Bác kháng cáo của nguyên Giám đốc CDC Hà Nội và đồng phạm

Thứ năm, 24/06/2021 22:37
(ĐCSVN) – Bác kháng cáo của nguyên Giám đốc CDC Hà Nội và đồng phạm, bắt khẩn cấp nhóm lưu hành cả trăm tờ 500.000 đồng giả ở Cần Thơ, xẻ tan núi Thị Vải tại Bà Rịa-Vũng Tàu để xây dựng trái phép, Trung Quốc kiện Australia ra WTO về các biện pháp chống bán phá giá, rơi trực thăng quân sự tại Philippines… là một số tin tức trong nước và quốc tế đáng chú ý hôm nay (24/6).

Bác kháng cáo của nguyên Giám đốc CDC Hà Nội và đồng phạm

Phiên tòa phúc thẩm xét xử nguyên Giám đốc CDC Hà Nội và đồng phạm. (Ảnh: anninhthudo.vn) 

Chiều 24/6, tại phiên tòa xét xử phúc thẩm các bị cáo có kháng cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội), đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đánh giá, bản án mà Tòa sơ thẩm tuyên phạt là có căn cứ, đúng quy định, không oan.

Đối với bị cáo Nguyễn Nhật Cảm (nguyên Giám đốc CDC Hà Nội), đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, bị cáo Cảm có vai trò cao nhất, chịu trách nhiệm của người đứng đầu, khởi xướng và trực tiếp bàn bạc, ấn định giá thiết bị tham gia thầu. Bị cáo Cảm có học hàm Phó Giáo sư, học vị Tiến sỹ, trong quá trình điều tra xét xử đã thành thật khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo Cảm chưa hưởng lợi vật chất từ vụ án, được CDC Hà Nội và đồng nghiệp nhiều nơi gửi đơn đề nghị Tòa phúc thẩm giảm hình phạt. Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát đánh giá, mức hình phạt sơ thẩm 10 năm tù đối với bị cáo Cảm là có căn cứ, tương xứng với hành vi, mức độ phạm tội; đây là mức thấp nhất của khung hình phạt. Do đó, mặc dù có nhiều đơn xin giảm nhẹ, nhưng chưa có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt cho nguyên Giám đốc CDC Hà Nội.

Đối với các bị cáo kháng cáo khác, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, bị cáo Nguyễn Vũ Hà Thanh với vai trò là Trưởng phòng Tài chính kế toán, thành viên Hội đồng tư vấn mua sắm, chọn giá hàng hóa/dịch vụ đã không làm tròn chức trách tham mưu giúp việc cho lãnh đạo các vấn đề liên quan tài chính đơn vị, đã trực tiếp ký và hoàn tất nhiều tài liệu liên quan đến việc hoàn thiện thủ tục đấu thầu.

Bị cáo Đào Thế Vinh (Giám đốc Công ty MST), là đơn vị trúng thầu, với động cơ vụ lợi trực tiếp xây dựng hồ sơ dự thầu, sử dụng thủ đoạn mua đi, bán lại thiết bị nhằm nâng giá bán lên đúng như giá đã thỏa thuận.

Bị cáo Nguyễn Thị Kim Dung (nguyên Trưởng phòng Tổ chức hành chính, CDC Hà Nội), với chức trách, nhiệm vụ của mình đã trực tiếp ký và hoàn tất nhiều tài liệu liên quan đến việc hoàn thiện thủ tục đấu thầu.

Bị cáo Nguyễn Ngọc Quỳnh (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, CDC Hà Nội) có vai trò trong việc hợp thức toàn bộ quy trình chỉ định thầu thông thường để Công ty MST trúng thầu theo giá thỏa thuận từ trước, vi phạm các quy định của Luật Đấu thầu năm 2003.

Bị cáo Nguyễn Trần Duy (nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá Nhân Thành) đã lập khống thủ tục, hồ sơ thẩm định giá,... nhằm giúp CDC Hà Nội hợp thức hồ sơ để Công ty MST trúng thầu trái quy định pháp luật.

Viện Kiểm sát ghi nhận các bị cáo trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã thành khẩn khai báo, ăn năn, hối lỗi. Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, chưa có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt sơ thẩm. Từ đó, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên hình phạt của bản án sơ thẩm đối với các bị cáo và người bị hại.

Bên cạnh đó, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị bác đơn kháng cáo của Trung tâm CDC Hà Nội (bị hại trong vụ án) xin giảm hình phạt cho các bị cáo nguyên là cán bộ của Trung tâm.

Bắt khẩn cấp nhóm lưu hành cả trăm tờ 500.000 đồng giả ở Cần Thơ

 Các nghi can Vinh, Út và Anh tại cơ quan điều tra. (Ảnh: Công an Cần Thơ)

Ngày 24/6, Công an thành phố Cần Thơ cho biết vừa bắt giữ 4 nghi can có hành vi tàng trữ, lưu hành tiền giả.

Theo điều tra ban đầu, ngày 16/6, Công an thành phố Cần Thơ phát hiện Ngô Chí Nhân (22 tuổi, ở xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ) đang tàng trữ 15 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng, nghi là tiền giả. Tại cơ quan công an, Nhân khai số tiền trên là giả, nhận từ một người ở quận Bình Thủy, sau đó mang về huyện Cờ Đỏ tiêu thụ thì bị bắt giữ.

Quá trình mở rộng điều tra, cảnh sát bắt khẩn cấp Bùi Trọng Vinh (37 tuổi, phường An Hòa, quận Ninh Kiều), Nguyễn Văn Út (33 tuổi) và Nguyễn Thị Tú Anh (27 tuổi), cùng ngụ quận Bình Thủy.

Cảnh sát khám xét khẩn cấp tại nhà các đối tượng, thu giữ thêm 151 tờ tiền, mệnh giá 500.000 đồng nghi là giả, 3 máy in, laptop, nhiều giấy in và các tang vật có liên quan.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Xẻ tan núi Thị Vải để xây dựng trái phép

 Một khu vực núi Thị Vải bị xẻ nát. (Ảnh: thanhnien.vn)

Ngày 24/6, Ủy ban nhân dân thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã có báo cáo về việc xác minh, xử lý vi phạm tại khu vực núi Thị Vải, phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ.

Qua xác minh của cơ quan chức năng, tổng diện tích đất bị vi phạm là 31.538,8m2, trong đó, có tới gần 17.000m2 là đất rừng phòng hộ đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh. Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh, Hạt Kiểm lâm Vũng Tàu-Phú Mỹ cũng đã xác nhận diện tích này thuộc rừng phòng hộ.

Theo Ủy ban Nhân dân thị xã Phú Mỹ, diện tích đất rừng bị vi phạm như trên là rất lớn nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh, Hạt Kiểm lâm Vũng Tàu-Phú Mỹ không phát hiện kịp thời để ngăn chặn, xử lý.

Số còn lại 14.840,6m2 là của các hộ dân. Phần diện tích bị vi phạm này nằm trong tổng diện tích 35.924m2 đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân với mục đích trồng cây lâu năm.

Tại hiện trường, các hộ dân đã tiến hành san hạ, đào bới làm giảm độ dầy tầng đất, làm kè đá, cải tạo đường đi vào các thửa đất, đắp hồ chứa nước, chẻ đá.

Trước vụ việc trên, Ủy ban Nhân dân thị xã Phú Mỹ đã giao Công an thị xã tiến hành điều tra, xử lý việc chiếm, san gạt trái phép đất rừng phòng hộ; điều tra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên diện tích đất đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân.

Ủy ban Nhân dân thị xã Phú Mỹ giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường xử lý vụ việc chẻ đá, vi phạm về sử dụng đất đối với diện tích đất đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các gia đình, cá nhân và báo cáo về Ủy ban Nhân dân thị xã trước ngày 28/6.

Trung Quốc kiện Australia ra WTO về các biện pháp chống bán phá giá

 Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 24/6, Trung Quốc đã đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm vào các biện pháp chống bán phá giá mà Australia áp dụng đối với các sản phẩm như bánh xe tàu, turbin gió và bồn thép không gỉ từ năm 2019. Động thái này được cho là sẽ tiếp tục làm leo thang căng thẳng giữa hai nước.

Tại họp báo ngày 24/6, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết vụ kiện là nhằm "đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của các công ty Trung Quốc”. “Chúng tôi hy vọng Australia sẽ có hành động cụ thể để sửa đổi các thông lệ sai trái của mình, tránh làm rối loạn các hoạt động buôn bán những sản phẩm liên quan và đưa hoạt động thương mại trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất" – ông Cao Phong nêu rõ.

Vụ kiện được đưa ra một tuần sau khi Canberra kiện Bắc Kinh về các mức thuế chống bán phá giá của Trung Quốc đối với rượu vang, khiến việc xuất khẩu của rượu vang của Australia vào thị trường Trung Quốc gần như chấm dứt hoàn toàn. Trước đó, tháng 12/2020, Australia cũng đã chính thức khởi kiện Trung Quốc lên WTO về việc áp đặt mức thuế cao hơn 80% đối với mặt hàng lúa mạch xuất khẩu của Australia.

Philippines: Rơi trực thăng quân sự, 6 người thiệt mạng

 Chiếc trực thăng S-70i Black Hawk gặp nạn là một trong số 16 chiếc mà Philippines mới mua vào năm 2019. (Ảnh: ANTONOV AIRLINES/TWITTER)

Không quân Philippines (PAF) ngày 24/6 cho biết, một trong những trực thăng đa dụng S-70i Black Hawk của lực lượng này đã rơi ở phía Bắc thủ đô Manila đêm 23/6, khiến 6 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

Theo thông báo của PAF, chiếc trực thăng S-70i Black Hawk  gặp nạn là một trong số 16 chiếc mà Philippines mới mua vào năm 2019 từ Ba Lan.

PAF cho biết chiếc trực thăng gặp nạn vào khoảng 22h ngày 23/6 (theo giờ địa phương) khi đang thực hiện bay diễn tập. Sự việc xảy ra sau khi trực thăng rời khỏi một căn cứ không quân ở thị trấn Capas, tỉnh Tarlac.

Tuyên bố của PAF cho biết:  “Cho đến nay, không có người sống sót nào được tìm thấy. Danh tính của các thành viên phi hành đoàn sẽ được công bố ngay sau khi gia đình họ được chính thức thông báo về vụ việc”.

Trong một tuyên bố khác, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết trong số nạn nhân thiệt mạng có 3 phi công./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực