Hà Nội đề xuất “phạt nguội” người không đeo khẩu trang

Thứ tư, 21/10/2020 21:07
(ĐCSVN) - Hà Nội đề xuất báo chí phản ánh vi phạm để “phạt nguội" người không đeo khẩu trang ở nơi công cộng; Cấp trang thiết bị dự trữ và chuyển hàng cứu trợ tới đồng bào miền Trung; Tranh nhau xin visa ở Afghanistan, hàng chục người chết vì giẫm đạp, là những tin nóng trong ngày 21/10.

Hà Nội đề xuất “phạt nguội” người không đeo khẩu trang ở nơi công cộng

Hà Nội yêu cầu mọi người phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. ( Ảnh: T.Tùng)

Chiều 21/10, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đã chủ trì phiên họp trực tuyến đến các quận huyện về chống dịch COVID-19 .

Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội nhận định, đã xuất hiện tâm lý chủ quan về chống dịch COVID-19 của một số bộ phận người dân, cơ quan, đơn vị. Trong khi đó, thời tiết mùa đông sắp tới sẽ là điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh là virus phát triển.

“Ưu tiên hàng đầu hiện nay là phải đeo khẩu trang. Hiện nay, số người đeo khẩu trang rất ít. Các cuộc họp của thành phố phải chủ động phải bố trí khoảng cách đảm bảo, tăng cường giao ban trực tuyến. Các quận, huyện ngoài việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh cần siết chặt việc đeo khẩu trang ở khu chung cư. Các cơ quan báo chí cần tăng cường phản ánh các vi phạm, để từ đó các cơ quan chức năng lấy căn cứ “phạt nguội”, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết.

Cho rằng việc xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch là rất quan trọng, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nêu rõ, người dân và các tổ chức, doanh nghiệp đã chủ quan trong việc phòng chống dịch. Vừa qua Thủ tướng Chính phủ có nhắc nhở Hà Nội không được chủ quan và yêu cầu phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang.

Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, tất cả mọi người phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng, phương tiện công cộng, các sự kiện đông người, các sự kiện thể thao…

 “Yêu cầu các đơn vị tiếp tục tập trung tuyên truyền thông điệp “5k” của Bộ Y tế; xử lý nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang; sẵn sàng các phương án xử lý khi có ca nghi ngờ; chuẩn bị sẵn sàng vật tư phòng dịch; quản lý chặt chẽ các khu cách ly tập trung” - Phó Chủ tịch UBND thành phố  khẳng định.

Cấp trang thiết bị dự trữ và chuyển hàng cứu trợ tới đồng bào miền Trung

Áo phao, phao bơi là những vật dụng cấp thiết cho người dân vùng lũ miền Trung. (Ảnh: Võ Dung/TTXVN )

*Tổng cục Dự trữ Nhà nước vừa yêu cầu các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực phải hoàn thành công tác xuất cấp hỗ trợ cho các tỉnh miền Trung trước ngày 31/10/2020. Cụ thể, số lượng các mặt hàng xuất cấp cho các tỉnh miền Trung như sau:

Xuất hỗ trợ tỉnh Quảng Bình 5 bộ xuồng cao tốc các loại; 136 bộ nhà bạt cứu sinh các loại; 7.260 chiếc phao cứu sinh các loại.

Xuất hỗ trợ tỉnh Quảng Trị 3 bộ xuồng cao tốc các loại; bộ nhà bạt cứu sinh các loại 20 bộ loại 24,5 m2; phao cứu sinh các loại 4.100 chiếc.

Xuất hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên - Huế 3 bộ xuồng cao tốc các loại; 28 bộ nhà bạt cứu sinh các loại; 3.030 chiếc phao cứu sinh các loại; 2 bộ máy phát điện loại 30KVA.

Xuất hỗ trợ cho tỉnh Quảng Nam xuồng cao tốc các loại 5 bộ; nhà bạt cứu sinh các loại 30 bộ; phao cứu sinh các loại 3.030 chiếc; máy phát điện loại 30KVA 2 bộ.

Xuất hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh 4 bộ xuồng cao tốc các loại; 166 chiếc bè nhẹ cứu sinh; 5.560 chiếc phao áo cứu sinh; 200 bộ nhà bạt cứu sinh các loại; 4 bộ máy phát điện.

Ngoài ra, Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng yêu cầu các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực và trang thiết bị dự trữ quốc gia để triển khai xuất cấp ngay sau khi có kế hoạch tiếp nhận của các địa phương theo đúng quy trình về xuất cấp, giao nhận, phân phối, sử dụng hàng dự trữ quốc gia xuất để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ và quản lý kinh phí đảm bảo cho công tác xuất cấp, giao nhận hàng để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ theo quy định.

* Chiều 21/10, bà Phạm Thị Anh Đào, Trạm trưởng Trạm Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, chuyến tàu thứ nhất chở 9,5 tấn hàng, chuyến thứ 2 vận chuyển 20 tấn hàng, đều được khởi hành từ ga Hà Nội trong đêm nay, dự kiến về đến Huế trong ngày mai (22/10), kịp thời hỗ trợ đồng bào miền Trung đang chịu ảnh hưởng lớn vì lũ lụt.

“|Đây là chuyến tàu đầu tiên chúng tôi chạy sau khi thông tuyến đường sắt Bắc-Nam vì ảnh hưởng của mưa lũ. Với mục đích có thể vận chuyển nhanh nhất để đáp ứng cho bà con trước khi cơn bão số 8 đổ bộ, chúng tôi đã ưu tiên toa hàng nối vào đoàn tàu khách để vận chuyển nhanh đến bà con. Toàn bộ chi phí vận chuyển sẽ được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam hỗ trợ”, bà Phạm Thị Anh Đào thông tin.

Tranh nhau xin visa ở Afghanistan, hàng chục người chết vì giẫm đạp

Khoảng 3.000 người Afghanistan đã xếp hàng xin thị thực trước lãnh sự quán Pakistan. (Ảnh: Reuters) 

Khoảng 3.000 người Afghanistan ngày hôm qua (20/10) đã chen lấn xô đẩy lẫn nhau khi xếp hàng lấy số thứ tự để xin thị thực Pakistan. Vụ việc đã làm ít nhất 15 người thiệt mạng, trong đó có 11 người là phụ nữ. Hàng chục người khác bị thương sau khi giẫm đạp xảy ra.

"Những người nộp đơn xin visa đã chen lấn để lấy được thẻ của mình từ các quan chức lãnh sự... Đám đông mất kiểm soát, dẫn đến một vụ giẫm đạp", hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức tỉnh Jalalabad ngày 21/10.

Những hình ảnh chụp tại hiện trường cho thấy nhiều người bị thương, trong khi giày dép bỏ lại la liệt trên nền đất.

Hàng chục nghìn người Afghanistan hàng năm di chuyển tới nước láng giềng Pakistan để chữa bệnh, học tập và làm việc. Hai quốc gia có đường biên giới chung dài 2.600 km.

Pakistan có khoảng 3 triệu người tị nạn Afghanistan. Nhiều người trong số này đã quyết định rời bỏ đất nước để trốn tránh tình trạng bạo lực, nghèo đói tại quốc gia đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc chiến tranh kéo dài hàng chục năm qua.

Đại sứ quán Pakistan tại Kabul phát đi một thông báo thể hiện “sự đau buồn sâu sắc” trước vụ việc và họ cho rằng chính quyền Afghanistan phải chịu trách nhiệm trong việc không thể quản lý được đám đông hỗn loạn ở bên ngoài lãnh sự quán./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực