Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật một số tập thể, cá nhân vi phạm

Thứ sáu, 19/11/2021 19:21
(ĐCSVN) – Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật một số tập thể, cá nhân vi phạm; Xét xử nguyên Chủ tịch UBND thành phố Trà Vinh cùng đồng phạm; Cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường bị khởi tố; Ấn Độ cam kết cung cấp 5 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho thế giới;… là một số tin tức trong nước và quốc tế đáng chú ý hôm nay (19/11).

Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật một số tập thể, cá nhân vi phạm

Ngày 19/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2016-2021 và một số cá nhân là cán bộ lãnh đạo, nguyên cán bộ lãnh đạo của Bộ Y tế và của tỉnh Hà Nam.

leftcenterrightdel
 Bà Nguyễn Thị Kim Tiến (Ảnh: TTXVN)

Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và nghe đại diện tổ chức đảng, cá nhân vi phạm trình bày, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy:

Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 đã vi phạm các nguyên tắc hoạt động của Đảng, Quy chế làm việc của Ban Cán sự Đảng; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để Bộ Y tế, Cục Quản lý dược, một số đơn vị, cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc và nhiều cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác xây dựng, ban hành thể chế, chính sách; trong cấp phép nhập khẩu thuốc, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao và thực hiện liên doanh, liên kết trang thiết bị y tế; để nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, một số cán bộ, đảng viên đã bị xử lý hình sự. Những vi phạm, khuyết điểm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước, Quỹ Bảo hiểm y tế, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng lớn đến chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và ngành y tế.

Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2016-2021 đã vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, vi phạm Quy chế làm việc của Tỉnh ủy: không họp bàn, không báo cáo, xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương nhiều dự án thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, khai thác đá làm vật liệu xây dựng; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Ủy ban Nhân dân tỉnh và một số cơ quan có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, đầu tư, cải tạo nâng cấp một số tuyến đường giao thông nông thôn, gây hậu quả nghiêm trọng; để một số cán bộ, đảng viên bị kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính.

Đối với một số cá nhân: bà Nguyễn Thị Kim Tiến, với cương vị Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Y tế, chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 và Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Y tế nhiệm kỳ 2015-2020. Bà chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các nguyên tắc, quy chế, quy định của Đảng; vi phạm những điều đảng viên không được làm; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Bộ Y tế và một số cơ sở khám, chữa bệnh vi phạm có hệ thống, kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, gây bức xúc trong xã hội, làm giảm uy tín của tổ chức đảng, ngành y tế và cá nhân đồng chí.

Ông Trương Quốc Cường, với cương vị Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế (từ ngày 21/11/2016 đến nay) và Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Quản lý dược các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020, Cục trưởng Cục Quản lý dược (từ ngày 01/8/2007 đến ngày 20/11/2016), cùng chịu trách nhiệm về vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021. Ông Trương Quốc Cường đã vi phạm các nguyên tắc, quy chế, quy định của Đảng, vi phạm những điều đảng viên không được làm; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm pháp luật trong cấp phép cho thuốc giả nguồn gốc, xuất xứ lưu hành, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, gây bức xúc xã hội, làm giảm uy tín tổ chức đảng, ngành y tế và cá nhân đồng chí; để nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự, cá nhân ông bị xử lý hình sự.

Ông Nguyễn Xuân Đông, với cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2016-2021, chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021; chịu trách nhiệm cá nhân về vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc khi thực hiện nhiều dự án khai thác khoáng sản nhưng không chỉ đạo tổ chức họp bàn, thảo luận thống nhất trong Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, không báo cáo, xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương; thiếu trách nhiệm, buông lỏng chỉ đạo, điều hành công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm, nhiều tổ chức, cá nhân bị xử lý kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính; trực tiếp ký một số văn bản để các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, thực hiện dự án đầu tư trái quy định, gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Đinh Văn An, với cương vị là Tỉnh ủy viên nhiệm kỳ 2015-2020, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Công Thương (từ tháng 11/2018 đến tháng 9/2020), chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Sở Công Thương; chịu trách nhiệm cá nhân về vi phạm quy chế, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện thủ tục cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; thiếu trách nhiệm, buông lỏng chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để nhiều cán bộ cấp dưới có vi phạm, khuyết điểm, bị xử lý kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính.

Vi phạm của Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2016-2021 và vi phạm của bà Nguyễn Thị Kim Tiến, ông Nguyễn Xuân Đông, ông Đinh Văn An là nghiêm trọng, vi phạm của ông Trương Quốc Cường là rất nghiêm trọng, làm thiệt hại, thất thoát, lãng phí lớn tiền, tài sản, tài nguyên, khoáng sản của Nhà nước, làm giảm uy tín của ngành y tế, của tổ chức đảng, chính quyền tỉnh Hà Nam và cá nhân mỗi đồng chí, gây bức xúc trong xã hội, phải được xem xét thi hành kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng.

Căn cứ các Quy định của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm; xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, tinh thần tự phê bình và phê bình, kết quả khắc phục các vi phạm, khuyết điểm, những đóng góp của từng tổ chức đảng và từng cá nhân, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021; thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo, đồng thời miễn nhiệm chức vụ Trưởng ban Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến.

Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2016-2021; thi hành kỷ luật bằng hình thức Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trương Quốc Cường; thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Nguyễn Xuân Đông; miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam nhiệm kỳ 2020-2025 đối với ông Đinh Văn An.

Xét xử nguyên Chủ tịch UBND thành phố Trà Vinh cùng đồng phạm

leftcenterrightdel
 Bị cáo Diệp Văn Thạnh, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Trà Vinh. (Ảnh: TTXVN) 

Ngày 19/11, Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai đối với bị cáo Diệp Văn Thạnh (sinh năm 1968, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Trà Vinh) cùng 16 đồng phạm về tội "Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước, gây thất thoát lãng phí" theo khoản 3, Điều 219 - Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo cáo trạng, năm 2009, UBND thành phố Trà Vinh, thực hiện Quyết định số 118/TTg ngày 27/2/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở, bằng hình thức chuyển mục đích sử dụng đất và miễn giảm tiền sử dụng đất. Vào thời điểm này bị cáo Diệp Văn Thạnh là Phó Chủ tịch UBND thành phố Trà Vinh, phụ trách lĩnh vực tài nguyên, môi trường, đất đai. Bị cáo đã trực tiếp chỉ đạo cấp dưới và bộ phận chuyên môn làm trái quyết định số 118/TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Năm 2014, khi bị cáo Diệp Văn Thạnh giữ chức Chủ tịch UBND thành phố Trà Vinh. Bị cáo Thanh cùng bị cáo Trần Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trà Vinh, tiếp tục chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định về việc miễn, giảm tiền sử dụng đất cho người có công với cách mạng.

Bị cáo Diệp Văn Thạnh đã ký 2 văn bản chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi Cục thuế, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thành phố Trà Vinh, có nội dung trái với quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 30 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, công văn của Bộ Tài chính và công văn của UBND tỉnh Trà Vinh, đã tạo điều kiện cho chủ đất và “cò đất” lợi dụng chính sách, sự khó khăn của gia đình người có công, lập thủ tục, hợp đồng chuyển nhượng khống, cho - tặng quyền sử dụng đất để gia đình chính sách đứng tên, hợp thức hóa hồ sơ chuyển mục đích từ không phải đất ở sang đất ở để miễn, giảm tiền sử dụng đất.

Từ 2009 – 2018, bị cáo Diệp Văn Thạnh và bị cáo Trần Trường Sơn đã ký tổng cộng 313 hồ sơ miễn, giảm tiền sử dụng đất sai quy định, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 69,3 tỷ đồng.   

Cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường bị khởi tố tội nhận hối lộ

leftcenterrightdel
 Cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý trị trường Trần Hùng tại cơ quan điều tra (Ảnh: Công an cung cấp)

Ngày 19/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố ông Trần Hùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý trị trường, cựu Tổ trưởng Tổ 1444 thuộc Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương) từ "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" sang "Nhận hối lộ". Quyết định thay đổi được đưa ra sau khi ông Trần Hùng bị bắt 3 tháng. Ông Trần Hùng bị khởi tố tội Nhận hối lộ liên quan đến đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giả lớn nhất từ trước đến nay (3,2 triệu cuốn sách giáo khoa).

Theo kết quả điều tra, từ tháng 7/2020, Đội Quản lý thị trường số 17 (nay là đội trưởng Đội quản lý thị trường số 14, thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường và một số đơn vị khác kiểm tra kho sách của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát (ở số 87, ngõ 1141 Giải Phóng, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội). Khi đó, Đoàn kiểm tra đã phát hiện 27.360 quyển sách giáo khoa giả và cơ sở in số sách giáo dục giả này là của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát. Đoàn kiểm tra tạm giữ số xuất bản phẩm chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu in lậu.

Phát hiện đường dây tiêu thụ sách giả với số lượng lớn, nhưng bị can Lê Việt Phương (nguyên phó đội trưởng Đội quản lý thị trường số 17) cùng một số cán bộ không thực hiện việc báo cáo tới cơ quan điều tra có thẩm quyền mà tự ý xử lý vụ việc.

Thời điểm này, bị can Trần Hùng là người trực tiếp chỉ đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội và Đội quản lý thị trường số 17 kiểm tra kho của Công ty Phú Hưng Phát. Mặc dù phát hiện vụ việc sản xuất sách giả với số lượng lớn như trên nhưng bị can Trần Hùng không chỉ đạo cấp dưới giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Hành vi của bị can Trần Hùng và các cán bộ quản lý thị trường dẫn đến vụ sản xuất sách giả bị phát hiện nhưng không được điều tra, xử lý hình sự.

Ngày 18/6, lực lượng chức năng triệt phá đường dây in ấn sách giả này với 3,2 triệu cuốn sách giáo khoa giả, thu giữ 3 máy in, 1,5 triệu tem giả và 20 triệu đồng. Sau đó, những đối tượng cầm đầu đường dây là Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát), Hoàng Mạnh Chiến (Giám đốc Công ty CP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội) cùng 5 bị can khác đã bị khởi tố.

Ấn Độ cam kết cung cấp 5 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho thế giới

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại một sự kiện ở Allahabad. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo The Economic Times cho biết Chính phủ Ấn Độ cam kết cung cấp 5 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho thế giới vào năm 2022.

Tuyên bố này do Thủ tướng Narendra Modi đưa ra ngày 18/11 khi khai mạc Hội nghị cấp cao Đổi mới Toàn cầu năm 2021 của Liên minh Dược phẩm Ấn Độ (IPA).

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Modi cho hay Ấn Độ đã xuất khẩu 65 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đến gần 100 quốc gia trong năm nay, và trong những tháng tới sẽ xuất khẩu nhiều hơn thế nhiều khi năng lực sản xuất vaccine tăng lên. Ông lưu ý ngành dược phẩm là một động lực chính của nền kinh tế Ấn Độ, sử dụng 3 triệu lao động và tạo ra thặng dư thương mại khoảng 13 tỷ USD.

Cũng theo Thủ tướng Modi, Chính phủ Ấn Độ đã công bố kế hoạch khuyến khích liên kết sản xuất (PLI) trị giá 300 tỷ rupee (khoảng 4 tỷ USD) để khuyến khích sản xuất trong nước trang thiết bị y tế và các thành phần dược phẩm hoạt tính quan trọng. Ông cho biết thêm hiện đang có nhu cầu ngày càng lớn đối với các sản phẩm y học cổ truyền của Ấn Độ./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực