Hà Nội dự kiến cho cấp THPT đi học từ 6/12

Thứ hai, 29/11/2021 20:49
(ĐCSVN) - Hà Nội dự kiến cho cấp THPT đi học từ 6/12; Mưa lũ ngập hơn 1.000 nhà dân, chia cắt giao thông; Vietnam Airlines bay chuyến thường lệ đầu tiên đến Mỹ; Số ca mắc mới tiếp tục tăng tại 59 tỉnh, thành phố; WHO cảnh báo “hậu quả nghiêm trọng” do Omicron... là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (29/11).

Hà Nội dự kiến cho cấp THPT đi học từ 6/12

  Từ 23/11, Hà Nội đã tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người 15 đến 17 tuổi. (Ảnh: QV)

Chiều 29/11, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Thường trực Thành ủy đã xem xét báo cáo và cho ý kiến về kế hoạch đưa học sinh trở lại trường. Theo đó, khối lớp 10, 11, 12 và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên sẽ là nhóm tiếp theo đi học trực tiếp, sau khối 9 ở khu vực ngoại thành.

Trước mắt, kế hoạch này sẽ triển khai ở các xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã mức độ dịch cấp độ 1 và 2; trong 14 ngày, tính đến 30/11, không có ca F0 cộng đồng. Thời gian thực hiện là đầu tháng 12, có thể từ thứ hai tuần sau, ngày 6/12.

Quyết định mở cửa trường học được xem xét thận trọng dựa trên mức độ dịch, độ phủ vaccine với học sinh và kinh nghiệm mở cửa các trường trước đó. Từ 23/11, Hà Nội đã tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người 15 đến 17 tuổi, trong đó phần lớn là học sinh THPT. Đến nay, tỷ lệ tiêm đạt hơn 90%.

Hơn 36.000 học sinh lớp 9 của 18 huyện, thị xã đã trở lại trường an toàn, không ghi nhận ca mắc trong trường học. Bí thư Đinh Tiến Dũng cho rằng kết quả này là kinh nghiệm quý giá để thành phố tiếp tục mở rộng địa bàn, quy mô các khối, lớp trở lại học trực tiếp.

Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp với số ca F0 phát sinh mới có xu hướng ngày càng tăng. Chỉ tính từ 11/10 đến 28/11, toàn thành phố ghi nhận hơn 5.600 ca mắc, trong đó số ca cộng đồng chiếm hơn 35%. Ngày 28/11, lần đầu tiên số ca mắc mới một ngày vượt quá 300. Ngoài ra, số ca mắc do lây nhiễm thứ phát cũng tăng.

Dịch bệnh xuất hiện ở cả 30/30 quận, huyện, thị xã. Nhiều chùm bệnh đang tồn tại ở các cụm dân cư mật độ cao, các khu chung cư, khu công nghiệp hoặc phát sinh từ hoạt động tại chợ dân sinh... tập trung đông người, không bảo đảm nguyên tắc 5K.

"Việc đưa học sinh trở lại trường học trong bối cảnh như vậy phải được chuẩn bị thật kỹ, bảo đảm có nguyên tắc và luôn đặt vấn đề an toàn sức khỏe của học sinh lên trên hết", Bí thư Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Ngoài việc mở cửa trường với học sinh lớp 9 và cấp THPT, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu ngành giáo dục theo dõi sát tình hình dạy và học trực tuyến của các khối THCS và tiểu học, phối hợp ngành Y tế đảm bảo tiến độ tiêm vaccine cho trẻ 12 đến 15 tuổi, đồng thời lên phương án đón học sinh THCS trở lại trường trong thời gian sớm nhất, "có thể tiếp ngay sau khối THPT".

Mưa lũ ngập hơn 1.000 nhà dân, chia cắt giao thông

 Thành viên hội Chữ thập đỏ cõng em nhỏ ở huyện Hoài Ân ra khỏi vùng ngập. Ảnh: Bình Ân

Mưa lớn 3 ngày qua ở miền Trung và Tây Nguyên khiến hơn 1.000 nhà ngập sâu, giao thông bị chia cắt, đường Trường Sơn Đông sạt lở.

Chiều 29/11, một số khu vực ở huyện Hoài Ân, Bình Định mênh mông nước, nhiều tuyến đường vẫn bị chia cắt. Huyện Hoài Ân thống kê có gần 1.000 nhà ở địa phương ngập 0,2-0,5 m, tập trung ở các xã Ân Hảo Tây, Ân Hảo Đông, Ân Tín, Ân Mỹ. Nhiều nhà ngập sâu đến một mét. Ngoài các tuyến đường liên thôn, xã, tỉnh lộ ĐT 629 lên huyện này cũng bị ngập một số đoạn.

Ở huyện Phù Cát, hơn 300 nhà ở xã Phước Thắng bị ngập 0,2 - 0,4 m. Hầu hết các tuyến đường liên xã đều ngập nước. Tỉnh lộ 640 qua xã này cũng bị ngập. Chính quyền huyện Phù Cát đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên kiểm tra các dọc các tuyến đê để cảnh báo người dân khi lũ lớn, bất ngờ.

Ngoài ra, mưa lớn gây ngập nhiều nơi khác trong tỉnh. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này, 19.000 học sinh ở các huyện Tuy Phước, Phù Cát và các xã ven biển của thị xã Hoài Nhơn, huyện Hoài Ân không thể đến trường.

Tại Kon Tum, mưa lớn làm sạt lở nhiều tuyến đường. Trên quốc lộ 14 qua đèo Lò Xo ở huyện Đăk Glei, đất đá ở taluy đổ xuống vùi lấp mặt đường dài 20 m khiến giao thông tê liệt. Công ty cổ phần quản lý đường bộ Kon Tum đang thông tuyến.

Đăk Lăk cũng mưa lớn nhiều nơi, đặc biệt là huyện M' Đrăk.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ảnh hưởng vùng áp thấp và không khí lạnh, nhiễu động gió Đông, ngày mai miền Trung và Tây Nguyên tiếp tục mưa to, có dông; lượng mưa từ 50 mm đến 300 mm.

Trước đó, mưa lũ kéo dài hai tháng qua ở miền Trung và Tây Nguyên khiến người dân liên tục phải sống chung với ngập úng, sạt lở, giao thông chia cắt, nhiều người tử vong.

Vietnam Airlines bay chuyến thường lệ đầu tiên đến Mỹ

Những hành khách đầu tiên của Vietnam Airlines trên chuyến bay thẳng đến Mỹ hôm 28/11. Ảnh: HVN 

Sáng 29/11, chuyến bay VN98 của Vietnam Airlines từ TP Hồ Chí Minh đã hạ cánh tại sân bay San Francisco sau 13 giờ 45 phút bay.

Chuyến bay không điểm dừng, dài hơn 13.000 km này được thực hiện bằng tàu Boeing 787-9 Dreamliner. Chuyến bay khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất lúc 20h57 ngày 28/11 và hạ cánh tại sân bay San Francisco lúc 10h42 sáng ngày 29/11 (giờ Việt Nam). Đây cũng là chuyến bay thẳng thường lệ đầu tiên trên đường bay Việt Nam - Mỹ do một hãng hàng không Việt Nam thực hiện.

"Chuyến bay hôm nay mang một ý nghĩa hoàn toàn mới, đánh dấu bước tiến lớn của Vietnam Airlines và cột mốc lịch sử của hàng không Việt Nam với việc đường bay thường lệ Việt Nam - Mỹ chính thức được thiết lập", ông Lê Hồng Hà, CEO Vietnam Airlines cho biết. Cách đây hơn 1 năm, Vietnam Airlines trở thành hãng bay trong nước đầu tiên bay thẳng đến sân bay San Francisco để đón công dân Việt Nam hồi hương.

Chuyến bay VN98 đã mở ra giai đoạn khai thác mới của Vietnam Airlines trên đường bay Mỹ. Từ ngày 28/11, hãng hàng không quốc gia khai thác thường lệ 2 chuyến mỗi tuần giữa TP Hồ Chí Minh và San Francisco. Vietnam Airlines dự kiến tăng lên 7 chuyến mỗi tuần sau khi dịch bệnh được kiểm soát và Chính phủ cho phép mở lại các đường bay quốc tế thường lệ.

Ngành hàng không Việt Nam và Vietnam Airlines đã có sự chuẩn bị 20 năm để mở đường bay thường lệ đến Mỹ. Quá trình này đã chính thức hoàn tất vào ngày 4/11, sau khi Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấp phép cho Vietnam Airlines khai thác các chuyến bay thẳng thương mại thường lệ giữa Việt Nam và Mỹ.

Số ca mắc mới tiếp tục tăng tại 59 tỉnh, thành phố

Dịch COVID-19 có xu hướng tăng tại nhiều tỉnh thành.. Ảnh: Dantri 

Tính từ 16h ngày 28/11 đến 16h ngày 29/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 13.770 ca nhiễm mới, trong đó 12 ca nhập cảnh và 13.758 ca ghi nhận trong nước (tăng 830 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 7.601 ca trong cộng đồng). Bộ Y tế yêu cầu địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch trước biến chủng mới Omicron. 

Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.218.886 ca, trong đó có 971.907 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.

Trong ngày, có 16.088 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 974.724 trường hợp.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.413 ca. Số bệnh nhân tử vong, từ 17h30 ngày 28/11 đến 17h30 ngày 29/11 ghi nhận 173. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 158 ca/ngày.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 25.055 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm...

Trước sự đe dọa của biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch COVID-19 trên địa bàn cụ thể, chi tiết, khả thi và đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, cần bám sát quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm và lấy cấp cơ sở làm nền tảng trong phòng, chống dịch.

Chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát rộng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly, khu phong tỏa. Ca mắc COVID-19 cao nhất ở Hà Nội từ khi bùng dịch, 220 F0 cộng đồng.

WHO cảnh báo “hậu quả nghiêm trọng” do Omicron

Nhân viên y tế chuẩn bị liều tiêm vaccine Covid-19 tại một điểm tiêm chủng ở Manila, Philippines hôm nay. Ảnh: AFP. 

WHO nhận định biến chủng Omicron có khả năng cao lây lan rộng hơn trên toàn cầu, có thể gây "hậu quả nghiêm trọng".

"Omicron có số lượng đột biến chưa từng có, trong đó một số đột biến liên quan đến nguy cơ thay đổi quỹ đạo đại dịch", Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trong báo cáo kỹ thuật được ban hành hôm nay, gửi tới 194 quốc gia thành viên.

WHO nói rằng những người đã được tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm biến chủng Omicron, dù tỷ lệ nhỏ và có thể dự đoán. Họ cũng cho rằng cần có những nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ khả năng Omicron kháng vaccine và dữ liệu sẽ được công bố những tuần tới.

"Với những đột biến có thể né tránh hệ miễn dịch và có khả năng lây truyền mạnh, khả năng lây lan xa hơn của Omicron ở cấp độ toàn cầu là cao. Tùy thuộc vào các đặc điểm đó, có thể có thêm các làn sóng COVID-19 trong tương lai, có thể gây hậu quả nghiêm trọng", WHO cho biết trong phần đánh giá rủi ro của báo cáo.

WHO cho hay vẫn chưa thể chắc chắn về mức độ lây truyền của biến chủng hoặc nó có khả năng né tránh hệ miễn dịch hay không. Mức độ bảo vệ của vaccine chống lại nguy cơ lây nhiễm, diễn tiến nặng hay tử vong của biến chủng này cũng chưa được làm rõ. Bởi vậy, tổ chức nói rằng các khuyến cáo y tế đang dựa trên những thông tin hiện nay và sẽ được điều chỉnh khi có thêm dữ liệu về các vấn đề trên.

Tổ chức này yêu cầu các quốc gia thành viên tăng cường giám sát, phân tích để nắm rõ các biến chủng nCoV, trong đó có Omicron. Ngoài ra, WHO khuyến cáo các nước áp dụng cách tiếp cận dựa trên đánh giá rủi ro để "điều chỉnh biện pháp đi lại quốc tế một cách kịp thời"./.

 

Trung Anh (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực