Cảnh báo biến thể Delta đe dọa những nỗ lực kiềm chế dịch bệnh

Chủ nhật, 27/06/2021 01:02
(ĐCSVN) - 63 tỉnh, thành phố sẵn sàng tổ chức thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông; TP Hồ Chí Minh lấy mẫu tầm soát SARS-CoV-2 cho 5 triệu người; Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đồng Tháp hoạt động trở lại bình thường; Cảnh báo biến thể Delta đe dọa những nỗ lực kiềm chế dịch bệnh…là những thông tin đáng chú ý ngày 26/6.

63 tỉnh, thành phố đều sẵn sàng tổ chức thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông vào ngày 7-8/7

 Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020. (Ảnh: TTXVN)
 

Theo thông tin từ Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính tới thời điểm này, tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đều đã sẵn sàng cho tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2021 theo kế hoạch vào ngày 7-8/7/2021. Các tỉnh có phương án khả thi để tổ chức kỳ thi trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn và nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Với các thí sinh do ảnh hưởng của dịch COVID-19 không thể dự thi đợt 1 sẽ được dự thi đợt 2. Thời gian tổ chức thi đợt 2 sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất trên cơ sở đề xuất của các địa phương và tình hình thực tiễn về diễn biến dịch bệnh; trong đó, bảo đảm công bằng, quyền lợi cho các thí sinh giữa các đợt thi, nhất là quyền lợi trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng. Vì vậy, các thí sinh và phụ huynh có thể yên tâm, không quá lo lắng.

Từ nay đến khi kỳ thi diễn ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương tiếp tục sát sao tình hình dịch, liên tục cập nhật thông tin về cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi và các thí sinh. Chỉ đạo kịp thời các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch, dành những điều kiện tốt nhất để tổ thức thành công kỳ thi ngay từ đợt thi đầu tiên.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đồng Tháp hoạt động trở lại bình thường

Trước đó, vào ngày 25/6, UBND tỉnh Đồng Tháp đã yêu cầu tạm dừng hoạt động Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp để tầm soát dịch tễ (Ảnh: Cổng CDC Đồng Tháp ) 

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Đồng Tháp, đơn vị đã hoạt động trở lại bình thường từ sáng 26/6.

Trước đó, trường hợp nhân viên làm việc ở Phòng Tổ chức - Hành chính của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đồng Tháp từng đến chăm sóc người bệnh tại khoa Nội Tổng hợp của Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc – nơi có ca bệnh BN14437, sau đó chủ động khai báo y tế và có xét nghiệm ban đầu dương tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã xét nghiệm khẳng định lại và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Tất cả các trường hợp F1 và F2 cũng đều âm tính với SARS-CoV-2.

Trước đó, vào ngày 25/6, sau khi nhân viên trên có kết quả xét nghiệm ban đầu dương tính với SARS-CoV-2, tỉnh Đồng Tháp đã cho tạm dừng hoạt động Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật để tiến hành các công tác truy vết, tầm soát, đánh giá dịch tễ. Đồng thời truy vết các trường hợp tiếp xúc gần, khẩn trương xét nghiệm, phun thuốc khử trùng…

TP Hồ Chí Minh lấy mẫu tầm soát SARS-CoV-2 trên diện rộng cho 5 triệu người

 UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 cho người dân, người lao động tại khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh COVID - 19 trên địa


Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh và các ca bệnh liên tục được phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện, ngày 26/6, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 cho người dân, người lao động tại khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh COVID - 19 trên địa bàn Thành phố trong 10 ngày với hơn 5 triệu người được lấy mẫu.

Qua việc lấy mẫu xét nghiệm này sẽ giúp đánh giá mức độ nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng, để Thành phố triển khai các biện pháp đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, không để dịch lan rộng.

Giới chuyên gia cảnh báo biến thể Delta đe dọa những nỗ lực kiềm chế dịch bệnh COVID-19

 Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
 

Biến thể Delta được đánh giá là có khả năng lây lan mạnh đang gây ra các làn sóng lây nhiễm mới và giới chuyên gia cảnh báo cần tăng tốc các chiến dịch tiêm chủng để kiềm chế dịch bệnh.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 25/6 cho rằng nhiều nước trên toàn cầu hiện nay đều lo ngại về biến thể Delta và WHO cũng quan ngại về biến thể này. Theo ông, Delta là biến thể dễ lây lan nhất trong số các biến thể của virus SARS-CoV-2 được xác định đến nay. Hiện biến thể này đã xuất hiện ở ít nhất 85 quốc gia trên thế giới và đang lây lan nhanh chóng ở những cộng đồng chưa được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Ông cũng nhận định dịch bệnh đang gia tăng trở lại trên khắp thế giới là do các nước nới lỏng những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.

Hiện số ca mắc mới COVID-19 đang gia tăng trở lại ở Nga, Australia, Israel và ở nhiều khu vực tại châu Phi, và một phần là do biến thể Delta. Các quốc gia khác cũng đang lo ngại dịch bệnh sẽ quay trở lại nước họ.

Cho rằng biến thể Delta là "mối đe dọa lớn nhất" đối với những nỗ lực kiểm chế dịch bệnh, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Mỹ Anthony Fauci đã kêu gọi đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện nay có hiệu quả kém hơn một chút trong phòng ngừa biến thể Delta nhưng vẫn cho thấy hiệu quả cao nếu tiêm đủ 2 liều. Số liệu nghiên cứu từ Chính phủ Anh cho thấy nếu tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 có thể giảm đến 96% khả năng phải nhập viện và 79% nguy cơ mắc bệnh có triệu chứng do biến thể Delta. Trong trường hợp tiêm chưa đủ liều, khả năng bảo vệ kém hơn nhiều, chỉ ở mức 35%.


V.Lê (t.h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực