Hà Nội bỏ quy định 14 ngày không có F0 mới được mở trường

Thứ sáu, 03/12/2021 20:50
(ĐCSVN) – Hà Nội bỏ quy định 14 ngày không có F0 mới được mở trường; Khai trừ Đảng cựu trưởng công an thành phố Thanh Hóa vì nhận hối lộ; WHO kêu gọi Châu Á - Thái Bình Dương cần chủ động chuẩn bị ứng phó với làn sóng dịch mới;… là một số tin tức trong nước và quốc tế đáng chú ý hôm nay (3/12).

Hà Nội bỏ quy định 14 ngày không có F0 mới được mở trường

 Các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên trên địa bàn các xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã tại Hà Nội có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2 được phép học sinh một số khối lớp đến trường. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Ngày 3/12, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản hoả tốc, trong đó đã bỏ quy định: “Xã, phường, thị trấn tại 30 quận, huyện, thị xã trải qua 14 ngày tính đến thời điểm 30/11 không có F0 trong cộng đồng cho phép học sinh đi học”.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội tại Công văn số 4322/UBND-KGVX về việc tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh một số khối tại các quận, huyện, thị xã, Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên trên địa bàn các xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2 được phép học sinh một số khối lớp đến trường học tập.

Cụ thể, đối với các huyện, thị xã, học sinh các khối 10, 11, 12 của các trường trung học phổ thông, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên đi học trực tiếp; khối lớp 9 tiếp tục học theo kế hoạch. Khối lớp 6, 7, 8 của cấp trung học cơ sở và học sinh cấp tiểu học học trực tuyến.

Đối với các quận, tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh các khối lớp 10, 11, 12 của các trường trung học phổ thông, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên; học trực tuyến với học sinh cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở.

Toàn bộ học sinh khối mầm non, nhà trẻ trên địa bàn thành phố tiếp tục nghỉ học.

Việc dạy trực tiếp tiến hành theo nguyên tắc: Giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng, chống Covid-19 chỉ dạy trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp. Không tổ chức ăn bán trú, căng-tin ăn uống trong trường, học sinh tự mang theo nước uống cá nhân. Chỉ tổ chức việc dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày. Những trường có học sinh cư trú trên nhiều địa bàn khác nhau cần nắm rõ thông tin của học sinh, cấp độ dịch và quy định cho học sinh trở lại của địa phương nơi học sinh cư trú để bố trí linh hoạt giữa học trực tiếp và học trực tuyến nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh. Các trường bố trí cho học sinh cư trú ở địa bàn có cấp độ dịch 3, cấp độ 4 tiếp tục học trực tuyến.

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn căn cứ vào mức độ an toàn của dịch Covid-19 quyết định, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, có các biện pháp ứng phó với các tình huống cụ thể để phòng, chống dịch.

Thời gian thực hiện cho học sinh cấp trung học phổ thông đi học trở lại từ ngày 6/12/2021.

Khai trừ Đảng cựu trưởng công an TP Thanh Hóa vì nhận hối lộ

 Ông Nguyễn Chí Phương, nguyên Trưởng Công an thành phố Thanh Hóa bị khai trừ khỏi Đảng. (Ảnh: plo.vn) 

Chiều ngày 3/12, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có Thông báo về kết quả xem xét, xử lý kỷ luật đối với đảng viên sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa họp, xem xét, quyết định thi hành kỷ luật đối với các đảng viên vi phạm. Căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với hai đảng viên Nguyễn Chí Phương và Hồ Đình Tùng.

Cụ thể, ông Nguyễn Chí Phương nguyên là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng Công an thành phố Thanh Hóa. Ngày 12/5/2020, ông Phương TAND tỉnh Thanh Hóa đã tuyên phạt 24 tháng tù giam về tội nhận hối lộ.

Ông Hồ Đình Tùng, Ủy viên Ban thường vụ Thị ủy, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thị xã Nghi Sơn. Ông Tùng đã bị TAND tỉnh Thanh Hóa xử phạt 30 tháng tù về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân.

Châu Á-Thái Bình Dương cần chủ động chuẩn bị ứng phó với làn sóng dịch mới

WHO đã đặt tên cho biến thể mới là Omicron và phân loại biến thể này là "biến thể đáng lo ngại" . (Ảnh: Reuters) 

Biến thể Omicron được phát hiện lần đầu tiên vào cuối tháng 11 vừa qua và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định đây là biến thể đáng lo ngại. Hiện các nhà khoa học đang tiếp tục thu thập dữ liệu về khả năng lây truyền và tình trạng bệnh nếu nhiễm Omicron.

Đến nay, biến thể này đã xuất hiện ở khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó các nước châu Á-Thái Bình Dương như: Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia và Ấn Độ, bắt đầu ghi nhận sự xuất hiện của Omicron trong tuần này. Nhiều nước đã nhanh chóng siết chặt các quy định về đi lại quốc tế để giảm thiểu nguy cơ biến thể xâm nhập.

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 3/12, Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương Takeshi Kasai cho rằng các biện pháp kiểm soát biên giới có thể giúp kéo dài thời gian nhưng mỗi quốc gia và mỗi cộng đồng cần chủ động chuẩn bị ứng phó với làn sóng dịch bệnh mới. Ông Kasai nhấn mạnh các nước không nên chỉ dựa vào các biện pháp kiểm soát biên giới mà quan trọng nhất là chuẩn bị để ứng phó với khả năng lây lan nhanh của biến thể. Các thông tin nghiên cứu về Omicron đến nay cho thấy chưa cần thay đổi cách tiếp cận phòng chống dịch hiện nay. Ngoài ra, các nước cần tận dụng các bài học kinh nghiệm rút ra từ các đợt bùng phát dịch trước đó, đặc biệt là đợt bùng phát biến thể Delta. Ông Kasai kêu gọi các nước đảm bảo tiêm phòng đầy đủ cho các nhóm dễ tổn thương và triển khai các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực