Chính sách đặc thù về thuốc, vắc xin phòng chống COVID-19

Thứ bảy, 01/01/2022 20:28
(ĐCSVN) - Chính phủ ban hành chính sách đặc thù về thuốc, vắc xin phòng chống COVID-19; Quy định mới với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin ngừa COVID-19; Bắc Ninh bắt đầu thu tiền ăn đối với bệnh nhân COVID-19; Omicron ít tấn công phổi nghiêm trọng như các biến thể khác… là những tin trong nước và quốc tế đáng lưu ý trong ngày 1/1/2022.

Chính phủ ban hành chính sách đặc thù về thuốc, vắc xin phòng chống COVID-19

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 168 ngày 31/12/2021 về một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19.

Thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Chính phủ quyết nghị thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong phòng, chống dịch COVID-19.

leftcenterrightdel
Việc sản xuất, nhập khẩu, cung ứng thuốc, vắc xin phòng, chống COVID-19 sẽ được tạo điều kiện hơn nữa. Ảnh minh họa: Tiến Đạt 

Trong đó, đáng chú là một số cơ chế, chính sách đối với sản xuất, nhập khẩu, cung ứng thuốc trong tình hình dịch COVID-19.

Cụ thể, đối với các giấy tờ pháp lý trong hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc phục vụ trực tiếp cho phòng, chống dịch COVID-19 mà không cung cấp được bản chứng thực và hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định thì được thay thế bằng một trong các thông tin, tài liệu sau đây: thông tin công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý dược chặt chẽ (SRA) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố; xác nhận của cơ quan ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy tờ pháp lý theo đề nghị của Bộ Y tế Việt Nam.

Cho phép thay thế giấy phép sản xuất của cơ sở sản xuất nguyên liệu bằng giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc.

Đối với vắc xin đã được WHO phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp hoặc cấp bách, cho phép Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu mà không phải thực hiện thủ tục phê duyệt quy định tại điểm c khoản 1 và miễn nộp giấy tờ quy định tại điểm c khoản 2 điều 67 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.

Đối với vắc xin do Chính phủ các nước viện trợ cho Việt Nam đã được WHO hoặc các nước thuộc nhóm Cơ quan quản lý dược chặt chẽ (SRA) phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp hoặc cấp bách, cho phép Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu mà không phải thực hiện thủ tục quy định tại điểm c khoản 1 và miễn nộp giấy tờ quy định tại điểm c khoản 2 điều 67 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 155/2018/NĐ-CP.

Đối với các vắc xin do Chính phủ các nước viện trợ và đã được cấp phép nhập khẩu trong trường hợp khẩn cấp hoặc cấp bách, cho phép miễn hồ sơ tóm tắt sản xuất và kiểm tra chất lượng của lô vắc xin, giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu và nước viện trợ khi đánh giá để cấp giấy chứng nhận xuất xưởng.

Nghị quyết cũng quy định về kê khai, công bố giá đối với vắc xin mua bằng nguồn ngân sách nhà nước, Quỹ vắc xin phòng COVID-19 để tiêm miễn phí cho nhân dân.

Theo đó, doanh nghiệp, đơn vị nhập khẩu thực hiện việc kê khai giá theo mức giá ghi trong hợp đồng, thỏa thuận đã ký và không phải kê khai các yếu tố cấu thành giá theo quy định của pháp luật.

Quy định mới với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin ngừa COVID-19

leftcenterrightdel
Người nhập cảnh tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi COVID-19, xét nghiệm PCR âm tính sẽ cách ly tại nơi nhà 3 ngày... 

Bộ Y tế cho biết theo quy định mới, kể từ 1/1/2022, người nhập cảnh tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi COVID-19, xét nghiệm PCR âm tính sẽ cách ly tại nơi nhà 3 ngày...

Theo đó, trong 3 ngày đầu kể từ ngày nhập cảnh tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú (gồm nhà ở, khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, trụ sở của cơ quan đại diện, ký túc xá, nhà khách của cơ sở sản xuất, kinh doanh…); không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi cư trú.

Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR ngày thứ 1 và ngày thứ 3 kể từ ngày nhập cảnh. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý theo quy định.

Đối với người nhập cảnh chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin COVID-19, thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong 07 ngày kể từ ngày nhập cảnh; Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR ngày thứ 1 và ngày thứ 7. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày; Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý theo quy định.

Đối với người nhập cảnh dưới 18 tuổi, người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền (nhưng không phải theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế) được cách ly cùng cha/mẹ/người chăm sóc.

Yêu cầu đối với người chăm sóc phải tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 và phải ký cam kết tự nguyện cách ly cùng sau khi được giải thích về các nguy cơ lây nhiễm COVID-19; phải thực hiện nghiêm các yêu cầu về xét nghiệm và các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 như đối với người nhập cảnh.

Bộ Y tế yêu cầu trong thời gian theo dõi sức khỏe, người nhập cảnh luôn thực hiện đầy đủ quy định 5K (đeo khẩu trang, khai báo y tế, khử khuẩn tay thường xuyên, không đến nơi đông người, không tụ tập). Trường hợp có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, đau họng, … thì báo ngay cho y tế địa phương để xử lý theo quy định.

Khuyến khích tự xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 vào ngày thứ 1 kể từ ngày nhập cảnh; Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính thì báo ngay cho y tế địa phương để xử lý theo quy định.

Bắc Ninh bắt đầu thu tiền ăn đối với bệnh nhân COVID-19

leftcenterrightdel
 Từ 1/1, F0 và F1 điều trị, cách ly tập trung tại Bắc Ninh sẽ phải đóng tiền ăn.

Từ ngày 1/1/2022, UBND tỉnh Bắc Ninh quyết định thu tiền ăn đối với người nhiễm COVID-19 và người thực hiện cách ly y tế tập trung theo quy định.

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành Văn bản số 910 về việc thu tiền ăn đối với người nhiễm COVID-19 và người cách ly y tế.

Theo đó, UBND tỉnh giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ sở cách ly tập trung; các cơ sở quản lý, thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 thuộc quyền quản lý thực hiện thu tiền ăn của người phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0) và người phải thực hiện cách ly y tế (F1) từ ngày 1/1/2022 theo quy định.

Riêng với trường hợp người phải thực hiện cách ly y tế tập trung là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày theo quy định.

Omicron ít tấn công phổi nghiêm trọng như các biến thể khác

Báo The New York Times hôm 31.12 dẫn các cuộc nghiên cứu được thực hiện trên chuột và hamster cho thấy Omicron không gây tổn thương phổi như mức độ ở các biến thể khác của bệnh COVID-19.

leftcenterrightdel
Giới khoa học đang dần khám phá những bí ẩn của biến thể Omicron. Ảnh: REUTERS 

Omicron đa số bám ở mũi, họng và khí quản, vì thế ít gây các vấn đề như khó thở. Những biến thể trước đó chủ yếu tấn công phổi, khiến người bệnh phải thở vô cùng chật vật.

“Có thể nói rằng chúng tôi đang thiên về ý tưởng Omicron chủ yếu tập trung “hỏa lực” vào hệ thống hô hấp trên”, tờ The New York Times dẫn lời ông Roland Eils, nhà sinh học máy tính của Viện Y tế Berlin (Đức).

Omicron ảnh hưởng ít nghiêm trọng đến phổi hơn các biến thể khác

Để rút ra kết luận trên, các nhà khoa học tiến hành lây nhiễm tế bào trên đĩa thí nghiệm, đồng thời phun trực tiếp virus chứa biến thể Omicron vào mũi của các động vật tại hàng chục phòng nghiên cứu.

Kết quả thu được cho thấy Omicron không mạnh bằng biến thể Delta, dù nó tránh thoát được sự tấn công của hệ miễn dịch được vắc xin củng cố và tạo nên làn sóng lây nhiễm mạnh khắp thế giới./.

HH (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực