Đề xuất miễn học phí bậc THCS cả nước

Thứ hai, 04/07/2022 20:24
(ĐCSVN) - Đề xuất miễn học phí bậc THCS, lùi lộ trình tăng học phí các cấp; Nhiệt độ tăng cao, miền Bắc mất điện diện rộng;18 người thiệt mạng trong vụ bạo loạn tại Nukus (Uzbekistan); Úc sáng chế thuốc điều trị nhồi máu cơ tim từ loài nhện nguy hiểm nhất thế giới là những tin đáng chú ý ngày hôm nay 4/7.

Đề xuất miễn học phí bậc THCS, lùi lộ trình tăng học phí các cấp

Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra sáng nay (4/7), Bộ GD-ĐT đã đưa ra đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc kể từ năm học 2022 - 2023, đồng thời lùi lộ trình tăng học phí các cấp học, từ bậc mầm non đến đại học.

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết đối với học phí năm học 2022 - 2023 để các đơn vị kịp thời triển khai thực hiện; giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với các bộ, ngành thực hiện sửa Nghị định 81/2021/NĐ-CP để làm căn cứ pháp lý thực hiện từ năm học 2023 - 2024 về học phí các cấp.

Ảnh minh họa: Đan Thư  

Với hệ trung học cơ sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất thực hiện ngay việc miễn học phí cho toàn bộ học sinh trung học cơ sở từ năm học 2022 - 2023 thay vì từ năm học 2025 - 2026 như lộ trình.

Đối với các địa phương đã ban hành Nghị quyết quy định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 mà mức thu học phí cao hơn so với năm học 2021 - 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh giao ủy ban Nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh cho phép tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với năm học 2021 - 2022 đến hết năm học 2022 - 2023. Từ năm học 2023 - 2024, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh khung và mức học phí mầm non theo chỉ số giá tiêu dùng hằng năm.

Đối với giáo dục đại học, giáo dục đại học công lập, đề nghị lùi khung học phí quy định tại Nghị định 81 thêm một năm. Năm học 2022 - 2023, mức học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên tăng tối đa 15% (theo Nghị định 81 là 25%) so với năm học 2021 - 2022.

Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, xác định mức trần học phí tối đa hệ số 2 lần so với cơ sở chưa tự đảm bảo chi thường xuyên (giữ nguyên như quy định tại Nghị định 81). Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thì được xác định mức trần học phí tối đa hệ số 2,5 lần so với cơ sở tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (giữ nguyên như quy định tại Nghị định 81).

Cũng tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ lưu ý Bộ Giáo dục và Đào tạo cần khẩn trương làm việc với các bộ, ngành hữu quan, trình Chính phủ để ban hành nghị quyết về các nội dung nêu trên cho kịp triển khai từ năm học 2022- 2023.

Nhiệt độ tăng cao, miền Bắc mất điện diện rộng

Đầu giờ chiều 4/7, nhiều quận trung tâm Hà Nội, TP Thanh Hóa và một số tỉnh phía Bắc mất điện đột ngột, điện áp tăng vọt.

Khoảng 13h, các quận ở Hà Nội như Ba Đình, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai... bị mất điện, đúng thời điểm nóng nhất trong ngày.

 Ảnh minh họa: Đình Tăng

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hệ thống điện miền Bắc trưa nay có hiện tượng dao động điện áp, gây mất điện ở một số địa phương miền Bắc, trong đó có Hà Nội. Nguyên nhân ban đầu là thời tiết nắng nóng làm tiêu thụ điện tăng cao và một số tổ máy phát điện bị sự cố. Tới 15h, toàn bộ hệ thống điện miền Bắc vận hành ổn định trở lại.

Số liệu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho thấy, trước thời điểm sự cố, miền Bắc tiêu thụ gần 20.300 MW, tăng 2.700 MW so với cao điểm chiều 1/7 (17.600 MW) và tăng hơn 15% so với ngày bình thường.

Từ tháng 6 đến nay, miền Bắc và Bắc Trung Bộ trải qua nắng nóng, nhiệt độ cao nhất ngày lên 37-39 độ C. 13h hôm nay, 10 tỉnh thành khu vực này nóng 36-38 độ, trong đó trạm Láng ở trung tâm thủ đô xấp xỉ 37 độ, trời oi bức.

Để hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố cục bộ trên lưới điện cũng như trong gia đình, EVN tiếp tục khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối, cụ thể là buổi trưa từ 11h30 đến 14h30, buổi tối từ 20h00 đến 22h00. Đồng thời chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và chú ý không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.

Úc sáng chế thành công thuốc điều trị nhồi máu cơ tim từ nọc độc của nhện mạng phễu

Các nhà khoa học tại Đại học Queensland (Úc) đã sáng chế thành công loại thuốc điều trị nhồi máu cơ tim có tên IB001 từ nọc độc của nhện mạng phễu K'gari. Đây được xem là loài nhện nguy hiểm nhất thế giới.

Trang web của Đại học Queensland ngày 4-7 trích dẫn một nghiên cứu dẫn đầu bởi Giáo sư Peter Macdonald - Viện Nghiên cứu tim mạch Victor Chang (Úc) và Giáo sư Rob Widdop - Đại học Monash (Úc) cho biết loại thuốc IB001 từ nọc độc của nhện K'gari có khả năng ngăn ngừa tổn thương do đau tim và đột quỵ.

"Loại thuốc IB001 sẽ giúp ngăn chặn các triệu chứng khiến tế bào tim chết đi và ngay lập tức giúp giảm tổn thương tim. Đây là phương pháp điều trị hữu hiệu đối với người bị bệnh tim ở các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa" , Phó Giáo sư Mark Smythe, giám đốc điều hành công ty Infensa Bioscience, đơn vị phát triển thuốc IB001, nói với Đài ABC News ngày 4-7.

 Loài nhện K'gari và nhà khoa học của Đại học Queensland (Úc) - Ảnh: DAILY MAIL

"Trái tim không thể tái tạo các tế bào cơ đã chết trong cơn đau tim. Đó là lý do tại sao những tổn thương này có thể gây ra những hội chứng vĩnh viễn như suy tim, tàn tật và làm giảm chất lượng cuộc sống", ông Smythe cho biết thêm.

Theo báo The Sydney Morning Herald, đây là loại thuốc đầu tiên trên thế giới ngăn ngừa tổn thương tế bào do các cơn đau tim gây ra.

Trường Đại học Queensland dự kiến thành lập một công ty khởi nghiệp có tên Infensa Bioscience để phát triển loại thuốc này. Trước đó, công ty đã nhận được 23 triệu USD cho công trình nghiên cứu loại thuốc IB001 từ các nhà đầu tư tư nhân ở thành phố Brisbane (Úc).

Các nhà nghiên cứu hy vọng loại thuốc này có thể được cung cấp cho những bệnh nhân đột quỵ hay suy tim giai đoạn đầu.

Công ty Infensa Bioscience dự kiến bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 loại thuốc IB001 như một phương pháp điều trị đau tim ở bang Queensland vào năm tới.

Trước đó, nghiên cứu đã được chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ bởi công ty thương mại UniQuest trực thuộc Đại học Queensland.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực