Bắt hotboy lừa 57 tỷ đồng bằng chiêu thức bán găng tay y tế

Thứ hai, 23/11/2020 19:23
(ĐCSVN) – Bắt hotboy lừa 57 tỷ đồng bằng chiêu thức bán găng tay y tế; Khởi tố đối tượng làm giả văn bản chỉ đạo của Thủ tướng và các Bộ trưởng; Tạm giữ hình sự nữ chủ quán tra tấn nhân viên quán bánh xèo ở Bắc Ninh; Hút cạn dòng Rào Trăng, lật đất, bới đá tìm người mất tích; Sân bay Trung Quốc náo loạn do nhiều nhân viên nhiễm COVID-19… là những tin đáng chú ý ngày 23/11.
Hotboy Nguyễn Khánh Nguyên bị bắt về về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Bắt hotboy lừa 57 tỷ đồng bằng chiêu thức bán găng tay y tế

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM thông tin, vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Khánh Nguyên (SN 1988) về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Nguyễn Khánh Nguyên được biết đến là hotboy có biệt danh Jason Nguyen, từng du học tại Singapore. Không chỉ nổi tiếng trên mạng xã hội về mức độ giàu có, điển trai, có cuộc sống xa hoa, sang chảnh... Nguyễn Khánh Nguyên còn được biết đến là CEO của các công ty triệu USD, diễn giả về kinh nghiệm về start-up, kinh doanh nổi danh trên mạng xã hội.

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cáo buộc Nguyễn Khánh Nguyên đã chiếm đoạt 57 tỷ đồng của một đối tác nước ngoài thông qua chiêu thức lừa đảo bán găng tay y tế.

Cụ thể, theo thông cáo phát đi của Công an TP.HCM, khoảng tháng 5/2020 thông qua một người Thái Lan môi giới, Khánh Nguyên quen biết với ông Philip Leigh Mckenzie.

Lúc này, Nguyên tự giới thiệu là CEO, đại diện pháp luật của công ty TNHH MTV Boowoo, đóng tại toà nhà Saigon Tower, đường Lê Duẩn, quận 1.

Khi biết ông Philip có nhu cầu mua găng tay y tế để bán cho khách hàng ở nước ngoài, Khánh Nguyên đã nảy sinh ý định lừa đảo. Lúc này, hotboy “nổ”, mình có nhà máy sản xuất găng tay y tế mang thương hiệu Boowoo Glove, có thể cung cấp số lượng lớn cho ông Philip.

Sau đó, Nguyễn Khánh Nguyên lên kế hoạch bài bản để tạo dựng lòng tin của vị khách hàng ngoại quốc. Cụ thể, Khánh Nguyên tìm kiếm trên mạng internet và làm giả 1 số hình ảnh về nhà máy sản xuất, các công đoạn sản xuất cũng như hàng thành phẩm găng tay y tế mang nhãn hiệu Boowoo Glove; thuê một số kho bãi tại quận Tân Phú (TP.HCM) và tỉnh Long An.

Hotboy này còn đặt in 1.000 thùng carton giấy, 1 số vỏ hộp có in logo Boowoo Glove.

Sau đó, Khánh Nguyên mua 10 thùng găng tay y tế mang nhãn hiệu Vglove của 1 công ty, cho người đóng gói vào 1 số thùng carton in logo Boowoo Glove. Thậm chí có 1 số thùng carton rỗng.

Khánh Nguyên tạo dựng các thùng carton đó xếp thành hàng dài ở nhà kho, rồi quay clip gửi cho đối tác Philip nhằm tạo độ tin tưởng cao. Khi ông Philip đồng ý đặt hàng, Khánh Nguyên đã lập các hợp đồng giả mạo để ký kết mua bán găng tay y tế.

Đầu tháng 8/2020, giữa ông Philip và Nguyễn Khánh Nguyên ký kết hợp đồng kinh tế mua bán 10 triệu khẩu trang y tế hiệu Boowoo Glove. Ông Philip đã chuyển 57 tỷ đồng vào tài khoản của Cty TNHH MTV Boowoo, do Khánh Nguyên làm đại diện pháp luật.

Hai tuần sau khi ký kết hợp đồng, ông Philip yêu cầu Khánh Nguyên giao trước 2 container hàng mẫu để giới thiệu cho khách hàng nhưng hotboy này không có hàng để giao và trốn tránh. Nghi ngờ lừa đảo, ông Philip đã tìm hiểu, xác định Nguyễn Khánh Nguyên và công ty TNHH MTV Boowoo dùng chiêu trò tinh vi lừa đảo bán găng tay y tế để chiếm đoạt số tiền lớn nên đã tố cáo đến Công an TP.HCM.

Khởi tố đối tượng làm giả văn bản chỉ đạo của Thủ tướng và các Bộ trưởng

Ngày 23/11, Công an huyện Long Thành (Đồng Nai) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt tạm giam đối tượng Phạm Văn Thương (40 tuổi) trú tại  tỉnh Bình Dương để điều tra làm rõ về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Phạm Văn Thương tại cơ quan Công an. (Ảnh: Công an Đồng Nai) 

Trước đó, qua tố cáo của người dân và các tài liệu của một số cơ quan, tổ chức chuyển đến Công an huyện Long Thành yêu cầu xác minh, điều tra làm rõ hành vi giả mạo giấy tờ để chiếm đoạt tài sản của một đối tượng chưa rõ lai lịch.

Các tài liệu có dấu hiệu làm giả  là một số văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường,… chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Qua xác minh, điều tra, lực lượng công an xác định, Phạm Văn Thương là nghi can thực hiện làm giả con dấu để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên tiến hành bắt giữ, khám xét chỗ ở của Thương ở tỉnh Bình Dương.

Tại đây, cơ quan công an đã thu giữ 6 con dấu đỏ giả của Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trại Tạm giam Công an tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, 2 bằng tiến sĩ, một bằng bác sĩ đa khoa đều mang tên Phạm Văn Thương, cùng nhiều loại giấy tờ, tài liệu liên quan đến hoạt động lừa đảo của Thương.

Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra làm rõ.

Tạm giữ hình sự nữ chủ quán tra tấn nhân viên quán bánh xèo ở Bắc Ninh

Ngày 23/11, Công an huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đang tạm giữ hình sự  bà Nguyễn Thị Ánh T. (SN 1986, quê ở tỉnh Quảng Ngãi) - chủ quán bánh xèo Miền Trung đóng trên địa bàn xã Yên Trung, huyện Yên Phong để điều tra về hành vi hành hạ 2 nam nhân viên giúp việc.

Nạn nhân trong vụ bạo hành ở quán bénh xèo tại Yên Phong, Bắc Ninh. 

Về vụ việc nhân viên quán bánh xèo miền Trung- tại Khu Công nghiệp Yên Phong (xã Yên Trung - huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) bị tra tấn, đánh đập tàn nhẫn, ngày 23/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản hỏa tốc về việc điều tra, làm rõ vụ việc tại quán bánh xèo huyện Yên Phong.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Công an tỉnh chỉ đạo Công an huyện Yên Phong chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan điều tra làm rõ, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có); báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.

Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với UBND huyện Yên Phong và các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ can thiệp trợ giúp kịp thời cháu bé giúp việc; Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát tất cả các cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất trên địa bàn về tình hình sử dụng lao động chưa đến tuổi lao động, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 25/12/2020. UBND tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc tổ chức thực hiện.

Trước đó, 2 nhân viên làm thuê ở quán bánh xèo Miền Trung (trong đó có 1 em mới 15 tuổi) nằm tại Khu Công nghiệp Yên Phong tố cáo liên tục bị chủ bỏ đói, đánh đập dã man khiến thân thể tàn tạ, bầm dập... Các nhân viên này thường xuyên bị đánh đập, không được nhận lương hàng tháng, không được dùng điện thoại, bị đập vỡ điện thoại nên không thể liên lạc với gia đình để cầu cứu.

Khắp cơ thể họ đầy những vết thương cả cũ và mới, trong đó thậm chí có nhân viên còn nói bị đánh gãy mấy răng cửa.

Hút cạn dòng Rào Trăng, lật đất, bới đá tìm người mất tích

Các lực lượng nỗ lực tìm kiếm nạn nhân mất tích ở Rào Trăng.  

Trong ngày 23/11, công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn công nhân thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, TT-Huế) bị mất tích tiếp tục được các đơn vị công an, quân đội, biên phòng, giao thông vận tải, công nhân, dân quân... nỗ lực triển khai.

Lực lượng chức năng tỉnh TT-Huế đã huy động nhiều máy móc, phương tiện, nhân lực để hút cạn từng đoạn lòng sông Rào Trăng; lật từng tấc đất, phiến đá, khối bê tông, “soi” từng vị trí nghi ngờ để mong sớm tìm được nạn nhân mất tích nghi ngờ bị vùi lấp bên dưới.

Lực lượng chức năng với quân số khoảng 200 người đã huy động máy móc, phương tiện khẩn trương hút cạn từng đoạn lòng sông Rào Trăng; tranh thủ từng giờ không có mưa gió để lật từng tấc đất, bới từng phiến đá, khối bê tông, “soi” từng vị trí nghi ngờ để mong sớm tìm được nạn nhân mất tích nghi ngờ bị vùi bên dưới.

Trước đó, vào khoảng 14h20 chiều 22/11, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã tìm được thêm một thi thể nằm trong số 17 nạn nhân thủy điện Rào Trăng 3 bị sạt lở núi vùi lấp rạng sáng 12/10.

Thi thể thứ 6 được tìm thấy ở Rào Trăng 3 sau khi lực lượng chức năng chặn sông, đắp đập, chuyển dòng chảy theo hướng mới cho thấy phương án tìm kiếm người mất tích trong giai đoạn 3 đã bước đầu phát huy hiệu quả.

Kết quả này cũng tạo thêm hy vọng sớm tìm lại được tất cả người mất tích của thân nhân các nạn nhân vụ sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3.

Sân bay Trung Quốc náo loạn do nhiều nhân viên nhiễm COVID-19

Chính quyền Thượng Hải, Trung Quốc đêm 22/11 đã yêu cầu toàn bộ nhân viên sân bay Phố Đông xét nghiệm, sau khi phát hiện một số bộ phận có người nhiễm COVID-19.

Hành khách tại sân bay Phố Đông xếp hàng chờ xét nghiệm đêm 22/11. Ảnh: Global Times. 

Theo Thời báo Hoàn cầu, 277 chuyến bay tại sân bay quốc tế Phố Đông đột ngột bị hủy bỏ trong đêm 22/11. Nguyên nhân của sự việc trên là do giới chức y tế thành phố này ba ngày qua đã phát hiện năm nhân viên làm việc tại đây dương tính với COVID-19.

Hàng trăm chuyến bay đột ngột bị hủy bỏ đã khiến khoảng 14.000 hành khách mắc kẹt cảm thấy tức giận. Một số video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy, nhiều hành khách đã xô đẩy và không ngừng la hét vào các nhân viên y tế được điều động tới đây, gây ra cảnh náo loạn hiếm thấy ở sân bay này.

Chính quyền thành phố Thượng Hải sau đó đã vào cuộc và thiết lập lại trật tự, cũng như yêu cầu tất cả hành khách xếp hàng để chờ xét nghiệm./.

HH (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực