Bắt tạm giam một đối tượng hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân

Thứ năm, 04/02/2021 21:00
(ĐCSVN) - Bắt tạm giam một đối tượng hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân; triệt phá đường dây làm giả cả bằng bác sỹ y khoa; Hà Nội yêu cầu hạn chế di chuyển, không tổ chức liên hoan tất niên, gặp mặt đầu xuân; cháy phòng trọ, bốn sinh viên đại học tử vong ở Hà Nội; tìm ra loại thuốc mới có thể điều trị u não ác tính cấp độ IV… là những tin đáng chú ý ngày 4/2.

Bắt tạm giam một đối tượng hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Yên ngày 4/2 cho biết, đơn vị này vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực thi lệnh bắt tạm giam về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” đối với Ngô Công Trứ (SN 1988), trú ở thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa. Các quyết định và lệnh bắt tạm giam đã được Viện KSND tỉnh Phú Yên phê chuẩn theo đúng trình tự thủ tục tố tụng hình sự.

Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, thông qua mạng xã hội facebook và kênh youtube, từ tháng 2/2020, Ngô Công Trứ đăng ý tham gia cái gọi là “Trưng cầu dân ý” theo lời rêu rao kêu gọi của tổ chức phản động mệnh danh “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”. Sau đó, Ngô Công Trứ không chỉ được tổ chức phản động nêu trên cấp mã hiệu “TCDY” và cũng là mã công dân của “Đệ tam Việt Nam Cộng hòa” do tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” tạo dựng. Đến tháng 8-2020, Ngô Công Trứ tiếp tục được “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” kết nạp thành viên, đồng thời giao nhiệm vụ tuyên truyền, lôi kéo người khác tham gia các hoạt động của tổ chức phản động này.

Dẫn giải bị can Ngô Công Trứ rời khỏi nhà riêng về Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Yên. Ảnh: cand.com.vn

Từ khi được phong là thành viên, Ngô Công Trứ thường xuyên tham gia nhóm họp trực tuyến của tổ chức phản động “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”. Trong các cuộc họp đó, Ngô Công Trứ không chỉ tham gia thảo luận, trao đổi thông tin, mà còn tiếp nhận chỉ đạo thực hiện các hoạt động chống phá, mưu toan lật đổ chính quyền nhân dân từ một số đối tượng cầm đầu. Ngoài ra, Ngô Công Trứ còn thường xuyên đăng tải, chia sẻ trên các trang mạng xã hội những bài viết, hình ảnh, video có nội dung kêu gọi mọi người tham gia các hoạt động của “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, ủng hộ Đào Minh Quân – một trong những đối tượng cầm đầu và tự phong chức tước “Thủ tướng” của tổ chức phản động “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”.

Không dừng lại ở đó, từ tháng 2/2020 đến tháng 1/2021, Ngô Công Trứ còn tuyên truyền, lôi kéo một số người thân trong gia đình tham gia tổ chức phản động “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”. Đối tượng này cung cấp thông tin của 8 người thân trong gia đình để đưa vào tham gia hoạt động “Trưng cầu dân ý” và đã đươc cấp mã hiệu “TCDY”.

Từ những chứng cứ tài liệu thu thập được và kết quả điều tra, trưng cầu giám định, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Yên đã khởi tố, bắt tạm giam Ngô Công Trứ về tội danh nêu trên theo quy định tại khoản 1, điều 109 BLHS.

Theo thông báo của BộCông an, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” là tổ chức khủng bố, có hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam với phương châm “Đốt sạch, phá sạch, giết sạch” để thực hiện mục đích thay đổi thể chế chính trị, lật đổ Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tiền thân của tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” là “Tân dân chủ” thành lập năm 1991. Tổ chức này do Đào Minh Quân (SN 1962) quê ở thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam),  Trung úy chế độ Việt Nam Cộng hòa cầm đầu. Đối tượng này đang lưu trú tại PO BOX 2807 Anaheim, CA 92814 California – Mỹ.

Triệt phá đường dây làm giả bằng bác sỹ y khoa

 Tang vật của vụ án. Ảnh: cand.com.vn

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an và Công an Thành phố Hồ Chí Minh vừa phát hiện đường dây làm bằng giả, trong đó có cả bằng bác sỹ y khoa khi tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở và nơi làm việc của 3 đối tượng gồm: Vũ Xuân Nghĩa (SN 1989; quê quán: xã Sông Thuận, Châu Thành, Tiền Giang; HKTT tại 116/2 Dương Quảng Hàm, Phường 5, Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh); Lê Huỳnh Duy Anh (SN 1995, chỗ ở: 145A Lê văn Khương, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) và Vương Huỳnh Phát Đạt (SN 1992; nơi thường trú: 59/57/13 Lâm Thị Hố, Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP Hồ Chí Minh). 

Vào thời điểm kiểm tra, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an và Công an Thành phố Hồ Chí Minh thu giữ 4 bộ máy tính để bàn, 12 máy in, 1 ổ cứng di động chứa 500 Gb các file mẫu thiết kế phôi bằng, chứng chỉ giả; 50 con dấu nhựa chưa hoàn thiện; 1 máy làm con dấu; 2 dụng cụ đóng tạo phôi dấu. Tang vật làm giả gồm: 3600 phôi bằng các loại (Đại học, Cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung học phổ thông); 110 học bạ, 1300 con dấu cao su, 1800 miếng dán phôi các loại; 2505 tem chống giả, 340 bảng điểm; 200 bản sao tốt nghiệp các loại, 195 văn bằng các loại, 115 chứng chỉ các loại, 1 thùng chứa dấu sao, chứng thực, đánh số;  1 thùng chứa mực in các loại; 4 dụng cụ cắt giấy A4, A3; 1 máy ép nhựa; 1 máy hủy cắt giấy; 17 hộp mực in… và nhiều tài liệu, đồ vật khác có liên quan đến hành vi phạm tội của các đối tượng.

Qua đấu tranh bước đầu, xác định đây là băng nhóm tội phạm có tổ chức, có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng đối tượng: Đối tượng in ấn, sản xuất; đối tượng lập và quản trị các trang web nhận, rao bán làm bằng cấp, chứng chỉ giả; liên lạc chủ yếu qua mạng xã hội; chuyển hàng qua các bưu cục chuyển phát nhanh. Chúng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để che giấu hành vi phạm tội. Đáng chú ý, trong số bằng cấp, chứng chỉ giả thu được, phát hiện nhiều bằng bác sỹ y khoa, đại học sư phạm đã được in sẵn tên, chưa kịp chuyển cho người mua.

Hiện cơ quan điều tra đang củng cố hồ sơ, mở rộng điều tra vụ án để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cháy phòng trọ, bốn sinh viên đại học tử vong ở Hà Nội

Khoảng 12h45 hôm nay (4/2), tại phòng trọ ở ngõ 73 phố Tam Khương, phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội xảy ra vụ cháy nghiêm trọng khiến 4 người tử vong.

 Các nạn nhân của vụ hỏa hoạn. Ảnh: TTXVN

Được biết, những người thuê trọ tại đây gồm các anh Lê Bật Thắng (SN 1997, ở huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa, sinh viên Đại học Thuỷ lợi năm thứ tư), Giáp Văn Nam, (SN 1997, ở tỉnh Bắc Giang, sinh viên Đại học Thuỷ lợi năm thứ tư); Trần Duy Hưng (SN 1997, quê Nam Định, sinh viên đại học Thuỷ lợi năm thứ ba) và Lê Khắc Sơn (SN 1997, quê huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa).

Sáng 4/2, cả 4 người trên tổ chức cúng ông Công ông Táo và mời bạn là Lê Bật Đức, SN 1993, quê xã Tân Minh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa, là anh ruột của anh Lê Bật Thắng đến ăn cùng. Khoảng 12h cúng xong, các anh Sơn và Đức hóa vàng ở trước cửa phòng trọ, trực tiếp xuống đất, không có dụng cụ gì, còn các anh Nam và Thắng đi thả cá tại hồ Đình Khương Thượng, sau đó về hóa vàng cùng. Khi tiền vàng không còn cháy nữa, tất cả đi vào nhà, không đổ nước cũng như hót bỏ tro đi mà vào ăn cơm, không uống rượu. Ăn xong, anh Sơn rửa bát, lau nhà, anh Đức ngủ tại tầng 1 còn các anh Nam, Hưng, Thắng ngủ trên gác xép.

Sau đó, anh Sơn đi ra đầu ngõ 123, phố Khương Thượng uống trà đá. Trước khi đi, anh Sơn khóa cổng sắt lại. Khoảng 15 phút sau,  anh Sơn đi về, phát hiện khói bốc ra từ phòng trọ nhiều và cháy 3 xe máy đang dựng trong sân.

Theo thông tin ban đầu, vụ cháy đã làm các anh Nam, Hưng, Thắng và Đức tử vong do ngạt khói, khí độc.

Hà Nội yêu cầu hạn chế di chuyển, không tổ chức liên hoan tất niên, gặp mặt đầu xuân

UBND TP Hà Nội vừa ban hành chỉ thị về thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Ảnh minh họa: baotintuc.vn 

Theo chỉ thị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thuộc TP; UBND các quận, huyện, thị xã phải xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hàng đầu trong thời gian trước, trong và sau tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19: Tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch: Bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài; không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1 m khi tiếp xúc; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; thực hiện khai báo y tế theo quy định; khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, viêm phổi... phải đến ngay cơ quan y tế để được hướng dẫn và khám, điều trị kịp thời.

Dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết. Không tổ chức liên hoan tất niên, gặp mặt đầu xuân; thực hiện việc hiếu, hỷ văn minh, hạn chế tối đa tập trung đông người và đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, tránh lây lan dịch bệnh.

Tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ: Karaoke, quán bar, vũ trường, game, Internet cho đến khi có chỉ đạo cho phép tiếp tục hoạt động của TP. Các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ khác phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như: Trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc. Đối với hoạt động kinh doanh ăn uống, cà phê giải khát - là nơi có nguy cơ lây nhiễm trực tiếp - cần thực hiện giãn cách tối thiểu 2 m giữa người với người hoặc giữ khoảng cách tối thiểu 1 m và có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà.

Hạn chế di chuyển, nhất là trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong vận chuyển hành khách công cộng: Hành khách và lái xe phải đeo khẩu trang, khai báo y tế, có dung dịch sát khuẩn để sát khuẩn tay; lập danh sách hành khách (họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ) đối với hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh; sắp xếp, bố trí hành khách ngồi giãn cách trên xe.

Thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 tại hộ gia đình, chung cư, trường học, trụ sở làm việc, hội họp, trên phương tiện giao thông, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ dân sinh, khu công nghiệp, nhà máy... theo Quyết định số 3888/QĐ-BYT ngày 8-9-2020 của Bộ Y tế ban hành sổ tay hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng trong trạng thái bình thường mới.

Tìm ra loại thuốc mới có thể điều trị u não ác tính cấp độ IV

Các nhà khoa học tại Đại học Nam Australia (UniSA) mới đây đã tìm ra một loại thuốc có thể điều trị căn bệnh ung thư não nguy hiểm nhất.

Ảnh minh họa. Nguồn: finchannel.com

Ngày 4/2, nhà khoa học Wang Shudong, Trưởng Khoa nghiên cứu và bào chế thuốc của UniSA, cho biết trong thử nghiệm trên động vật, thuốc Auceliciclib đã chứng minh có thể tạo ra hướng điều trị mới cho bệnh u não ác tính glioblastoma (GBM). GBM là bệnh u não có mức độ ác tính cao nhất (cấp độ IV), với 95% bệnh nhân tử vong trong vòng 5 năm kể từ khi được chẩn đoán và hiện chưa có thuốc điều trị căn bệnh này.

Nhà khoa học Wang cho biết u não là căn bệnh đặc biệt khó điều trị vì rất ít thuốc có thể vượt qua được "hàng rào máu não" (blood-brain barrier, BBB) để xâm nhập vào bên trong não bộ. BBB có tác dụng bảo vệ não bộ trước những yếu tố xâm lấn nên cũng cản trở các biện pháp điều trị u não. Tới nay, những loại thuốc có thể vượt qua hàng rào này lại gây những tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên, Auceliciclib có 2 lợi thế quan trọng so với những loại thuốc khác đang được phát triển. Thuốc này thuộc dạng đặc trị, khoanh vùng mục tiêu cụ thể, nên độc tố thấp hơn và thuốc cũng có khả năng tiếp cận các tế bào trong não hiệu quả hơn.

Hiện nhóm nghiên cứu đang chuẩn bị đưa thuốc vào thử nghiệm lâm sàng trên người. Dự kiến quá trình thử nghiệm được một công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại Adelaide thực hiện. Chuyên gia Wang cho biết đây là thử nghiệm lâm sàng trên người đầu tiên trên thế giới sử dụng thuốc Auceliciclib. Nếu thuốc phát huy hiệu quả trong thử nghiệm trên người sẽ tạo ra một đột phá quan trọng trong điều trị các bệnh ung thư vú và ung thư phổi, vốn có thể di căn lên não./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực