23 người đã thiệt mạng trong vụ cháy tại Bình Dương

Thứ tư, 07/09/2022 20:49
(ĐCSVN) - 23 người đã tử nạn trong vụ cháy tại Bình Dương; Quy định mới nhất về đeo khẩu trang chống COVID-19 tại nơi công cộng; Công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh "chây ỳ" nộp thuế hàng trăm tỷ đồng; "Kinh tế Nga vẫn đứng vững trước lệnh trừng phạt của phương Tây";… là những tin đáng chú ý ngày 7/9.

23 người tử nạn trong vụ cháy tại Bình Dương

Đến 17 giờ chiều ngày 7/9, lực lượng cứu hộ, cứu nạn tiếp tục đưa ra ngoài nhiều thi thể nạn nhân tử vong trong vụ cháy tại quán karaoke An Phú (phường An Phú, TP Thuận An), tỉnh Bình Dương. Các lực lượng đã tìm kiếm được tổng cộng 23 thi thể trong vụ cháy; công tác tìm kiếm vẫn chưa dừng lại. Lực lượng cứu hộ cứu nạn vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân trước khi trời tối.

 Lực lượng chức năng tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân. (Ảnh: Thảo Nguyễn).

Trước đó, UBND tỉnh Bình Dương đã công bố nguyên nhân ban đầu của vụ cháy là do chập điện tại một phòng hát, sau đó lan nhanh khiến nhiều người hoảng loạn rồi ngạt khói.

Tại nhà xác của bệnh viện, thân nhân các nạn nhân vẫn đang chờ để nhận dạng thi thể nhưng do các thi thể bị cháy xém nên rất khó nhận biết. Nhiều người phải chờ kết quả xét nghiệm AND để xác định người thân.

Thực tế từ đầu năm 2022 đến nay, tại nhiều địa phương trên cả nước đã xảy ra hàng loạt vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng về cả người và vật chất. Điều này đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các thành phố lớn, nhất là ở các khu vực tập trung đông dân cư.

Bộ Y tế ban hành Quy định mới nhất về đeo khẩu trang chống COVID-19 tại nơi công cộng

Ngày 7/9, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định “Hướng dẫn sử dụng khẩu trang phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi công cộng”. Theo đó tất cả người dân, trừ trẻ em dưới 5 tuổi ở khu vực công bố cấp độ dịch mức độ 3, 4 phải đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng.

Bộ Y tế khẳng định, việc sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng là một biện pháp dự phòng cá nhân góp phần làm giảm sự lây lan của dịch COVID-19 trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe người dân nhất là đối tượng nguy cơ cao như người có bệnh lí nền, người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch, người béo phì.

Theo hướng dẫn, nơi công cộng được hiểu là nơi phục vụ chung cho nhiều người tại những địa điểm có không gian kín như rạp hát, rạp chiếu phim, vũ trường, nhà hàng,... hoặc các địa điểm có không gian mở như sân vận động, công viên, đường phố, bến xe,...

 Bộ Y tế ban hành quy định mới về đeo khẩu trang chống COVID-19 tại nơi công cộng. (Ảnh minh họa).

Bộ Y tế quy định, các trường hợp bắt buộc phải sử dụng khẩu trang áp dụng chung với người có biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19; tất cả các đối tượng (trừ trẻ em dưới 5 tuổi) khi đến nơi công cộng thuộc khu vực đã được công bố cấp độ dịch ở mức độ 3 hoặc mức độ. Việc áp dụng đeo khẩu trang với các trường hợp cụ thể áp dụng như sau:

Tại cơ sở y tế; nơi cách li y tế; nơi lưu trú mà có người đang cách ly y tế hoặc đang theo dõi, giám sát y tế: áp dụng với tất cả các đối tượng (trừ những người cách li ở trong phòng đơn; người bị suy hô hấp, người bệnh đang phải thực hiện thủ thuật y tế theo chỉ định của bác sĩ, trẻ em dưới 5 tuổi).

Đối với nhân viên y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo Hướng dẫn về lựa chọn và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trong phòng, chống bệnh dịch COVID-19 tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được ban hành kèm theo Quyết định số 2171/QĐ-BYT ngày 05/8/2022 của Bộ Y tế.

Khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng (máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, tàu điện, phà, xe khách, xe buýt, taxi,...): áp dụng với hành khách; người điều khiển, người phục vụ trên phương tiện giao thông công cộng; nhân viên phục vụ, người quản lí, người lao động tại nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ khi tiếp xúc trực tiếp với hành khách.

Tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối: áp dụng với nhân viên phục vụ, người quản lí, người lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.

Tại nơi có không gian kín, thông khí kém (quán bar, vũ trường; karaoke; cơ sở dịch vụ xoa bóp, làm đẹp; phòng tập thể dục, thể hình; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phục vụ tại chỗ; rạp chiếu phim, nhà hát, rạp xiếc, nhà thi đấu, trường quay): áp dụng với nhân viên phục vụ, người bán hàng, người quản lí, người lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.

Tại cơ sở văn hóa, du lịch, nơi tổ chức sự kiện tập trung đông người (các công trình di tích; bảo tàng, thư viện, triển lãm, nhà trưng bày; khu du lịch, khu vui chơi, giải trí; sự kiện văn hóa, thể dục, thể thao; lễ cưới, lễ tang, lễ hội, hội chợ): áp dụng với nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động, người bán hàng khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và người tham dự.

Tại nơi tiếp nhận hồ sơ, nơi giao dịch: áp dụng với nhân viên tiếp nhận hồ sơ, nhân viên giao dịch khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Các trường hợp khác ngoài các địa điểm, đối tượng đã quy định ở trên được khuyến khích sử dụng khẩu trang khi đến nơi công cộng.

Bộ Y tế đề nghị các Bộ, ban, ngành theo thẩm quyền, phạm vi quản lý tăng cường đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra việc tổ chức thực hiện hướng dẫn này. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện việc sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng theo Hướng dẫn này.

Người đứng đầu các tổ chức, cơ sở, địa điểm, khu vực được giao quản lý trong phạm vi áp dụng hướng dẫn chịu trách nhiệm việc tổ chức triển khai; đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra, giám sát; tuyên truyền, phổ biến và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người biết, thực hiện Hướng dẫn này. Trong trường hợp nhận thấy tại khu vực, địa điểm được giao quản lý chưa được đề cập ở trên mà có nguy cơ lây nhiễm thì người đứng đầu có trách nhiệm.

Có thể thấy, Quy định về đeo khẩu trang chống COVID-19 tại nơi công cộng do Bộ Y tế ban hành ngày 7/9 rất cụ thể, tỉ mỉ và phù hợp với những diễn biến mới nhất của tình hình dịch COVID-19. Đây cũng là cơ sở để các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác của người dân trong phòng, chống dịch bệnh nói chung và dịch COVID-19 nói riêng.

Công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh “chây ỳ” nộp thuế hàng trăm tỷ đồng

Ngày 7/9/2022, Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư - Cục Hải quan TPHCM vừa ký quyết định cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, địa chỉ: P.Bến Nghé, Quận 1, TPHCM, mã số thuế: 0301002561).

Theo đó, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh nợ thuế nội địa chây ỳ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định, với tổng số tiền trên 174,6 tỷ đồng.

Quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành trong thời hạn 1 năm kể từ ngày 8/9/2022. Quyết định chấm dứt hiệu lực kể từ khi tiền thuế nợ được nộp đủ vào ngân sách nhà nước.

Liên quan đến các doanh nghiệp thuộc “hệ sinh thái” của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, trước đó, Cục Thuế Hà Nội vừa công khai hơn 1.000 doanh nghiệp nợ thuế phí, nợ nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất với tổng giá trị hơn 1.420 tỷ đồng (kỳ khóa sổ ngày 28/2). Trong danh sách này có hai doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh với khoản nợ hơn 177 tỷ đồng - thuộc vào diện doanh nghiệp nợ lớn nhất đợt này.

Tổng thống Putin: "Kinh tế Nga vẫn đứng vững trước lệnh trừng phạt của phương Tây".

Hôm nay (7/9), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham gia phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Phương Đông - 2022, với chủ đề chính: "Trên đường đến một thế giới đa cực". Nhà lãnh đạo Nga khẳng định, kinh tế nước này đang đứng vững trước các lệnh trừng phạt của phương Tây.

 Tổng thống Nga Putin phát biểu tại phiên họp toàn thể- diễn đàn kinh tế Phương đông 2022. (Ảnh: VOV).

Phát biểu khai mạc phiên họp toàn thể, Tổng thống Nga Putin đã hoan nghênh tất cả những người tham gia và khách mời của Diễn đàn Kinh tế Phương Đông. Ông khẳng định, cuộc gặp tại Vladivostok là cơ hội tốt để một lần nữa đánh giá tình hình nền kinh tế toàn cầu và trao đổi quan điểm về các xu hướng chính và rủi ro chính của nó.

Tổng thống Putin nhắc nhớ rằng, tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông năm 2021, diễn ra sau khi buộc phải tạm dừng do dịch COVID-19 trong năm 2020, hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng đời sống kinh doanh trên thế giới bắt đầu phục hồi và với việc loại bỏ các hạn chế về covid, nó sẽ sớm trở lại bình thường. Tuy nhiên, dịch bệnh đã được thay thế bằng những thách thức khác, cũng mang tính chất toàn cầu, đe dọa toàn thế giới.

“Ý tôi là cơn sốt trừng phạt của phương Tây, những nỗ lực không che giấu, của họ nhằm áp đặt các mô hình hành vi lên các quốc gia khác, tước đoạt chủ quyền của họ và khuất phục họ theo ý muốn của mình. Nói một cách chính xác, không có gì bất thường trong việc này, đây là chính sách đã được phương Tây tập thể theo đuổi hàng chục năm nay", ông Putin nói.

Nhà lãnh đạo Nga cho rằng, tất cả những quyết định này đều đi ngược lại lợi ích của các quốc gia và dân tộc, bao gồm cả chính công dân của các quốc gia phương Tây. Khoảng cách giữa giới tinh hoa phương Tây và lợi ích của chính công dân của họ ngày càng gia tăng.

“Vào mùa Xuân, nhiều tập đoàn nước ngoài đua nhau tuyên bố rút khỏi Nga vì tin rằng chính đất nước chúng tôi sẽ phải gánh chịu điều này nhiều hơn những nước khác. Nhưng bây giờ chúng tôi thấy, lần lượt các nhà máy sản xuất và việc làm đang bị đóng cửa ở chính châu Âu. Và một trong những lý do quan trọng tất nhiên là sự cắt đứt quan hệ kinh doanh với Nga".

Tổng thống Putin chỉ ra tiềm năng của vùng Viễn Đông và khẳng định, sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương-những đối tác truyền thống lâu năm và với các quốc gia vừa thiết lập đối thoại với Nga trong nhiều lĩnh vực và dự án kinh doanh. Ông khằng định, kinh tế Nga đứng vững trước các lệnh trừng phạt. Lạm phát năm nay có thể chỉ khoảng 11% và trong năm sau sẽ gần hơn với mức mục tiêu: khoảng 5-6%./.

TL (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực