Cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo tinh vi chiếm đoạt tài sản trong thời điểm dịch bệnh

Thứ tư, 18/08/2021 21:29
(ĐCSVN) - Lợi dụng xe luồng xanh hỗ trợ phòng, chống dịch để mua bán ma túy; Nở rộ các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thời điểm dịch bệnh; New York - thành phố đầu tiên của Mỹ yêu cầu bắt buộc trình chứng nhận tiêm chủng là những tin đáng chú ý trong ngày 18/8.

Lợi dụng xe luồng xanh hỗ trợ phòng, chống dịch để mua bán 1,6kg ma túy

Ngày 18/8, Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết một nhóm đối tượng lợi dụng xe luồng xanh vận tải hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 để ngụy trang, tổ chức mua bán trái phép hơn 1,6 kg ma túy vừa bị lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy bắt quả tang, thu giữ nhiều tang vật có liên quan.

Trước đó, vào khoảng 0 giờ 15 phút ngày 18/8, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Bạc Liêu phối hợp Chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long tiến hành dừng và kiểm tra ô tô biển kiểm soát 51D-653.14. Thời điểm kiểm tra, trong xe có 3 đối tượng gồm: Nguyễn Quốc Duy (sinh năm 1985, ngụ phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Văn Nghị (sinh năm 1987, ngụ xã Tam Hợp, huyện Quý Hợp, tỉnh Nghệ An) và Phạm Thị Mai (sinh năm 1997, ngụ xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng).

Các đối tượng mua bán trái phép ma túy bị Công an bắt giữ - Ảnh: TTXVN  

Kiểm tra phương tiện, lực lượng chức năng phát hiện 4 gói nilon chứa các khối tinh thể màu trắng và 7 viên nén màu hồng nghi là ma túy (tổng trọng lượng trên 1,6 kg), số tiền gần 45 triệu đồng, 2 sổ tay có ghi chép các thông tin liên quan hoạt động mua bán trái phép chất ma túy cùng một số tang vật khác có liên quan.

Qua làm việc với cơ quan Công an, Nguyễn Quốc Duy khai nhận cùng với hai người bạn của mình là Nguyễn Văn Nghị và Phạm Thị Mai lợi dụng xe có đăng ký luồng xanh hỗ trợ phòng, chống dịch để đi từ TP Hồ Chí Minh xuống thị trấn Phước Long, huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) bán ma túy với giá 20 triệu đồng. Vụ việc đang được cơ quan Công an tiếp tục điều tra, làm rõ.

Xuất hiện thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thời điểm dịch bệnh
Lợi dụng việc các hoạt động mua sắm trực tuyến gia tăng trong thời điểm dịch COVID-19, tội phạm mạng đã triệt để sử dụng những sơ hở trong quá trình thanh toán số của ứng dụng mua sắm trực tuyến, sự bất cẩn của người dân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước tình hình trên, Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân lưu ý một số thủ đoạn như: lừa đảo qua dịch vụ “Ship COD” (dịch vụ vận chuyển ứng số tiền hàng cho người bán khi nhận hàng và thu lại tiền của người mua khi giao hàng). Theo đó, nhiều trường hợp đối tượng lừa đảo giả là người mua yêu cầu người bán nâng giá ghi trên phiếu mua hàng của sản phẩm để thu khoản chênh lệch giá. Người bán cho rằng việc đó không ảnh hưởng gì đến mình nên đồng ý và sử dụng dịch vụ “Ship COD” để giao nhận hàng.

Đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội quảng bá các sản phẩm mạo nhận có khả năng phòng ngừa virus như vaccine để lừa nạn nhân - Ảnh: chinhphu.vn 

Sau khi đưa hàng cho dịch vụ vận chuyển và nhận tiền ứng hàng từ shipper lớn hơn so với giá trị sản phẩm, người bán chuyển khoản số tiền chênh lệnh lại cho người mua theo như thỏa thuận. Tuy nhiên, khi shipper thông báo không tìm thấy người nhận ở địa chỉ nhận hàng hoặc không có ai mang tên như trên phiếu giao hàng thì người bán phải hoàn lại tiền ứng hàng cho shipper vì không thể giao hàng. Như vậy, người bán đã bị lừa mất số tiền chênh lệnh giá.

Thủ đoạn thứ 2 là các đối tượng dùng ảnh chụp màn hình lệnh chuyển khoản giả để lừa đảo. Nhiều người bán hàng bị nhóm trên mạng xã hội Facebook lừa vì tưởng nhầm khách đã chuyển tiền cho mình. Theo đó, đối tượng giả làm khách đặt mua hàng qua mạng, đồng thời chụp màn hình điện thoại về thông tin chuyển khoản số tiền phải thanh toán cho bên bán thành công qua Internet Banking. Bên bán coi hình chụp màn hình điện thoại, tưởng thông tin chuyển khoản số tiền là thật nên nhờ dịch vụ giao nhận chuyển hàng cho khách. Khi shipper lấy hàng đi rồi, tài khoản ngân hàng của người bán chưa nhận được tiền nên gọi cho khách hàng thì sẽ được trấn an là do ngân hàng bị lỗi mạng nên tiền chưa tới. Lúc này, phía dịch vụ vận chuyển giao hàng xong nên bên bán không thể lấy lại hàng được.

Thủ đoạn thứ 3 là giả danh nhân viên bệnh viện mạo nhận thông báo đã điều trị cho bạn bè hay người thân của nạn nhân khỏi bệnh COVID-19 và yêu cầu nạn nhân thanh toán chi phí cho quá trình điều trị. Thủ đoạn này tương tự với thủ đoạn giả danh Công an... gọi điện lừa đảo người dân.

Tinh vi hơn là các thủ đoạn áp dụng công nghệ thông tin để lừa đảo, trong đó đáng chú ý hai thủ đoạn: đầu tiên là các đối tượng mạo danh nhân viên y tế của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trung tâm Kiểm soát và phòng, ngừa dịch bệnh (CDC) hay của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gửi thư điện tử với tập tin đính kèm hoặc các liên kết dẫn đến các nội dung về cập nhật tình hình lây nhiễm của COVID-19. Khi mở các tập tin đính kèm hay nhấp vào các liên kết, máy tính của nạn nhân sẽ bị tấn công bởi các mã độc và có thể bị lộ lọt thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng được lưu trữ trực tuyến sẽ bị đánh cắp. Các đối tượng còn tạo ra các phần mềm ứng dụng cho điện thoại di động gần giống như các ứng dụng phổ biến để theo dõi diễn biến lây lan của dịch COVID-19. Khi người dùng tải về điện thoại sẽ bị tấn công bởi các mã độc nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng…

Hoặc thủ đoạn lừa đảo qua các app mạo danh đầu tư vaccine ngừa COVID-19, thiết bị y tế. Các ứng dụng này có hình thức đầu tư vào các gói vaccine ngừa COVID-19 hoặc thiết bị y tế như khẩu trang, kính bảo hộ… Người dùng bị dụ dỗ, lôi kéo đăng ký tài khoản tại một trang web hoặc app không rõ nguồn gốc, không có bản quyền công ty bảo hộ; việc đầu tư sẽ thu lời hàng ngày. Việc trao đổi thông tin với người hỗ trợ cũng như các thành viên khác được thực hiện qua nhóm chat trên Zalo, Telegram hoặc các ứng dụng mạng xã hội khác. Nhiều người bị lừa hàng chục triệu đồng khi app sập, không thể rút lại tiền. Ngoài ra, bọn tội phạm cũng tạo các website bán hàng trực tuyến vật tư y tế như khẩu trang y tế, nước rửa tay khử khuẩn… Tuy nhiên, sau khi nhận tiền của người mua hàng, đối tượng lừa đảo ngắt liên lạc và không giao hàng như thỏa thuận. Thủ đoạn này cũng xảy ra trên mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến.

Thành phố New York (Mỹ) yêu cầu bắt buộc trình chứng nhận tiêm chủng 

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại New York (Mỹ), ngày 27/11/2020 - Ảnh: THX/TTXVN 

Từ ngày 17/8, người dân thành phố New York (Mỹ) bắt đầu phải trình giấy chứng nhận đã tiêm vaccine phòng COVID-19 khi vào các nhà hàng, phòng tập gym và rạp chiếu phim. Chính sách này được Thị trưởng Bill de Blasio công bố hồi đầu tháng trong bối cảnh nhà chức trách Mỹ đang siết chặt các quy định về tiêm vaccine nhằm ứng phó với biến thể Delta lây lan nhanh.

New York trở thành thành phố đầu tiên của Mỹ yêu cầu người dân cung cấp bằng chứng đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 để được vào những nơi công cộng có không gian kín như nhà hàng, quán bar, địa điểm vui chơi giải trí và bảo tàng. 

Từ ngày 13/9, những người vi phạm sẽ đối mặt với khoản tiền phạt 1.000 USD. Trẻ em dưới 12 tuổi được miễn trừ do không thuộc đối tượng đủ điều kiện tiêm vaccine ngừa COVID-19. 

Theo số liệu thống kê chính thức, hơn 74% dân số trưởng thành ở New York đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 nhưng tiến độ tiêm đã bắt đầu chững lại. 

*Trong ngày, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 nước ta ghi nhận 8.800 ca nhiễm mới, trong đó 12 ca nhập cảnh; 8.788 ca ghi nhận trong nước. 3.751 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, 298 ca tử vong. Tổng số người tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 18/8 là 6.770 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc và ngang với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.

Tính đến ngày 17/8 có 395.979 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 15.518.869 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 14.032.444 liều, tiêm mũi 2 là 1.486.425 liều.

Bảo Quyên (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực