Cựu giám đốc CDC Hà Nội lĩnh 10 năm tù

Thứ bảy, 12/12/2020 21:14
(ĐCSVN) - Cựu giám đốc CDC Hà Nội lĩnh 10 năm tù; Cứu sống kịp thời 11 người sau vụ tàu chìm trên biển; Chặn đứng vụ vận chuyển hơn 2,2 tấn gỗ trắc, 1 tấn pháo từ Lào về Việt Nam; Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19: Mỹ và Mexico phê duyệt vaccine của Pfizer/BioNTech... là một số tin đáng chú ý hôm nay (12/12).
leftcenterrightdel
Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm (sinh năm 1963, nguyên Giám đốc CDC Hà Nội) và đồng phạm nghe đại diện Viện Kiểm sát đọc Bản cáo trạng truy tố. (Ảnh: TTXVN) 

Cựu giám đốc CDC Hà Nội lĩnh 10 năm tù

Chiều 12/12, TAND Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc CDC Hà Nội) 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng tội danh này, Nguyễn Vũ Hà Thanh (cựu Trưởng phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội) và Đào Thế Vinh (Giám đốc Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại Việt Nam - MST) cùng lĩnh 6 năm 6 tháng tù.

Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech), Nguyễn Thị Kim Dung (Trưởng Phòng Tổ chức CDC Hà Nội) và Nguyễn Trần Duy (Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá Nhân Thành) cùng bị phạt 6 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Ngọc Quỳnh (Trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ) và Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông) cùng lĩnh 5 năm tù. Còn Hoàng Kim Thư (Kế toán trưởng) và Lê Xuân Tuấn (cán bộ CDC Hà Nội) cùng lĩnh 3 năm tù treo.

HĐXX đánh giá trong vụ án, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm là cựu Giám đốc CDC Hà Nội giữ vai trò chủ mưu. Với động cơ vụ lợi, bị cáo Cảm đã thống nhất với bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất và những người khác nâng khống giá mua thiết bị xét nghiệm COVID-19.

Hành vi của Nguyễn Nhật Cảm và các bị cáo đủ cơ sở cấu thành tội Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng cho Nhà nước, làm thiệt hại số tiền gần 5 tỷ đồng.

“Hành vi của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước”, chủ tọa Chử Phương Ngọc nhận định và đánh giá cần phải xử lý nghiêm minh các bị cáo để răn đe.

Về vai trò phạm tội, HĐXX nhận thấy bị cáo Nguyễn Nhật Cảm giữ vai trò cao nhất, thỏa thuận và thống nhất với các bị cáo khác nâng khống giá mua thiết bị xét nghiệm. Về tình tiết giảm nhẹ, các bị cáo đều khai báo thành khẩn, thừa nhận hành vi. Bị cáo Cảm và các cựu cán bộ CDC Hà Nội được đơn vị này gửi đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

"Toàn bộ thiệt hại cũng đã được khắc phục nên các bị cáo còn được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ", chủ tọa nhận định.

leftcenterrightdel
11 nạn nhân được tàu Bình Nguyên 99 cứu sống và đưa về bờ an toàn (Ảnh: TTXVN) 

Cứu sống kịp thời 11 người sau vụ tàu chìm trên biển 

Trưa 12/12, tàu Bình Nguyên 99 đã đưa toàn bộ 11 người gồm 9 thuyền viên và 2 hành khách trên tàu Huy Hoàng 18 chở than đá gặp nạn, tàu bị chìm trên biển về đến thành phố Đà Nẵng an toàn. Hiện tinh thần các nạn nhân ổn định, sức khỏe hồi phục bình thường. 

Trước đó, khoảng 22 giờ 50 phút ngày 10/12, tàu Huy Hoàng 18 gồm 11 người trên tàu đang trên hải trình từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Hải Phòng chở theo 2.930 tấn than đá. Khi đi đến khu vực vùng biển tỉnh Bình Định thì xảy ra tai nạn do đâm vào hòn Con Rùa và chìm tại vị trí này.

Ngay sau khi nhận được thông tin báo nạn, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan liên quan và Cảng vụ Hàng hải tại các địa phương khẩn trương triển khai các phương án ứng phó và tìm kiếm cứu nạn người bị rơi xuống biển. Đồng thời, đơn vị cứu nạn đã phát thông báo hàng hải, huy động các tàu thuyền trong khu vực tăng cường cảnh giới và tìm kiếm cứu vớt người bị nạn.

Đến khoảng 2 giờ ngày 11/12, toàn bộ 9 thuyền viên và 2 hành khách của tàu Huy Hoàng 18 đã được tàu Bình Nguyên 99 đang trên hành trình từ Vũng Rô đi Đà Nẵng phát hiện và cứu vớt an toàn. Tàu Bình Nguyên 99 sau khi cứu nạn đã tiếp tục hành trình đưa người bị nạn về Đà Nẵng an toàn. 

Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam cùng Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng và Ban chỉ huy đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng đã tiếp nhận và bàn giao nạn nhân cho ông Lưu Đức Tuấn (đại diện chủ tàu bị nạn). Đại diện lãnh đạo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam và Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng đã trao quà và tặng hoa để cảm ơn Thuyền trưởng tàu Bình Nguyên 99 đã kịp thời cứu vớt 11 nạn nhân tàu Huy Hoàng 18.

leftcenterrightdel
Số lượng pháo và gỗ trắc bị phát hiên và thu giữ. (Ảnh: baogiaothong.vn)

Chặn đứng vụ vận chuyển hơn 2,2 tấn gỗ trắc, 1 tấn pháo từ Lào về Việt Nam

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị vừa bắt giữ xe chở hàng chục thùng ca-ton pháo và 2,2 tấn gỗ trắc không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp nhập lậu từ Lào về Việt Nam. 

Ngày 12/12, Đồn Biên phòng cửa khẩu Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) cho biết, đơn vị này đã phối hợp với lực lượng Hải quan, Công an tỉnh vừa phát hiện và bắt giữ xe tải nhập lậu 1 tấn pháo và hơn 2,2 tấn gỗ trắc.

Theo đó, khoảng 11h ngày 10/12, lực lượng chức năng cửa khẩu Lao Bảo ra tín hiệu dừng phương tiện qua khu vực giám sát, sau đó tiến hành kiểm tra khám xét xe tải mang BKS: 29C – 961.72 do tài xế Nguyễn Ngọc Quỳnh (SN 1981, trú xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) điều khiển từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo.

Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có 37 thùng ca-ton với 740 hộp nhỏ được cất giấu tinh vi trong cabin và thùng xe. Những thùng ca-ton này được đánh số thứ tự bằng mực đỏ.

Đồng thời, lực lượng chức năng cũng phát hiện trên xe chở theo 137 thanh gỗ. Các thanh gỗ này được đánh số thứ tự từ VN01 đến VN135 với tổng khối lượng 2,2 tấn.

Với sự phối hợp của lực lượng kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh Quảng Trị), bước đầu cơ quan chức năng xác định, 37 thùng ca-ton với 740 hộp nhỏ được đánh số thứ tự là pháo và 2,2 tấn gỗ được tài xế vận chuyển là loại gỗ trắc quý hiếm. Toàn bộ gỗ và pháo đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Làm việc với cơ quan chức năng, tài xế Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết, ông được Công ty TNHH thương mại và dịch vụ vận tải Bình Minh (địa chỉ tại quận Long Biên, TP Hà Nội) thuê chở hàng từ Việt Nam qua Lào và ngược lại.

Đến trưa ngày 9/12, chiếc xe tải do ông Quỳnh điều khiển đến cửa khẩu Lao Bảo và giao cho ông Bùi Quang Chiến (lái xe của Công ty Bình Minh tại Lào) để ông Chiến tiếp tục chở hàng sang Lào.

Sáng 10/12, ông Quỳnh vào khu vực cửa khẩu làm thủ tục nhận phương tiện vận tải từ ông Chiến để chuẩn bị nhập cảnh về Việt Nam thì bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện xe chở hàng hóa nhập lậu.

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng mở rộng điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel
Hình ảnh minh họa vaccine phòng COVID-19 do Công ty dược phẩm Pfizer và BioNTech phối hợp phát triển. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Mỹ và Mexico phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech

Tối 11/12 theo giờ Mỹ, tức sáng 12/12 giờ Việt Nam, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do hãng Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức phối hợp bào chế.

FDA cho biết vaccine trên có thể sử dụng cho người từ 16 tuổi trở lên; đợt đầu tiên có khoảng 2,9 triệu liều vaccine.

Ngay sau khi FDA công bố quyết định trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ sẽ bắt đầu triển khai cho tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech "trong vòng chưa đầy 24 giờ tới". Trong phát biểu ghi hình đăng trên mạng Twitter, ông Trump cho biết: "Thông qua các đối tác FedEx và UPS, chúng tôi đã bắt đầu vận chuyển vaccine đến các bang trên cả nước". Theo Tổng thống Trump, các thống đốc bang sẽ quyết định các đối tượng được tiêm vaccine đầu tiên ở bang. Ông cho rằng cần ưu tiên "các nhân viên y tế và những người ở tuyến đầu ứng phó với dịch bệnh", nhấn mạnh rằng "điều này sẽ giúp giảm nhanh số ca nhập viện và số ca tử vong".

Trước đó cùng ngày,  Ủy ban Liên bang về Phòng chống các nguy cơ y tế của Mexico (Cofepris) đã phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech.

Thứ trưởng Y tế Hugo López Gatell cho biết Cofepris đã hoàn tất quá trình đánh giá, kiểm định vaccine của Pfizer/BioNTech và cấp phép sử dụng loại vaccine này. Như vậy, Mexico đã trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới phê duyệt vaccine của Pfizer sau Anh, Cộng hòa Bahrain và Canada. Mỹ là quốc gia thứ 5 phê duyệt vaccine này.

 Bộ Y tế Mexico thông báo sẽ tiếp nhận lô vaccine đầu tiên 250.000 liều trong tháng 12 này. Mexico đã ký thỏa thuận mua 34,4 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech và 35 triệu liều vaccine của hãng dược phẩm CanSino Biologics của Trung Quốc. Các thỏa thuận này nằm trong gói thỏa thuận mua 146,8 triệu liều vaccine của AstraZeneca, Pfizer/BioNTech và CanSino Biologics.

Chính phủ Mexico cho biết kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ bắt đầu từ cuối tháng 12 này và ưu tiên số 1 là dành cho các y bác sỹ tuyến đầu chống dịch./.

 

 

 

 

P.V (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực