Động đất ở Indonesia: Con số thương vong lên gần 750 người

Thứ hai, 21/11/2022 19:27
(ĐCSVN) - Động đất ở Indonesia: Con số thương vong lên gần 750 người; GS-NSND, nhạc sĩ Trọng Bằng qua đời; Cảnh giác thủ đoạn mạo danh cơ quan tư pháp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản… là một số tin tức đáng chú ý diễn ra trong ngày 21/11.

Động đất ở Indonesia: Con số thương vong lên gần 750 người

Người dân sơ tán ra khỏi các tòa nhà để tránh dư chấn động đất tại Jakarta, Indonesia ngày 21/11/2022. Ảnh: THX/TTXVN 

Theo thông tin cập nhật mới nhất từ giới chức địa phương, có ít nhất 46 người thiệt mạng và 700 người bị thương trong trận động đất có độ lớn 5,6 xảy ra chiều 21/11 ở thị trấn Cianjur thuộc tỉnh Tây Java, Indonesia.

Phát biểu với báo giới, ông Herman Suherman, quan chức chính quyền thị trấn cho biết những người thiệt mạng và bị thương đều ở một bệnh viện trong vùng. Hầu hết các nạn nhân bị gãy xương do mắc kẹt trong đống đổ nát của các tòa nhà.

Theo Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG), trận động đất có tâm chấn nằm ở độ sâu 10 km. Rung lắc mạnh cũng cảm nhận được ở thủ đô Jakarta trong vài giây. Nhà chức trách đã sơ tán một số người khỏi các tòa nhà, trong khi các nhân chứng cho biết họ cảm thấy các tòa nhà rung lắc và đồ đạc di chuyển. Tuy nhiên, BMKG cho biết trận động đất không có khả năng gây sóng thần.

Indonesia thường xuyên đối mặt các vụ động đất do nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi có nhiều vết đứt gãy ở vỏ Trái Đất do hoạt động của các mảng kiến tạo.

GS-NSND, nhạc sĩ Trọng Bằng qua đời

GS-NSND, nhạc sĩ Trọng Bằng, nguyên Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã qua đời tại nhà riêng vào sáng 21/11, hưởng thọ 91 tuổi.

GS-NSND, nhạc sĩ Trọng Bằng. (Ảnh: Hội Nhạc sĩ Việt Nam) 

GS-NSND, nhạc sĩ Trọng Bằng sinh năm 1931 tại Cao Bằng, quê ở Gia Lâm, Hà Nội. Ông nguyên là Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam... Ông là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp "bằng đỏ" tại Nhạc viện Tchaikovsky (Liên Xô, 1963). Về nước, ông làm giảng viên Trường Âm nhạc Việt Nam và là chỉ huy các dàn nhạc giao hưởng ở Hà Nội.

Nhạc sĩ Trọng Bằng có nhiều đóng góp lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền âm nhạc bác học ở Việt Nam. Ông là nhạc trưởng đầu tiên điều khiển các buổi hoà nhạc giao hưởng nổi tiếng ở Sài Gòn sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng (1975).

Ông còn là một nhạc sĩ sáng tác có tên tuổi. Tuyển tập ca khúc "Tình quê hương" do Nhà xuất bản Văn hoá cho ra đời năm 1976 bao gồm nhiều bài hát đã in đậm dấu ấn những năm tháng hào hùng của đất nước như "Tình quê hương", "Tây Bắc sáng lại", "Nhịp máy khoan", "Những dũng sĩ Núi Thành", "Bài hát bên cầu phao", "Trăng sáng trên tuyến đường", "Đế quốc Mỹ là cái thân con ruồi", "Bão nổi lên rồi", "Pháo ta gầm", "Bài ca người chiến sĩ công an nhân dân", "Quê hương vang lên tiếng hát tự hào"...

Các tác phẩm khí nhạc của ông cũng có vị trí vững chãi trong lịch sử khí nhạc trẻ tuổi của Việt Nam như: Vũ khúc viết cho cello và piano, overture "Chào mừng", giao hưởng thơ "Người về đem tới ngày vui" viết cho dàn nhạc giao hưởng...

Nhạc sĩ Trọng Bằng còn là tác giả âm nhạc của nhiều vở sân khấu như "Làng đỏ", "Bão biển", "Khúc thứ ba bi tráng", "Người cầm súng", "Những người Nga", "Người công dân số 1", "Bay trước mùa xuân", "Xóm vắng", "Đêm cuối cùng ở Tây Ban Nha", "Hẹn ngày trở lại"... và của nhiều phim truyện như "Cù Chính Lan", "Biển lửa", "Chùm hoa thiên lý", "Ngày lễ Thánh", "Bức tường không xây", "Ngôi sao trên biển", "Trừng phạt", "Hoàng Hoa Thám"... và nhiều phim tài liệu, thời sự...

GS-NSND, nhạc sĩ Trọng Bằng được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2013. Năm 2017, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật cho các tác phẩm: Giao hưởng thơ "Người về đem tới niềm vui", Hợp xướng và Dàn nhạc giao hưởng "Trường ca Tây Bắc - Điện Biên Phủ", khởi nhạc phong tác "Chào thiên niên kỷ mới", nhạc phim "Cù Chính Lan - người chiến sĩ trẻ" và các ca khúc: "Bão nổi lên rồi", "Nhịp máy khoan", "Chúng ta là chiến sĩ công an", "Vang mãi bản tình ca"...

Cảnh giác thủ đoạn mạo danh cơ quan tư pháp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Bộ Công an khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ - Ảnh minh họa. Nguồn: Bộ Công an. 

Bộ Công an khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước và các cơ quan tư pháp để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại hoặc giả danh nhân viên một số cơ quan yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn…

Theo Bộ Công an, thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng nhiều và có diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau; có những vụ án mang tính chất lừa đảo xuyên quốc gia trên không gian mạng, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Lực lượng Công an đã và đang tập trung triệt phá các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp góp phần giữ an toàn, lành mạnh trên hệ thống mạng tại Việt Nam. Thế nhưng, do sự chủ quan và thiếu cảnh giác, đề phòng của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đã khiến cho các đối tượng phạm tội vẫn có thể dễ dàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bộ Công an cảnh báo thủ đoạn giả danh, mạo danh cán bộ làm việc trong các cơ quan tư pháp, mà các đối tượng thường sử dụng có đặc điểm chung là: Chúng sử dụng công nghệ cao, ẩn danh dưới số điện thoại giống hệt số điện thoại công khai của cơ quan Công an, Viện Kiểm sát để gọi điện cho bị hại, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà Cơ quan Công an đang điều tra, xác minh, đã có lệnh bắt của Viện Kiểm sát nhân dân...; yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng. Sau đó, các đối tượng dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân để điều tra và yêu cầu họ chuyển tiền hoặc đọc mã OTP để chúng thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản của chúng với vỏ bọc để xác minh, điều tra.

Ngoài ra, còn có một đặc điểm khác của các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng mà người dân có thể dễ dàng nhận biết, đó là: Các đối tượng yêu cầu bị hại không được kể câu chuyện vừa trao đổi cho bất kỳ ai, mục đích nhằm để nạn nhân không có đủ thời gian để kiểm tra thông tin, không trình báo cho cơ quan Công an được biết. Mặc dù nhiều bị hại không có khuất tất, không có sai phạm, nhưng trước những lời đe dọa, thúc giục của các đối tượng dẫn đến lo lắng và không đủ tỉnh táo để nhận biết sự việc bị lừa đảo.

Qua công tác nắm tình hình, số bị hại bị các đối tượng lừa đảo bằng hình thức mạo danh, giả danh cán bộ các cơ quan tư pháp đều là những bị hại ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí; thiếu ý thức cảnh giác với tội phạm; không có kiến thức về bảo mật thông tin cũng như hiểu biết về các hoạt động tố tụng hình sự. Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân không biết thông tin về đối tượng, không biết tại sao bị mất tiền trong tài khoản, hoặc lo sợ bị mất uy tín nên không trình báo với cơ quan Công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Bộ Công an nêu rõ, cơ quan Công an các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, địa chỉ công ty, thân nhân gia đình và người mà cơ quan Công an muốn làm việc. Tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội.

Bộ Công an khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước và các cơ quan tư pháp, tiến hành tố tụng hình sự, để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan... yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định.

Đồng thời, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch. Khi gặp những tin nhắn thông qua các trang mạng xã hội để vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, yêu cầu chuyển tiền để xác minh tài khoản; nhờ tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nước ngoài... thì cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo; nhanh chóng liên hệ hoặc gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với người đó để kiểm tra thông tin.

Thường xuyên thay đổi mật khẩu hoặc tăng tính năng bảo mật quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội. Không chia sẻ số tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội; nếu cần có tài khoản ngân hàng công khai để giao dịch mua bán trên không gian mạng, thì tiền trong số tài khoản công khai cần giữ ở mức thấp nhất để tránh bị kẻ gian chiếm đoạt.

Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc tra cứu địa chỉ tố giác tội phạm trên Chuyên mục “Hướng dẫn tố giác tội phạm” của Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an (địa chỉ http://bocongan.gov.vn hoặc http://mps.gov.vn) để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết./.

PC (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực