36 bị cáo hầu tòa trong vụ đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi

Thứ ba, 23/11/2021 21:17
(ĐCSVN) - 36 bị cáo hầu tòa trong vụ đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi; Triệt phá đường dây đánh bạc dưới hình thức ghi lô đề; Đức cân nhắc siết chặt chống dịch; Nga phản đối lệnh trừng phạt mới liên quan đến Dòng chảy phương Bắc 2... là những nội dung đáng chú ý trong ngày 23/11.

36 bị cáo hầu tòa trong vụ đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi

Sáng 23/11, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 36 bị cáo trong vụ sai phạm xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Vụ án thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận xã hội khi dự án này tuy mới đưa vào khai thác nhưng đã có rất nhiều điểm bị hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành khai thác, an toàn khi tham gia giao thông, gây bức xúc trong nhân dân. Mặc dù xác định giá trị các hạng mục công trình xây dựng không đảm bảo, nhưng Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã nghiệm thu, thanh toán hơn 811 tỷ đồng cho các đơn vị thi công dự án.

Các bị cáo tại phiên tòa (Ảnh: TTXVN).

Trong vụ án này, 36 bị cáo đều bị Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao truy tố về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 224, khoản 3-Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư có tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 139km, từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi). Giai đoạn 1 của dự án dài 65km, từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) gồm có 8 gói thầu xây lắp chính, trong đó có 7 gói thầu thi công đường và 1 gói thầu chủ yếu thi công cầu. Mặc dù mới được đưa vào khai thác nhưng đoạn đường 65km đã có rất nhiều điểm bị hỏng biểu hiện trên mặt đường bê tông nhựa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành khai thác, an toàn khi tham gia giao thông.

Kết luận giám định cho thấy chất lượng công trình xây dựng hoàn thành đối với tất cả 7 gói thầu (phần đường) thuộc giai đoạn 1 của dự án không đảm bảo chất lượng đúng như tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án, như chiều dày lớp bêtông nhựa VTO/Novachip không đảm bảo quy định, độ rỗng dư, hàm lượng nhựa, hệ số thấm không đạt yêu cầu quy định; lớp bê tông nhựa hạt mịn thiếu chiều dày bình quân, độ rộng dư giao động rất lớn; các lớp bê tông nhựa và đá dăm gia cổ nhựa có hiện tượng bong tróc...Quá trình thi công, nghiệm thu, các bên liên quan đã không thực hiện đo nghiệm thu cường độ mặt đường trên các lớp vật liệu hoàn thành, không đo hệ số thấm của lớp bêtông nhựa tạo nhám để đánh giá chất lượng công trình xây dựng sau khi thi công, dẫn đến không kiểm soát được chất lượng hạng mục công trình xây dựng nhưng đã ký nghiệm thu, đề nghị đưa công trình vào khai thác sử dụng.

Các bị cáo đã có hành vi không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, dẫn đến tổ chức thi công, nghiệm thu các hạng mục công trình, nghiệm thu công trình xây dựng hoàn thành không đảm bảo chất lượng, vi phạm các quy định của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ, Luật Xây dựng năm 2014 và phạm vào tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 224-Bộ luật Hình sự năm 2015.

Thanh Hóa: Triệt phá đường dây đánh bạc dưới hình thức ghi lô đề

Ngày 23/11, thông tin từ Công an thành phố Thanh Hóa cho biết, lực lượng này đã triệt phá đường dây đánh bạc liên tỉnh dưới hình thức ghi số lô, số đề, với số tiền giao dịch hàng tỷ đồng và bắt giữ 9 đối tượng liên quan. Cầm đầu đường dây này là Nguyễn Văn Hùng, sinh năm 1979, thường trú tại phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Mọi hoạt động giao dịch ghi số lô, số đề được thực hiện qua tin nhắn điện thoại, Zalo và chuyển tiền giao dịch qua tài khoản ngân hàng chứ không gặp mặt trực tiếp.

Lực lượng công an bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Hùng,
người cầm đầu đường dây đánh bạc. (Ảnh: TTXVN) 

Để triệt phá được đường dây này, Công an thành phố Thanh Hóa đã huy động lực lượng triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc quy luật hoạt động và phương thức giao dịch của các đối tượng. Đến khoảng 18 giờ 45 phút ngày 19/11, lực lượng Công an thành phố Thanh Hóa đã đồng loạt bắt, khám xét tại nhà của các đối tượng. Lực lượng chức năng đã thu giữ nhiều điện thoại là phương tiện mà các đối tượng đang sử dụng để ghi số lô, số đề. Riêng tại nhà Nguyễn Văn Hùng, Công an thành phố Thanh Hóa thu giữ 1 khẩu súng dạng K54, 1 khẩu súng Sămlếch, 1 khẩu súng bắn đạn ria, 19 viên đạn và nhiều tang vật khác có liên quan. Công an thành phố Thanh Hóa đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Đức cân nhắc siết chặt chống dịch, Mỹ khuyến cáo không nên tới Đức

Ngày 23/11, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đã lên tiếng kêu gọi áp đặt thêm các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự gia tăng số ca mắc COVID-19, trong bối cảnh tỷ lệ lây nhiễm tại nước này đã tăng cao kỷ lục và Mỹ đưa ra khuyến cáo không nên tới Đức. Quốc gia đông dân nhất của Liên minh châu Âu (EU) đang phải vật lộn với làn sóng đại dịch thứ tư. Theo số liệu thống kê mới nhất ngày 23/11, trong vòng 24 giờ qua, Đức ghi nhận 45.326 ca mắc mới COVID-19. Tỷ lệ mắc trong 7 ngày là 399,8 ca/100.000 người, mức cao kỷ lục kể từ đầu dịch.

Bảng thông báo các biện pháp phòng dịch COVID-19 tại một khu chợ ở Berlin, Đức.
(Ảnh: THX/TTXVN).

Trong khi đó, các khoa chăm sóc đặc biệt cũng đang quá tải bệnh nhân. Một trong những nguyên nhân khiến số ca mắc mới tăng đột biến tại Đức trong những tuần qua được cho là do tốc độ tiêm vaccine bị chậm lại. Cho đến nay, chỉ 68% dân số nước này được tiêm chủng đầy đủ, thấp hơn nhiều so với một số nước láng giềng. Trong nỗ lực khống chế làn sóng dịch thứ tư, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đã kêu gọi các địa điểm công cộng chỉ tiếp đón những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc mới bình phục sau khi mắc bệnh và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Quan chức này cũng không loại trừ kịch bản áp đặt lệnh phong tỏa, dù ông cho biết điều này sẽ được quyết định theo từng khu vực.

Trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ tư đang tấn công châu Âu buộc nhiều nước phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế để chống dịch, giới chức Mỹ ngày 22/11 đã khuyến cáo người dân không nên đi du lịch Đức hoặc Đan Mạch do hai quốc gia này có số ca mắc hàng ngày tăng liên tiếp trong nhiều tuần qua.

Nga phản đối lệnh trừng phạt mới liên quan đến Dòng chảy phương Bắc 2

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng chính quyền Mỹ đang làm phức tạp quan hệ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Nga với châu Âu trong những năm qua. Việc Mỹ tìm cách đối thoại với Nga cùng với áp đặt các biện pháp trừng phạt là không thể chấp nhận được và vi phạm luật pháp quốc tế.

 Công trình xây dựng đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2
tại Lubmin, Đức ngày 26/3/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Đây là tuyên bố của Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đưa ra ngày 22/11 khi đề cập đến thông báo của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới liên quan đến dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2. Đại sứ Antonov cho rằng chính quyền Mỹ đang làm phức tạp quan hệ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Nga với châu Âu trong những năm qua. Theo ông, ban đầu, Washington muốn làm gián đoạn việc hoàn thành dự án Dòng chảy phương Bắc 2, và hiện lại đang tìm cách trì hoãn công tác vận hành cơ sở này, trong khi kêu gọi Moskva tăng nguồn cung năng lượng cho châu Âu để giảm thiểu hậu quả của cuộc khủng hoảng nhiên liệu.

Ông Antonov nhấn mạnh Nga coi mọi nỗ lực cản trở hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga tới châu Âu là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hủy hoại các nguyên tắc thị trường tự do. Quan chức ngoại giao Nga cũng kiên quyết bác bỏ những cáo buộc nhằm vào chính sách năng lượng của Nga, đồng thời nhấn mạnh thực tế đã cho thấy Nga là một đối tác đáng tin cậy trong lĩnh vực năng lượng. Trước đó, trong một tuyên bố, ngày 22/11, Ngoại trưởng Blinken cho biết Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tiếp theo liên quan đến dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 dẫn khí đốt từ Nga sang Đức./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực