Cao Bằng ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên

Thứ sáu, 05/11/2021 21:14
(ĐCSVN) - Cao Bằng có ca mắc COVID-19 đầu tiên; Viện Kiểm sát đề nghị phạt bị cáo Nguyễn Duy Linh 13-15 năm tù; Phá chuyên án, thu giữ 60.000 viên ma túy tổng hợp; Lũ quét ở Indonesia làm ít nhất 8 người thiệt mạng… là những tin tức đáng chú ý trong ngày 5/11.

Cao Bằng xuất hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên 

Ngày 5/11, tỉnh Cao Bằng ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên trên địa bàn tỉnh tại xóm Nà Sài, xã Yên Thổ, huyện Bảo Lâm. Đây cũng là tỉnh duy nhất trong cả nước chưa có ca mắc COVID-19 nào tính đến nay.

leftcenterrightdel

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.

(Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Trước đó, ngày 31/10, anh L.V.T (20 tuổi, trú tại xóm Nà Sài, xã Yên Thổ, huyện Bảo Lâm), vừa trở về từ tỉnh Bắc Ninh.

Đến ngày 3/11/2021, anh L.V.T nhận được điện thoại của chủ nhà hàng ở Bắc Ninh báo có một nhân viên mắc COVID-19 và anh T có tiếp xúc gần với nhân viên nói trên.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cao Bằng đã lấy mẫu xét nghiệm cho anh T bằng phương pháp RT-PCR và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 4/11.

Hiện, tỉnh Cao Bằng đang khẩn trương thực hiện các biện pháp truy vết, khoanh vùng, dập dịch, cách ly những người có tiếp xúc với trường hợp mắc COVID-19.

Đề nghị phạt bị cáo Nguyễn Duy Linh 13-15 năm tù 

Sáng 5/11, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử ba bị cáo Phan Văn Anh Vũ (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79), Nguyễn Duy Linh (nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục V, Bộ Công an) và Hồ Hữu Hòa (Quỳnh Lưu, Nghệ An) trong vụ án đưa, nhận và môi giới hối lộ.

Ba bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án này gồm: Phan Văn Anh Vũ (sinh năm 1975, nguyên sĩ quan công an, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79) bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về tội “Đưa hối lộ” theo quy định tại Điều 364, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 2015; Nguyễn Duy Linh (sinh năm 1971, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, Bộ Công an) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 2015; Hồ Hữu Hòa (sinh năm 1984, trú tại thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) bị truy tố về tội “Môi giới hối lộ” theo quy định tại Điều 365, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Sau khi kết thúc phần xét hỏi với diễn biến đáng chú ý là hai bị cáo Nguyễn Duy Linh và Phan Văn Anh Vũ bất ngờ thừa nhận hành vi phạm tội, Hội đồng xét xử chuyển sang phần tranh luận. 

Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo. Ảnh: TTXVN.

Bản luận tội nêu rõ, quá trình xét hỏi tại phiên tòa, cả 3 bị cáo đều đã thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã truy tố. Theo đó, Phan Văn Anh Vũ lo lắng bị xử lý về hành vi làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước. Do vậy, sau khi được Hồ Hữu Hòa gợi ý, môi giới, Phan Văn Anh Vũ đã chuyển 5 tỷ đồng cho Hồ Hữu Hòa để đưa cho Nguyễn Duy Linh để nhờ Linh giúp đỡ. Nguyễn Duy Linh đã nhận được túi tiền này. Sau đó, Nguyễn Duy Linh gọi điện thoại nói cho Phan Văn Anh Vũ biết việc Vũ có thể bị khởi tố, bắt giam và khuyên Vũ bỏ trốn. Sau khi nhận được thông tin từ Linh, Phan Văn Anh Vũ đã bỏ trốn sang Singapore.

Đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo: Phan Văn Anh Vũ (sinh năm 1975, nguyên sĩ quan Công an, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79) từ 7-9 năm tù về tội “Đưa hối lộ” theo quy định tại Điều 364, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 2015; Nguyễn Duy Linh (sinh năm 1971, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, Bộ Công an) từ 13-15 năm tù về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 2015. 

Riêng bị cáo Hồ Hữu Hòa (sinh năm 1984, trú tại thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Tòa tuyên án bằng thời hạn tạm giam tính đến ngày Tòa tuyên án bị cáo về tội “Môi giới hối lộ” theo quy định tại Điều 365, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Phá chuyên án, thu giữ 60.000 viên ma túy tổng hợp

Ngày 5/11, thông tin từ Công an tỉnh Lai Châu cho biết, đơn vị vừa phá chuyên án, bắt giữ một đối tượng có hành vi mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ 60.000 viên ma túy tổng hợp.

Tang vật vụ án. Ảnh: Quý Trung/TTXVN 

Theo Trung tá Dương Văn Hải, Đội trưởng Đội hướng dẫn điều tra, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Lai Châu, vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 4/11, tại khu vực Km43, trên Quốc lộ 4H, thuộc địa phận bản Trung Chải, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu), Tổ công tác của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Lai Châu đang trên đường làm nhiệm vụ đã phát hiện một nhóm đối tượng có biểu hiện mua bán trái phép chất ma túy. Ngay sau đó, Tổ công tác đã triển khai lực lượng để kiểm tra. Nhóm đối tượng bỏ chạy, tổ công tác đã khống chế và bắt được Thào A Dao (sinh năm 1997, dân tộc Mông thường trú tại bản Huổi Sái Lương, xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.

Tại hiện trường, Cơ quan Cảnh sát điều tra thu giữ 60.000 viên ma túy tổng hợp dạng hồng phiến, một xe máy và một số đồ vật, tài liệu có liên quan.

Tại Cơ quan cảnh sát điều tra, đối tượng Thào A Dao chưa khai nhận nguồn gốc số ma túy, mà chỉ nói mua của người trong làng (chưa rõ tên) với số tiền 150 triệu đồng để vận chuyển từ Mường Nhé sang xã Trung Chải, Nậm Nhùn tiêu thụ. Khi đang giao dịch mua bán thì bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Hiện, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Lai Châu đang tạm giữ đối tượng và tiếp tục đấu tranh mở rộng vụ án.

Lũ quét ở Indonesia làm ít nhất 8 người thiệt mạng

Cơ quan thảm họa Indonesia cho biết mưa lớn ngày 4/11 đã gây lũ quét trên đảo Java, làm ít nhất 8 người thiệt mạng trong khi các nhân viên cứu hộ đang tìm kiếm người sống sót dưới sườn đồi ngập bùn.

Lũ quét gây thiệt hại ở Batu, Đông Java, Indonesia, ngày 4/11/2021. Ảnh: AP  

Mưa xối xả đã gây lũ quét tại Malang và thành phố cao nguyên Batu, làm nhiều ngôi nhà ngập trong bùn đất và rác rưởi, trong khi lũ lên cao cũng làm sập một số cây cầu.

Các nhân viên cứu hộ đã cứu sống 6 người trong đống bùn đất, trong khi 6 thi thể được tìm thấy ở Batu và 2 thi thể khác được tìm thấy ở Malang. Hiện các đội cứu hộ chạy đua với thời gian để tìm 3 người còn mất tích tại Batu.

Những vụ lở đất và lũ quét nghiêm trọng thường xảy ra tại Indonesia trong mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 mà nguyên nhân theo các nhà bảo vệ môi trường là do nạn phá rừng và năng lực ứng phó yếu kém.

Hồi tháng 10 vừa qua, 7 người cũng đã thiệt mạng trong vụ lở đất do bão tại Sumatra. Trước đó hồi tháng 4, hơn 200 người đã thiệt mạng tại một quần đảo ở cực Đông Indonesia và nước Timor Leste láng giềng khi cơn bão nhiệt đới Seroja quét qua.../.

 

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực