Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022

Thứ ba, 11/01/2022 20:54
(ĐCSVN) - Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022; Bắt nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao để tổ chức đánh bạc và đánh bạc với số tiền gần 500 tỷ đồng; Pfizer và Moderna lên khung thời gian ra mắt vaccine đặc hiệu ngừa biến thể Omicron; WHO cảnh báo hơn 50% dân số châu Âu sẽ nhiễm Omicron trong thời gian gần sắp tới,… là một số tin tức đáng chú ý trong ngày 11/1.

Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022

 Quốc hội thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.  (Ảnh chụp màn hình)

Chiều 11/1, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội khóa XV bế mạc phiên họp bất thường lần thứ nhất. Với 424/426 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, tỷ lệ 84,97% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội nhất trí thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết nêu rõ, mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025: tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm, các chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn; Tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, người dân; Phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả…

Về Chính sách miễn, giảm thuế, Nghị quyết nêu: giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.

Về Chính sách đầu tư phát triển, Nghị quyết cho phép tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023. Cụ thể, bố trí y tế tối đa 14 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của viện và bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vắc-xin trong nước và thuốc điều trị COVID-19.

Bố trí an sinh xã hội, lao động, việc làm, trong đó cấp cho Ngân hàng Chính sách Xã hội tối đa 5 nghìn tỷ đồng, bao gồm cấp bù lãi suất và phí quản lý 2 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách cho vay ưu đãi thuộc Chương trình; hỗ trợ lãi suất tối đa 3 nghìn tỷ đồng cho đối tượng vay vốn theo các chương trình tín dụng chính sách có lãi suất cho vay hiện hành trên 6%/năm.

Đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm tối đa 3,15 nghìn tỷ đồng…

Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm (sử dụng khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021).

Tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách Xã hội tối đa 38,4 nghìn tỷ đồng để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm; học sinh, sinh viên; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Để có nguồn lực thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình, cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước trong 2 năm 2022 và 2023 bình quân 1-1,2% GDP/năm (tối đa 240 nghìn tỷ đồng), trong đó: năm 2022, tăng khoảng 1,1% GDP (tối đa 102,8 nghìn tỷ đồng) so với dự toán đã được Quốc hội quyết định; năm 2023, Chính phủ tổng hợp kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước chung cho cả phần tăng thêm của Chương trình và của năm 2023, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định.

Bắt nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao để tổ chức đánh bạc và đánh bạc với số tiền gần 500 tỷ đồng

Lực lượng Công an lấy lời khai của các đối tượng. Ảnh: TTXVN 

Ngày 11/1, Công an tỉnh Hà Nam cho biết, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự, các đơn vị nghiệp vụ phá thành công chuyên án sử dụng công nghệ cao để tổ chức đánh bạc và đánh bạc với số tiền lên đến gần 500 tỷ đồng.

Cơ quan Công an đã bắt giữ Nguyễn Đức Khải, sinh năm 1990, trú tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đối tượng đã cấp trang bóng Agent cho Nguyễn Văn Cương, sinh năm 1993, trú tại thôn Tri Xuyên, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam để Cương sử dụng 3 tài khoản bóng Agent cấp cho các đối tượng chơi khác.

Quá trình điều tra, lực lượng Công an đã phát hiện và bắt giữ các đối tượng liên quan gồm: Trần Ngọc Tân, trú tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm; Đào Xuân Huy, sinh năm 1988 trú tại xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm; Trần Nhật Tân, sinh năm 1991, trú tại xã Gia Thắng và Phạm Quốc Anh, sinh năm 1999, trú tại xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình cùng về hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc. Lực lượng chức năng thu giữ 1 ô tô; 1 dàn máy vi tính; 1 laptop và 8 điện thoại di động.

Lực lượng chức năng phát hiện số tiền các đối tượng sử dụng để tổ chức đánh bạc và đánh bạc lên đến gần 500 tỷ đồng. Ngoài ra, các đối tượng còn tổ chức đánh bạc và đánh bạc bằng hình thức chơi số lô, số đề. Đây là chuyên án tổ chức đánh bạc và đánh bạc với số tiền lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn được Công an tỉnh Hà Nam triệt xóa. Vụ việc đang được Cơ quan Công an tiếp tục điều tra làm rõ.

Pfizer và Moderna lên khung thời gian ra mắt vaccine đặc hiệu ngừa biến thể Omicron

 Hình ảnh minh họa vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 10/1, Giám đốc điều hành (CEO) Tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer Albert Bourla cho biết hãng đang hướng tới mục tiêu ra mắt một loại vaccine đặc hiệu phòng ngừa biến thể Omicron vào tháng 3 năm nay, cũng như các biến thể khác của virus SARS-CoV-2.

Phát biểu tại Hội thảo Y tế JPMorgan được tổ chức theo hình thức trực tuyến, ông Bourla thông báo Pfizer và đối tác Đức BioNTech đang nghiên cứu một phiên bản vaccine mới có hiệu quả chống lại Omicron, cũng như một phiên bản vaccine khác bao gồm thành phần cả hai loại vaccine cũ và mới này. Dù loại vaccine mới vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, Pfizer hy vọng có thể nộp đơn xin phê duyệt tại Mỹ cho chế phẩm này và sẽ tung ra thị trường ngay vào tháng 3 tới.

Theo ông Bourla, năng lực sản xuất của công ty đã được tăng cường nên sẽ không có vấn đề gì nếu chuyển đổi ngay lập tức giữa vaccine hiện tại với loại mới. CEO của Pfizer cũng không loại trừ khả năng hầu hết người dân sẽ phải tiêm vaccine ngừa COVID-19 hằng năm, lưu ý một số nhóm người có nguy cơ cao có thể sẽ phải tiêm thường xuyên hơn.

Trước đó cùng ngày, Pfizer đã công bố 3 thỏa thuận mở rộng việc ứng dụng công nghệ mRNA mà hãng sử dụng để sản xuất vaccine ngừa COVID-19, bao gồm một hợp đồng trị giá tới 1,35 tỷ USD với công ty chỉnh sửa gene Beam Therapeutics. Nhà sản xuất dược phẩm Mỹ đang tìm cách thúc đẩy phát triển các loại vaccine và phương pháp điều trị dựa trên mRNA để chống lại đại dịch COVID-19. Ngoài ra, Pfizer cũng sẽ hợp tác với công ty công nghệ sinh học Codex DNA để tận dụng công nghệ độc quyền về sinh học nhằm tăng cường hiệu quả của vaccine sử dụng công nghệ mRNA cũng như thuốc điều trị và các sản phẩm sinh học khác.

Sự lây lan mạnh mẽ của Omicron đang thúc đẩy các nhà sản xuất vaccine ngừa COVID-19 hướng tới 1 loại vaccine đặc hiệu để phòng ngừa biến thể này. Cũng trong ngày 10/1, CEO hãng dược phẩm Mỹ Moderna Stephane Bancel cho biết hãng dự kiến sẽ bắt đầu tiến hành các thử nghiệm lâm sàng vaccine tăng cường đặc hiệu ngừa Omicron vào mùa Thu năm nay. Hiện hãng đang thảo luận với các nhà lãnh đạo y tế trên toàn thế giới để quyết định chiến lược tốt nhất cho kế hoạch tiêm chủng tăng cường này. CEO Bancel nhấn mạnh Moderna tin tưởng rằng vaccine tiềm năng nói trên sẽ có thể phòng ngừa hiệu quả biến thể Omicron.

Theo các nghiên cứu mới đây của Cơ quan An ninh Y tế Anh (NHS), các mũi tiêm tăng cường cho thấy hiệu quả phòng ngừa biến thể Omicron lên tới 75%. Trước đó có một số nghiên cứu cho thấy 20 tuần sau khi tiêm mũi thứ hai vaccine của Moderna cũng như vaccine của Pfizer/BioNTech, hiệu quả phòng bệnh COVID-19 chỉ còn ở mức 10%. Ngoài ra, giới khoa học cũng cảnh báo biến thể Omicron với hàng chục đột biến có thể "né" kháng thể có được từ việc tiêm liều vaccine cơ bản.

WHO cảnh báo hơn 50% dân số châu Âu sẽ nhiễm Omicron trong thời gian gần sắp tới

 Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở Warsaw, Ba Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hơn 50% dân số châu Âu sẽ nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong 2 tháng tới nếu tốc độ lây lan duy trì như hiện nay. Đây là nhận định mới nhất của đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại khu vực châu Âu đưa ra ngày 11/1.

Cụ thể, phát biểu tại họp báo ở Copenhagen (Đan Mạch), Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, ông Hans Kluge, cảnh báo biến thể Omicron đang gây ra làn sóng dịch bệnh mới càn quét toàn khu vực. Theo cách phân chia của WHO, khu vực châu Âu gồm 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có một số nước ở vùng Trung Á. Ông Kluge lưu  ý rằng 50 nước trong số này đã xác nhận xuất hiện các ca nhiễm biến thể Omicron. Tính đến ngày 10/1, có 26 quốc gia trong số này đã ghi nhận hơn 1% dân số mắc COVID-19 mỗi tuần. Chỉ riêng trong tuần đầu tiên của năm 2022, khu vực châu Âu ghi nhận hơn 7 triệu ca mới, tăng hơn gấp đôi trong vòng 2 tuần. Theo tốc độ lây lan hiện nay, Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) dự báo hơn 50% dân số châu Âu sẽ nhiễm biến thể Omicron trong 6-8 tuần tới.

Dựa trên những dữ liệu thu thập trong vài tuần vừa qua, ông Kluge cũng cho biết biến thể Omicron được xác nhận là có khả năng lây nhiễm cao hơn và có những đột biến giúp bám dính vào tế bào người dễ dàng hơn. Những người đã tiêm phòng hoặc đã từng nhiễm bệnh cũng vẫn có nguy cơ nhiễm biến thể Omicron. Tuy nhiên, quan chức WHO nhấn mạnh các loại vaccine đã được cấp phép sử dụng đều có hiệu quả bảo vệ tốt trước nguy cơ bệnh nặng và tử vong, kể cả khi nhiễm biến thể Omicron.

WHO cũng cảnh báo không nên coi COVID-19 như các bệnh đặc hữu đồng thời khẳng định tình trạng lây lan biến thể Omicron vẫn chưa đến giai đoạn ổn định. Trước đó, ngày 10/1, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez  cho rằng có thể đã đến lúc thay đổi cách theo dõi dịch COVID-19, theo đó coi đại dịch này như dịch cúm vì số ca tử vong do COVID-19 gần đây đã giảm. Điều này cũng có thể được hiểu rằng coi COVID-19 là một căn bệnh đặc hữu thay vì như một đại dịch.

Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp báo ở Copenhagen, bà Catherine Smallwood, chuyên viên cấp cao của WHO phụ trách các tình huống dịch bệnh khẩn cấp, khẳng định hiện vẫn còn rất nhiều thông tin chưa được làm rõ và virus vẫn đang lây lan rất nhanh, gây ra những thách thức mới. Do đó, đây chắc chắn chưa phải lúc để coi COVID-19 là bệnh đặc hữu./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực