Biểu giá bán lẻ điện mới: Người dùng ít điện được lợi nhiều

Thứ tư, 12/10/2022 20:59
(ĐCSVN) – Trong ngày 12/10, trong nước và thế giới có những tin tức đáng chú ý như: Biểu giá bán lẻ điện mới: Người dùng ít điện được lợi nhiều; Chứng khoán Việt đột nhiên tăng mạnh; 30% cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine bị tên lửa Nga bắn trúng…

Biểu giá bán lẻ điện mới: Người dùng ít điện được lợi nhiều

Theo biểu giá điện sinh hoạt mới, các hộ dùng trên 700 kWh/tháng sẽ phải trả nhiều tiền điện hơn.(Ảnh: Phạm Tuyên) 

Sẽ không còn tình trạng nhảy vọt tiền điện khi giao mùa, những hộ dùng ít điện sẽ được hưởng lợi nhiều hơn… là thông tin được ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ quý III của Bộ Công Thương ngày 12/10 khi được hỏi về tác động của việc sửa biểu giá điện mới với đời sống người dân và các hộ có thu nhập thấp và trung bình.

Theo ông Trần Tuệ Quang, trên cơ sở đánh giá tác động của các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt, Bộ Công Thương đã đưa ra 2 phương án biểu giá bán lẻ điện mới. Việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sẽ khắc phục được một phần tình trạng hóa đơn tiền điện biến động trong những tháng đổi mùa. Đồng thời, định hướng giảm bớt số bậc, thu hẹp biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt với số bậc phù hợp với chênh lệch hợp lý giá điện cho các bậc, hạn chế tối đa tác động tới các hộ sử dụng điện thấp và trung bình.

“Cả 2 phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt theo đề xuất của Bộ Công Thương đều đảm bảo giảm tối đa tác động tới các hộ có mức sử dụng thấp, trung bình”, ông Quang khẳng định.

Với phương án giá điện 5 bậc, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện cao từ 711 kWh/tháng trở lên (chiếm khoảng 2% số hộ) phải trả tăng thêm; Tiền điện của các hộ sinh hoạt có mức sử dụng dưới 711 kWh/tháng đều có tiền điện phải trả không đổi hoặc giảm. Đối với phương án 4 bậc, tăng tiền điện phải trả đối với các hộ có mức sử dụng từ 119 - 232 kWh/tháng và các hộ có mức sử dụng trên 806 kWh/tháng.

Theo đại diện Cục Điều tiết điện lực, theo đánh giá sơ bộ thì tác động tăng tiền điện đối với các hộ có mức sử dụng từ 119 - 232 kWh/tháng là không lớn với mức tiền điện tăng thêm tối đa chỉ 12.100 đồng/tháng/hộ, tương ứng mức tăng tiền điện là 3,25%. Các hộ còn lại có tiền điện phải trả không đổi hoặc giảm.

Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh cho rằng, phương án 4 bậc đề xuất đem lại nhiều lợi ích cho các hộ gia đình sử dụng điện ở mức độ tiêu dùng trung bình (chiếm đa số trong các nhóm khách hàng sinh hoạt).

Còn với phương án 5 bậc, những hộ gia đình sử dụng ít điện sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, khi so sánh với biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện nay. Những người sử dụng nhiều điện, từ 700 kWh trở lên, sẽ phải trả nhiều tiền hơn.

“Phương án 5 bậc của Bộ Công Thương có lợi hơn cho đại đa số người dùng, gồm những hộ nghèo, hộ chính sách trong khi ngân sách không phải tăng phần chi trả. Người dùng ít điện sẽ không bị tăng tiền điện, trong khi những hộ tiêu dùng nhiều điện sẽ phải chi trả nhiều hơn, phù hợp với nguyên tắc khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả”- ông Sơn nói.

Chứng khoán Việt đột nhiên tăng mạnh

Chứng khoán hồi phục mạnh, xét theo phần trăm thì Việt Nam là thị trường có chỉ số đại diện tăng mạnh nhất thế giới (tính đến 12/10). Cổ phiếu lớn, đặc biệt là nhóm ngân hàng “đua trần”.

Xét theo phần trăm, Việt Nam là thị trường có chỉ số đại diện tăng mạnh nhất thế giới (thống kê: Investing.com) 

Sắc xanh bao phủ hơn 380 cổ phiếu trên HoSE, thị trường hồi phục mạnh sau những phiên giảm sâu.

Dù đóng cửa chưa phải mức cao nhất trong ngày, nhưng VN-Index đã tăng hơn 28 điểm lên 1.034 điểm. Các mã tăng trần tập trung nhiều ở nhóm ngân hàng: BID, CTG, LPB, MBB, SHB, ACB, MSB. Bộ đôi cổ phiếu thép HPG, HSG cùng tăng trần.

Các nhóm cổ phiếu lớn, các sức ảnh hưởng đến chỉ số đều ủng hộ cho đà tăng của VN-Index. Số ít cổ phiếu đi ngược thị trường, dẫn đầu là HAG cũng chỉ lấy đi được gần 0,2 điểm của VN-Index.

Điểm nhấn phiên hôm nay (12/10) là dòng tiền ngoại mua vào rất mạnh. Tổng giá trị giải ngân trên cả 3 sàn lên hơn 2.100 tỷ đồng, trong đó HoSE lên tới gần 2.000 tỷ đồng. Giá trị mua ròng trên HoSE lên tới hơn 1.200 tỷ đồng, khoảng nửa năm nay mới xuất hiện lại trên thị trường.

Nhóm VN30 hút dòng tiền khối ngoại, nhiều mã có tỷ lệ cao trong giao dịch là tài khoản ngoại. Như HPG là khoảng 29%, giá trị mua ròng hơn 130 tỷ đồng. HPG kết phiên tăng kịch trần.

SSI cũng được khối ngoại mua tới 37% thanh khoản, giá trị ròng đạt hơn 100 tỷ đồng, đóng cửa sát mức trần. MSN có 67% thanh khoản từ khối ngoại, giá trị đạt hơn 90 tỷ đồng. Ngoài ra VNM, STB, CTG cũng được mua ròng với giá trị lớn lớn. Ngoài rổ VN30, khối ngoại tích cực mua ròng KBC hơn 128 tỷ đồng, DGC với gần 111 tỷ đồng, DPM với 57,5 tỷ đồng, PVD gần 53 tỷ đồng, DCM hơn 46 tỷ đồng...

Tính chung tổng giải ngân của nhà đầu tư nước ngoài trên HoSE chiếm tới hơn 17% tổng giao dịch của sàn này.

Thanh khoản thị trường chỉ tương đương phiên trước, giá trị khớp lệnh trên HoSE vẫn ở mức thấp chỉ hơn 10.500 tỷ đồng. Nhà đầu tư vẫn tương đối thận trọng, dù định giá thị trường, cổ phiếu đã giảm về vùng được cho là hấp dẫn. Một phiên tăng mạnh của VN-Index chưa thể xác lập xu hướng phục hồi, nhà đầu tư còn nhiều lo ngại, ngay thứ 4 tuần trước, VN-Index cũng hồi phục mạnh, nhưng sau đó lại lao dốc cả trăm điểm.

30% cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine bị tên lửa Nga bắn trúng

Khoảng 30% cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine đã trúng tên lửa trong hai ngày liên tiếp bị Nga không kích, Bộ trưởng Năng lượng German Galushchenko nói với CNN. Mátxcơva gọi các cuộc không kích hôm 10 và 11/10 là một động thái đáp trả đối với "các cuộc tấn công khủng bố" của Ukraine trên đất Nga.

Một đám cháy được ghi nhận ở Ukraine.

Quan chức cấp cao của Ukraine cho biết đây là lần đầu tiên kể từ khi xung đột bùng phát, nước này phải hứng chịu các cuộc tấn công quy mô lớn của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng. Nguyên nhân của việc này, theo ông Galushchenko, là do Ukraine xuất khẩu điện sang châu Âu, giúp châu Âu “tiết kiệm khí đốt và than đá nhập từ Nga”.

Ông cho rằng châu Âu cũng phải chịu thiệt hại do Kiev đình chỉ xuất khẩu điện, nên Ukraine muốn “kết nối lại mạng lưới điện nhanh chóng từ các nguồn khác”.

Bộ trưởng khẳng định hệ thống năng lượng Ukraine vẫn ổn định. Nhưng ông vẫn kêu gọi các quốc gia khác đẩy mạnh việc gửi các hệ thống phòng không đến Kiev để bảo vệ cơ sở hạ tầng của nước này khỏi các cuộc tấn công tiếp theo. “Chúng tôi muốn gửi thông điệp này đến các đối tác của mình: chúng tôi cần bảo vệ không phận”, ông nói.

Trong các cuộc không kích hồi đầu tuần, quân đội Nga đã phóng hàng chục tên lửa vào các mục tiêu ở Ukraine, bao gồm cả các cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này.

Mátxcơva gọi cuộc không kích là sự trả đũa đối với một số âm mưu phá hoại nhằm vào các cơ sở quan trọng của Nga, bao gồm nhà máy điện hạt nhân Kursk, đường ống dẫn khí TurkStream và cầu Kerch (Crimea).

Một số khu vực của Ukraine, bao gồm cả thủ đô Kiev, đã bị mất điện sau các cuộc không kích của Nga. Nhà điều hành lưới điện quốc gia Ukrenergo đã yêu cầu người tiêu dùng tắt thiết bị trong giờ cao điểm buổi tối và ra lệnh cúp điện luân phiên ở một số nơi để hạn chế tình trạng quá tải.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 11/10 xác nhận quân đội nước này đã tiến hành đợt tấn công tên lửa thứ hai liên tiếp vào các sở chỉ huy quân sự và cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Tên lửa bắn trúng tất cả các mục tiêu đã định. Cuộc không kích đã "đạt được mục tiêu", quân đội Nga tuyên bố./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực