Cựu bí thư Trần Văn Nam gây thất thoát 1.063 tỷ đồng

Thứ hai, 23/08/2021 20:15
(ĐCSVN) – Cựu bí thư Trần Văn Nam gây thất thoát 1.063 tỷ đồng; Người dân tuân thủ trong ngày đầu TP Hồ Chí Minh siết chặt kiểm soát; Sẵn sàng hơn 70.000 liều thuốc Molnupiravir điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà; Taliban tuyên bố “ân xá” cho Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani... là những tin đáng chú ý ngày hôm nay, 23/8.

Cựu bí thư Trần Văn Nam gây thất thoát 1.063 tỷ đồng

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án bán rẻ "43ha đất vàng" của Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (Tổng công ty 3/2).

Theo đó, Cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam cùng 20 người bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C03) đề nghị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Bị can Trần Văn Nam 

Theo kết luận, năm 2010, ông Nam được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, là Trưởng Ban chỉ đạo công tác điều tra giá đất, xây dựng bảng giá đất năm 2011-2013 trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn này, ông Nam ký ban hành công văn 3444 năm 2012 chấp thuận giá đất khu liên hợp là 51,9 nghìn đồng/m2 (giá đất bình quân năm 2006) để Cục Thuế tính tiền sử dụng đất đối với khu đất 43ha và 145ha được giao cho Tổng công ty 3/2 vào năm 2012, 2013 trái quy định, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả gây thất thoát ngân sách nhà nước số tiền hơn 761 tỷ đồng.

Trong giai đoạn giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, khi cổ phần hóa Tổng công ty 3/2, ông Nam chủ trì tổ chức họp Thường trực Tỉnh ủy phê duyệt phương án sử dụng đất của Tổng công ty 3/2 vào năm 2016. Theo đó, khu đất 43ha và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú phải chuyển về công ty Impco là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Tỉnh ủy quản lý.

Đến tháng 4/2017, mặc dù biết Tổng công ty 3/2 đã chuyển nhượng khu đất 43ha cho công ty Tân Phú, đã quyết toán vào niên độ tài chính năm 2016, không bàn giao về công ty Impco trái chủ trương của Tỉnh ủy và quy định của pháp luật, nhưng không thực hiện các biện pháp quản lý để bảo toàn vốn của chủ sở hữu theo quy định. Trái lại, ông Nam vẫn tổ chức họp Thường trực Tỉnh ủy quyết định cho Tổng công ty 3/2 tiếp tục chuyển nhượng 30% vốn góp tại công ty Tân Phú cho công ty Âu Lạc, hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ dự án trên khu đất 43ha từ nhà nước sang tư nhân, gây thất thoát hơn 300 tỷ đồng.

Để che giấu sai phạm, ông Nam tiếp tục chỉ đạo ông Phạm Văn Cảnh, Nguyễn Văn Đông và Ngô Dũng Phương "hợp thức hóa" các công văn để làm sai lệch bản chất nội dung phê duyệt chi tiết phương án sử dụng đất của chủ sở hữu.

Cơ quan điều tra xác định, bị can Trần Văn Nam có hành vi vi phạm pháp luật trong việc áp giá đất để tính thu tiền sử dụng đất và hành vi tạo điều kiện để Tổng công ty 3/2 hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ dự án trên khu đất 43ha từ nhà nước sang tư nhân gây thất thoát hơn 1.063 tỷ đồng.

Quá trình điều tra xác định, ông Nam là người chỉ đạo điều hành, vừa là người thực hiện tội phạm, gây thiệt hại cho nhà nước số tiền đặc biệt lớn. Quá trình làm việc, ông Nam chưa thành khẩn khai báo về động cơ vụ lợi của bản thân.

Đối với cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm, cơ quan điều tra xác định, với chức vụ của mình, giai đoạn 2015-2020 ông Liêm kiêm nhiệm Trưởng Ban chỉ đạo cổ phần hoá doanh nghiệp Tổng Công ty 3/2. Ông Liêm biết công ty  này đã chuyển nhượng khu đất 43ha cho liên doanh trái với chủ trương của Tỉnh uỷ nhưng vẫn đồng ý cho đơn vị này tiếp tục chuyển nhượng 30% vốn góp tại liên doanh cho công ty Âu Lạc.

Hành vi của ông Liêm bị C03 cho rằng đã tạo điều kiện cho chủ mưu vụ án là Nguyễn Văn Minh (Tổng giám đốc Công ty 3/2) và đồng phạm chuyển dịch toàn bộ tài sản Nhà nước sang tư nhân, gây thất thoát hơn 300 tỷ đồng. Ông Liêm thực hiện sai phạm do "ưu ái, có phần nể nang" với Công ty 3/2 do Tỉnh uỷ Bình Dương làm chủ sở hữu.

Người dân tuân thủ trong ngày đầu TP Hồ Chí Minh siết chặt kiểm soát

Từ 0h sáng 23/8, TP Hồ Chí Minh bước vào đợt giãn cách xã hội nghiêm ngặt, đảm bảo việc thực hiện quy định về giãn cách xã hội, phòng, chống dịch COVID-19. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội cùng tham gia trực chốt và điều phối hàng thiết yếu cho nhân dân.

Lực lượng kiểm tra người tham gia lưu thông tại chốt cầu Bình Triệu, quận Bình Thạnh. Ảnh: HM

Theo ghi nhận trên các tuyến đường, khu dân cư, phần lớn, người dân đếu chấp hành khá nghiêm quy định của UBND Thành phố. Mật độ giao thông giảm rõ rệt, lượng phương tiện lưu thông đã giảm 85% so với ngày trước đó. Những người lưu thông chủ yếu là lực lượng bác sĩ, y tá, cán bộ, công nhân viên chức… và những trường hợp được phép ra đường theo quy định của UBND TP. Những trường hợp không đủ điều kiện di chuyển thì bị lực lượng lập biên bản xử lý hoặc cho quay đầu xe.

Với đối tượng là người bệnh thông thường có nhu cầu đi khám chữa bệnh, Thành phố bố trí 500 xe taxi của các hãng xe Mai Linh và Vinasun để vận chuyển. Đối với trường hợp F0 chuyển nặng, thành phố bố trí 260 xe của hãng Phương Trang hoán cải, phân bổ về 21 quận, huyện và TP Thủ Đức để phục vụ nhân dân.

Về công tác an sinh xã hội, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Trung tâm An sinh xã hội Thành phố và các quận, huyện đã và đang hỗ trợ bổ sung đầy đủ cho các đối tượng còn thiếu trong gói hỗ trợ an sinh số 2, thực hiện các biện pháp hỗ trợ chủ nhà trọ (miễn, giảm tiền điện nước); chuẩn bị 2 triệu túi an sinh, đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót những trường hợp khó khăn; chuẩn bị các suất ăn dinh dưỡng cung cấp cho các trường hợp F0 có hoàn cảnh khó khăn.

Sẵn sàng hơn 70.000 liều thuốc Molnupiravir để điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà

Ngày 23-8, Bộ Y tế cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng thuốc Molnupiravir cho chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp mắc Covid-19 tại nhà và cộng đồng (home-based care).

Theo đó, doanh nghiệp sản xuất thuốc Molnupiravir trong nước đã sẵn sàng cho việc tài trợ những lô thuốc đầu tiên với 16.000 liều và đến 5-9 sẽ cung cấp tiếp 100.000 liều (tổng cộng 116.000 liều tương ứng 2.320.000 viên Molnupiravir 400mg). Song song, lô hàng thuốc Molnupiravir nhập khẩu đầu tiên hơn 300,000 viên 200mg đủ cho hơn 7.500 liều về đến Việt Nam trong ngày 23-8. Dự kiến, ngày 28-8 có thêm 1,7 triệu viên 200mg đủ cho 50.000 liều sẽ được đưa về. Đồng thời các lô thuốc tiếp theo sẽ được nhập khẩu để sử dụng trong chương trình trong đầu tháng 9-2021.

Thuốc có kết quả khả quan về khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa.

Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc kháng virus Molnupiravir trong điều trị Covid-19 đã công bố tại một số quốc gia cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt và làm sạch virus ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong; căn cứ kết quả đánh giá giữa kỳ của nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc molnupiravir tại cơ sở y tế, Bộ Y tế và Sở Y tế TPHCM sẽ triển khai chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát trường hợp mắc Covid-19 tại nhà và cộng đồng, dự kiến bắt đầu vào 25-8 tại TPHCM.

Trong chương trình, các trường hợp mắc Covid-19 (kết quả xét nghiệm bằng RT-PCR hoặc kit xét nghiệm nhanh tại nhà) có triệu chứng ở mức độ nhẹ sẽ được cán bộ y tế tư vấn, giải thích về chương trình, và sau khi đồng ý tự nguyện tham gia chương trình bằng văn bản, sẽ được phát 1 túi thuốc home-based care. Cùng với túi thuốc là tài liệu hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế, Sở Y tế TPHCM về tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe và liên lạc với bác sĩ phụ trách, cơ sở y tế trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng trở nặng để được giúp đỡ.

Sau 5 ngày, tất cả bệnh nhân sẽ được đánh giá về tỉ lệ âm tính với virus SARS-CoV-2 và tỉ lệ bệnh không diễn tiến sang mức độ nặng hơn. Trong suốt thời gian 14 ngày, bệnh nhân sẽ được theo dõi về triệu chứng của bệnh Covid-19 và các tác dụng phụ nếu có của thuốc.

Taliban tuyên bố “ân xá” cho Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani

Ông Haqqani nhấn mạnh “chế độ hiện nay đã thay đổi” và Taliban đã tha thứ cho "tất cả mọi người theo quan điểm của chúng tôi; từ tổng thống cho đến dân thường" đều có thể trở về nước.

Phát biểu trên đài truyền hình Geo TV của Pakistan, thủ lĩnh cấp cao Taliban, ông Khalil ur Rahman Haqqani cho biết lực lượng này đã "ân xá" cho Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và cho phép ông trở về nước.

 Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông Haqqani nêu rõ: “Chúng tôi tha thứ cho ông Ashraf Ghani, (Phó Tổng thống thứ nhất) Amrullah Saleh và (Cố vấn An ninh Quốc gia) Hamdullah Mohib”.

Ông Haqqani nhấn mạnh “chế độ hiện nay đã thay đổi” và Taliban đã tha thứ cho "tất cả mọi người theo quan điểm của chúng tôi; từ tổng thống cho đến dân thường" đều có thể trở về nước.

Taliban đã giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul của Afghanistan ngày 15/8. Ông Ghani đã rời khỏi đất nước trước đó để ngăn chặn những gì ông miêu tả là một cuộc đổ máu nếu lực lượng Taliban tấn công thủ đô.

Trong khi đó, Phó Tổng thống Amrullah Saleh tự tuyên bố là Tổng thống tạm quyền của Afghanistan, đồng thời kêu gọi tiến hành cuộc kháng chiến chống lại Taliban.

Cũng trong ngày 23/8, Taliban xác nhận các tay súng của họ đã bao vây lực lượng phản kháng ở thung lũng Panjshir. Tuy nhiên, theo Taliban, mục đích của họ là nhằm thương lượng chứ không phải để tấn công.

Thông báo trên Twitter, người phát ngôn Taliban, Zabihullah Mujahid nêu rõ: “Các chiến binh Taliban đang đóng quân gần Panjshir  và khu vực này đã bị bao vây 3 mặt. Vương quốc Hồi giáo đang nỗ lực giải quyết vấn đề này một cách hòa bình.”

Tuyên bố trên của Taliban được đưa ra sau khi có nhiều thông tin cho rằng đã xảy ra đụng độ giữa Taliban và các lực lượng phản kháng trong đêm 22/8 và rạng sáng 23/8.

Hiện một phong trào phản kháng Taliban đang được hình thành ở thung lũng Panjshir, do Phó Tổng thống Amrullah Saleh và Ahmad Massoud, con trai của một chiến binh nổi tiếng chống Taliban, đứng đầu./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực