Cấp hàng trăm bằng giả, cựu hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô lĩnh 12 năm tù

Thứ sáu, 24/12/2021 20:48
(ĐCSVN) - Người nhập cảnh dưới 14 ngày không cần phải cách ly y tế; Cứu nạn tàu của ngư dân Quảng Ngãi bị nạn trên vùng biển Trường Sa; Cấp hàng trăm bằng giả, cựu hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô lĩnh 12 năm tù; Gia tăng số người thiệt mạng trong vụ cháy phà tại Bangladesh… là những tin tức đáng chú ý trong ngày hôm nay (24/12).

Người nhập cảnh dưới 14 ngày không cần phải cách ly y tế

Ngày 24/12, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn y tế phòng chống dịch COVID-19 đối với người được cấp phép nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày). Người nhập cảnh ngắn ngày không phải cách ly y tế nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, đối tượng áp dụng của hướng dẫn này là những người được phép nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày bao gồm: Người nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ; Người nhập cảnh không phải mục đích ngoại giao công vụ (nhà đầu tư, chuyên gia, lao động tay nghề cao, nhà quản lí doanh nghiệp, kinh doanh, thương mại, nghiên cứu thị trường cùng thân nhân và các đối tượng theo thỏa thuận với từng quốc gia); Những người tiếp xúc với người nhập cảnh ngắn ngày trong quá trình làm việc tại Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Không phải cách ly y tế với người nhập cảnh làm việc dưới 14 ngày. (Ảnh: TL)

Tại hướng dẫn này, Bộ Y tế nêu rõ người nhập cảnh ngắn ngày không phải cách ly y tế nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, đề án, kế hoạch đã được phê duyệt, không tiếp xúc với cộng đồng, đảm bảo an toàn cho người nhập cảnh ngắn ngày và những người tiếp xúc, không để lây nhiễm chéo trong quá trình làm việc và không lây nhiễm ra cộng đồng.

Trong trường hợp người nhập cảnh dự kiến làm việc, hoạt động tại nhiều địa phương, cần phải có kế hoạch, phương án di chuyển rõ ràng và được địa phương liên quan chấp thuận.

Người nhập cảnh ngắn ngày và người tiếp xúc với người nhập cảnh ngắn ngày phải thực hiện đầy đủ quy định 5K, tự theo dõi sức khỏe, khi có một trong các biểu hiện: sốt, ho, đau rát họng hoặc khó thở thì thông báo cho cơ quan quản lí và y tế địa phương để xử lí theo quy định.

Hướng dẫn cũng lưu ý việc lập danh sách toàn bộ những người tiếp xúc với người nhập cảnh ngắn ngày trong quá trình làm việc, đi thực địa. Nơi lưu trú (khách sạn, nơi lưu trú do doanh nghiệp thu xếp, cơ sở lưu trú khác) được UBND cấp tỉnh phê duyệt đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Bố trí riêng khu vực lưu trú cho người nhập cảnh ngắn ngày. Tuyệt đối không để lây nhiễm chéo tại nơi lưu trú và lây nhiễm ra cộng đồng. Đối với người nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ thì được miễn chi trả (trừ chi phí lưu trú tại khách sạn theo nguyện vọng).

Cứu nạn tàu của ngư dân Quảng Ngãi bị nạn trên vùng biển Trường Sa

Trưa 24/12, sau thời gian tìm kiếm trên vùng biển huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, tàu kiểm ngư KN 416 thuộc Chi đội Kiểm ngư số 4 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tìm thấy tàu cá QNg 90847TS đang phải thả trôi và cách đảo Đá Thị 20 hải lý về phía Bắc, sau đó tiếp cận, làm dây lai kéo tàu cá bị nạn về đảo Sơn Ca để khắc phục sự cố kỹ thuật.

leftcenterrightdel
 Tàu Kiểm ngư KN 416 tiếp cận tàu ngư dân QNg 90847TS. Ảnh: TTXVN

Trước đó, đêm 23/12, khi đang tiến hành khai thác hải sản tại khu vực phía Tây Bắc đảo Sơn Ca, tàu cá QNg 90847TS bất ngờ bị gãy trục láp, các ngư dân trên tàu không thể khắc phục được sự cố nên phải thả trôi tàu. Thuyền trưởng tàu cá QNg 90847TS đã phát tín hiệu đề nghị được hỗ trợ.

Mờ sáng 24/12, tàu Kiểm ngư KN 416 đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, duy trì, thực thi pháp luật về kiểm ngư tại khu vực biển đảo Sơn Ca, sau khi nhận được lệnh đã nhanh chóng xuất phát lên đường tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn tàu cá QNg 90847TS.

Tàu QNg 90847TS do anh Bùi Văn Nhành, sinh năm 1984, quê xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi làm thuyền trưởng, trên tàu có 12 ngư dân.

Cấp hàng trăm bằng giả, cựu hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô lãnh 12 năm tù

Chiều 24/12, sau hai ngày xét xử và nghị án, TAND TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết với 10 bị cáo trong vụ án Trường Đại học Đông Đô cấp hàng trăm văn bằng 2 tiếng Anh và chứng nhận giả để thu lợi trên 7 tỉ đồng.

Tòa tuyên phạt bị cáo Dương Văn Hòa, cựu hiệu trưởng Trường đại học Đông Đô, mức án 12 năm tù về tội giả mạo trong công tác, cấm đảm nhiệm chức vụ, công việc trong lĩnh vực giáo dục trong thời hạn 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Cùng tội danh trên, hai bị cáo Trần Kim Oanh và Lê Ngọc Hà, đều là hiệu phó, lần lượt bị tuyên 10 năm tù và 9 năm tù. Các bị cáo còn lại bị tuyên từ 12 tháng tù treo đến 6 năm tù giam.

leftcenterrightdel
 Các bị cáo nghe tòa tuyên án. (Ảnh: Danh Trọng/Báo Tuổi trẻ)

Về dân sự, tòa tuyên truy thu số tiền 7,1 tỉ đồng thu lợi bất chính từ các hành vi phạm tội, được xác định đã nộp về quỹ của Trường đại học Đông Đô.

Hội đồng xét xử đánh giá hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến uy tín của cơ quan, đơn vị giáo dục. Tuy nhiên các bị cáo đều không đóng vai trò chủ mưu, chỉ là đồng phạm giúp sức, đều thành khẩn khai báo, hợp tác với cơ quan điều tra, nộp lại số tiền thu lời bất chính.

Quá trình xét xử, HĐXX làm rõ Dương Văn Hòa với chức vụ, quyền hạn là hiệu trưởng Trường đại học Đông Đô, biết rõ việc làm và cấp văn bằng 2 tiếng Anh không qua tuyển sinh, đào tạo là vi phạm pháp luật, nhưng từ ngày 22/5/2018 đến 29/3/2019, Dương Văn Hòa ký tổng số 429 văn bằng giả.

Hành vi trên của Dương Văn Hòa đã đồng phạm với Trần Khắc Hùng với vai trò tích cực thực hiện hành vi phạm tội.

Theo bản án, Trường đại học Đông Đô chưa làm thủ tục đề nghị và chưa được Bộ Giáo dục và đào tạo cho phép đào tạo văn bằng 2, trong đó có ngành tiếng Anh.

Quá trình tuyển sinh đào tạo, ông Trần Khắc Hùng (Chủ tịch HĐQT trường, hiện đang bỏ trốn) thấy nhiều người có nhu cầu lấy văn bằng 2 ngôn ngữ Anh nên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chỉ đạo ban giám hiệu, Viện đào tạo liên tục, Viện 4.0… thực hiện cấp văn bằng 2 giả của hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh cho người có nhu cầu lấy bằng không qua tuyển sinh, đào tạo theo quy định.

Từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2019, Hùng và đồng phạm đã làm, cấp bằng, giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp, thu lợi bất chính hơn 7,1 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra đã làm rõ 210 trường hợp được cấp văn bằng, giấy chứng nhận giả và đã được sử dụng. Còn 221 trường hợp chưa xác định được nơi cư trú, đơn vị công tác.

Trong ngày xét xử đầu tiên, nhiều thành phần được HĐXX triệu tập tuy nhiên vắng mặt, trong đó bao gồm đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo. 210 người được xác định đã mua bằng giả của Đại học Đông Đô, được mời đến phiên tòa với tư cách người có quyền lợi liên quan, tuy nhiên chỉ 2 người có mặt.

Trong suốt phiên xử, cả 10 bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, nói "không oan", tuy nhiên phạm tội trong điều kiện khách quan, do bị chi phối, điều hành, chỉ đạo của chủ tịch HĐQT Trần Khắc Hùng.

Cựu hiệu trưởng Đại học Đông Đô Dương Văn Hòa khai việc cấp bằng giả là chủ trương của ông Trần Khắc Hùng, bị cáo là hiệu trưởng nếu không làm theo chỉ đạo sẽ bị đuổi việc.

Gia tăng số người thiệt mạng trong vụ cháy phà tại Bangladesh

Theo thông tin cập nhật, cảnh sát Bangladesh cho biết ít nhất 38 người đã thiệt mạng và 100 người khác bị thương trong vụ cháy phà Obhijan 10.

Vụ việc xảy ra rạng sáng 24/12 gần thị trấn Jhalokathi, miền Nam Bangladesh, cách thủ đô Dhaka 250km về phía Nam. Cảnh sát địa phương bước đầu xác nhận trên phà chở khoảng 500 người tại thời điểm xảy ra hỏa hoạn. Hầu hết các nạn nhân thiệt mạng là do bỏng nặng hoặc chết đuối sau khi nhảy xuống sông. Nhiều khả năng con số thương vong còn tiếp tục tăng.  

leftcenterrightdel
 Chiếc phà sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng. (Ảnh: AFP)

Vụ cháy được cho là bắt nguồn từ buồng động cơ và sau đó lan nhanh khắp phà khi phương tiện này chở người dân rời Dhaka về nhà. Khoảng 100 người bị bỏng đã được đưa đến bệnh viện tại Barisal.

Đây là vụ việc mới nhất trong hàng loạt tai nạn tương tự thường xảy ra ở quốc gia Nam Á với 170 triệu dân này. Các chuyên gia cho rằng công tác bảo dưỡng kém, các tiêu chuẩn an toàn lỏng lẻo và tình trạng vận chuyển quá tải. 

Hỏa hoạn cũng thường xuyên là nguyên nhân dẫn tới các thảm kịch ở Bangladesh. Vào tháng 7 năm nay, 52 người đã thiệt mạng khi cháy một nhà máy thực phẩm và đồ uống ở thị trấn công nghiệp Rupganj, ngoại ô thủ đô Dhaka./.

Đỗ Thoa (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực