Hà Nội thông tin chính thức về đề án "phí giảm ùn tắc giao thông"

Thứ bảy, 30/10/2021 20:57
(ĐCSVN) – Hà Nội thông tin chính thức về đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông”; Hà Nội thêm 42 ca mắc COVID-19; Cảnh giác khi nhận tin nhắn lừa đảo thông báo về nhận trợ cấp; Người mắc COVID-19 nguy cơ tái nhiễm gấp 5 lần nếu không tiêm vaccine… là những thông tin đáng chú ý trong ngày 30/10.

Hà Nội thông tin chính thức về đề án ''phí giảm ùn tắc giao thông''

Trước vấn đề thu phí phương tiện cơ giới đường bộ nội đô đang thu hút sự quan tâm của dư luận và đông đảo người dân, chiều 30/10, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện đã thông tin chính thức về đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông” hay gọi tắt là “phí giảm ùn tắc giao thông." Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đây mới chỉ là đề xuất, nghiên cứu của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Sở sẽ báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét để trình các cấp có thẩm quyền, sau đó trình Hội đồng Nhân dân thành phố xem xét, quyết định. Sau khi Hội đồng Nhân dân thành phố quyết định thì mới tổ chức thực hiện.

Đường phố Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN) 

Ông Vũ Văn Viện cho biết theo đề án, “phí giảm ùn tắc giao thông” là một loại phí mà người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (ôtô) phải trả khi đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông nhằm giảm lưu lượng xe ôtô đi vào, góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trong phạm vi thu phí. Đây là một biện pháp kinh tế của cơ quan nhà nước để điều chỉnh hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông xe cơ giới đường bộ khi không cần thiết đi vào vùng thu phí; đồng thời, khuyến khích việc sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Loại phí này không trùng với danh mục các loại phí và lệ phí được xác định trong Luật phí và lệ phí số 97/2015/QH13 ban hành ngày 25/11/2015 cũng như các loại phí, lệ phí liên quan đến phương tiện đường bộ và sử dụng đường bộ theo các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư của Bộ Tài chính quy định.

Đối tượng thu phí bao gồm: các xe ôtô di chuyển từ bên ngoài vào trong khu vực thu phí có nguy cơ ùn tắc giao thông (trừ các phương tiện được miễn phí: xe ưu tiên theo quy định hiện hành, xe công an, quân đội, xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe công vụ, xe buýt công cộng, xe ôtô vận tải hàng hóa...). Bên cạnh đó, các phương tiện được miễn phí có điều kiện gồm: xe hộ gia đình và xe ôtô của cơ quan công sở trong khu vực thu phí bắt buộc phải đi lại qua khu vực thu phí được miễn phí theo lượt nhất định. Các đối tượng được giảm phí gồm: xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách (xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, ...).

Căn cứ kết cấu hạ tầng giao thông và mật độ giao thông, dự kiến phạm vi thu phí giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - đường Hoàng Sa - đường Trường Sa - đường Lý Sơn - đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào vành đai 3. Với vành đai thu phí như trên, dự kiến đặt trạm thu phí tại 68 vị trí và 87 trạm thu phí. Dự kiến khung mức thu phí sẽ được xác định trong khoảng từ 50.000-100.000 đồng/lượt xe.

Theo đề án, dự kiến Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông” tại kỳ họp cuối năm 2021 về loại phí và khung phí. Từ năm 2022-2023 sẽ hoàn thiện các điều kiện thu phí; xây dựng dự án đầu tư trạm thu phí; phương án tài chính, quản lý chi phí, xác định cụ thể mức thu phí và các chính sách miễn giảm cụ thể cho các đối tượng thu phí. Năm 2024, sẽ trình Hội đồng Nhân dân thành phố ban hành mức thu phí cụ thể và các chính sách miễn giảm phí theo dự án đầu tư được duyệt và tổ chức thực hiện sau khi Hội đồng Nhân dân thành phố quyết định trong năm 2024.

Hà Nội thêm 42 ca mắc COVID-19, trong đó 4 ca cộng đồng

Sở Y tế Hà Nội thông báo từ 18h ngày 29/10 đến 18h ngày 30/10, Hà Nội ghi nhận 42 ca mắc COVID-19; trong đó có 4 ca cộng đồng, 38 ca tại khu cách ly và phong tỏa. Các ca mắc mới phân bố theo quận, huyện: Quốc Oai (18), Mê Linh (13), Đống Đa (3), Hà Đông (2), Hoàng Mai (2), Hoàn Kiếm (2), Nam Từ Liêm (1), Đông Anh (1).

Phân bố theo các chùm ca bệnh, ổ dịch: Chùm liên quan ổ dịch tại Sài Sơn, Thị trấn Quốc Oai (18); chùm liên quan ổ dịch Bạch Trữ, Tiến Thắng (13); chùm liên quan ổ dịch Trần Quang Diệu-Ô Chợ Dừa (5); chùm ho sốt thứ phát (4) và chùm liên quan đến các tỉnh có dịch (2). Phân bố 4 ca cộng đồng theo theo chùm: Chùm liên quan ổ dịch tại Sài Sơn-Quốc Oai (3), chùm liên quan các tỉnh có dịch (1).

Nhân viên y tế làm công tác lấy mẫu. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+) 

Theo ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, hiện tại Hà Nội có 2 chùm ca bệnh diễn biến phức tạp gồm chùm ở thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai (hiện đã ghi nhận 83 ca mắc) và chùm ở xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh (hiện đã ghi nhận 43 ca mắc).

Hai chùm ca bệnh này có liên quan đến đám hiếu, đám cưới và liên quan các cơ quan, công sở nên lượng người có tiếp xúc với F0 nhiều. Công tác điều tra, truy vết, xét nghiệm tiếp tục được triển khai để tiến tới khoanh vùng, dập dịch trong thời gian sớm nhất. Cùng với đó, thành phố Hà Nội đang thực hiện giám sát người về từ các địa phương có dịch. Đến nay, thành phố đã rà soát, quản lý và giám sát sức khỏe 8.153 người từ các tỉnh miền Nam, trong đó phát hiện 48 trường hợp dương tính.

Cảnh giác khi nhận tin nhắn lừa đảo thông báo về nhận trợ cấp

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết những ngày gần đây, cơ quan này nhận được thông tin phản ánh của một số người dân về việc họ nhận được tin nhắn có đầu số 052... thông báo việc nhận tiền trợ cấp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nội dung nhắn: “Ban chua nhan duoc tro cap COVID-19, vui long dang nhap tinyurl.com/kxytdc8z (hoặc shorturl.at/frFHU) de lay, qua han se khong duoc chap nhan."

 

Nội dung tin nhắn giả mạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam gửi đến các thuê bao di động 

Trước vụ việc trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định tin nhắn trên là của đối tượng lừa đảo, lợi dụng thông tin về chính sách hỗ trợ đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp nhằm trục lợi hoặc lấy thông tin cá nhân và hack tài khoản của người dân. Cơ quan Bảo hiểm xã hội không gửi bất kỳ tin nhắn nào có nội dung như trên. Vì vậy, người lao động tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào, nhất là không nhấp chuột vào bất kỳ đường dẫn nào, nếu không sẽ có khả năng lộ thông tin cá nhân và bị hack tài khoản. BHXH Việt Nam cảnh báo, người lao động không nên tin bất kỳ tin nhắn nào nếu không có chữ "BHXHVN" hoặc “BHXH HA NOI” (các địa phương khác trên toàn quốc sẽ có tên tương tự như Bảo hiểm xã hội Hà Nội) hiển thị tại phần số điện thoại của người gửi tin nhắn.

Để tra cứu thông tin hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, người lao động chỉ cần truy cập vào dịch vụ tra cứu trên Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo đường link: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/Pages/cong-khai-thong-tin-huong-ho-tro-theo-nghi-quyet-so-116nqcp.aspx. Sau đó, nhập “Mã số Bảo hiểm xã hội,” “Họ tên” rồi tích chọn “Tôi không phải là người máy” chọn hình ảnh trả lời rồi nhấn “Tra cứu.” Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến nghị khi nhận được các tin nhắn như trên, người dân cần nâng cao cảnh giác, hoặc thông báo đến số hotline của Bảo hiểm xã hội Việt Nam 1900.9068 để được tư vấn, hỗ trợ và giải đáp kịp thời. 

Người mắc COVID-19 nguy cơ tái nhiễm gấp 5 lần nếu không tiêm vaccine

Một nghiên cứu mới được công bố ngày 30/10 cho thấy nguy cơ mắc COVID-19 sẽ cao hơn gấp 5 lần đối với những trường hợp không tiêm chủng khi đã từng nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh này. Nghiên cứu trên do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tiến hành đối với 7.000 trường hợp sinh sống tại 9 bang của Mỹ, phải nhập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp hoặc có các triệu chứng giống như mắc COVID-19. Kết quả nghiên cứu cho thấy những người chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19 và từng mắc bệnh này có nguy cơ tái nhiễm virus SARS-CoV-2 cao gấp 5 lần so với những người đã được tiêm chủng đầy đủ và chưa từng mắc bệnh này.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại trung tâm y tế ở Tarzana, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Khoảng 6.000 người trong số các trường hợp được nghiên cứu đã được tiêm chủng đầy đủ với vaccine của Moderna hoặc Pfizer/BioNTech từ 3-6 tháng trước khi nhập viện. Trong khi đó, 1.000 người còn lại là những trường hợp chưa tiêm chủng và đã mắc COVID-19 cách đó 3-6 tháng. Nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng 5% bệnh nhân đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, trong khi tỷ lệ này ở nhóm chưa tiêm chủng là khoảng 9%.

Dựa trên các dữ liệu liên quan khác như tuổi tác và mức độ lây nhiễm ở các khu vực khác nhau của nước Mỹ, các nhà khoa học đã ước tính ra rằng nguy cơ tái mắc bệnh ở nhóm chưa được tiêm phòng thậm chí còn cao hơn so với tỷ lệ nêu trên. Theo CDC, các dữ liệu khoa học đã chứng minh việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 có thể tạo ra phản ứng miễn dịch cao hơn, mạnh mẽ hơn và ổn định hơn, theo đó người đã được tiêm sẽ không phải nhập viện điều trị trong trường hợp mắc bệnh và "tấm lá chắn" này có tác dụng trong tối thiểu 6 tháng.

 

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực