thần giãn cách “ai ở đâu ở đấy”.

Ngày 31/7, Việt Nam ghi nhận 8.624 ca mắc mới COVID-19

Liên quan tới số ca mắc COVID-19 của Việt Nam trong ngày 31/7, theo thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 6h đến 19h ngày 31/7, Việt Nam ghi nhận thêm 4.564 ca mắc COVID-19, nâng tổng số mắc trong ngày lên 8.624 ca, trong đó TP. Hồ Chí Minh có 4.180 ca. Trong ngày có 3.250 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

leftcenterrightdel

Ngày 31/7, Việt Nam ghi nhận 8.624 ca mắc mới Covid-19 (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Cụ thể,  trong tổng số 8.624 ca mắc mới, có 4 ca nhập cảnh và 8.620 ca ghi nhận trong nước.  Số ca mắc tại các địa phương như sau: TP. Hồ Chí Minh (4180), Bình Dương (2075), Long An (544), Đồng Nai (456), Khánh Hoà (335), Đồng Tháp (146), Tiền Giang (123), Bà Rịa - Vũng Tàu (115), Bình Thuận (75), Cần Thơ (72), Tây Ninh (72); Phú Yên (58), Đà Nẵng (55), Vĩnh Long (48), Hà Nội (46), Đắk Lắk (32), Bình Định (28), Hậu Giang (19), Kiên Giang (16), Bình Phước (14), Thừa Thiên Huế (13), Nghệ An (13), Gia Lai (13), Đắk Nông (12), Sơn La (10), Quảng Nam (10), Ninh Thuận (5), Thanh Hoá (5), Quảng Trị (4), Hà Tĩnh (4), Vĩnh Phúc (4), Lâm Đồng (3), Hà Nam (3), Hải Dương (3), Ninh Bình (2), An Giang (2), Kon Tum (1), Quảng Ngãi (1), Quảng Bình (1), Hải Phòng (1), Bạc Liêu (1) trong đó có 2.045 ca trong cộng đồng.

Như vậy, tính đến 19h ngày 31/7, Việt Nam có tổng cộng 145.686 ca mắc trong đó có 2.239 ca nhập cảnh và 143.447 ca mắc trong nước. Số ca mắc của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 141.877 ca, trong đó có 35.960 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Chỉ số UV cực đại trên cả nước ở mức nguy cơ gây hại rất cao

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 31/7, chỉ số tia cực tím (UV) cực đại tại các khu vực trên cả nước đều ở mức 8 - , mức có nguy cơ gây hại rất cao. Đặc biệt, tại thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) và Thành phố Hồ Chí Minh đạt đến mức trên 10 - mức nguy cơ gây hại rất cao. Từ ngày 31/7 - 2/8, chỉ số UV tại các thành phố được dự báo sẽ tiếp tục duy trì cao đến rất cao. Riêng Phú Quốc (Kiên Giang), chỉ số tia UV ở mức gây hại trung bình. Tại Sa Pa (Lào Cai và Quy Nhơn (Bình Định) chỉ số UV ở mức nguy cơ gây hại cao.

leftcenterrightdel
 Chỉ số UV cực đại trên cả nước ở mức nguy cơ gây hại rất cao (Ảnh minh họa)

Các thành phố có chỉ số tia UV cực đại ở mức nguy cơ gây hại rất cao (7,5 - 10,4) gồm: thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) ở mức 8,9, Thủ đô Hà Nội ở mức 9.1, thành phố Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) ở mức 10,2, thành phố Đà Nẵng ở mức 8,7, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) ở mức 8,2. Nắng nóng kết hợp với chỉ số tia UV gây hại cao ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dân, nhất những người phải làm việc ngoài trời, tại nơi có nhiệt độ nóng bức, đặc biệt là với các y, bác sỹ, lực lượng phòng, chống dịch COVID-19.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng chống các tác hại của nắng nóng, người dân không nên làm việc quá lâu, đi lại, tránh các hoạt động thể lực quá sức trong môi trường nóng bức. Sau mỗi giờ làm việc, người lao động nên nghỉ giải lao khoảng 15 phút; luôn trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng khi lao động, đi lại, làm việc ngoài trời nắng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng là cấp 1.

Quách Thị Lan ghi dấu ấn lịch sử cho điền kinh Việt Nam tại Olympic

Sáng 31/7, Quách Thị Lan bước vào tranh tài ở vòng loại 400m rào nữ. VĐV Việt Nam về đích thứ 5 của lượt chạy thứ 3 với thời gian 55 giây 71, nhưng được đôn lên hạng 4 do VĐV Leah Nugent phạm quy. Theo quy định, 4 VĐV dẫn đầu mỗi lượt chạy sẽ giành vé vào bán kết. Như vậy, Quách Thị Lan trở thành vận động viên đầu tiên của điền kinh Việt Nam góp mặt ở bán kết một kỳ Thế vận hội, không tính các nội dung thi luôn chung kết.

leftcenterrightdel
 Quách Thị Lan ghi dấu ấn lịch sử cho điền kinh Việt Nam tại Olympic (Ảnh: Reuters)

Ngay sau khi về đích, Quách Thị Lan cho biết hôm nay cô nhập cuộc với tâm trạng không bị áp lực. Bên cạnh đó, việc được thi đấu với các VĐV hàng đầu thế giới cũng là một trải nghiệm đầy thú vị đối với nữ VĐV Việt Nam. "Tôi sẽ quyết tâm hơn ở lượt chạy bán kết. Được chạy với 24 VĐV hàng đầu thế giới là vinh dự lớn với tôi. Việc được có mặt và thi đấu tại Olympic Tokyo 2020 đã giúp tôi có cơ hội học hỏi, hoàn thiện hơn và đặc biệt là rèn luyện bản lĩnh thi đấu", VĐV của đội tuyển điền kinh cho biết.

Thông số 55 giây 71 là thành tích tốt thứ 2 trong sự nghiệp của Lan ở nội dung này, chỉ sau kỷ lục cá nhân 55 giây 30 lập tại Asian Games 2018. Theo lịch thi đấu bán kết, Quách Thị Lan sẽ chạy ở làn 3 lượt đầu tiên lúc 18h35 ngày 2/8. Trước đây, điền kinh Việt Nam từng có Vũ Thị Hương tham dự 100m nữ tại Olympic Bắc Kinh 2008 (Trung Quốc) nhưng đã dừng bước ở tứ kết. Nguyễn Đình Cương (800m nam, Bắc Kinh 2008), Nguyễn Thị Huyền (400m, 400m rào, Rio 2016) cũng từng tham dự nhưng đều dừng chân ở vòng sơ loại đầu tiên.

CDC Mỹ công bố phát hiện mới nhất về biến chủng Delta

Biến thể Delta sản sinh ra lượng virus như nhau ở những người đã tiêm vaccine và những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19, là kết quả một nghiên cứu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, công bố 30/7.

leftcenterrightdel
 CDC Mỹ khuyến nghị người dân về việc đeo khẩu trang dù đã tiêm vaccine (Ảnh: AFP)

Với kết quả này, giới chức y tế liên bang Mỹ điều chỉnh khuyến nghị rằng những người đã được tiêm đủ hai mũi vaccine vẫn nên đeo khẩu trang khi ở trong không gian kín. Theo các chuyên gia, vaccine sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, nếu một người đã tiêm vaccine mà vẫn nhiễm bệnh thì nguy cơ họ lây cho người khác vẫn cao như ở những người chưa được tiêm vaccine. Giám đốc CDC Mỹ, Tiến sỹ Rochelle Walensky cho biết việc phát hiện ra rằng biến thể Delta sinh ra lượng virus tương tự ở người đã tiêm đầy đủ vaccine và người chưa tiêm vaccine là một phát hiện quan trọng khiến CDC Mỹ phải điều chỉnh khuyến nghị về việc đeo khẩu trang. “Khuyến cáo về việc đeo khẩu trang đã được cập nhật nhằm đảm bảo người dân không vô tình truyền virus cho người khác, bao gồm cả những người thân của họ chưa được tiêm vaccine hoặc bị suy giảm miễn dịch" - Tiến sỹ Rochelle Walensky cho biết.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy, vaccine phòng COVID-19 vẫn phát huy tác dụng với biến thể Delta, làm giảm sự lây lan của virus. Hơn nữa, khả năng những người đã được tiêm chủng phải nhập viện điều trị cũng thấp hơn./.

KS (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực