Châu Á tăng tốc trên đường đua tiêm chủng

Thứ năm, 16/09/2021 20:26
(ĐCSVN) - Thêm 10.489 ca mắc COVID-19, giảm 101 ca; Một số cơ sở tiêm vaccine COVID-19 cho người dưới 18 tuổi, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn; Châu Á tăng tốc trên đường đua tiêm chủng; Interpol công bố mẻ lưới tấn công vào cá cược lậu Euro 2020... là những tin đáng chú ý trong ngày 16/9.

Ngày 16/9, thêm 10.489 ca mắc COVID-19, giảm 101 ca

Dịch COVID-19 ở Việt Nam ngày 16-9 có những điểm nổi bật: Tốc độ tăng ca mới giữa các tuần và ca tử vong ở TP.HCM đang giảm dần sau 3 tuần giãn cách; số ca nhiễm tại Kiên Giang tăng hơn 3 lần.

Trong đó 07 ca nhập cảnh và 10.482 ca ghi nhận trong nước TP. Hồ Chí Minh (5.735), Bình Dương (2.998), Đồng Nai (567), Long An (281), Kiên Giang (198), An Giang (126), Tiền Giang (81), Cần Thơ (60), Tây Ninh (58), Quảng Bình (43), Khánh Hòa (37), Đồng Tháp (33), Bình Phước (30), Bà Rịa - Vũng Tàu (29), Bình Thuận (29), Đắk Lắk (26), Bình Định (22), Hà Nội (15), Quảng Ngãi (14), Ninh Thuận (12), Hậu Giang (10), Cà Mau (9), Phú Yên (9), Đắk Nông (8 ), Bến Tre (7), Sóc Trăng (7), Bạc Liêu (7), Quảng Nam (6), Thanh Hóa (6), Trà Vinh (5), Nghệ An (4), Thừa Thiên Huế (3), Gia Lai (2), Đà Nẵng (2), Bắc Ninh (1), Hưng Yên (1), Lâm Đồng (1) trong đó có 6.537 ca trong cộng đồng.

Tốc độ tăng ca mới giữa các tuần và ca tử vong ở TP.HCM đang giảm dần

sau 3 tuần giãn cách. Ảnh TL 

Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 101 ca. Tại một số tỉnh như sau: TP. Hồ Chí Minh tăng 434 ca, Bình Dương giảm 230 ca, Đồng Nai giảm 241 ca, Long An giảm 143 ca, Kiên Giang tăng 15 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 656.129 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.669 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 651.726 ca, trong đó có 420.777 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 14/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Ninh Bình.

Có 04 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Kon Tum, Quảng Ninh, Lào Cai.

05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (320.823), Bình Dương (169.073), Đồng Nai (37.736), Long An (29.570), Tiền Giang (12.642).

Một số nơi tiêm vaccine COVID-19 người dưới 18 tuổi, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn

Ngày 16/9, Bộ Y tế có văn bản hoả tốc gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc thực hiện nghiêm công tác tiêm chủng.

Theo Bộ Y tế, gần đây, Bộ nhận được thông tin phản ánh một số cơ sở tiêm chủng tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em dưới 18 tuổi và kết hợp 2 loại vaccine không theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Điều này có thể ảnh hưởng đến tính thống nhất trong việc chỉ đạo, điều hành và thực hiện chiến lược tiêm chủng của Việt Nam.

Bộ yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên theo quy định.

Bộ yêu cầu các cơ sở không tiêm cho lứa tuổi ngoài hướng dẫn của Bộ Y tế, trong trường hợp có điều chỉnh về lứa tuổi tiêm vaccine COVID-19, Bộ sẽ hướng dẫn sau.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở tiêm chủng trên địa bàn sử dụng kết hợp 2 liều vaccine phòng COVID-19 theo đúng hướng dẫn. Nếu có cách kết hợp vaccine khác, Bộ sẽ hướng dẫn sau.

Theo Bộ Y tế, các địa phương cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng, kiểm tra các cơ sở tiêm chủng, điểm tiêm chủng trên địa bàn để kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố cho tạm dừng hoặc đình chỉ ngay các hoạt động tiêm chủng nếu vi phạm các quy định chuyên môn, xảy ra sai sót và xử lý theo quy định.

Châu Á tăng tốc trên đường đua tiêm chủng

Một số quốc gia châu Á đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 khi các lô vaccine được bàn giao và người dân vượt qua tâm lý do dự với hy vọng các biện pháp hạn chế sẽ dần được nới lỏng.

Nhật Bản và Hàn Quốc đã vượt qua Mỹ về số người được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và được dự báo sẽ sớm bắt kịp Mỹ về số người được tiêm mũi thứ hai. Hàn Quốc, quốc gia vốn luôn nỗ lực để có được nguồn cung cấp vaccine, đã tăng tốc chiến dịch tiêm chủng. Một quan chức cho biết nước này nhiều khả năng đạt được mục tiêu hơn 70% dân số được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine trước tuần này.

Vượt qua những rào cản ban đầu liên quan tới logistics, Nhật Bản đã tiến hành tiêm khoảng 1 triệu mũi vaccine/ngày cho người dân kể từ giữa tháng 6, do mức độ khẩn cấp tăng lên sau khi biến thể Delta gây ra một làn sóng ca mắc và ca bệnh nghiêm trọng chưa từng có vào tháng 8.

Trong khi đó, Ấn Độ, với số ca mắc cao thứ hai thế giới, cho biết 42% trong tổng số gần 1,4 tỷ dân đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.

Về phần mình, Australia, quốc gia đang nỗ lực tăng tốc tiêm chủng trong nỗ lực thoát khỏi tình trạng phong toả và mở cửa trở lại biên giới, đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine cho 56% người dân. Trong một cuộc họp báo tại Canberra, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết mục tiêu 70% - 80% dân số tiêm 2 mũi vaccine là "trong tầm tay".

Australia đang ưu tiên cung cấp vaccine cho các thành phố lớn nhất của mình, những khu vực đang áp đặt lệnh phong tỏa, để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch COVID-19 do biến thể Delta gây ra. Nước này dự kiến sẽ có đủ vaccine để hoàn tất việc tiêm chủng cho những người trên 12 tuổi vào giữa tháng 10 tới.

Trái ngược, một số nước như Mỹ và Anh, vốn vài tháng trước đó đã chạy đua để tiêm chủng cho hàng triệu người, lại là những nước đang chưng kiến tốc độ tiêm chủng chững lại do một lượng lớn người dân từ chối tiêm chủng. Theo một cuộc thăm dò của Axios-Ipsos, mới chỉ có khoảng 62% dân số Mỹ được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine. Trước tình hình này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một loạt quy định tiêm chủng mới.

Trước Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã ban hành yêu cầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 bắt buộc trên diện rộng để đảm bảo có thể nối lại phần lớn các hoạt động thường nhật.

 Euro 2020 giới đánh cược lậu hoạt động cực mạnh qua máy tính và điện thoại. 

Ảnh: Getty

Interpol vừa công bố mẻ lưới tấn công vào cá cược lậu Euro 2020

Cảnh sát quốc tế (Interpol) vừa công bố đã hoàn tất chiến dịch vây bắt các dạng hoạt động cá cược lậu mùa Euro 2020.

Theo đó cảnh sát bắt giữ tổng cộng 1.400 người khắp châu Âu và châu Á, thu giữ 8 triệu USD tiền mặt.

Có 28 quốc gia có lực lượng Interpol tham gia chiến dịch này, chủ yếu là châu Âu và châu Á. Các hình thức cá cược trực tuyến lậu qua phương tiện là máy tính và điện thoại thông minh.

Những hoạt động cá cược lậu và rửa tiền trà trộn vào các hình thức cá cược hợp pháp và bất hợp pháp Interpol cũng moi ra được. Khu vực châu Á, Hong Kong là lãnh thổ có mẽ lưới được Interpol giăng ra để bắt và bắt được nhiều nhất với 800 người cá cược lậu thu giữ 2,7 triệu USD.

Tại Ý, nơi diễn ra các trận đấu Euro 2020, lực lượng SOGA VIII của Ý bắt 280 nghi can cá cược lậu và thu giữ 1,3 triệu euro qua các hình thức cá cược lậu.

Có tám đơn vị đặc nhiệm của Interpol và tám đơn vị SOGA đã hành động và bắt giữ tổng cộng 19 ngàn người, thu giữ 63 triệu euro trước quá trình sàng lọc lại./.

 

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực