9 ngư dân sống sót qua 6 ngày trên biển bằng 1,5 lít nước

Thứ ba, 29/11/2022 22:04
(ĐCSVN) - 9 ngư dân sống sót qua 6 ngày trên biển bằng 1,5 lít nước; Tạm giữ tàu chở 18.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc trên vùng biển Tây Nam; Hàn Quốc ban hành sắc lệnh chấm dứt đình công của các tài xế xe tải… là tin tức đáng chú ý trong ngày 29/11.
9 ngư dân sống sót qua 6 ngày trên biển bằng 1,5 lít nước

Ngày 29/11, 9 ngư dân đi trên tàu cá QNg 90499 TS gặp nạn khi đang đánh bắt ở vùng biển Trường Sa đã về đến xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Những người thân cùng 9 ngư dân khi gặp lại nhau ai cũng vỡ òa vui mừng, hạnh phúc.

 Người dân xã Bình Châu đến thăm hỏi, động viên ngư dân được cứu và người đã cứu mạng các ngư dân - Ảnh: Báo Tiền Phong

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Nở (28 tuổi) cho biết sự việc xảy ra tối 1/11. Khi tàu anh đang đánh bắt ở khu vực gần đảo Trường Sa thì thời tiết trên biển chuyển biến xấu, mây mù cùng giông lốc xuất hiện. Đến khoảng 20 giờ, một con sóng dữ đánh tàu lật úp, 11 ngư dân bị hất văng xuống biển.

Trong đêm tối, nhóm ngư dân nhìn thấy một phần con tàu vẫn nổi trên mặt biển và cố gắng bơi lại. Sau hơn 1 giờ, 9 ngư dân bám được vào con tàu nổi lập lờ giữa biển, 2 người còn lại mất tích. Mãi đến trưa hôm sau, con tàu bị sóng đánh dạt vào một bãi san hô ở tại Trường Sa. Lúc này, 9 ngư dân quyết định rời tàu, lên bãi đá với hy vọng có thể sống sót.

Lên được bãi đá nhưng không có thức ăn, nước uống khiến ai nấy đều kiệt sức. Sau nhiều giờ tìm kiếm, nhóm ngư dân phát hiện 2 chai nhựa còn khoảng 1,5 lít nước trôi dạt vào bãi đá.

"Có được ít nước sạch, 9 ngư dân chia nhau uống cầm cự, chống lại cơn đói lạnh khi thủy triều. May mắn khi chai nước sắp cạn thì Trường Sa có mưa. Nhờ nước mưa mà mọi người có thể sống sót thêm 2 ngày đến khi được ứng cứu", anh Nguyễn Văn Nở kể lại.

Ông Nguyễn Tấn Ngọt, thuyền trưởng tàu cá đã phát hiện và cứu 9 ngư dân, kể lại khi thấy tín hiệu cầu cứu từ các áo phao ở bãi đá, ông liền cho người chèo thúng vào. Khi tới nơi, cả 9 ngư dân hầu như mất ý thức, được sơ cứu, uống nước cháo loãng. Sau đó, 9 ngư dân được đưa vào đảo Sơn Ca, huyện đảo Trường Sa để chăm sóc.

Với sự chăm sóc tận tình của các chiến sĩ trên đảo, sức khỏe của 9 ngư dân dần bình phục. Sau đó, tàu của Vùng 4 Hải quân đưa họ từ đảo Sơn Ca về đất liền.

Trước đó, sáng 27/11, tại TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã tổ chức bàn giao 9 ngư dân gặp nạn ngoài vùng biển Trường Sa trong quá trình đánh bắt hải sản cho đại diện chính quyền tỉnh Quảng Ngãi và thân nhân.

Tạm giữ tàu chở 18.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc trên vùng biển Tây Nam

Biên đội D22 - Hải đoàn Biên phòng 28 kiểm tra tàu chở dầu không rõ nguồn gốc. Ảnh: TTXVN 

Ngày 29/11, tin từ Hải đoàn Biên phòng 28, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (đứng chân trên địa bàn huyện An Biên - Kiên Giang) cho biết, trong lúc tuần tra trên vùng biển Tây Nam, lực lượng của đơn vị phát hiện tàu cá vận chuyển dầu DO không rõ nguồn gốc.

Cụ thể vào lúc 6 giờ ngày 28/11, trong hải trình tuần tra trên vùng biển Tây Nam, Biên đội D22 - Hải đoàn Biên phòng 28 phát hiện tàu cá KG 96036 TS do ông Từ Văn Hoài (sinh năm 1989, trú tại xã Phi Thông, thành phố Rạch Giá) làm thuyền trưởng có dấu hiệu nghi vấn nên đã yêu cầu dừng tàu để kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, tàu cá KG 96036 TS chở khoảng 18.000 lít dầu DO, thuyền trưởng không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số dầu.

Hiện, lực lượng chức năng đã lai dắt tàu cá KG 96036 TS về cảng Hải đoàn Biên phòng 28 để điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Hàn Quốc ban hành sắc lệnh chấm dứt đình công của các tài xế xe tải

Ngày 29/11, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành lệnh hành pháp yêu cầu các tài xế xe tải trong ngành xi măng đang đình công trở lại làm việc. Đây là cuộc đình công thứ 2 do nghiệp đoàn vận tải hàng hóa tại Hàn Quốc phát động trong vòng 5 tháng qua, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều lĩnh vực kinh tế của nước này.

Các xe tải đỗ tại nhà máy sản xuất xi măng ở Hwaseong, Hàn Quốc trong bối cảnh các tài xế đình công, ngày 29/11/2022. Ảnh: Yonhap/TTXVN 

Phát biểu tại cuộc họp nội các sáng 29/11, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nêu rõ chính phủ ban hành lệnh trên để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn đối với nền kinh tế quốc gia và sinh kế của người dân. Tổng thống Yoon cho biết các công trường xây dựng và sản xuất trên cả nước đã ngừng hoạt động do gián đoạn nguồn cung cấp xi măng và thép, trong khi các cơ sở sản xuất công nghiệp của đất nước cũng đứng trước nguy cơ bị tác động lớn và cuộc sống của người dân bị đe dọa.

Nghiệp đoàn lái xe tải chở hàng đã phát động cuộc đình công trên toàn quốc từ ngày 24/11, gây ra tình trạng đứt gẫy trong hệ thống cung ứng nguyên vật liệu. Phát biểu tại cuộc họp báo sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho nhấn mạnh rằng trong bối cảnh hiện nay cả nước cần hợp lực để vượt qua khủng hoảng kinh tế, việc nghiệp đoàn vận tải và dịch vụ công cộng Hàn Quốc tổ chức đình công là lấy sinh kế và nền kinh tế làm con tin, gây gián đoạn hoạt động hậu cần và làm rung chuyển nền sản xuất công nghiệp. Bộ trưởng Choo Kyung-ho nêu rõ nếu chính phủ không nghiêm khắc đối phó dựa trên luật pháp và nguyên tắc kinh tế thì các lĩnh vực hậu cần, sản xuất công nghiệp không thể vượt qua khủng hoảng.

Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc cho biết nguồn cung xi măng đã giảm hơn 90% do hậu quả cuộc đình công kéo dài 6 ngày qua, trong khi 50% các công trường xây dựng cần bê tông trộn sẵn phải đối mặt với sự gián đoạn nghiêm trọng. Ông Choo cảnh báo Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch thực hiện các biện pháp nghiêm khắc đối với những tài xế không tuân theo mệnh lệnh. Những người chống lệnh có thể bị phạt tù tới 3 năm hoặc phạt tiền tới 30 triệu won (22.500 USD).

Nghiệp đoàn vận tải hàng hóa tổ chức đình công để yêu cầu áp dụng “chế độ đảm bảo giá cước vận tải” vô thời hạn, mở rộng đối tượng áp dụng cho nhiều loại xe và mặt hàng, trong bối cảnh các quy định về đảm bảo giá cước tối thiểu sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Chính phủ Hàn Quốc đề xuất gia hạn áp dụng chế độ này thêm 3 năm, nhưng cho biết khó có thể mở rộng đối tượng áp dụng.

Trong khi đó, 6 tổ chức kinh tế lớn của Hàn Quốc, trong đó có Phòng Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc (KORCHAM), Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc (KITA), cho rằng nền kinh tế Hàn Quốc đang đứng trước nguy cơ chồng chất như giá tiêu dùng, tỷ giá hối đoái và lãi suất leo thang, kêu gọi nghiệp đoàn vận tải hàng hóa rút lại kế hoạch đình công đồng thời đốc thúc việc xóa bỏ hẳn "chế độ đảm bảo giá cước vận tải"./.

PC (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực