Hà Nội ghi nhận ca Omicron đầu tiên ở cộng đồng

Thứ tư, 26/01/2022 20:34
(ĐCSVN) - Hà Nội ghi nhận ca Omicron đầu tiên ở cộng đồng; Nối lại các đường bay thường lệ từ châu Âu về Việt Nam; Các kháng thể ngăn chặn Omicron vẫn tồn tại 4 tháng sau mũi vaccine thứ ba… là mốt số tin đáng chú ý hôm nay (26/1).
 Tính từ 18h ngày 25/1 đến 18h ngày 26/1, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.884 ca COVID-19 (Ảnh: vtc.com.vn)

Hà Nội ghi nhận ca Omicron đầu tiên ở cộng đồng

Sáng 26/1, tại phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hà Nội, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, thành phố đã ghi nhận 14 ca nhiễm biến chủng Omicron gồm 13 trường hợp nhập cảnh và 1 người ngoài cộng đồng (tiếp xúc với 13 người nhập cảnh trên). Hiện Hà Nội đã có ca nhiễm Omicron, hoàn toàn có thể có nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 25/1 đến 18h ngày 26/1, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.884 ca COVID-19.

Về công tác tiêm chủng, thành phố đã tiêm được 14.541.317 mũi. Trong đó với người trên 50 tuổi: Tỷ lệ tiêm mũi 1 là 99,3% (1.903.018 mũi /1.916.049 người); Tỷ lệ tiêm mũi 2: 98,3 % (1.884.173 mũi /1.916.049 người)

Từ 27/4 đến nay, tiếp nhận quản lý, điều trị tổng số 117.871 bệnh nhân, hiện đang quản lý, điều trị: 45.720 người, trong đó: Bệnh viện Trung ương: 365 người (Bệnh viện Nhiệt đới, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội). Hiện đang quản lý, điều trị: 45.355 người bệnh thuộc các tầng quản lý và điều trị của Thành phố; Điều trị tại nhà: 36.260 người.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định: Trong tuần tiếp theo có thể ghi nhận mức giảm giả tạo do người dân về quê đón Tết và sẽ tăng trở lại ngưỡng 3.000 ca trên ngày sau Tết thậm chí cao hơn nếu người dân không tuân thủ quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt 5K.

Trong các nhiệm vụ trọng tâm được đề ra, Hà Nội sẽ tăng cường thông tin, tuyên truyền để nhân dân không chủ quan trước dịch bệnh; thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch theo cấp độ dịch; hạn chế tối đa các hoạt động tụ tập đông người... Chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng chống dịch bệnh đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo nguyên tắc “4 tại chỗ", không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Hành khách làm thủ tục tại sân bay Frankfurt (Đức) để về Việt Nam. (Ảnh: VNA) 

Nối lại các đường bay thường lệ từ châu Âu về Việt Nam

Vietnam Airlines vừa thực hiện hai chuyến bay đầu tiên chính thức nối lại các đường bay thường lệ giữa châu Âu và Việt Nam sau gần 2 năm gián đoạn vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Các chuyến bay mang số hiệu VN36, hành trình Frankfurt (Đức) - Hà Nội chở 190 khách và VN18 hành trình London - Paris - Hà Nội chở gần 300 khách lần lượt hạ cánh an toàn tại sân bay quốc tế Nội Bài lúc 9 giờ 30 phút và 9 giờ 55 phút sáng nay, 26/1.

Quá trình nối lại mạng đường bay quốc tế của Vietnam Airlines những ngày qua đánh dấu giai đoạn mở cửa hàng không quốc tế thường lệ, khôi phục cầu nối hàng không Việt Nam với thế giới và mở ra triển vọng phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, góp phần phát triển kinh tế, thúc đẩy đầu tư, du lịch và sản xuất kinh doanh.

Như vậy, tính đến thời điểm này, Vietnam Airlines đã khôi phục hoạt động vận tải hành khách thường lệ tại 12 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc), Australia, Nga và mới đây nhất là Anh, Pháp, Đức.

Đây chính là kết quả tích cực đến từ quyết định quan trọng, có ý nghĩa lớn của Chính phủ cũng như sự khẩn trương, nỗ lực của các cơ quan chức năng ngành hàng không trong việc đàm phán nối lại đường bay thường lệ ngay trong đầu tháng 1/2022 đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực.

Các hành khách cần đáp ứng quy định xét nghiệm âm tính, tiêm chủng vaccine hoặc khỏi bệnh COVID-19 trước khi khởi hành. Vietnam Airlines duy trì áp dụng các biện pháp phòng dịch đối với chuyến bay, như phun khử khuẩn tàu bay, đơn giản hóa dịch vụ để hạn chế tiếp xúc nhiều lần… Hành khách theo dõi sức khỏe, cách ly theo quy định của Bộ Y tế sau khi hạ cánh.

 Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho người dân tại Derbyshire, Anh ngày 31/3/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các kháng thể ngăn chặn Omicron vẫn tồn tại 4 tháng sau mũi vaccine thứ ba             

Nghiên cứu mới trong phòng thí nghiệm của Pfizer/BioNTech cho biết trong vòng 4 tháng sau khi tiêm mũi thứ ba, các kháng thể do vaccine tạo ra vẫn có khả năng ngăn chặn biến thể Omicron.

Các kháng thể được hiểu là sẽ giảm dần sau khi tiêm. Đặc biệt sự xuất hiện của biến thể Omicron đã thu hút sự quan tâm vì ngay sau khi tiêm liều thứ hai vaccine ngừa COVID-19 được 1 tháng, mức độ kháng thể gần đạt đỉnh, song các kháng thể có khả năng ngăn chặn Omicron lại rất ít và thậm chí không thể tìm thấy ở nhiều đối tượng. Những kháng thể ngăn chặn Omicron thậm chí còn ít hơn thời điểm chuẩn bị tiêm mũi tăng cường thứ 3.

Mũi thứ 3 vaccine có tác dụng xây dựng lại tuyến bảo vệ miễn dịch chống biến thể Omicron, nhưng cũng làm tăng khả năng phản ứng miễn dịch bằng cách tạo ra lượng kháng thể mạnh hơn. Phạm vi bảo vệ lớn hơn này rất hữu ích đối với các biến thể và các nhà nghiên cứu cho rằng đây chính là lý do cần tiêm mũi thứ 3.

Nghiên cứu đã đưa ra gợi ý đầu tiên về thời gian và khả năng bảo vệ của vaccine phòng COVID-19.

Nhìn chung các nghiên cứu đều cho thấy dù khả năng chống biến thể Delta hay Omicron có khác nhau thì việc tiêm mũi thứ 3 vaccine vẫn có khả năng ngăn chặn bệnh chuyển nặng. Một tháng sau khi tiêm mũi thứ 3 vẫn còn có khả năng giảm nguy cơ nhập viện từ 92% xuống còn 83%.

Pfizer và BioNTech cho biết sẽ sớm thử nghiệm cả liều thứ tư của vaccine gốc và mũi tiêm tăng cường đặc trị Omicron trong các thử nghiệm trên người. Các công ty của Pfizer và BioNTech đã có kế hoạch sản xuất 4 tỷ liều vaccine trong năm nay./.

               

 

 

P.V (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực