Bắt giam cựu nhân viên bưu điện lừa đảo 2,2 tỷ đồng

Thứ năm, 18/11/2021 20:13
(ĐCSVN) – Bắt giam cựu nhân viên bưu điện lừa đảo 2,2 tỷ đồng; Gia Lai tạm giữ 2.000 chai thuốc bảo vệ thực vật chứa chất cấm; TP Hồ Chí Minh dừng hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar; Hơn 509.000 thí sinh Hàn Quốc tham gia kỳ thi đại học khó khăn giữa bối cảnh COVID-19,... là một số tin tức đáng chú ý trong ngày 18/11.

Trà Vinh: Bắt giam cựu nhân viên bưu điện lừa đảo 2,2 tỷ đồng

Ngày 18/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Trà Vinh, đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam Nguyễn Thị Mỹ Ái, 25 tuổi, ngụ ấp Tân Thành, xã Long Khánh, huyện Duyên Hải để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 Đối tượng Nguyễn Thị Mỹ Ái (Ảnh: TTXVN)

Theo kết quả điều tra ban đầu, khoảng tháng 7/2019, Nguyễn Thị Mỹ Ái được nhận vào làm việc tại Bưu điện xã Long Khánh.

Công việc chính của Ái là nhận chuyển tiền, chuyển khoản, phát tiền lương hưu, tiền chính sách, tiền bảo trợ xã hội cho người dân trên địa bàn xã.

Trong thời gian làm việc tại Bưu điện xã Long Khánh, Ái đã tự ý lấy tiền của đơn vị cho người khác mượn và không có tiền trả lại. Để có tiền trả nợ cho đơn vị, Ái đã lấy sổ bảo trợ xã hội của người dân đem đi cầm, chiếm đoạt tiền.

Để thực hiện hành vi phạm tội, Ái đưa ra thông tin gian dối là có một số người dân đang được hưởng chế độ trợ cấp xã hội nhưng do kẹt tiền nên cầm cố cho Ái với giá 5 triệu đồng/sổ.

Do cá nhân đang khó khăn về kinh tế nên cầm lại cho ai có nhu cầu bằng cách hàng tháng đến Bưu điện xã Long Khánh lĩnh số tiền 540.000 đồng. Vì lợi nhuận cao nên nhiều người đã bỏ tiền ra cầm.

Khi đã hết sổ bảo trợ xã hội thật, Ái tiếp tục có hành vi làm giả sổ để lừa đảo như trên.

Tính từ tháng 10/2020 đến tháng 5/2021, Nguyễn Thị Mỹ Ái đã cầm 445 sổ cho 8 người dân trên địa bàn xã Long Khánh, với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng.

Gia Lai tạm giữ 2.000 chai thuốc bảo vệ thực vật chứa chất cấm

Tối 17/11, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Gia Lai phát hiện một xe vận chuyển 2.000 chai thuốc trừ cỏ nhãn hiệu KANUP 480 SL, có chứa hoạt chất Glyphosate IPA Salt cấm sử dụng tại Việt Nam.

Ngày 18/11, Đội Quản lý thị trường số 7 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai đang hoàn tất hồ sơ vụ tạm giữ 2.000 chai thuốc bảo vệ thực vật chứa chất cấm, chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện K'Bang để điều tra xử lý hình sự theo quy định.

 Các chai thuốc trừ cỏ nhãn hiệu KANUP có hoạt chất Glyphosate IPA Salt bị tạm giữ. (Ảnh: Nguyễn Hoài Nam/TTXVN)

Qua theo dõi, nắm tình hình, tối 17/11, đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 7 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế và ma túy, Công an huyện K'bang đã tiến hành khám phương tiện vận tải mang biển kiểm soát 81C-129.89 do ông Lê Văn Biển (địa chỉ thường trú tại tổ dân phố 12, thị trấn K'bang, huyện K'bang) điều khiển.

Qua kiểm tra, đoàn phát hiện trên xe vận chuyển 100 thùng carton không nhãn, bên trong chứa thuốc trừ cỏ nhãn hiệu KANUP 480 SL, thành phần ghi trên nhãn có chứa hoạt chất Glyphosate IPA Salt cấm sử dụng tại Việt Nam. Tổng khối lượng qua kiểm đếm là 2.000 chai với khối lượng 1.800 lít.

Xét thấy tang vật là hàng cấm và vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, có dấu hiệu tội phạm hình sự, Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập hồ sơ ban đầu, niêm phong, tạm giữ toàn bộ tang vật để điều tra xử lý theo quy định.

Hoạt chất Glyphosate nằm trong danh mục không được phép buôn bán sử dụng tại Việt Nam kể từ ngày 01/7/2021 được quy định tại Thông tư số 10/2020/TT-BNN PTNT ngày 09/9/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam.

TP Hồ Chí Minh dừng hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar

Ngày 18/11, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đã ký văn bản về hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, massage, spa, quán bar. Theo đó, TP Hồ Chí Minh yêu cầu tạm thời ngừng các hoạt động này cho đến khi có thông báo mới.

 Ảnh minh họa (Ảnh: Lê Thoa)

Quyết định trên được đưa ra dựa trên đề xuất của Sở Y tế Thành phố và việc xem xét tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Như vậy, tính đến nay, các dịch vụ karaoke, vũ trường, spa, quán bar, massage đã phải dừng hoạt động gần 7 tháng để phòng dịch.

Thành phố giao Sở Y tế sớm hoàn thiện, tham mưu Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 xem xét, ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn đối với loại hình kinh doanh dịch vụ massage, quán bar.

UBND Thành phố giao các sở, ngành, các đoàn kiểm tra liên ngành, quận, huyện, phường, xã đẩy mạnh thông tin tuyên truyền cho người dân và tổ chức kinh doanh nắm rõ; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Trước đó, hôm 16/11, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành quy định tạm thời các biện pháp Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 trên địa bàn. Theo đó, một loạt dịch vụ như: massage, spa, làm đẹp, bar, vũ trường, khiêu vũ, karaoke, rạp chiếu phim, thư viện, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, trò chơi điện tử... được mở tại phường, xã, thị trấn cấp độ 1 (vùng xanh). Điều kiện là người làm việc phải tiêm đủ liều vaccine hoặc khỏi COVID-19. Khách cũng tiêm đủ liều vaccine hoặc khỏi COVID-19 hoặc có giấy xét nghiệm âm tính trong 72 giờ.

Ở địa bàn ghi nhận dịch cấp độ 2 và 3, các dịch vụ này được hoạt động nhưng công suất tối đa lần lượt là 50% và 25%. Địa bàn cấp độ 4, các dịch vụ trên phải dừng hoạt động.

Hơn 509.000 thí sinh Hàn Quốc tham gia kỳ thi đại học giữa bối cảnh COVID-19

Sáng 18/11, hơn 509.000 thí sinh Hàn Quốc đã bước vào Kỳ thi Kiểm tra năng lực học tập Đại học (CSAT - College Scholastic Ability Test). Đây được coi là kỳ thi quan trọng nhất, đặt nền móng cho sự phát triển trong tương lai của mỗi học sinh sau 12 năm "dùi mài kinh sử".

Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết kỳ thi CSAT bắt đầu từ 8h40' sáng và kéo dài đến 17h45' cùng ngày theo giờ địa phương. Có tổng cộng 509.821 học sinh và nhiều trường hợp khác đã đăng ký tham dự kỳ thi trong năm nay, tăng 3,3% so với năm ngoái. 

 Các thí sinh tham gia kỳ thi đại học ở Seoul, Hàn Quốc ngày 18/11 (Ảnh: Yonhap)

Đây là lần thứ hai CSAT được tổ chức trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Cơ quan chức năng đã bố trí hơn 100 điểm thi riêng cho học sinh thuộc diện cách ly do dịch bệnh. Trong trường hợp học sinh có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, việc dự thi của thí sinh đó vẫn sẽ được tiến hành, nhưng tại bệnh viện hoặc các trung tâm điều trị chuyên biệt.  

Tất cả các thí sinh đăng ký dự CSAT đều phải đeo khẩu trang và được kiểm tra thân nhiệt. Trong giờ ăn trưa, ban tổ chức yêu cầu dựng các vách ngăn giữa các bàn nhằm đảm bảo phòng dịch.  

Kỳ thi CSAT được tổ chức theo đúng kế hoạch khi 70% dân số Hàn Quốc đã được tiêm phòng đầy đủ. 

Để đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn và thuận lợi, các thành phố đã tăng chuyến tàu điện ngầm cũng như tăng số chuyến xe buýt trong thời gian từ 7h đến 9h. Các phương tiện cá nhân không được phép lưu thông qua điểm thi. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương đã phối hợp với các công sở, doanh nghiệp lùi giờ làm từ 9h xuống 10h. Đặc biệt, chính phủ đã ra lệnh cấm các chuyến bay cất cánh hoặc hạ cánh trong khoảng thời gian từ 13h10 đến 13h35 để đảm bảo không ảnh hưởng đến bài thi kỹ năng nghe tiếng Anh. Các cuộc diễn tập quân sự như bắn pháo đều bị cấm./.

KG (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực