Chưa đề nghị sáp nhập bất cứ một đơn vị hành chính cấp tỉnh nào

Thứ hai, 19/07/2021 21:34
(ĐCSVN) - Bộ Nội vụ chưa đề nghị sáp nhập bất cứ một đơn vị hành chính cấp tỉnh nào; Hoàn thành 1.000 mũi thứ 2 tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax giai đoạn 3; Hà Nội rà soát, xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho đối tượng nguy cơ tại cộng đồng; Tai nạn xe buýt kinh hoàng ở Pakistan khiến 33 người thiệt mạng; OPEC+ nhất trí tăng sản lượng dầu mỏ… là những tin tức đáng chú ý diễn ra ngày 19/7.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng thông tin tại buổi họp báo.
(Ảnh: TH) 

Bộ Nội vụ chưa đề nghị sáp nhập bất cứ một đơn vị hành chính cấp tỉnh nào

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng khẳng định nội dung trên tại buổi họp báo cung cấp thông tin cho báo chí sáng ngày 19/7.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, hiện nay Bộ Nội vụ đang xây dựng Báo cáo tổng kết việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 theo quy định tại Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14; báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiêu chí và phân loại đơn vị hành chính.

Nhìn chung, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vừa qua là rất tốt, hiệu quả, đạt được các mục tiêu đặt ra, đúng với chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đồng thời Bộ Nội vụ cũng đang nghiên cứu để đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung một số điểm của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chí và phân loại đơn vị hành chính. Tuy nhiên, gần đây có một số báo chí đưa thông tin về việc Bộ Nội vụ đề xuất sáp nhập đơn vị hành chính cấp tính.

Về vấn đề này, Thứ trưởng  Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng khẳng định: Bộ Nội vụ chưa đề nghị lên Chính phủ và các cấp có thẩm quyền xem xét, sáp nhập bất cứ một đơn vị hành chính cấp tỉnh nào. Vì đây là một vấn đề quan trọng, cần được nghiên cứu thấu đáo, thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở lý luận và thực tiễn.

Đồng thời, Bộ Nội vụ đang tập trung nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn của đơn vị hành chính trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 và tổng kết thực tiễn việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cần phải lấy ý kiến rộng rãi, qua nhiều vòng. Đây là nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên thực hiện nhằm tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi một số điều quy định về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh.

Thứ trưởng  Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết: Căn cứ Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về việc “tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và nghiên cứu triển khai thực hiện ở cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp”; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thì Bộ Nội vụ có trách nhiệm nghiên cứu, xem xét, chuẩn bị xây dựng đề án thực hiện thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo đúng đường lối chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Như vậy, việc đề xuất thí điểm mới chỉ ở bước đầu của việc nghiên cứu, xem xét, hoàn thiện, bổ sung cơ sở pháp lý nhất là sửa đổi Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 vì đây là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, cần được chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, công phu và phải đánh giá tác động nhiều chiều.

“Bộ Nội vụ sẽ báo cáo Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp”, Thứ trưởng cho biết.

Hoàn thành 1.000 mũi thứ 2 tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax giai đoạn 3

Nhân viên y tế tiêm vaccine Nano Covax phòng COVID-19 cho tình nguyện viên.
Ảnh: Minh Quyết/TTXVN 

Chiều 19/7, theo thông tin từ Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng, các trung tâm tham gia nghiên cứu thử nghiệm vaccine Nano Covax giai đoạn 3 đã hoàn thành mũi tiêm thứ 2 cho hơn 1.000 tình nguyện viên đầu tiên.

Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Lương, Phó Giám đốc Học viện Quân y cho biết, sau khi tiêm, hơn 1.000 tình nguyện viên có sức khỏe ổn định, không xuất hiện trường hợp gặp phản ứng ngoài dự kiến. Các tình nguyện viên được lực lượng y, bác sĩ gọi điện để hướng dẫn nhập dữ liệu nhật ký theo dõi điện tử hằng ngày (eDiary) liên quan đến tác dụng phụ (nếu có) sau khi tiêm thử nghiệm.

Trước đó, hơn 1.000 tình nguyện viên hoàn thành mũi tiêm thứ nhất vào khoảng giữa tháng 6/2021, theo tỷ lệ 6:1, tức 6 người tiêm vaccine, 1 người tiêm giả dược.

Từ ngày 2/7, các đơn vị triển khai tiêm thử nghiệm đợt 2 trên 12.000 tình nguyện viên còn lại theo tỷ lệ 2:1, tức 2 người tiêm vaccine, 1 người tiêm giả dược.

Dự kiến ngày 26/7, các đơn vị sẽ tiếp tục triển khai tiêm thử nghiệm mũi 2 cho 12.000 tình nguyện viên còn lại (trong tổng số 13.000 tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm đợt cuối).

Theo thông tin trước đó, giai đoạn 3 tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax tiếp tục được thực hiện tại nhiều trung tâm - ở phía Bắc do Học viện Quân y làm đầu mối triển khai, phối hợp với Sở Y tế tỉnh Hưng Yên triển khai tại tỉnh (khoảng 6.000 tình nguyện viên); ở phía Nam do Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh làm đầu mối triển khai, phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Long An và Tiền Giang triển khai tại các địa phương (khoảng 6.000 tình nguyện viên).

Vaccine phòng COVID-19 Nano Covax được Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen phát triển từ tháng 5/2020, dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp.

Trước khi thử nghiệm giai đoạn 3, vaccine này đã trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng: giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 18/12/2020; giai đoạn 2 từ ngày 26/2/2021; giai đoạn 3 chính thức từ ngày 11/6/2021.

Theo đề cương đã được phê duyệt, giai đoạn 3 tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax nhằm đánh giá yếu tố hiệu lực bảo vệ của vaccine đối với cộng đồng và được thực hiện tại nhiều trung tâm trong nước với 13.000 người; chỉ thực hiện tiêm nhóm liều duy nhất 25 mcg và nhóm tiêm giả dược đối chứng. Qua 2 giai đoạn đầu, kết quả thử nghiệm cho thấy, 100% tình nguyện viên đều sinh miễn dịch tốt. Tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh đạt trên 99%.

Hà Nội rà soát, xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho đối tượng nguy cơ tại cộng đồng

 Ảnh minh hoạ. (Nguồn: TTXVN)

Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản khẩn 245/SYT-NVY gửi các đơn vị hệ y tế dự phòng yêu cầu tiếp tục rà soát, xét nghiệm sàng lọc cho đối tượng nguy cơ tại cộng đồng trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, từ nay đến 25/7, rà soát, xác minh và lấy mẫu xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 để đánh giá nguy cơ đối với các trường hợp ho, sốt, chưa có nguyên nhân rõ ràng, nghi ngờ mắc COVID-19, không cần yếu tố dịch tễ, thời gian bắt đầu có triệu chứng từ ngày 10/7/2021. Sử dụng phương pháp xét nghiệm RT-PCR lấy mẫu gộp thực địa, hoặc xét nghiệm test nhanh kháng nguyên.

Rà soát, xác minh người về từ các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và các tỉnh, thành phố áp dụng giãn cách xã hội chống dịch trên quy mô toàn tỉnh, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR gộp mẫu thực địa, hoặc test nhanh kháng nguyên, cách ly tại nhà đủ 14 ngày kể từ ngày về từ tỉnh, thành phố có dịch. Thực hiện lấy mẫu giám sát với người làm nghề lái xe, phụ xe bus, bán vé xe bus trên địa bàn thành phố.

Tai nạn xe buýt kinh hoàng ở Pakistan khiến 33 người thiệt mạng

Cứu hộ các nạn nhân vụ tai nạn xe buýt tại Pakistan. (Ảnh: AP) 

Hãng PTI của Ấn Độ cho biết ngày 19/7, một chiếc xe buýt chạy quá tốc độ đã đâm vào một xe container trên đường cao tốc đông đúc ở miền Trung Pakistan, làm ít nhất 33 người thiệt mạng và 40 người bị thương.

Hành khách chủ yếu là người lao động về quê trong dịp nghỉ lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo.

Xe buýt đã rời thành phố Sialkot và đang đi trên đường Taunsa. Cảnh sát Hassan Javed cho biết điểm đến của xe buýt là thành phố Dera Ghazi Khan ở phía Đông tỉnh Punjab.

Theo ông Sher Khan - phụ trách đội cứu hộ tại hiện trường, một số người bị thương đang trong tình trạng nguy kịch. Ông cho biết tài xế xe buýt nằm trong số 33 người thiệt mạng.

Bộ trưởng Thông tin Pakistan Fawad Chaudhry bày tỏ lời chia buồn trên Twitter và khuyến cáo các phương tiện giao thông công cộng thận trọng hơn đối với tính mạng của hành khách.

OPEC+ nhất trí tăng sản lượng dầu mỏ

OPEC+ đạt được thỏa thuận sau cuộc họp chính sách ngày 18/7. (Ảnh: aa.com.tr) 

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đối tác, còn gọi là OPEC+, đã nhất trí tăng nhẹ sản lượng dầu thô từ tháng 8 tới nhằm thúc đẩy đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, OPEC+ cho biết, 23 thành viên của nhóm đã nhất trí từ tháng 8 đến tháng 12 tới sẽ cung cấp cho thị trường thêm 2 triệu thùng/ngày, tức mỗi tháng sẽ tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày.

Nhóm này sẽ "đánh giá các diễn biến thị trường" vào tháng Mười Hai tới. OPEC+ cũng nhất trí kéo dài thỏa thuận nới lỏng cắt giảm sản lượng cho đến cuối năm 2022, thay vì đến tháng 4/2022 như kế hoạch trước đó.

Tháng Tư năm ngoái, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, OPEC+ đã thỏa thuận cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày và sẽ khôi phục dần nguồn cung cho đến tháng 4/2022. Quyết định này đã cho thấy hiệu quả, theo đó đẩy giá dầu tăng 50% kể từ đầu năm nay.

Tại cuộc họp của OPEC+ đầu tháng này, các nước thành viên đã không nhất trí được về các kế hoạch từng bước nới lỏng biện pháp cắt giảm sản lượng. Bế tắc xuất phát từ bất đồng giữa Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

2 nước này đều ủng hộ tăng sản lượng ngay lập tức, song UAE phản đối ý tưởng của Saudi Arabia gia hạn thỏa thuận nới lỏng cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2022 nếu UAE không có được hạn ngạch sản lượng cao hơn.

Để khai thông thế bế tắc, OPEC+ đã nhất trí về hạn ngạch sản lượng mới cho một số thành viên từ tháng 5/2022, trong đó có UAE, Saudi Arabia, Nga, Kuwait và Iraq. Theo đó, hạn ngạch cơ sở của UAE sẽ được nâng từ 3,168 triệu thùng/ngày hiện nay lên 3,5 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, hạn ngạch cơ sở của Saudi Arabia và Nga sẽ tăng lên 11,5 triệu thùng/ngày từ mức 11 triệu thùng/ngày hiện nay./.

PC (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực