Đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang trong vụ án thứ 2

Thứ sáu, 20/08/2021 20:43
(ĐCSVN) - Đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang trong vụ án thứ 2; Khuyến nghị xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc bằng đường chính ngạch; WPF cảnh báo 1/3 dân số Afghanistan lâm vào cảnh đói kém, là những tin nóng ngày 20/8.

Đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang trong vụ án thứ 2

Ông Tất Thành Cang. (Nguồn: vietnamnet.vn) 

Ngày 20/8, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) - Công an TP. Hồ Chí Minh vừa hoàn tất kết luận điều tra và đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang (nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh), Trần Công Thiện (cựu tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận, 100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, sau đây viết tắt là Công ty Tân Thuận) cùng các đồng phạm  về cùng tội vi phạm về quy định quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Các đồng phạm bị đề nghị truy tố gồm: Nguyễn Văn Minh (nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty Tân Thuận), Trần Tấn Hải (nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Tân Thuận), Nguyễn Thị Ngọc Bích (nguyên kế toán trưởng), Nguyễn Hoàng Việt (nguyên kiểm soát viên) Nguyễn Xuân Tùng (nguyên Trưởng phòng Kinh doanh tổng hợp, cùng công ty) và Phạm Văn Thông (nguyên Phó chánh Văn phòng Thành ủy), Huỳnh Phước Long (nguyên Trưởng phòng quản lý đầu tư kinh doanh vốn, Văn phòng Thành ủy), Phan Thanh Tân (nguyên Phó chánh Văn phòng Thành ủy).

Đây vụ án thứ 2 mà ông Tất Thành Cang bị đề nghị truy tố. Trong vụ án này, ông Cang và đồng phạm bị đề nghị truy tố do có sai phạm liên quan đến 2 Dự án khu dân cư ở Phước Kiển (huyện Nhà Bè) và Dự án khu dân cư Ven Sông (quận 7).

Cơ quan ANĐT kết luận các bị can: Tất Thành Cang, Phạm Văn Thông, Phan Thanh Tân, Huỳnh Phước Long đã có sai phạm trong việc ký các tờ trình, văn bản thuận chủ trương cho Công ty Tân Thuận chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại Dự án khu dân cư Phước Kiển; chuyển nhượng, hoán đổi vốn góp và chuyển nhượng một phần Dự án khu dân cư Ven Sông không đúng quy định gây thất thoát nguồn vốn của Đảng bộ TP.

Khuyến nghị xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc bằng đường chính ngạch

Ảnh minh họa. (Nguồn: cand.com.vn) 

Ngày 20/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh có văn bản gửi các Hiệp hội sản xuất, nhập khẩu hàng hóa; Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các cơ quan quản lý cửa khẩu của cả Trung Quốc và Việt Nam đều đã phải tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Cho tới nay, nhờ nỗ lực của cả hai bên, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa về cơ bản vẫn được duy trì nhưng tiến độ thông quan không được như trước đây do phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn phòng dịch.

Trước tình hình đó, để tạo thuận lợi cho công tác thông quan, tránh tình trạng ùn tắc, tồn đọng hàng hóa, phương tiện tại các cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc, Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa đi thị trường Trung Quốc sang hình thức chính ngạch.

Thực tiễn cho thấy hàng hóa xuất khẩu chính ngạch, mua bán theo hợp đồng có người nhận và các điều kiện giao hàng rõ ràng; giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và quy cách hàng hóa, bao bì đáp ứng quy định của nước nhập khẩu có khả năng thông quan thuận lợi hơn rất nhiều so với hàng hóa vận chuyển lên biên giới để xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân tại các cặp chợ đường biên.

“Trường hợp vì lý do khách quan nên chưa thể chuyển ngay sang xuất khẩu chính ngạch, đề nghị chỉ vận chuyển hàng lên biên giới khi đã có thỏa thuận với khách mua hàng (địa chỉ tiêu thụ rõ ràng). Đối với nông sản, cần phối hợp với bên mua để phân loại, đóng gói, sử dụng bao bì, nhãn mác phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu ngay tại khâu sản xuất, đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng để giúp đẩy nhanh tiến độ thông quan”, Bộ Công Thương nêu rõ.

WPF cảnh báo 1/3 dân số Afghanistan lâm vào cảnh đói kém

Phụ nữ nhận lương thực cứu trợ tại Jalalabad, Afghanistan, ngày 20/4/2021.

( Nguồn: AFP/TTXVN) 

Hậu quả cùng lúc của chiến tranh và nạn hạn hán do biến đổi khí hậu đã đẩy 1/3 dân số Afghanistan, tức 14 triệu người, đứng trước nguy cơ đói kém nghiêm trọng.

Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã đưa ra cảnh báo trên ngày 20/8 – thời điểm Afghanistan đang đối mặt với tương lai khó đoán định sau khi lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát Kabul cuối tuần qua.

Giám đốc WFP tại Afghanistan, bà Mary-Ellen McGroarty khẳng định 2021 là một năm đầy khó khăn đối với quốc gia Tây Nam Á này. Bà cảnh báo cuộc khủng nhân đạo tồi tệ đang diễn ra, đồng thời thông báo ý định sẽ tiếp tục ở lại nước này cùng với WPF thực hiện công tác nhân đạo đáp ứng nhu cầu gia tăng cấp bách hiện nay.  

Theo bà McGroarty, Afghanistan đang trải qua đợt hạn hán với mức độnghiêm trọng đứng thứ 2 trong 3 năm qua, cùng với đó là tình trạng xung đột, bạo lực tràn lan khiến nhiều người rời bỏ nhà cửa lánh nạn.

Bà cho rằng WFP đang phải đối mặt thực tế tàn khốc khi các dữ liệu mới nhất cho thấy khoảng 14 triệu người dân Afghanistan đang rơi vào tình cảnh đói kém nghiêm trọng, trong đó khoảng 2 triệu trẻ em có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.

Hạn hán đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Sản lượng lúa mì đã giảm 40% sau khi Afghanistan trải qua một trong những mùa khô hạn nhất trong gần 30 năm qua. Hạn hán không chỉ ảnh hưởng đến cây trồng, mà còn ảnh hưởng đến vật nuôi, trong khi tình trạng xung đột gia tăng đã khiến người nông dân không thể thu hoạch mùa màng.

Trước tình hình thực tế nêu trên, bà McGroarty cho rằng ưu tiên của WFP hiện nay là duy trì sự hiện diện tại Afghanistan và an toàn hỗ trợ người dân Afghanistan, nhất là khi mùa Đông đang sắp đến. Bà cho biết WFP đang đàm phán để khôi phục hoạt động cứu trợ nhân đạo với mục tiêu đến cuối năm 2021 tiếp cận được 9 triệu người ở Afghanistan./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực