Đề nghị truy tố Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường

Thứ năm, 11/11/2021 22:51
(ĐCSVN) - Đề nghị truy tố Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường; 6 bệnh nhân COVID-19 bỏ trốn khỏi bệnh viện; Giá vé 'chợ đen' trận tuyển Việt Nam - Nhật Bản “rẻ như cho”, 50.000 ca mắc COVID-19/ngày, Đức vượt Nga thành điểm nóng nhất ở châu Âu… là một số tin đáng chú ý hôm nay (11/11)
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường. (Ảnh: plo.vn)

Đề nghị truy tố Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường vì gây thiệt hại 51 tỷ đồng

Hôm nay (11/11), Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận bổ sung, đề nghị truy tố Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan vụ án xảy ra ở VN Pharma.

Bộ Công an cho rằng hành vi thiếu trách nhiệm của ông Trương Quốc Cường trong vụ án ở VN Pharma gây thiệt hại hơn 50,6 tỷ đồng.

Cùng tội này, cơ quan điều tra đề nghị truy tố Nguyễn Việt Hùng (cựu Phó cục trưởng Quản lý dược của Bộ Y tế) và Lê Đình Thanh (cựu cán bộ Cục Hải quan TP.HCM).

Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma) và 8 bị can khác bị đề nghị truy tố tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.

Hai bị can còn lại gồm Nguyễn Thị Thu Thủy (cựu phó phòng của Cục Quản lý dược) và Phạm Hồng Châu (cựu trưởng phòng của đơn vị này) bị đề nghị truy tội Lợi dụng chức

Trước đó, ngày 4/11, ông Trương Quốc Cường bị Bộ Công an khởi tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Khoản 3, Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015.

Kết quả điều tra cho thấy ông Cường làm Cục trưởng Cục Quản lý Dược giai đoạn 2007-2016, là người chịu trách nhiệm đối với các hoạt động của cục này. Trong đó có nhiệm vụ trình lãnh đạo Bộ Y tế các quyết định liên quan đến việc cấp phép đăng ký thuốc.

Quá trình làm việc, ông Cường có hành vi thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, xét duyệt và cấp số đăng ký đối với 7 loại thuốc giả gắn nhãn Health 2000 Canada; thiếu giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định và bộ phận thường trực đăng ký thuốc. Sau khi 7 loại thuốc trên được nhập khẩu vào Việt Nam, Nguyễn Minh Hùng và các bị can trong vụ án đã tiêu thụ được lô thuốc giả có tổng trị giá trên 151 tỷ đồng.

Ông Cường nhận được thông tin phản ánh thuốc Health 2000 Canada nhập nhằng về nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên, bị can đã không chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi để tiêu hủy đối với 7 loại thuốc.

Cơ quan chức năng đã tìm thấy 6 người khi đang lẩn trốn ở vườn cao su phía nam bệnh viện (Ảnh: thanhnien.vn)

6 bệnh nhân COVID-19 bỏ trốn khỏi bệnh viện

Khi đang được điều trị tại bệnh viện, 6 bệnh nhân COVID-19 ở Kon Tum đã rủ nhau bỏ trốn khiến lực lượng chức năng phải đi tìm.

Chiều 11/11, cơ quan chức năng huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum đã tìm thấy 6 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 trốn khỏi nơi điều trị và đưa trở lại bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi.

Theo ông Nguyễn Chí Tường, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi, khoảng 11 giờ trưa cùng ngày, 6 bệnh nhân COVID-19 gồm A Linh (17 tuổi), A Rổ (16 tuổi), A Chim (18 tuổi), A Ly (19 tuổi), A Triệu (18 tuổi) và A Chon (17 tuổi, cùng trú thôn Măng La, xã Ngọc Bay, TP Kon Tum) rủ nhau bỏ trốn khi đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi.

Ngay sau khi phát hiện sự việc, cơ quan chức năng liền tổ chức truy tìm. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, cơ quan chức năng đã phát hiện 6 bệnh nhân trên đang lẩn trốn tại vườn cao su gần bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi.

Ngay lập tức cơ quan chức năng đã đưa những bệnh nhân này về bệnh viện tiếp tục điều trị, đồng thời truy vết yếu tố dịch tễ liên quan.

 Sát giờ diễn ra trận đấu, rất ít người đến hỏi mua vé trận đấu tuyển Việt Nam gặp tuyển Nhật Bản. (Ảnh: Báo tin tức-TTXVN)

Giá vé  “chợ đen” trận tuyển Việt Nam - Nhật Bản “rẻ như cho”

Chiều 11/11, thị trường vé "chợ đen" xem trận tuyển Việt Nam - Nhật Bản "kém"chưa từng có. Nhiều phe vé chấp nhận bán vé bằng một nửa giá gốc do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phát hành.

Cụ thể, vé khán đài C, D mệnh giá 500.000 đồng/ chiếc được các phe vé chào bán ở khu vực sân Mỹ Đình còn 400.000 đồng/cặp. Vé ở các khán đài A, B có mệnh giá 900.000 đồng/ chiếc được chào bán 1.000.000/cặp (thời điểm 15 giờ 30 phút ngày 11/11).

Tại khu vực sân Mỹ Đình đã tập trung đông các phe vé, nhưng tình trạng chung là đều méo mặt lo lắng vì không có khách mua.

Tuy nhiên, vẫn có phe vé liều “ôm” mua lại những vé khán đài A, B với giá 50.000 đồng/vé, C, D là 20.000 đồng/vé.

Theo quan sát của phóng viên, người bán lại vé cho dân phe khá đông. Một phe vé chia sẻ, khi không bán được hoặc được trả mức giá quá rẻ, nhiều người gọi điện cho người nhà đến tặng vé để vào sân để  "cho biết sân Mỹ Đình như thế nào".

VFF đã phát hành 12.000 vé trận đấu giữa Việt Nam - Nhật Bản tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, diễn ra trên sân vận động Mỹ Đình vào lúc 19 giờ ngày 11/11 với các mệnh giá: 500.000 đồng, 700.000 đồng, 900.000 đồng, 1,2 triệu đồng/vé. Ngày 27/10, VFF đã mở bán vé online và bán hết sạch vé trận đấu đáng chú ý này chỉ sau khoảng 20 phút.

Theo quy định, người hâm mộ đến sân phải tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, phải xét nghiệm COVID-19 và có kết quả âm tính trong 72 giờ trước khi trận đấu diễn ra...

Trong những ngày qua, số ca COVID-19 tại Hà Nội không ngừng tăng cao. Điều này khiến tâm lý của người hâm mộ rất lo lắng khi đến sân Mỹ Đình cổ vũ thầy trò HLV Park Hang-seo thi đấu.

Những lý do trên khiến cho thị trường vé "chợ đen" những ngày qua diễn biến bất ngờ chưa từng có. Thay vì giá vé tăng lên khi trận đấu sắp diễn ra, vé trận Việt Nam - Nhật Bản giảm kịch sàn.

Trong những ngày qua, không khí bán vé chợ đen trước sân vận động Mỹ Đình cũng rất ảm đạm. Người bán, người mua đều thưa thớt. Các trang rao bán vé tự phát thông qua mạng xã hội cũng trong tình trạng nhiều người bán, ít người mua.

 Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Magdeburg, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

50.000 ca mắc COVID-19/ngày, Đức vượt Nga thành điểm nóng nhất ở châu Âu

Theo số liệu do Viện Robert Koch (RKI) công bố ngày 11/11, trong 24 giờ qua Đức ghi nhận 50.196 ca mắc mới và 235 ca tử vong. Với số liệu cập nhật này, Đức đã vượt Nga và trở thành điểm lây nhiễm COVID-19 nóng nhất ở châu Âu. Nga cùng ngày ghi nhận 40.759 ca mắc mới.

Đức nằm trong một nhóm các nước châu Âu đang phải đối diện với bùng phát lây nhiễm. Số ca mắc COVID-19 tại Đức tăng mạnh trong vài ngày gần đây. Chính quyền ngày 10/11 đã gọi gia tăng lây nhiễm hiện nay là đáng lo ngại. Sức ép lên hệ thống bệnh viện tại Đức cũng đang tăng nhanh. Một số bệnh viện cho biết các phòng điều trị tích cực đã kín bệnh nhân và không thể tiếp nhận bệnh nhân mới.

Một số khu vực bị ảnh hưởng nặng như Saxony, Bavaria và gần đây là thủ đô Berlin đã bắt đầu áp đặt một số biện pháp hạn chế mới đối với người chưa tiêm vaccine. Từ ngày 8/11, Berlin không cho phép người chưa tiêm vaccine COVID-19 được lui tới nhà hàng, quán bar, phòng gym, hiệu cắt tóc.

P.V (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực