Chất lượng không khí ở ngưỡng xấu tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc

Thứ sáu, 15/01/2021 19:29
(ĐCSVN) - Chất lượng không khí ở ngưỡng xấu tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; Việt Nam sẽ có vaccine dịch tả lợn châu Phi; Động đất ở Indonesia làm 34 người thiệt mạng, là những thông tin nóng ngày 15/1.

Chất lượng không khí ở ngưỡng xấu tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc

 

Chỉ số quan trắc không khí ở Hà Nội do chính hệ thống quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ghi nhận. (Nguồn: vov.vn) 

Sáng 15/1, ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ lên ngưỡng xấu và rất xấu, dự báo sẽ kéo dài vài ngày tới, tác động xấu đến sức khỏe tất cả mọi người, đặc biệt là người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch.

Theo kết quả của hệ thống quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ghi nhận tất cả các điểm quan trắc đều lên ngưỡng xấu với chỉ số chất lượng không khí AQI từ 150-160.

Điểm đo tại đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) của Tổng cục Môi trường cũng ghi nhận chất lượng không khí lên ngưỡng xấu với khuyến cáo những người bình thường bắt đầu bị ảnh hưởng đến sức khỏe, nhóm nhạy cảm như người mắc bệnh hô hấp, tim mạch gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Hệ thống quan trắc PAM Air ghi nhận ô nhiễm không khí không chỉ ở Hà Nội mà còn khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ như Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Phú Thọ, Hải Phòng, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên…với chỉ số AQI có nơi trên 400 ở ngưỡng rất xấu (rất có hại cho sức khỏe mọi người). Dự báo, ô nhiễm không khí có thể kéo dài liên tục và ngày càng nghiêm trọng cho đến khi nước ta đón một đợt gió mùa Đông Bắc mạnh tràn về vào khoảng ngày 17/1.

Theo Tổng cục Môi trường, nguyên nhân hiện tượng ô nhiễm không khí tại khu vực miền Bắc tăng cao vào ban đêm và sáng sớm là sự kết hợp của các yếu tố như lặng gió, nghịch nhiệt, đối lưu khí quyển thấp làm cho các chất ô nhiễm không thể phát tán lên cao hoặc đi xa. Với các điều kiện khí tượng bất lợi vào mùa Đông, cộng hưởng với gió mùa Đông Bắc mang theo một lượng lớn bụi từ phía Bắc đến Việt Nam gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng không khí các tỉnh khu vực phía Bắc.

Việt Nam sẽ có vaccine dịch tả lợn châu Phi

Dịch tả lợn châu Phi làm ngành chăn nuôi khó khăn, nên cần có vaccine sớm.

(Ảnh minh họa: báo HNM)

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến vừa cho biết, đến nay việc nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi đã làm những điểm tương đương cơ bản và có những kết quả thành công bước đầu tương đối khả quan và chắc chắn.

Hiện chuẩn bị cho bước đánh giá khảo kiểm nghiệm, Cục Thú y song hành với Công ty cổ phần thuốc Thú y Trung ương (Navetco) chuẩn bị báo khoa học để thành lập Hội đồng khoa học quốc gia. Cục Thú y sẽ có kế hoạch cụ thể cho Navetco khảo kiểm nghiệm một cách độc lập thật sự chắc chắn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam đã tiếp nhận chuyển giao từ Mỹ virus chủng I 177L. Chủng virus này khi giải trình tự gen cũng tương đồng với Việt Nam.

Trong quá trình mà nghiên cứu sản xuất vaccine thì đạt được một số kết quả bước đầu. Thứ nhất là đánh giá chủng virus. Thứ hai là tạo được môi trường nuôi qua 4 thế hệ và động lực của nó vẫn đảm bảo đủ điều kiện thuần khiết, an toàn, đủ điều kiện để đưa vào sản xuất vaccine.

“Với một phương pháp nghiên cứu hiện đại nhất, đủ số mẫu chỉ tiêu theo dõi rất công phu và tỉ mỉ đúng chuẩn quốc tế”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Đến nay, Navetco đã sản xuất 5 lô; trong đó đã tổng kết 3 lô, nhưng dự kiến 2 lô còn lại cũng sẽ thành công.

Kết quả tiêm thử nghiệm là trong tổng số 61 con được tiêm vaccine không xảy ra chuyện gì, còn những con không tiêm vaccine đã chết 100%. Bên cạnh đó, vaccine cũng đã được tiêm ngoài sản xuất 25 con và hiện đang khỏe mạnh.

Về việc giao cho Navetco nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ, đây là đơn vị có đầy đủ trang thiết bị nghiên cứu hiện đại; có đội ngũ chuyên gia chuyên sâu và đã hàng chục năm nghiên cứu, sản xuất vaccine.

“Đây là vaccine rất quan trọng với Việt Nam nên việc tiến hành nghiên cứu, công nhận sẽ phải tiến hành rất chặt chẽ các khâu, mọi phương diện”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết và tin tưởng nếu có vaccine dịch tả lợn châu Phi thì tốc độ phát triển chăn nuôi lợn sẽ nhanh hơn nữa.

Động đất ở Indonesia làm 34 người thiệt mạng

Trận động đất ở Indonesia, có độ lớn 6,2 độ richter, đã khiến ít nhất 7 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương, hàng nghìn người phải sơ tán. (Nguồn: AP) 

Sáng 15/1, một trận động đất có độ lớn 6,2 độ richter đã xảy ra ở tỉnh Tây Sulawesi của Indonesia. Đây là trận động đất thứ 2 xảy ra ở tỉnh này chỉ trong 2 ngày qua.

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết, động đất xảy ra vào lúc 2h18’ ngày 15/1 theo giờ địa phương. Tâm chấn nằm ở độ sâu 18km, cách thành phố Mamuju, thủ phủ của tỉnh Tây Sulawesi, 36 km.

Theo thông tin cập nhật của cơ quan giảm thiểu thiên tai Indonesia, hiện ít nhất 34 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Hàng nghìn người đã phải rời bỏ nhà cửa để tìm nơi trú ẩn an toàn hơn sau khi động đất làm ít nhất 60 ngôi nhà bị hư hại. Văn phòng thống đốc Majene, hai khách sạn, một trung tâm mua sắm và một số tòa nhà bị hư hại rất nặng. Ít nhất một tuyến đường vào Mamuju đã bị cắt đứt vì cầu bị phá hỏng.

Trước đó, vào hồi 13h35' ngày 14/1 theo giờ địa phương, tại tỉnhTây Sulawesi cũng xảy ra một trận động đất 5,9 độ richter. Tâm trận động đất cách huyện Majene 4 km về phía Tây Bắc và nằm ở độ sâu 10 km.

Cơ quan giảm thiểu thiên tai Indonesia cho biết, loạt trận động đất xảy ra chỉ trong 24 giờ qua đã gây ra ít nhất 3 vụ lở đất, khiến nguồn cung cấp điện bị ngắt.

Indonesia nằm trên Vành đai Lửa Thái Bình Dương, nơi thường xảy ra động đất. Năm 2018, một trận động đất có độ lớn 6,2 độ dẫn tới sóng thần tại thành phố Palu, bang Sulawesi, làm hàng nghìn người thiệt mạng.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực