Áo là quốc gia châu Âu đầu tiên quy định tiêm vaccine ngừa COVID-19 bắt buộc

Chủ nhật, 21/11/2021 19:54
(ĐCSVN) - 17 huyện, thị xã của Hà Nội sẵn sàng đón học sinh lớp 9 trở lại học trực tiếp từ ngày 22/11; Tiếp nhận 14 nạn nhân bị mua bán sang Myanmar về Việt Nam; Quân đội và các đảng dân sự tại Sudan đạt thỏa thuận về phục chức cho Thủ tướng Hamdok; Áo là quốc gia châu Âu đầu tiên quy định tiêm vaccine ngừa COVID-19 bắt buộc… là những thông tin đáng chú ý trong ngày hôm nay 21/11.

Hà Nội: Trường học ở các huyện, thị xã sẵn sàng đón học sinh lớp 9 trở lại học trực tiếp từ ngày 22/11

 Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tính đến 17 giờ chiều 21/11, tổng hợp báo cáo của các Phòng Giáo dục và Đào tạo của 17 huyện, thị xã cho thấy, các trường học đã hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng đón học sinh lớp 9 trở lại trường học trực tiếp từ sáng 22/11 sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19. 

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa (Nguồn: laodong.vn)

 Theo đó, đối chiếu các quy định và tiêu chí của thành phố, hướng dẫn liên ngành Giáo dục và Đào tạo - Y tế, qua rà soát, kiểm tra, các trường đều bảo đảm các tiêu chí trường học an toàn. Các trường cũng đã xây dựng phương án dạy học phù hợp với thực tế của từng đơn vị, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc xử lý tình huống khi phát hiện trường hợp học sinh, giáo viên có yếu tố dịch tễ khi đang dạy, học tại trường. Học sinh đi học trở lại trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, do đó, các trường chủ động có phương án sẵn sàng ứng phó, chuyển trạng thái dạy học nếu bất ngờ xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng có liên quan đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh với tinh thần cố gắng ở mức cao nhất để việc dạy học không bị gián đoạn.

Trước đó, ngày 8/11, huyện Ba Vì là đơn vị đầu tiên được lựa chọn triển khai cho học sinh khối lớp 9 các trường trung học cơ sở trên địa bàn trở lại trường học trực tiếp. Sau hơn một tuần thực hiện, các trường học này đã đạt được kết quả tích cực. Với sự chuẩn bị chu đáo và sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, các trường trung học cơ sở của 30 xã, thị trấn của huyện đã tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh khối lớp 9 có tổng số 109 lớp với 3.949 học sinh, tỷ lệ học đạt 98,31%, bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quy định, tùy theo điều kiện thực tế của địa phương, có thể bố trí thời gian đi học của học sinh cho phù hợp, chậm nhất trước ngày 24/11. Các trường phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch, chỉ tổ chức việc dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày, không tổ chức ăn bán trú, căng tin ăn uống trong trường, học sinh tự mang theo nước uống cá nhân. Theo yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương căn cứ tình hình thực tiễn dịch bệnh để quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho học sinh đi học trở lại trên địa bàn; đồng thời tiếp tục hoàn thiện, tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực cho lực lượng y tế trường học, bảo đảm y tế trường học được trang bị đầy đủ và sẵn sàng khi học sinh đến trường.

Tiếp nhận 14 nạn nhân bị mua bán sang Myanmar về Việt Nam

Sáng 21/11, tại Trung đoàn 247 (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang), Cục đối ngoại, Bộ Công an phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tuyên Quang, Công an tỉnh và Tổ chức trẻ em Rồng xanh (tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hà Nội), tổ chức lễ tiếp nhận và bàn giao 14 nạn nhân là công dân Việt Nam bị mua bán sang Myanmar.

leftcenterrightdel
Tiếp nhận và bàn giao các nạn nhân cho cơ quan chức năng của Việt Nam (Ảnh: TTXVN)

14 nạn nhân trước đó đã được Tổ chức trẻ em Rồng xanh, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar và các cơ quan liên ngành nước bạn giải cứu, đưa trở về Việt Nam. Các nạn nhân là người ở các tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Lào Cai, Bình Dương, Kiên Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Thanh Hóa. Sau khi về nước, các nạn nhân đã hoàn thành cách ly y tế tại Trung đoàn 247 - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và được cơ quan chức năng phối hợp tổ chức phương tiện đưa về địa phương.

Sudan đạt thỏa thuận về phục chức cho Thủ tướng Hamdok

Theo một thỏa thuận vừa đạt được tối muộn 20/11, quân đội Sudan đã đồng ý phục chức cho Thủ tướng Abdalla Hamdok - người đứng đầu chính quyền bị lật đổ trong cuộc đảo chính tháng trước.

Thông tin trên được người đứng đầu đảng Umma ở Sudan, ông Fadlallah Burma Nasir, đóng vai trò trung gian trong cuộc đàm phán giữa Tướng Abdel Fattah al-Burhan và ông Hamdok thông báo ngày 21/11. Ông cho biết: “Một thỏa thuận chính trị đã được nhất trí giữa Tướng Burhan, Thủ tướng Abdalla Hamdok, các lực lượng chính trị và các tổ chức xã hội dân sự về việc để ông Hamdok quay lại vị trí Thủ tướng cũng như việc thả tất cả những người bị bắt trong cuộc đảo chính.” Theo thỏa thuận này, ông Hamdok sẽ được giao trách nhiệm thành lập nội các độc lập gồm các nhà kỹ trị.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok phát biểu tại cuộc họp báo ở Khartoum ngày 8/2/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong cuộc đảo chính ngày 25/10, các lực lượng quân sự Sudan bất ngờ bắt giữ Thủ tướng Hamdok cùng các thành viên khác trong chính phủ nước này. Tướng Burhan, người đứng đầu Hội đồng Tối cao cầm quyền Sudan và là người điều hành chính quyền sau cuộc đảo chính quân sự, đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, đồng thời thông báo giải tán hội đồng này cùng chính phủ chuyển tiếp ở Sudan. Sau đó, ông đã chỉ định Hội đồng Tối cao cầm quyền mới, trong đó ông vẫn đứng đầu hội đồng và cấp phó của ông vẫn là Tướng Mohamed Hamdan Dagalo. Trong Hội đồng tối cao mới được thành lập có các chỉ huy quân đội, các cựu thủ lĩnh lực lượng nổi dậy và thành viên dân sự mới.

Nhóm trung gian, gồm các học giả, nhà báo và chính khách, đã đứng ra làm thúc đẩy các quốc đàm phán giữa quân đội và các đảng dân sự nhằm tìm giải pháp chấm dứt bất ổn chính trị tại Sudan.

Áo là quốc gia châu Âu đầu tiên quy định tiêm vaccine bắt buộc

Áo sẽ trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên áp dụng quy định tiêm vaccine ngừa COVID-19 bắt buộc đối với tất cả người dân. Tuyên bố trên được Thủ tướng Alexander Schallenberg đưa ra cùng với thông báo quốc gia Trung Âu này bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ ba trong ít nhất 10 ngày kể từ 22/11.

Chính phủ Áo đang chuẩn bị cơ sở pháp lý để quy định tiêm vaccine bắt buộc nói chung có thể có hiệu lực từ ngày 1/2/2022 và quy định này chỉ miễn trừ cho những người không thể tiêm vaccine vì lý do sức khỏe. Mặc dù độ tuổi được yêu cầu tiêm chủng hiện vẫn chưa được xác định, nhưng chính phủ cho biết tất cả những người từ chối tiêm có khả năng bị phạt hành chính, thậm chí có thể chuyển thành án tù nếu không nộp phạt.

leftcenterrightdel

 Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Vienna, Áo ( Ảnh: THX/ TTXVN)

Áo đang trải qua giai đoạn dịch bệnh tồi tệ nhất với tỷ lệ mắc COVID-19 vượt 990 ca/100.000 người trong bảy ngày. Riêng trong ngày 19/11, nước này ghi nhận thêm 15.809 ca nhiễm mới. Cho đến nay, tỷ lệ tiêm chủng tại Áo là 66% (tiêm đủ 2 mũi), thấp so với nhiều quốc gia khác trong khu vực. Trong 2 tuần qua, chính phủ đã nỗ lực để ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống y tế bằng cách bắt buộc người dân phải xuất trình chứng nhận tiêm chủng, hoặc đã phục hồi trước khi vào các nhà hàng hay quán bar. Tuy nhiên, số ca mắc vẫn cao do số người không tiêm quá nhiều.

Dự kiến, lệnh phong tỏa toàn quốc sẽ kéo dài đến ngày 12/12 nhưng có thể được đánh giá lại sau 10 ngày nếu tình hình dịch bệnh được cải thiện. Các trường học sẽ vẫn mở cửa nhưng việc đeo khẩu trang là bắt buộc trong lớp học và học sinh có thể chọn hình thức học từ xa nếu muốn. Bộ trưởng Y tế Áo Wolfgang Mückstein khẳng định: “Không ai muốn áp đặt phong tỏa, vì đó là một công cụ không mong muốn, nhưng nó là công cụ hiệu quả nhất mà chúng tôi có sẵn hiện nay."/.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực