Bắt đối tượng lừa đảo hơn 400 vụ qua mạng xã hội

Chủ nhật, 24/01/2021 23:30
(ĐCSVN) - Bắt đối tượng lừa đảo hơn 400 vụ qua mạng xã hội; phòng chống thủ đoạn phát tán thông tin xấu độc dịp Đại hội XIII; hủy nổ thành công một quả bom nặng khoảng 600kg ở Sơn La; Trung Quốc đã giải cứu được 11 người trong vụ sập mỏ vàng ở Sơn Đông… là những tin đáng chú ý ngày hôm nay, 24/1.

Bắt đối tượng lừa đảo hơn 400 vụ qua mạng xã hội

Ngày 24/1, Công an huyện Yên Định (Thanh Hóa) cho biết, lực lượng chức năng đã điều tra, bắt giữ Khúc Thanh Bình, sinh năm 1995, ở phường Kim Tân, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Bình đã gây ra hơn 400 vụ lừa đảo trên địa bàn toàn quốc với tổng số tiền chiếm đoạt gần 300 triệu đồng.

leftcenterrightdel
Công an huyện Yên Định lấy lời khai của nghi phạm Khúc Thanh Bình - Ảnh do Công an Thanh Hóa cung cấp 

Trước đó, Công an huyện Yên Định nhận được tin báo của anh T.Q.T, 30 tuổi, ở xã Định Bình, huyện Yên Định với nội dung: Do có nhu cầu muốn lấy lại các mật khẩu của những tài khoản cá nhân của bản thân và vợ trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook nên anh T đã lên mạng và nhờ người tìm hộ.

Trên mạng xã hội Zalo, anh T được một tài khoản mang tên “Dịch vụ fb uy tín giá rẻ” nhắn tin là nếu muốn lấy lại mật khẩu cho tài khoản đã mất thì phải gửi 5 triệu đồng/tài khoản cho chủ của tài khoản nói trên và muốn bảo mật chống bị hack tài khoản thì phải gửi thêm 3 triệu đồng/tài khoản.

Sau khi hướng dẫn anh T đăng ký các thủ tục lấy lại 3 tài khoản và mật khẩu. Anh T chuyển 24 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng. Khoảng 2 giờ sau, đối tượng đã nhắn tin lại tài khoản và mật khẩu cho anh T nhưng anh T không thể truy cập được và cũng không thể liên lạc lại được với đối tượng. Biết mình bị lừa, anh T đã báo cáo với cơ quan Công an.

Ngay sau khi nhận được tin báo, Công an huyện Yên Định đã chỉ đạo Đội Cảnh sát hình sự tập trung xác minh, điều tra, làm rõ và lập án đấu tranh. Đến ngày 23/1, Công an huyện Yên Định đã xác định Khúc Thanh Bình là đối tượng đã gây ra vụ lừa đảo anh T.Q.T và đã tiến hành bắt giữ đối tượng.

Khám xét khẩn cấp nơi ở của Bình, Công an huyện Yên Định đã thu giữ 1 laptop, 2 điện thoại di động, 2 thẻ ATM và nhiều tang vật có liên quan.

Tại cơ quan Công an, Bình khai nhận do ham mê cờ bạc nên đã lập ra trang cá nhân “Dịch vụ fb uy tín giá rẻ” trên mạng xã hội Zalo và giả danh làm cán bộ viễn thông có chức năng hỗ trợ dịch vụ quản lý và kiểm soát các tài khoản cá nhân trên các trang mạng xã hội.

Khúc Thanh Bình còn cho biết có thể kiểm soát được tin nhắn của các tài khoản cá nhân. Do vậy, đã có rất nhiều các bị hại là những người đang nghi ngờ vợ hoặc chồng mình ngoại tình đã nhờ Bình kiểm soát tin nhắn trên các trang mạng xã hội.

Mỗi lần như vậy, Bình yêu cầu các bị hại phải gửi vào tài khoản ngân hàng cho Bình với số tiền từ 200.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Với thủ đoạn này, từ đầu tháng 10/2020 đến khi bị bắt, Khúc Thanh Bình đã gây ra hơn 400 vụ lừa đảo trên địa bàn toàn quốc với tổng số tiền chiếm đoạt gần 300 triệu đồng.

Hiện Cơ quan Công an huyện Yên Định đang tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật./.

Phòng chống thủ đoạn phát tán thông tin xấu độc dịp Đại hội XIII

Theo Bộ Công an, phương thức, thủ đoạn tấn công phổ biến nhất hiện nay là câu nhử (Phishing); khai thác lỗ hổng bảo mật trên diện rộng; tấn công thông qua thiết bị USB, tấn công thay đổi giao diện.

Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về an ninh mạng trong thời gian diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa: chinhphu.vn 

Theo Bộ Công an, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao ghi nhận dấu hiệu gia tăng đột biến về tần suất, quy mô, số lượng các đợt tấn công mạng nhằm vào Việt Nam, nhất là các cơ quan trọng yếu, tập đoàn kinh tế, tài chính quan trọng với phương thức, thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm, nhằm chiếm đoạt thông tin, tài liệu nội bộ, tài liệu bí mật nhà nước, phát tán thông tin xấu, độc.

Với các thủ đoạn được cảnh báo: Tấn công câu nhử là hình thức tấn công tinh vi và nguy hiểm nhất, các nhóm tin tặc quốc tế thường tán phát mã độc qua thư điện tử; triệt để sử dụng các “mồi nhử” là những tệp tin chứa nội dung liên quan Đại hội Đảng, đặc biệt là những thông tin không chính thống về phương án nhân sự cấp cao nhằm thu hút sự chú ý của cán bộ, đảng viên.

Đối với các hệ thống có kết nối Internet, tin tặc tấn công rà quét, khai thác lỗ hổng bảo mật trên diện rộng (chiếm 17%), nhắm trực tiếp vào các Cổng thông tin điện tử nội bộ, các thiết bị mạng chuyên dụng của các cơ quan; tạo bàn đạp xâm nhập vào các hệ thống mạng nội bộ. Các đối tượng tin tặc thường khai thác lỗ hổng bảo mật trên diện rộng nhắm vào các phần mềm dịch vụ, thiết bị mạng có kết nối trực tiếp với Internet của các cơ quan, đơn vị.

Các đối tượng lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý các Cổng thông tin điện tử chèn các thông tin xấu độc, sai sự thật, gây hoang mang trong dư luận thông qua tính năng “Hỏi đáp trực tuyến”, “Phản hồi”, “Lấy ý kiến”, “Thảo luận”.

Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, các nhóm tin tặc thay vì tấn công trực tiếp vào nạn nhân, chúng chuyển hướng tấn công gián tiếp, kiểm soát các đơn vị chuyên cung cấp các phần mềm, giải pháp công nghệ thông tin đặc thù phục vụ cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, từ đó, lợi dụng chính cơ sở hạ tầng của các đơn vị này để tiếp tục mở rộng tấn công, xâm nhập vào các cơ quan trọng yếu.

Trước diễn biến phức tạp của hoạt động tấn công mạng, đặc biệt là trong thời gian diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo một số biện pháp cơ bản để phòng ngừa.

Theo đó, không mở bất kỳ liên kết hay tập tin nào từ khi chưa xác định rõ nguồn gốc. Sử dụng chương trình tìm diệt mã độc, rà quét các thiết bị lưu trữ như USB, các tập tin nghi ngờ.

Với quản trị hệ thống, lực lượng chuyên trách về an toàn, an ninh mạng: kịp thời cập nhật các bản vá lỗi của hệ điều hành, ứng dụng, thiết bị mạng.

Với các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị: Tổ chức phân loại tài sản thông tin của cơ quan, tổ chức; bố trí lực lượng chuyên trách; giải pháp giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng tương xứng; ban hành các quy trình, quy chế quản lý, sử dụng chặt chẽ, tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn, an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước và khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Kịp thời thông báo cho Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an (số điện thoại 0338.897.798) nếu phát hiện hoạt động tấn công mạng để kịp thời xử lý, ngăn chặn.

Sơn La: Hủy nổ thành công một quả bom nặng khoảng 600kg

leftcenterrightdel
Lực lượng chức năng di dời một quả bom đến điểm hủy nổ. Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN 

Chiều 24/1, tại xã Chiềng Xôm (thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La), lực lượng Công binh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sơn La phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Sơn La tiến hành hủy nổ an toàn quả bom nặng khoảng 600kg còn sót lại sau chiến tranh.

Trước đó, ngày 23/1/2021, người dân địa phương trong lúc chăn thả gia súc phát hiện một quả bom tại Km số 7-Quốc lộ 6 cũ, đoạn thuộc địa phận xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, đã kịp thời trình báo cơ quan chức năng.

Qua kiểm tra, xác minh của Ban Công binh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sơn La, đây là quả bom được sử dụng trong chiến tranh chống Mỹ, có đường kính 0,75m, dài 1,5m và nặng khoảng 600kg.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sơn La, lực lượng Công binh đã phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Sơn La, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, xây dựng kế hoạch và di chuyển quả bom ra khỏi khu dân cư đến địa điểm hủy nổ đồng thời tổ chức hủy nổ thành công, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và trang bị kỹ thuật./.

Trung Quốc đã giải cứu được 11 người trong vụ sập mỏ vàng ở Sơn Đông

Sau khi lực lượng cứu hộ đưa được thợ mỏ đầu tiên lên mặt đất vào khoảng 11 giờ sáng 24/1, vài giờ sau đó, lần lượt 10 người khác cũng đã được giải cứu.

Hãng Tân Hoa xã và Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin tính tới khoảng 15 giờ chiều 24/1, lực lượng cứu hộ đã giải cứu được tổng cộng 11 thợ mỏ trong số 22 người bị mắc kẹt trong vụ sập mỏ vàng ở tỉnh Sơn Đông, miền Đông nước này xảy ra cách đây 2 tuần.

leftcenterrightdel
 Lực lượng cứu hộ giải cứu thợ mỏ bị mắc kẹt trong vụ sập mỏ vàng ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, ngày 24/1/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Sau khi lực lượng cứu hộ đưa được thợ mỏ đầu tiên lên mặt đất vào khoảng 11 giờ sáng cùng ngày, vài giờ sau đó, lần lượt 10 người khác cũng đã được giải cứu. Hai thợ mỏ mới nhất được đưa lên mặt đất vào khoảng 15 giờ 18 phút.

Thợ mỏ đầu tiên được giải cứu trong tình trạng sức khỏe yếu và đang được điều trị tại bệnh viện.

Hiện 633 nhân viên tại chỗ và 407 trang thiết bị đang được triển khai tại hiện trường trong nỗ lực giải cứu nhóm thợ mỏ gặp nạn.

Trước đó, vụ nổ xảy ra ngày 10/1 tại một mỏ vàng ở tỉnh Sơn Đông đã khiến 22 thợ mỏ đang làm việc cách mặt đất 600m bị mắc kẹt. Lực lượng cứu hộ đã liên lạc được với 11 thợ mỏ bị mắc kẹt, trong đó có một người tử vong sau 10 ngày hôn mê do bị chấn thương nặng ở đầu.

Để duy trì sự sống cho những người bị mắc kẹt, lực lượng cứu hộ đã chuyển thức ăn và thuốc men cũng như một đường dây điện thoại xuống thông qua một đường ống.

Các nhân viên cứu hộ cho rằng sẽ phải mất thêm ít nhất 2 tuần nữa để có thể dọn dẹp các chướng ngại vật và giải cứu được các thợ mỏ bị mắc kẹt./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực