6 người đầu tiên tiêm thử nghiệm mũi 2 vắc xin COVIVAC

Thứ hai, 12/04/2021 19:42
(ĐCSVN) - 6 người đầu tiên tiêm thử nghiệm mũi 2 vắc xin COVIVAC của Việt Nam; Vụ án Gang thép Thái Nguyên: Các bị cáo đã làm thất thoát của Nhà nước 830 tỷ đồng; Đức: Đảng CDU ủng hộ ông Armin Laschet trở thành ứng cử viên thủ tướng; Biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc lại nổ ra trên nước Mỹ; Đụng độ, tấn công khủng bố khiến ít nhất 65 người thiệt mạng ở Afghanistan… là những tin tức trong nước và thế giới đáng chú ý diễn ra ngày 12/4.

6 người đầu tiên tiêm thử nghiệm mũi 2 vắc xin COVIVAC của Việt Nam

leftcenterrightdel
 Tiêm vắc xin COVIVAC cho tình nguyện viên. (Ảnh: TL) 

Ngày 12/4, PGS.TS Phạm Thị Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Dược lý lâm sàng - Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, trong sáng 12/4, 6 tình nguyện viên đầu tiên tiêm thử nghiệm lâm sàng mũi 1 vắc xin phòng COVID-19 của Việt Nam mang tên COVIVAC do Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) nghiên cứu, phát triển tiến hành tiêm mũi 2.

PGS.TS Phạm Thị Vân Anh cho biết, đây là 6 người đầu tiên đã tiêm thử nghiệm mũi 1 vắc xin phòng COVID-19 COVIVAC vào ngày 15/3/2021. Theo kế hoạch tiêm thử nghiệm của vắc xin này đối với người tình nguyện, khoảng cách thời gian giữa tiêm mũi 1 và mũi 2 của mỗi tình nguyện viên là 28 ngày

Theo đề cương thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 của vắc xin COVIVAC có 120 tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm. Tính từ ngày tiêm đầu tiên của giai đoạn 1 (từ 15/3 đến nay), cơ quan chức năng đã hoàn thành tiêm mũi 1 vaccine COVIVAC cho 96 tình nguyện viên. Dự kiến đến cuối tuần này sẽ hoàn thành tiêm mũi 1 cho 120 người. Tháng 5 tới sẽ hoàn thành tiêm mũi 2. 

PGS.TS Phạm Thị Vân Anh cho hay, đánh giá 24h sau tiêm và 7 ngày sau tiêm ở 66 tình nguyện viên cho thấy không xuất hiện các biến cố bất lợi nghiêm trọng.

Các phản ứng đều nằm trong dự kiến, chủ yếu là các triệu chứng nhẹ, như đau tại vị trí tiêm, đau đầu thoáng qua. Các triệu chứng này thường hết trong 24 giờ đầu sau tiêm, không cần điều trị. Hiện cũng chưa phát hiện bất thường trên xét nghiệm huyết học và sinh hóa đánh giá an toàn sau tiêm.

Dự kiến, tháng 7 tới sẽ hoàn thành báo cáo giữa kỳ giai đoạn 1 đối với vaccine này. Khi đó, nếu vaccine đạt các tiêu chuẩn về an toàn và tạo được miễn dịch có khả năng phòng bệnh, trên cơ sở được Bộ Y tế phê duyệt, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 với cỡ mẫu lớn hơn tại Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) - một cơ sở y tế đã được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lựa chọn và triển khai thử nghiệm lâm sàng nhiều vaccine trước đây.

COVIVAC là vaccine thứ 2 của Việt Nam phòng bệnh COVID-19 tham gia thử nghiệm lâm sàng. Vaccine đầu tiên là vaccine NanoCovax hiện đã hoàn thành giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng. Sắp tới, Việt Nam sẽ có thêm vaccine phòng COVID-19 của Công ty Vabiotech thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.

Vụ án Gang thép Thái Nguyên: Các bị cáo đã làm thất thoát của Nhà nước 830 tỷ đồng

leftcenterrightdel
Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) 

Ngày 12/4, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (viết tắt là TISCO).

Trong số 19 bị cáo của vụ án, 18 bị cáo đã có mặt tại phiên tòa. Riêng bị cáo Đậu Văn Hùng có đơn xin xét xử vắng mặt do đang bị bệnh trụy tim mạch và mất trí nhớ.

Tại phiên tòa, hơn 30 luật sư có mặt tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 17 bị cáo. Riêng hai bị cáo Nguyễn Minh Xuân và Đoàn Thu Trang không mời luật sư bào chữa.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, năm 2007, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên do TISCO làm chủ đầu tư, cấp quyết định đầu tư là Hội đồng quản trị Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS).

Dự án ban đầu có tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng. Năm 2007, đơn vị trúng thầu xây dựng là Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Tháng 7/2007, Trần Trọng Mừng đã ký hợp đồng với đại diện của MCC. Giá trị hợp đồng hơn 160 triệu USD (tương đương hơn 3.500 tỷ đồng), là giá trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng và đã bao gồm các loại thuế được xác định trong hợp đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng được ấn định là 30 tháng.

Tuy nhiên, sau hơn 11 tháng khởi công xây dựng, MCC tự ý dừng hợp đồng, rút hết người về nước trong khi chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục, chưa lựa chọn và ký được hợp đồng với nhà thầu phụ, chưa triển khai thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu nhưng lại có nhiều văn bản gửi TISCO đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng.

Không những thế, MCC còn có văn bản đề nghị điều chỉnh giá hợp đồng EPC với tổng chi phí tăng thêm là hơn 138 triệu USD (tương đương hơn 3.000 tỷ đồng), bao gồm chi phí xây lắp, thiết bị, thiết kế, dịch vụ kỹ thuật và biến động tỷ giá.

Việc MCC đưa ra đề nghị điều chỉnh giá hợp đồng EPC như trên với lý do giá cả thị trường thế giới biến động tăng giá bất thường bị Viện Kiểm sát xác định là không có căn cứ, không đúng nguyên tắc hợp đồng theo hình thức trọn gói đã ký (Hợp đồng EPC).

Với chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, bị cáo Trần Trọng Mừng (Tổng Giám đốc TISCO - chủ đầu tư) và Mai Văn Tinh (Chủ tịch Hội đồng quản trị VNS - cấp quyết định đầu tư) cùng một số bị cáo trong vụ án đã không xem xét, chỉ đạo dừng, chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, áp dụng điều khoản phạt hợp đồng, báo cáo người có thẩm quyền xem xét để hủy đấu thầu và tổ chức đấu thầu lại theo quy định để bảo đảm hiệu quả và tiến độ của Dự án, mà lại chỉ đạo thực hiện các hành vi phạm pháp luật về đầu tư, vi phạm Hợp đồng EPC để tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Các vi phạm này chính là nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ, làm phát sinh tăng lãi vay, tăng chi phí đầu tư, gây thất thoát, lãng phí đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của các bị cáo được xác định đã gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước hơn 830 tỷ đồng.

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 10 ngày.

Đức: Đảng CDU ủng hộ ông Armin Laschet trở thành ứng cử viên Thủ tướng

leftcenterrightdel
Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) của Đức Armin Laschet. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Ngày 12/4, Đoàn Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) đã ủng hộ Chủ tịch CDU Armin Laschet trở thành ứng cử viên thủ tướng của đảng bảo thủ trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức dự kiến được diễn ra vào tháng 9.

Thông tin trên do Thủ hiến bang Hessen, ông Volker Bouffier, Bouffier đưa ra sau cuộc họp của Đoàn Chủ tịch CDU tại Berlin sáng 12/4. Tuy nhiên, hiện CDU chưa công bố quyết định chính thức xác nhận ông Laschet trở thành ứng cử viên thủ tướng.

Ông Bouffier cho biết Đoàn Chủ tịch CDU nhận thấy ông Laschet là người "đặc biệt phù hợp," và muốn ông Laschet thảo luận với Chủ tịch đảng Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU) đồng thời là Thủ hiến bang Bayern, ông Markus Söder, để đi tới một quyết định thống nhất.

Sau cuộc họp của Đoàn Chủ tịch CDU, ông Laschet dự định tiếp tục vận động sự ủng hộ của Ban Chấp hành đảng cho việc ứng cử làm ứng cử viên thủ tướng.

Một ngày trước đó, cả ông Laschet và ông Söder đã lần đều công khai tuyên bố sẵn sàng tranh cử thủ tướng.

Ông Söder khẳng định sẵn sàng ra ứng cử chức thủ tướng nếu được CDU ủng hộ, trong trường hợp ngược lại, ông vẫn đảm bảo sự hợp tác tốt đẹp giữa CSU với CDU.

Biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc lại nổ ra trên nước Mỹ

leftcenterrightdel
Người biểu tình tập trung tại Brooklyn Center ở thành phố Minneapolis, Mỹ ngày 11/4/2021, phản đối việc cảnh sát nước này bắn chết một người đàn ông da màu. Ảnh: AFP/TTXVN 

Các cuộc biểu tình mới đã lại nổ ra trên nước Mỹ ngày 11/4 sau khi cảnh sát nước này bắn chết một người đàn ông da màu ở ngoại ô thành phố Minneapolis - nơi đang diễn ra phiên xét xử cựu cảnh sát Derek Chauvin với tội danh giết người và ngộ sát công dân da màu George Floyd - vụ việc làm rúng động dư luận hồi năm 2020.

Hàng trăm người đã tập trung bên ngoài đồn cảnh sát ở thành phố Brooklyn Center, Tây Bắc Minneapolis. Các hình ảnh được đăng tải cho thấy những người biểu tình đã đập phá xe của cảnh sát, buộc cảnh sát phải bắn đạn hơi cay để giải tán đám đông. Sau đó, Lực lượng Vệ binh quốc gia đã được điều tới hiện trường để giải quyết vụ việc. Cảnh sát tuyên bố đây là cuộc tụ tập bất hợp pháp.

Thị trưởng Brooklyn Center, Mike Elliott coi vụ nổ súng là "thảm kịch", đồng thời kêu gọi người biểu tình tuần hành trong hòa bình và không đụng độ với lực lượng chức năng. Ông cho biết sẽ sớm ban bố lệnh giới nghiêm.

Phát biểu trước đám đông người biểu tình, mẹ của Daunte Wright, công dân da màu, 20 tuổi, vừa bị cảnh sát bắn chết cho biết anh đã gọi cho bà, nói rằng đã bị cảnh sát chặn xe. Mẹ của Wright cho biết đã nghe thấy cảnh sát yêu cầu con trai bà bỏ điện thoại xuống, sau đó 1 trong số những cảnh sát có mặt tại hiện trường đã tắt điện thoại. Ngay sau đó, bạn gái của con trai bà đã gọi điện cho bà thông báo anh đã bị bắn.

Theo tuyên bố của Sở cảnh sát Brooklyn Center, cảnh sát đã chặn một xe ô tô vi phạm luật giao thông. Khi phát hiện ra người này nằm trong danh sách truy nã, cảnh sát đã cố gắng bắt giữ anh ta. Khi người đàn ông này quay trở lại ô tô, 1 trong số cảnh sát có mặt tại hiện trường đã nổ súng. Người đàn ông đã tử vong ngay tại hiện trường. Cô gái đi cùng xe bị thương song không nguy hiểm tới tính mạng và đã được đưa đi cấp cứu tại một bệnh viện gần đó.

Năm ngoài, các cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp nước Mỹ sau khi người đàn ông da màu có tên là George Floyd bị một cảnh sát ghì cổ đến chết. Làn sóng biểu tình sau đó lan ra ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là phong trào "Quyền sống cho người da màu" (Black Lives Matters).

Đụng độ, tấn công khủng bố khiến ít nhất 65 người thiệt mạng ở Afghanistan

leftcenterrightdel
Lực lượng an ninh Afghanistan chuyển thi thể nạn nhân tại hiện trường vụ đánh bom ở tỉnh Herat, ngày 1/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN 

Một tổ chức độc lập giám sát chiến tranh mang tên Giảm Bạo lực (RiV) ngày 12/4 cho biết đã có ít nhất 65 người thiệt mạng trong các vụ đụng độ trực tiếp và tấn công khủng bố ở Afghanistan trong 24 giờ qua.

Trên trang mạng Twitter của mình, RiV nêu rõ "Trong 24 giờ qua, nhóm của chúng tôi đã ghi nhận 65 người chết, trong đó có 6 dân thường, 12 thành viên của Lực lượng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Afghanistan cùng 47 tay súng Taliban. Ngoài ra, 35 người khác gồm 18 tay súng của phiến quân Taliban, 12 thành viên của lực lượng an ninh và 5 dân thường cũng bị thương trong thời gian nói trên. Con số thương vong này được thống kê sau 12 sự vụ an ninh ở 6 tỉnh trong số 34 tỉnh có xung đột của Afghanistan.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) hồi giữa tháng 3 vừa qua cũng đã lên án tình trạng gia tăng “đáng báo động” những vụ tấn công ở Afghanistan nhằm vào dân thường.

 Tiến trình hòa bình Afghanistan rơi vào bế tắc khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban tại thủ đô Doha của Qatar bị đình trệ.

Mỹ chủ trương thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban trước thời điểm 2.500 binh sĩ cuối cùng của quân đội nước này phải rời khỏi Afghanistan. Washington muốn Chính phủ Afghanistan và Taliban đạt được một số thỏa thuận về chia sẻ quyền lực.

Tuy nhiên, Washington đang trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi thời điểm hạn chót là ngày 1/5 tới đang đến gần, nhưng Taliban không có dấu hiệu chấm dứt bạo lực tại Afghanistan./.

PC (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực