|
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng công bố các phương án định hướng tinh gọn bộ máy các cơ quan Đảng Trung ương, Chính phủ, Quốc hội.... |
Công bố phương án tinh giản các cơ quan, ban, bộ, ngành Trung ương
Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương; giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.
Đối với Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các tố chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.
Đồng chí Lê Minh Hưng nêu rõ việc rà soát lại tất cả hoạt động của các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn, sáp nhập, kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.
- Rà soát, sắp xếp lại các cơ quan báo, tạp chí trực thuộc MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số báo, tạp chí không thật sự cần thiết.
- Nghiên cứu, đề xuất sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm đầu mối bên trong, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy và chất lượng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý.
Đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Đối với các địa phương, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng chỉ rõ cấp ủy, Ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và chủ động nghiên cứu.
- Đề xuất sáp nhập, giải thể một số ban, cơ quan, ban chỉ đạo của cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện; cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện tương tự như ở Trung ương.
- Kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy khối cấp tỉnh; lập 2 đảng bộ trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh.
Trong đó Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, tư pháp cấp tỉnh, gồm:
- Các tổ chức đảng trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, HĐND, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ cấp tỉnh; có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại cơ quan cấp ủy cấp tỉnh.
- Đảng bộ chính quyền cấp tỉnh, gồm các tổ chức đảng trong các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp tỉnh, một số doanh nghiệp Nhà nước (tuy theo quy mô, tính chất quan trọng của đảng bộ doanh nghiệp) (doanh nghiệp khác chuyển về trực thuộc cấp ủy cấp huyện).
- Có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại cơ quan UBND cấp tỉnh.
- Đảng ủy chính quyền cấp tỉnh ngoài các chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh, còn bao gồm chức năng, nhiệm vụ của ban cán sự đảng như hiện nay.
- Lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với hoạt động của UBND cấp tỉnh và các cấp ủy (chi bộ) trực thuộc.
- Dự kiến đề xuất chuyển một số nhiệm vụ công tác đảng vụ của đảng ủy chính quyền cấp tỉnh (tương đương cấp huyện) về đảng ủy các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (cấp cơ sở), một số nhiệm vụ sẽ do ban đảng cấp ủy cấp tỉnh thực hiện.
- Ban Bí thư quy định về chức năng, nhiệm vụ, tố chức bộ máy, mối quan hệ công tác của 2 đảng ủy nêu trên.
Cùng với việc tổng kết và đề xuất mô hình tổ chức bộ máy mới theo các nội dung gợi ý, định hướng nêu trên, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phải chủ động.
Bắt kịp thời đối tượng bị truy nã khi nhập cảnh về Việt Nam
|
Đối tượng Nguyễn Thị Mộng bị bắt giữ tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Xa Mát (Tây Ninh). Ảnh: BĐBP Tây Ninh cung cấp. |
Ngày 1/12, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh cho biết, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Xa Mát vừa bắt giữ đối tượng bị truy nã Nguyễn Thị Mộng, sinh năm 1992, ngụ xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau khi đang làm thủ tục nhập cảnh từ Campuchia về Việt Nam.
Cụ thể, vào lúc 9 giờ 25 phút ngày 30/11, tại luồng nhập cảnh Trạm Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Xa Mát, thuộc ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, Tổ công tác Trạm Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Xa Mát phát hiện Nguyễn Thị Mộng sử dụng hộ chiếu số C6400583 làm thủ tục nhập cảnh từ Campuchia về Việt Nam tại Trạm Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Xa Mát giống đối tượng đã bị truy nã trước đó, nên phối hợp với Công an huyện Tân Biên và các lực lượng chức năng tiến hành tạm giữ đối tượng để tra soát thông tin.
Qua kiểm tra, xác định Nguyễn Thị Mộng là đối tượng bị truy nã theo Quyết định 15 ngày 3/3/2021 về tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy" của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Nha Trang về tội tàng trữ trái phép chất ma túy.
Hiện cơ quan chức năng đã hoàn tất hồ sơ, bàn giao đối tượng Nguyễn Thị Mộng cho Công an thành phố Nha Trang để điều tra, xử lý theo đúng thẩm quyền.
Việc phát hiện và bắt giữ kịp thời đối tượng bị truy nã tại Cửa khẩu Quốc tế Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Xa Mát đã thể hiện sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa các lực lượng chức năng trong công tác kiểm soát, quản lý xuất nhập cảnh và đấu tranh phòng chống tội phạm.
Bắt giữ vụ vận chuyển 18.000 viên ma túy từ Lào về Việt Nam
Chiều 1/12, Công an huyện Đakrông (Quảng Trị) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển 18.000 viên ma túy tổng hợp từ Lào về Việt Nam. Hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, mở rộng.
|
Đối tượng Hồ Vay cùng tang vật của vụ án. Ảnh: TTXVN |
Cụ thể, vào lúc 9 giờ 40 phút ngày 1/12, qua quá trình điều tra, mật phục trên Quốc lộ 9 đoạn qua thôn Liên Hòa, xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa, các lực lượng gồm: Công an huyện Đakrông, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Quảng Trị), Đội Kiểm soát phòng chống ma túy (Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị) phát hiện, bắt giữ đối tượng Hồ Vay (sinh năm 2004), trú tại Bản Pa Lo, huyện Noòng, tỉnh Savannakhet, Lào.
Tại hiện trường, các lực lượng thu giữ được 18.000 viên nén nghi là ma túy tổng hợp, 1 xe mô tô, 3.200 kíp (tiền của Lào).
Tại cơ quan chức năng, Hồ Vay khai nhận số viên nén trên là ma túy được đối tượng vận chuyển thuê từ huyện Noòng, tỉnh Savannakhet, Lào về thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa.
Trung Quốc đứng đầu thế giới về quy mô lắp đặt tổ máy điện hạt nhân
Điện hạt nhân là ngành công nghiệp chiến lược công nghệ cao ít carbon, sạch. Việc phát triển năng lượng hạt nhân đã trở thành lựa chọn chung của tất cả các nước nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
|
Một nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc). . (Nguồn: Weibo/CPNN) |
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, cơ cấu năng lượng của Trung Quốc tiếp tục được tối ưu hóa, quá trình chuyển đổi xanh và ít carbon đã đạt được những tiến bộ tích cực, đồng thời bước vào con đường chuyển đổi năng lượng phù hợp với điều kiện quốc gia, thích ứng với xu hướng phát triển toàn cầu, phù hợp với yêu cầu của thời đại.
Ông Bạch Vân Sinh (Bai Yunsheng), thành viên Ủy ban Cố vấn Chiến lược của Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc, cho biết trong quá trình chuyển đổi năng lượng carbon thấp, năng lượng hạt nhân hiện là một lựa chọn thực tế có thể đạt được sự phát triển quy mô lớn và hỗ trợ chuyển đổi carbon thấp với chi phí thấp. Thế giới không thể đạt được trạng thái trung hòa carbon nếu không có sự đóng góp của năng lượng hạt nhân.
Theo số liệu thống kê, năm 2023, sản lượng điện hạt nhân toàn cầu đạt 2.700 tỷ kWh, chiếm khoảng 9% tổng sản lượng điện của thế giới, chiếm 23% sản lượng điện phát thải carbon thấp của thế giới. Từ năm 1971-2023, việc sản xuất điện hạt nhân toàn cầu đã góp phần giảm khoảng 70 tỷ tấn khí thải carbon dioxide.
Tại Trung Quốc, năm 2023, sản lượng điện năng lượng sạch của nước này đạt khoảng 3.100 tỷ kWh, trong đó điện hạt nhân đạt 430 tỷ kWh, chiếm hơn 13%. Ngoài ra, tại các khu vực trung tâm phụ tải điện như Quảng Đông, Chiết Giang, Phúc Kiến…, tỷ lệ sản xuất điện hạt nhân đã đạt gần hoặc vượt 20%, phát huy hiệu quả vai trò của điện hạt nhân trong việc đảm bảo cung cấp điện, hỗ trợ lưới điện và giảm lượng khí thải carbon.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số tổ máy điện hạt nhân đã đưa vào vận hành và đang xây dựng trên toàn quốc đạt 102 tổ. Trong đó, công suất của các tổ máy đã đưa vào vận hành đạt 58,08 triệu kW; công suất của các tổ máy đang xây dựng đạt 55,05 triệu kW, vươn lên đứng đầu thế giới về số tổ máy đã đưa vào vận hành và số tổ máy đang lắp đặt.
Việc xây dựng các tổ máy điện hạt nhân của Trung Quốc đang tiến triển ổn định. Năm 2023, nước này đã phê chuẩn 5 dự án điện hạt nhân mới và khởi công xây dựng 5 tổ máy điện hạt nhân mới.
Từ những dữ liệu và thông tin trên cho thấy, Trung Quốc đang đạt được bước phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực điện hạt nhân, không chỉ đứng đầu thế giới về công suất lắp đặt, mà còn đóng vai trò quan trọng trong đổi mới công nghệ và cung cấp năng lượng sạch.
Theo ông Hàn Thủy (Han Shui), Chủ tịch Ban Giám sát - Hiệp hội Nghiên cứu Năng lượng Trung Quốc, sau nhiều thập kỷ phát triển, ngành năng lượng hạt nhân Trung Quốc đã thành công đạt được bước nhảy vọt lịch sử từ đi sau sang phát triển song song đến dẫn đầu một phần.
Các dự án điện hạt nhân với quyền sở hữu trí tuệ hoàn toàn độc lập của Trung Quốc, điển hình là các lò phản ứng làm mát bằng khí ở nhiệt độ cao “Hoa Long 1” và “Quốc Hòa 1” đã trở thành một bước tiến nhảy vọt trong việc thúc đẩy nâng cấp công nghệ năng lượng hạt nhân, giúp chiến lược công nghệ cao của nước này đạt được những bước đột phá hàng đầu; là một lực lượng quan trọng giúp nước này từ một nước lớn về năng lượng hạt nhân trở thành cường quốc về năng lượng hạt nhân.
Thái Lan đạt được hiệp định thương mại tự do đầu tiên với châu Âu
Ngày 30/11, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Pichai Naripthaphan đã thông báo kết quả các cuộc đàm phán thành công về Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Thái Lan và Hiệp hội thương mại tự do châu Âu (EFTA), bao gồm Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein.
|
Hàng hóa được xếp tại cảng ở Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Dự kiến FTA này sẽ được ký kết vào tháng 1/2025 với mục tiêu tăng cơ hội xuất khẩu và thu hút nhiều nhà đầu tư châu Âu hơn đến Thái Lan. Bộ trưởng Pichai nhấn mạnh thỏa thuận này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực của Thái Lan nhằm tăng cường mối quan hệ thương mại, mở rộng cơ hội xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, phù hợp với chỉ thị của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra về việc theo đuổi các FTA với các đối tác thương mại chính.
Theo lãnh đạo Bộ Thương mại Thái Lan, các cuộc đàm phán bắt đầu vào năm 2022 đã hoàn thành trong vòng 2 năm, đáp ứng đúng thời hạn mục tiêu. FTA bao gồm 15 lĩnh vực toàn diện, ví dụ như thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi cho thương mại, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm công, cạnh tranh, tính bền vững và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Pichai cho biết đây là FTA đầu tiên của Thái Lan với một khối thương mại châu Âu, thiết lập các tiêu chuẩn hiện đại và giải quyết các mục tiêu phát triển bền vững. Dự kiến thỏa thuận này sẽ mở đường cho các thỏa thuận trong tương lai với các đối tác quan trọng khác như Liên minh châu Âu (EU).
Bộ Thương mại sẽ trình thỏa thuận đã hoàn thiện lên nội các để phê duyệt, với kế hoạch ký kết trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) sắp tới tại Davos, Thụy Sĩ, vào tháng 1 năm sau. Thủ tướng Paetongtarn và ông Pichai sẽ có mặt tại sự kiện này.
Bộ trưởng cho biết sau khi được quốc hội thông qua, thỏa thuận sẽ được phê chuẩn, cho phép thực hiện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thái Lan.
Thương mại giữa Thái Lan và EFTA từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay đã vượt quá 10 tỷ USD, chiếm 2,03% tổng giá trị thương mại toàn cầu của Thái Lan và tăng 23,22% so với cùng kỳ năm trước.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Thái Lan sang EFTA bao gồm đồ trang sức, đồng hồ, hải sản đóng hộp, máy móc, mỹ phẩm và gạo, trong khi nhập khẩu tập trung vào đá quý, vàng, dược phẩm, thiết bị khoa học và hải sản tươi sống./.