Ấn Độ triển khai chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 lớn nhất thế giới

Chủ nhật, 17/01/2021 19:00
(ĐCSVN) - Chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 lớn nhất thế giới bắt đầu được triển khai tại Ấn Độ; Cảnh báo biểu tình vũ trang ở Washington và thủ phủ 50 bang ở Mỹ; NASA thử nghiệm động cơ tên lửa đưa người lên mặt Trăng; Cảnh báo người tham gia giao thông khi di chuyển trong thời tiết xấu; Phẫu thuật lấy khoảng 1 kg kim loại trong bụng bệnh nhân... là những tin đáng chú ý trong ngày 17/01.

Chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 lớn nhất thế giới bắt đầu tại 3.006 địa điểm 

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 16/1 tuyên bố khởi động chiến dịch tiêm vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 quy mô lớn nhất thế giới bằng 2 loại vaccine đầu tiên sản xuất tại quốc gia này. Chiến dịch được phát động trong bối cảnh quốc này đứng thứ hai thế giới về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.

Chương trình được bắt đầu tại 3.006 địa điểm và kết nối trực tuyến trong ngày phát động. Mỗi điểm có năng lực tiêm vaccine cho 100 người/ngày. 

leftcenterrightdel

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho một nhân viên y tế tại Bangalore, Ấn Độ ngày 16/1/2021- Ảnh: THX/TTXVN 

Chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 tại Ấn Độ sẽ dựa vào Co-WIN, một nền tảng kỹ thuật số trực tuyến do Bộ Y tế nước này phát triển để cung cấp thông tin thời gian thực về nguồn vaccine, nhiệt độ bảo quản và theo dõi những người được tiêm. Trong thời gian tới, số lượng các địa điểm tiêm chủng sẽ tăng lên đến 5.000 và nhiều hơn trong các giai đoạn sau. Các lô vaccine đã được phân bổ cho các bang dựa trên dữ liệu về nhân viên y tế của từng bang. 

Cơ quan Quản lý dược phẩm của Ấn Độ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine Covaxin của Bharat Biotech (Ấn Độ) cũng như vaccine Covishield của Oxford/AstraZeneca (Anh). Hiện các lô Covishield và Covaxin đã được chuyển đến 12 thành phố để phục vụ đợt tiêm chủng đầu tiên. Nước này sẽ ưu tiên các mũi tiêm cho 30 triệu nhân viên y tế và những nhân viên ở tuyến đầu chống dịch như nhân viên vệ sinh và an ninh sau đó là 270 triệu người trên 50 tuổi và những người có nguy cơ nhiễm cao do các bệnh lý nền từ trước. 

Theo Thủ tướng Modi, các chính trị gia không phải là những nhân viên tuyến đầu, do đó ông đã không tiêm vaccine ngay lập tức. Theo kế hoạch, Ấn Độ sẽ tiêm vaccine cho khoảng 300 triệu người trong tổng số 1,3 tỷ dân tại nước này vào cuối tháng 6 tới, một con số tương đương với toàn bộ dân số Mỹ.

Các quan chức cho biết chi phí tiêm chủng cho các nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu sẽ do chính quyền trung ương chi trả. Theo quy định về cấp phép sử dụng khẩn cấp, các vaccine ngừa COVID-19 nêu trên chỉ dành cho những người trên 18 tuổi. Hai mũi tiêm phải cách nhau ít nhất 14 ngày. Mũi thứ hai phải sử dụng cùng loại vaccine với mũi đầu tiên.

Cảnh báo biểu tình vũ trang ở Washington và thủ phủ 50 bang ở Mỹ

leftcenterrightdel
 Hàng rào thép gai được dựng lên xung quanh tòa nhà Quốc hội Mỹ sau bạo loạn ngày 6/1 - Ảnh: AFP

Washington D.C và thủ phủ các tiểu bang ở Mỹ đang đối mặt với nguy cơ làn sóng biểu tình vũ trang cho tới ngày 20/1. FBI cảnh báo các cơ quan cảnh sát về nguy cơ xảy ra các cuộc biểu tình vũ trang bên ngoài tất cả 50 trụ sở chính quyền ở thủ phủ các tiểu bang của Mỹ bắt đầu từ ngày 16/1 cho tới lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden ngày 20/1.

Theo đó, Michigan, Virginia, Wisconsin, Pennsylvania và Washington nằm trong số hơn một chục bang đã kích hoạt lực lượng vệ binh quốc gia nhằm tăng cường an ninh. Trung tâm thủ đô Washington D.C gần như vắng lặng khi các con phố gần điện Capitol bị đóng cửa và các tiểu đoàn lính vệ binh quốc gia ngụy trang chốt chặn tại các vị trí trên khắp trung tâm thành phố.

Tình trạng an ninh tăng cường trên toàn nước Mỹ diễn ra sau cuộc tấn công của người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump vào điện Capitol hôm 6/1 nhằm phản đối Quốc hội chứng nhận kết quả chiến thắng bầu cử cho Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Đã có các cuộc biểu tình rải rác vào ngày 16/1 nhưng tình hình nhìn chung vẫn còn yên ắng. Các quan chức cơ quan thực thi pháp luật tập trung phần lớn sự chú ý vào 17/1 - ngày mà phong trào "boogaloo" chống chính phủ cách đây vài tuần đã lên kế hoạch tổ chức các cuộc biểu tình ở tất cả 50 bang.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cũng như mối lo ngại về an ninh, các sự kiện xung quanh lễ nhậm chức của ông Joe Biden phần lớn sẽ được tổ chức trực tuyến, mặc dù Tổng thống đắc cử dự kiến sẽ tuyên thệ nhậm chức và đọc diễn văn tại điện Capitol.

NASA thử nghiệm động cơ tên lửa đưa người lên mặt Trăng

leftcenterrightdel

Hình ảnh vụ thử nghiệm diễn ra tại Trung tâm vũ trụ Stennis, bang Mississippi ngày 16/01 - Ảnh: AFP/TTXVN 

Ngày 16/1, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã tiến hành thử nghiệm các động cơ tên lửa của Hệ thống phóng không gian (SLS) được sử dụng trong sứ mệnh đưa con người lên mặt trăng. 

Cuộc thử nghiệm diễn ra tại Trung tâm vũ trụ Stennis, bang Mississippi dự kiến kéo dài hơn 8 phút - thời gian để các động cơ RS-25 đốt cháy trong hành trình bay. Tuy nhiên, các động cơ này đã tắt chỉ trong hơn 1 phút sau khi cháy. Hiện các nhóm chuyên gia đã tiến hành đánh giá dữ liệu để xác định nguyên nhân khiến các động cơ ngừng hoạt động sớm. 
Dù vậy, NASA cho biết quá trình thử nghiệm động cơ RS-25 đã cung cấp những thông tin có giá trị cho các sứ mệnh sắp tới. Giám đốc NASA Jim Bridenstine nhận định cuộc thử nghiệm là một "bước tiến quan trọng" đảm bảo SLS đã sẵn sàng cho sứ mệnh Artemis I và chở theo phi hành đoàn trong các sứ mệnh trong tương lai.

Theo kế hoạch của NASA, sứ mệnh Artemis I được khởi động trước cuối năm 2021, bao gồm việc chạy thử SLS và tàu vũ trụ không người lái Orion. Sứ mệnh Artemis II sẽ thực hiện chuyến bay thử, đưa một phi hành đoàn lên quỹ đạo vào năm 2023, nhưng không hạ cánh xuống mặt trăng. Trong khi đó, Artemis III sẽ đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2024. Đoàn sẽ bao gồm một nữ phi hành gia và nếu sứ mệnh thành công đây sẽ là lần đầu tiên một nữ phi hành gia đặt chân lên mặt trăng.

Lần gần đây nhất con người đặt chân lên mặt trăng là nửa thế kỷ trước, khi 2 nhà du hành vũ trụ của NASA lên đó 3 ngày và bay về trái đất trên một buồng lái của tàu Apollo 17, mang theo các mẫu địa chất.

Cẩn trọng khi di chuyển trong sương mù, thời tiết xấu

Theo dự báo thời tiết, ngày và đêm 17/1, một bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến Bắc bộ, Bắc và Trung Trung bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở Nam Trung bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh, nên ngày 17/1, ở Bắc Bộ có mưa và mưa nhỏ, trời chuyển rét đậm, sương mù có thể xuất hiện ở một vài nơi. Trong một, hai ngày tới, ở vùng núi cao phía Bắc có khả năng xảy ra băng giá, mưa tuyết.

Để đảm bảo an toàn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông khuyến cáo người tham gia giao thông, nhất là khi di chuyển trên những cung đường miền núi phía Bắc nên cẩn trọng và thực hiện kiểm tra xe trước khi khởi hành, nhất là hệ thống đèn, phanh, lốp. Khi di chuyển trong điều kiện thời tiết xấu, sương mù che khuất tầm nhìn, cần bật toàn bộ đèn chiếu sáng, giảm tốc độ, chú ý quan sát, di chuyển với tốc độ thấp, số thấp cả khi lên và xuống đèo, dốc.

Trên những đoạn đường cong cua, đường đèo dốc, do mặt đường hẹp, khả năng trơn trượt cao, phải đặc biệt chú ý không được vượt xe, nhất là vượt những xe khách, xe tải dài, xe container. Khi đường đóng băng, phải tạm dừng, tuyệt đối không điều khiển phương tiện, đợi khi tan băng mới tiếp tục di chuyển, do đường trơn trượt và lốp xe ở Việt Nam không thích hợp khi di chuyển trên đường đóng băng. Lái xe phải tuyệt đối tuân thủ chỉ dẫn và hiệu lệnh của lực lượng Cảnh sát giao thông.

Lấy ra khoảng 1 kg kim loại trong bụng bệnh nhân

leftcenterrightdel

Hàng chục mảnh kim loại được lấy ra từ dạ dày của bệnh nhân - Ảnh: TTXVN  

Ngày 17/1, Bệnh viện Quân y 175 (TP Hồ Chí Minh) đã thực hiện phẫu thuật, lấy ra khoảng 1 kg kim loại trong dạ dày của một nam bệnh nhân 27 tuổi. Bệnh nhân này có dấu hiệu mắc hội chứng Pica – một hội chứng rối loạn ăn uống cưỡng chế.

Theo đó, bệnh nhân T.H.T (27 tuổi, ở huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) được chuyển đến từ Bệnh viện Đa khoa Bình Dương với chẩn đoán ban đầu đau bụng do dị vật. Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân T.H.T có dấu hiệu trầm cảm và thích ăn các mảnh kim loại. Khoảng một tháng nay, bệnh nhân có dấu hiệu đau bụng nên được đưa đến bệnh viện kiểm tra.

Tại Bệnh viện Quân y 175, bệnh nhân được xác định tổn thương dạ dày do dị vật. Sau khi hội chẩn, các bác sỹ đã tiến hành phẫu thuật lấy dị vật ra ngoài. Trong 2 tiếng đồng hồ, các bác sỹ đã lấy ra khoảng 1kg kim loại như: đinh, thìa, bấm móng tay, thỏi sắt, móc đồ… trong dạ dày bệnh nhân, một số dị vật đã bị ăn mòn một phần. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và được chuyển về Khoa Ngoại bụng để tiếp tục điều trị, theo dõi.

Được biết, người có dấu hiệu mắc hội chứng Pica thường ăn những thứ không phải thực phẩm như: đất, đá, xà phòng, tóc, sơn, keo dán, khuy áo, mảnh kim loại… Nguyên nhân gây ra hội chứng này vẫn chưa được lý giải đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy, trong một số trường hợp, sự thiếu hụt sắt, kẽm hoặc một chất dinh dưỡng khác. Bên cạnh đó, một số người có vấn đề về tâm thần như tâm thần phân liệt và rối loạn ám ảnh cưỡng chế… 

 

Minh Châu (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực