Hai loại vaccine COVID tiêm cho trẻ từ lớp 7 trở lên

Thứ sáu, 29/10/2021 21:35
(ĐCSVN) - Hai loại vaccine COVID tiêm cho trẻ từ lớp 7 trở lên; Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh dự kiến thu phí ôtô vào nội đô; Việt Nam được công nhận là Điểm đến Golf tốt nhất thế giới và châu Á 2021; Số ca mắc COVID-19 mới trải rộng 50 tỉnh thành, nhiều F0 cộng đồng;Trung Quốc bị chỉ trích cưỡng ép kinh tế trong đánh giá chính sách tại WTO … là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (29/10).

Phê duyệt hai loại vaccine COVID tiêm cho trẻ từ lớp 7 trở lên

leftcenterrightdel
Trên cả nước mới có TP Hồ chí Minh triển khai thí điểm vaccine Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi (Ảnh: dantri.com.vn). 

Bộ Y tế đã phê duyệt vaccine Comirnaty của Pfizer-BioNTech và Spikevax của Modena, tiêm cho trẻ 12-17 tuổi, tức từ lớp 7 đến lớp 12.

Bà Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết như trên tại buổi tập huấn trực tuyến 63 tỉnh, thành phố triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 12-17 tuổi. Chiến dịch này chính thức triển khai từ đầu tháng 11 trên cả nước, theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, ưu tiên tiêm trước cho nhóm 16-17 tuổi, hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.

"Việc tiêm chủng cho trẻ em được tiến hành trước tại các địa phương đã trải qua đợt giãn cách xã hội, tỷ lệ mắc COVID-19 cao; các địa phương có mật độ dân số đông, nguy cơ lây nhiễm cao", bà Hồng nói.

Theo hướng dẫn của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các địa phương tổ chức tiêm cho trẻ em theo hình thức chiến dịch, tại các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động và trường học.

Trẻ trong độ tuổi 12-17 đang đi học được lập danh sách theo lớp. Tiêm trước cho nhóm tuổi học sinh phổ thông trung học, lần lượt theo khối lớp từ 12 đến 11 và 10; tiếp đến là học sinh trung học cơ sở từ lớp 9, 8, 7.

Trẻ không đi học sẽ được điều tra và lập danh sách tại cộng đồng để đảm bảo không bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng. Vaccine sử dụng tiêm chủng cho trẻ là vaccine Comirnaty của Pfizer (hiện chưa có vaccine Moderna), sử dụng tương tự như người từ 18 tuổi trở lên; với liều lượng 0,3 ml mỗi mũi, đường dùng tiêm bắp. Lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi từ 3 đến 4 tuần (21-28 ngày).

Cha mẹ, người giám hộ cần ký Phiếu đồng ý tiêm chủng cho trẻ, đồng thời chuẩn bị tâm lý, sức khỏe tốt cho trẻ trước khi tiêm chủng, phối hợp theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm.

Giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, nhấn mạnh công tác tiêm chủng cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, trước tiên để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trước bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp. Đồng thời, tiêm chủng trong lứa tuổi này góp phần tăng diện bao phủ vaccine trong cộng đồng.

Hiện nay, một số vaccine theo hướng dẫn của nhà sản xuất đã có chỉ định tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi. Các kết quả nghiên cứu của nhà sản xuất cũng cho thấy tiêm cho trẻ em hiệu quả phòng bệnh tương tự như người từ 18 tuổi trở lên. Vì vậy, nhiều quốc gia đã triển khai tiêm cho trẻ em trong lứa tuổi 12-17.

Trên thế giới, nhiều hãng như Moderna, Johnson & Johnson, AstraZeneca, và cả Pfizer tiếp tục thử nghiệm ở độ tuổi này hoặc nhỏ hơn, đồng thời nộp đơn yêu cầu cơ quan quản lý phê duyệt.

Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh dự kiến thu phí ôtô vào nội đô

leftcenterrightdel
Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh dự kiến thu phí ôtô vào nội đô. (Ảnh: TD) 

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội (Sở Giao thông Vận tải) vừa báo cáo thành phố đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Mức phí sẽ được thu linh hoạt thay đổi theo khung giờ, từ 5h đến 21h (giờ cao điểm, giờ thường và giờ thấp điểm). Trong đó, giờ thấp điểm sẽ thu thấp hơn hoặc miễn phí cho tất cả phương tiện; ngày cuối tuần, ngày nghỉ, ngày lễ sẽ không thu.

Theo đó, Hà Nội dự kiến thu phí ôtô vào nội đô tối đa 60.000 đồng mỗi lượt. Mức phí dự kiến ngày thường với ôtô dưới 9 chỗ từ 25.000 đến 60.000 đồng/lượt, ôtô 9 chỗ trở lên và xe tải từ 15.000 đến 40.000 đồng/lượt.

Phương tiện được miễn phí, gồm: Xe ưu tiên theo quy định hiện hành (công an, quân đội, cứu thương, cứu hỏa...), xe công vụ, xe buýt. Phương tiện được giảm phí gồm: Xe kinh doanh vận tải, xe dưới 9 chỗ của người dân trong khu vực, xe ôtô của cơ quan công sở trong khu vực.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội cho hay, mức phí được xây dựng trên một số nguyên tắc như khả thi; tác động tích cực thay đổi hành vi người tham gia giao thông; áp dụng mức thu tăng dần với phương tiện có nguy cơ gây ô nhiễm và ùn tắc; lợi nhuận không phải mục tiêu ưu tiên, có thể phi lợi nhuận, thu để bù đắp chi phí đầu tư và vận hành.

Dẫn kết quả điều tra xã hội học năm 2019, đơn vị xây dựng đề án thu phí cho biết mức phí chấp nhận được của người dân là 23.500 đồng. Ở mức này, 55% chấp nhận trả phí để đi lại bằng ôtô, số còn lại sẽ chuyển sang phương tiện được miễn hoặc giảm phí.

Theo đề án, nếu thu phí sẽ đem lại nhiều hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường. Mật độ giao thông sẽ giảm từ 8 đến 30% lưu lượng trên trục chính. Lưu lượng giao thông giảm cũng sẽ làm giảm trên 350.000 tấn CO2 trên địa bàn. Quy định thu phí sẽ làm thay đổi hành vi sử dụng phương tiện và văn hóa giao thông của người dân đô thị theo hướng chuyển từ ôtô sang phương tiện thân thiện môi trường như vận tải hành khách công cộng, xe đạp.

Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội cũng cho biết chưa có phương án về hình thức đầu tư cụ thể cũng như biến động về tỷ giá tương lai nên mức phí cuối cùng sẽ do UBND Hà Nội quyết định ở bước nghiên cứu khả thi lập dự án đầu tư hệ thống thu phí.

Đề án đã xác định 68 vị trí với 87 trạm thu phí đặt bên trong ranh giới vành đai 3, nằm trên các trục đường hướng tâm vào trung tâm thành phố. Phương tiện đi đường vành đai 3, xe quá cảnh, không vào trung tâm sẽ không phải trả phí.

Khái toán tổng chi phí đầu tư 87 trạm hơn 2.600 tỷ đồng, gồm chi phí đầu tư ban đầu, thay thế thiết bị hết khấu hao, chưa tính chi phí vận hành.

Dự kiến giai đoạn 2021-2025 sẽ xây dựng 15 trạm thu phí tại 9 vị trí trên các trục nội đô có lưu lượng giao thông cao; giai đoạn 2025-2030 xây dựng 59 trạm thu phí tại 46 vị trí phía Nam sông Hồng; sau năm 2030 sẽ khép kín vành đai thu phí theo phương án hoàn chỉnh của dự án, xây 13 trạm thu phí còn lại.

* Tương tự Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải vừa báo cáo UBND TP Hồ Chí Minh việc lập dự án thu phí ôtô vào khu trung tâm, sau khi Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD - nhà đầu tư) đề xuất thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BLT (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ). Kinh phí nghiên cứu, lập đề xuất dự án o nhà đầu tư chi trả.

Theo đề xuất sơ bộ, các cổng thu phí sẽ bố trí trên vành đai khép kín xung quanh khu trung tâm (quận 1, 3), gồm các tuyến đường: Hoàng Sa men theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến đường Nguyễn Phúc Nguyên giao Cách Mạng Tháng 8 - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng. Một số cổng thu phí bố trí trên các đường thường ùn tắc như Trường Sơn, Cộng Hòa (Tân Bình).

Các cổng thu phí sẽ sử dụng mặt đường, hè phố hiện hữu, không phải giải tỏa mặt bằng. Hệ thống thu phí thực hiện theo công nghệ đa làn, không dừng, với một trung tâm điều hành kết nối các cổng để xử lý thông tin, điều hành việc thu phí. Trong tổng 2.274 tỷ đồng vốn đầu tư dự án, chi phí ban đầu tư được tính toán khoảng 478 tỷ đồng. Nhà đầu tư sẽ tự thu xếp vốn để thực hiện dự án theo hợp đồng khi được ký kết. Hiện, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND thành phố xem xét, quyết định, đồng thời hướng dẫn công ty ITD lập hồ sơ đề xuất dự án.

Trước đó, năm 2010 TP HCM từng chấp thuận đề xuất của ITD về dự án thu phí ôtô vào khu trung tâm. Hai năm sau, đề án chính thức được trình UBND TP HCM, với tổng mức đầu tư toàn bộ khoảng 1.200 tỷ đồng. Theo đề án lúc đó, 36 cổng thu phí tự động cũng xây trên các tuyến đường bao quanh quận 1, 3 và vùng giáp ranh với quận 5, 10. Các cổng được lắp đặt thiết bị tính phí và camera chuyên dụng nhận dạng các loại xe. Tuy nhiên, dự án sau đó bị ngưng do gặp nhiều ý kiến phản đối của chuyên gia, dư luận.

Việt Nam được công nhận là Điểm đến Golf tốt nhất thế giới và châu Á 2021

leftcenterrightdel
 Một góc sân golf Đại Lải, thành phố Phúc Yên. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 29/10 cho biết: Tại Lễ trao giải thưởng Golf thế giới lần thứ 8 (World Golf Award - WGA) diễn ra tại Park Hyatt Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Việt Nam được công nhận là Điểm đến Golf tốt nhất thế giới và châu Á năm 2021. Đây là giải thưởng uy tín nhất trong lĩnh vực golf trên thế giới, thuộc hệ thống giải thưởng World Travel Awards.

Đây là năm thứ 2 Việt Nam vinh dự nhận giải thưởng Điểm đến Golf tốt nhất thế giới (2019, 2021) và năm thứ 5 liên tiếp được công nhận là Điểm đến Golf tốt nhất châu Á (2017-2021) của Giải thưởng Golf thế giới. Vượt qua các điểm đến rất mạnh khác như  Mỹ, New Zealand, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia và Malaysia, điểm đến golf tại Việt Nam với hạ tầng dịch vụ sang trọng, đẳng cấp, tiêu chuẩn quốc tế đã thu hút và nhận được sự đánh giá cao của du khách khi đến chơi golf kết hợp nghỉ dưỡng.

Theo thông tin của Ban Tổ chức, bất chấp những thách thức do dịch COVID-19 tác động tới ngành du lịch nói chung và môn thể thao golf nói riêng, Giải thưởng Golf thế giới lần thứ 8 vẫn nhận được số phiếu bình chọn kỷ lục so với các năm trước từ những người chơi golf trên toàn cầu. Điều này càng khẳng định nhu cầu đi du lịch, đi chơi golf và nghỉ dưỡng của công chúng hiện rất mạnh mẽ.

Trước đó, Tổng cục Du lịch nước vừa vượt qua hàng loạt ứng cử viên hàng đầu trong khu vực để đạt danh hiệu “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á năm 2021” theo bình chọn của Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) vừa được công bố.  Đây là lần thứ 2 Tổng cục Du lịch được tổ chức World Travel Awards trao tặng giải thưởng uy tín này, ghi nhận những nỗ lực ứng phó, thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh, tái khởi động hoạt động du lịch an toàn. Lần đầu tiên, Tổng cục Du lịch đạt được danh hiệu này là vào năm 2017.

Cùng với đó, du lịch Việt Nam còn nhận được nhiều giải thưởng danh giá khác như “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến bền vững hàng đầu châu Á”. Đô thị cổ Hội An đạt danh hiệu “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á”; Cúc Phương được bình chọn là “Vườn quốc gia hàng đầu châu Á”. Vịnh Hạ Long được ghi danh là “Thắng cảnh du lịch hàng đầu châu Á”. Nhiều giải thưởng danh giá khác cũng được dành cho các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ hàng đầu của Việt Nam...

Số ca mắc COVID-19 mới trải rộng 50 tỉnh thành, nhiều F0 cộng đồng

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. (Nguồn: CPV)

Ngày 29/10, Bộ Y tế cho biết, trong 4.889 ca mắc COVID-19 được ghi nhận ở 50 tỉnh thành, có 2.305 F0 cộng đồng. Thành phố Hồ Chí Minh trong ngày ghi nhận 977 ca, Hà Nội 37 ca, với một thị trấn "chuyển màu" đỏ.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 910.376 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/một triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ một triệu người có 9.243 ca nhiễm).

Về tình hình điều trị, trong ngày có 2.169 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 816.132 trường hợp.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.990 ca. Về số bệnh nhân tử vong, từ 17h30 ngày 28/10 đến 17h30 ngày 29/10 ghi nhận 56 ca tử vong tại TP Hồ Chí Minh (32), Bình Dương (6), Bạc Liêu (5), Đồng Nai (4), Tiền Giang (2), Sóc Trăng (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Khánh Hòa (1), Quảng Ngãi (1), Kiên Giang (1), Lâm Đồng (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 60 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.966 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

Trung Quốc bị chỉ trích cưỡng ép kinh tế trong đánh giá chính sách tại WTO

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen (Ảnh: SCMP). 

Mỹ và các đồng minh đã chỉ trích Trung Quốc vì hành vi thương mại không công bằng trong đánh giá chính sách tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm nay.

Phản ứng trước động thái trên, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen ngày 28/10 cho biết, nhiều khiếu nại và yêu cầu do Mỹ và các nước phương Tây đưa ra trong đợt đánh giá định kỳ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO) về chính sách thương mại Trung Quốc vào tuần trước đã nhắm đến nhiều lĩnh vực, như quyền sở hữu trí tuệ và tiếp cận thị trường, không nằm trong phạm vi diễn đàn hoặc lĩnh vực do WTO giám sát.

Ông Wang cho rằng phần lớn khiếu nại không được coi là đánh giá công bằng, thay vào đó chỉ nên được xem là đề xuất cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ nghiêm túc xem xét tất cả quan ngại của các nước trong phạm vi WTO để đáp ứng các nghĩa vụ của mình với tư cách là một thành viên của tổ chức.

Trong đợt đánh giá thành viên đối với Trung Quốc, các nước gồm Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Anh, Australia và Canada đều chỉ trích các hành vi của Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh đã thực hiện "các hành vi thương mại không công bằng" và gây ra "sự ép buộc kinh tế".

Đánh giá lần này được cho là cứng rắn hơn nhiều so với đợt đánh giá hồi năm 2018, cho thấy căng thẳng giữa Trung Quốc và các đối tác thương mại phương Tây chủ chốt đã trở nên nghiêm trọng như thế nào trong những năm gần đây.

Năm nay, Trung Quốc đã nhận được kỷ lục 2.562 câu hỏi từ 39 quốc gia thành viên, tăng 16% so với đợt đánh giá năm 2018.

Theo bảng xếp loại hiện tại của WTO, Trung Quốc nằm trong nhóm các nước đang phát triển và được hưởng những đặc quyền riêng dành cho nhóm này. Theo đó, Trung Quốc được phép trợ giá nông nghiệp và đặt hàng rào thuế quan cao hơn đối với hàng hóa dịch vụ nhập khẩu từ các nền kinh tế phát triển hơn.

Việc Trung Quốc tự nhận là nền kinh tế đang phát triển khiến Mỹ không hài lòng. Washington đề xuất đưa Trung Quốc ra khỏi nhóm này nhằm giảm bớt những đặc quyền mà Bắc Kinh và các nước đang phát triển khác được hưởng về thương mại trong khuôn khổ WTO.

Trung Anh (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực