Bắt khẩn cấp Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Lục Ngạn

Thứ tư, 19/10/2022 21:23
(ĐCSVN) - Bắt khẩn cấp Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Lục Ngạn, Bắc Giang; Tuyên án cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang 6 năm tù; Sắp xếp bộ máy các bộ: Dự kiến giảm 17 tổng cục, 145 vụ và tương đương; Kyrgyzstan đề nghị CSTO giám sát khu vực biên giới tranh chấp với Tajikistan… là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (19/10).

Bắt khẩn cấp Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Lục Ngạn, Bắc Giang

Ngày 19/10, Công an tỉnh Bắc Giang ra quyết định bắt khẩn cấp ông Vi Đức Ninh (47 tuổi), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) để điều tra nghi vấn nhận hối lộ. Đồng thời Công an tỉnh Bắc Giang cũng bắt khẩn cấp một nguyên cán bộ của Cục Cảnh sát hình sự (C02), Bộ Công an để điều tra nghi vấn môi giới hối lộ.

 Ông Vi Đức Ninh - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Lục Ngạn. (Ảnh: VKSNDBG)

Ông Vi Đức Ninh bị bắt vì nhận hối lộ liên quan đến một vụ án ma túy mà Viện kiểm sát huyện Lục Ngạn chịu trách nhiệm kiểm sát, điều tra.

Trước khi bị bắt khẩn cấp, ông Ninh đến cơ quan công an đầu thú vào ngày 15/10. Hiện chưa có biện pháp tố tụng liên quan khác.

Đến nay, Công an tỉnh Bắc Giang đã hoàn tất thủ tục bàn giao đối tượng cho Cơ quan điều tra hình sự, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tiếp nhận điều tra theo thẩm quyền.

Tuyên án cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang 6 năm tù

Ngày 19/10, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án bị cáo Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) và 9 bị cáo trong vụ án "Vi phạm về quy định quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (Công ty Xây dựng Tân Thuận).

 Bị cáo Tất Thành Cang, cựu phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (ở giữa) tại phiên tòa ngày 19/10/2022. (Ảnh: Thành Chung-TTXVN)

Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí": Tất Thành Cang 6 năm tù, tổng hợp với bản án trong vụ án tại IPC và SADECO, buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung cho hai bản án là 14 năm 6 tháng tù; Phạm Văn Thông (nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) 11 năm tù, tổng hợp án là 17 năm tù; Huỳnh Phước Long (nguyên Trưởng phòng Quản lý đầu tư kinh doanh vốn, Văn phòng Thành ủy) 9 năm tù, tổng hợp án là 21 năm tù; Trần Công Thiện (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Tân Thuận) 13 năm tù, tổng hợp là 26 năm; Nguyễn Văn Minh (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Xây dựng Tân Thuận) 8 năm tù, tổng hợp án là 11 năm tù; Trần Tấn Hải (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty) 5 năm tù. Hai bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Bích (nguyên Kế toán trưởng Công ty), Nguyễn Xuân Tùng (nguyên Trưởng phòng Kinh doanh tổng hợp) bị tuyên phạt 4 năm tù. Hai bị cáo Phan Thanh Tân (nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy) và Nguyễn Hoàng Việt (nguyên Kiểm soát viên Công ty) bị tuyên phạt 3 năm tù.

Hội đồng xét xử nhận định, hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản của Nhà nước. Tuy nhiên, cách tính thiệt hại của vụ án theo cáo trạng là chưa phù hợp, cần phải tính tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. Hội đồng xét xử xác định lại số tiền thiệt hại 2 dự án Khu dân cư Ven Sông và dự án Khu dân cư Phước Kiển là 260 tỷ đồng.

Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử tuyên buộc các bị cáo phải đền bù thiệt hại theo tỷ lệ tương ứng với trách nhiệm của từng bị cáo trong vụ án. Cụ thể, về số tiền 16,9 tỷ đồng mà Công ty Quốc Cường Gia Lai đã nộp vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan An ninh điều tra, Hội đồng xét xử tuyên trả cho Công ty Xây dựng Tân Thuận; buộc các bị cáo liên đới bồi thường số tiền 16,9 tỷ đồng này cho Công ty Quốc Cường Gia Lai theo tỷ lệ bị cáo Trần Công Thiện 50%, Tất Thành Cang 10%, Phạm Văn Thông 10%, các bị cáo Long, Hải, Bích, Tùng, Việt - mỗi bị cáo 6%.

Các bị cáo Thiện, Minh, Thông, Tân, Long, Hải, Tùng, Bích và Việt phải có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền 283 tỷ đồng cho Công ty Xây dựng Tân Thuận.

Ngoài ra, Hội đồng xét xử tuyên duy trì kê biên nhiều tài sản của các bị cáo để bảo đảm trách nhiệm bồi thường của các bị cáo. Trong đó, bị cáo Tất Thành Cang bị kê biên nhà và đất tại phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Sắp xếp bộ máy các bộ: Dự kiến giảm 17 tổng cục, 145 vụ và tương đương

Tại phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, ngày 19/10, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, qua sắp xếp bộ máy, cơ cấu tổ chức của các bộ sẽ giảm 17 tổng cục; giảm 145 vụ; giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập.

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: Nhật Bắc)

Cụ thể, về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tính đến ngày 15/10, Chính phủ đã ban hành nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 11 bộ, cơ quan.

Kết quả dự kiến sắp xếp, sẽ giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục chưa đáp ứng đủ tiêu chí thành lập; giảm 8 cục (thuộc tổng cục và thuộc bộ); giảm 145 vụ và tương đương (thuộc tổng cục và thuộc bộ); giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập.

Việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy góp phần khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ cấp trung gian, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành và phân công của Chính phủ. Đã có 16/19 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Tại địa phương, trên cơ sở các quy định mới của Chính phủ tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP, nhiều nơi đã tích cực rà soát, ban hành Đề án sắp xếp lại, kiện toàn tổ chức bên trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện theo thẩm quyền được giao, 58 địa phương đã hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; cấp huyện theo các tiêu chí của Chính phủ.

Theo đó, đã giảm 7 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; 1.649 phòng thuộc sở; 273 chi cục thuộc sở; 638 cơ quan chuyên môn và tương đương cấp huyện.

Kyrgyzstan đề nghị CSTO giám sát khu vực biên giới tranh chấp với Tajikistan

Ngày 19/10, Bộ trưởng Quốc phòng Kyrgyzstan Baktybek Bekbolotov cho biết nước này đã yêu cầu Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại khu vực biên giới tranh chấp với Tajikistan để đảm bảo hai bên tuân thủ lệnh ngừng bắn.

Bộ trưởng Bekbolotov nêu rõ ông đã đề nghị CSTO triển khai một số binh sĩ tại các khu vực biên giới tranh chấp.

 Trạm kiểm soát biên giới bị phá huỷ trong xung đột giữa Tajikistan và Kyrgyzstan ở Maksat, cách thủ đô Bishkek (Kyrgyzstan) khoảng 1200km. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ít nhất 100 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh xảy ra tháng trước tại một khu vực tranh chấp, mà Kyrgyzstan và Tajikistan triển khai cả xe tăng, máy bay và pháo phản lực, bất chấp việc hai bên vẫn duy trì lệnh ngừng bắn đạt được ngày 16/9.

Kyrgyzstan và Tajikistan tranh chấp gần một nửa đường biên giới chung dài 970 km và tiến độ phân giới diễn ra chậm trong những năm gần đây. Năm 2021 đã chứng kiến số lượng vụ đụng độ chưa từng thấy giữa hai bên, khiến hơn 50 người thiệt mạng và làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột toàn diện.

Ngày 14/9, đã xảy ra 2 vụ đụng độ giữa lính biên phòng hai nước. Đấu súng nổ ra sau khi lính biên phòng Kyrgyzstan cáo buộc phía Tajikistan chiếm các vị trí tại khu vực biên giới chưa được phân định. Trong khi đó, phía Tajikistan tuyên bố phía Kyrgyzstan đã nổ súng “vô cớ” vào tiền đồn của họ./.

ĐT (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực