Hàng loạt quốc gia thay đổi kế hoạch đón năm mới vì Omicron

Thứ tư, 29/12/2021 21:24
(ĐCSVN) - Theo quy hoạch đến 2050, cả nước có 31 sân bay; TP. Hồ Chí Minh đề xuất hỗ trợ cho trẻ mồ côi do dịch COVID-19; Hàng loạt quốc gia thay đổi kế hoạch đón năm mới vì Omicron… là những tin đáng chú ý trong ngày 29/12.
Ảnh minh họa: HH 

Quy hoạch đến 2050: Cả nước có 31 sân bay

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc vừa được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ, trong 10 năm tới cả nước có 28 sân bay, đến năm 2050 có 31 sân bay.

Đây là tờ trình mới nhất của Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Tờ trình này có cập nhật một số nội dung trong thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 24/12/2021 về quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay (gọi chung là sân bay) toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Bộ GTVT, hiện cả nước đang khai thác 22 trong số 23 sân bay theo quy hoạch, gồm 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay quốc nội. Còn sân bay Phan Thiết đang triển khai đầu tư.

Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 các sân bay phục vụ khoảng 275,9 triệu người và khoảng 4,1 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn này ưu tiên tập trung đầu tư một số sân bay lớn, đóng vai trò đầu mối tại vùng thủ đô Hà Nội, vùng TP.HCM.

Quy hoạch cho biết sẽ từng bước nâng cấp 22 sân bay hiện có, đầu tư 6 sân bay mới (Long Thành, Nà Sản, Lai Châu, Sa Pa, Quảng Trị, Phan Thiết) để cả nước khai thác 28 sân bay, tổng công suất 283 triệu hành khách vào năm 2030, đảm bảo trên 95% dân số có thể tiếp cận sân bay trong phạm vi 100km (hiện nay là 86%).

Các sân bay trong thời kỳ này gồm 14 sân bay quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc) và 14 sân bay quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo).

Đến năm 2050 sẽ hình thành 2 trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế mang tầm cỡ khu vực tại vùng thủ đô Hà Nội và vùng TP.HCM. Đầu tư, đưa vào khai thác các sân bay mới, đảm bảo 100% dân số đồng bằng và 95% dân số miền núi có thể tiếp cận sân bay trong phạm vi 100km.

Điểm mới nhất trong tờ trình lần này so với tờ trình ngày 7/12 là đến năm 2050 cả nước có 31 sân bay thay vì 29 sân bay (bổ sung sân bay quốc tế Hải Phòng và sân bay thứ 2 phía đông nam thủ đô Hà Nội).

TP. Hồ Chí Minh: Đề xuất hỗ trợ cho trẻ mồ côi do dịch COVID-19

Anh Thạch Ủ (quận Tân Phú, TP.HCM), làm thợ hồ bị mất việc từ nhiều tháng qua, cùng các con đi nhận hàng tiếp tế. Anh rơi vào cảnh “gà trống nuôi con” khi vợ mất do COVID-19 - Ảnh: Duyên Phan 

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM vừa có tờ trình đề xuất chính sách chăm lo, hỗ trợ cho người cao tuổi neo đơn và trẻ mồ côi do dịch COVID-19.

Theo đó, Sở LĐ-TB&XH đề xuất đối với người già neo đơn do COVID-19 sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Đồng thời, người từ 60 tuổi trở lên được hỗ trợ 480.000 đồng/người/tháng, người từ 80 tuổi trở lên được hỗ trợ 700.000 đồng/người/tháng.

Đối với trẻ mồ côi do dịch COVID-19, Sở LĐ-TB&XH đề xuất miễn học phí cho các em đến hết chương trình phổ thông trung học, giáo dục nghề nghiệp và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

Đồng thời, trẻ có cả cha và mẹ tử vong; trẻ em đã mồ côi cha hoặc mẹ trước đó, hiện người còn lại cũng tử vong do COVID-19; trẻ đã mồ côi cả cha mẹ hoặc cha mẹ bỏ rơi từ nhỏ sống với ông bà, người nuôi dưỡng nhưng bị tử vong COVID-19, nếu dưới 4 tuổi được hỗ trợ 1 triệu đồng/trẻ/tháng, trẻ từ 4 tuổi trở lên được hỗ trợ 700.000 đồng/trẻ/tháng.

Bên cạnh đó, trẻ mồ côi cha hoặc mẹ do dịch, người còn lại bị bệnh ung thư, hiểm nghèo thì được hỗ trợ 650.000 đồng/trẻ/tháng.

Trẻ mồ côi cha hoặc mẹ do dịch, người còn lại có mức thu nhập bằng hoặc thấp hơn mức hộ cận nghèo thì được hỗ trợ 480.000 đồng/trẻ/tháng.

Việc hỗ trợ được thực hiện cho đến khi trẻ đủ 18 tuổi.

Theo Sở LĐ-TB&XH, TP. Hồ Chí Minh có khoảng 383 người già neo đơn và 2.208 trẻ mồ côi do dịch COVID-19. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ này mỗi năm hơn 16,8 tỉ đồng.

Hàng loạt quốc gia thay đổi kế hoạch đón năm mới vì Omicron

Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron đã khiến nhiều thành phố lớn của các quốc gia trên thế giới phải thu nhỏ quy mô hoặc huỷ bỏ các sự kiện giao thừa trong năm thứ hai liên tiếp.

Nhiều quốc gia phải thay đổi kế hoạch đón năm mới vì Omicron. Ảnh: Reuters. 

Vài tháng trước, khi các quốc gia bắt đầu nới lỏng biện pháp phòng dịch vì đạt tỉ lệ tiêm chủng cao, nhiều người đã hy vọng về những cuộc tụ tập náo nhiệt dịp Giáng sinh và năm mới với niềm tin rằng đại dịch cuối cùng đã suy yếu.

Nhưng sự xuất hiện của Omicron - biến thể có khả năng lây lan cao - đã khiến chính phủ một số quốc gia phải khôi phục các quy định hạn chế đi lại, áp dụng lại quy định đeo khẩu trang và cấm tụ tập đông người.

Ngay cả khi các nghiên cứu ban đầu cho thấy Omicron ít có khả năng gây bệnh nặng, thì các chuyên gia vẫn cảnh báo sự gia tăng nhanh chóng của số ca bệnh ở nhiều quốc gia có thể khiến hệ thống y tế bị áp đảo.

Một số sự kiện đêm giao thừa đã bị huỷ bỏ ở các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao, bao gồm Ý (nơi số ca mắc mới trung bình trong 14 ngày tăng 128%) và Pháp (nơi số ca bệnh tăng 48%), theo dữ liệu của Our World in Data.

Tại Mỹ, nơi số ca mắc mới hằng ngày tăng gấp đôi trong hai tuần qua, Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci khuyến cáo ngay cả những người đã được tiêm vắc xin cũng không nên tham dự các bữa tiệc đông người đêm giao thừa. “Sẽ có những năm khác để làm điều đó, nhưng không phải năm nay,” ông Fauci nói.

Tuần trước, Thị trưởng thành phố New York - Bill de Blasio thông báo giảm quy mô sự kiện đếm ngược ở Quảng trường Thời đại xuống còn nhiều nhất 15.000 khán giả, bằng 25% so với mức thông thường. Khách mời được phép vào quảng trường sớm nhất từ 15h, nhưng bắt buộc phải đeo khẩu trang và xuất trình giấy chứng nhận tiêm phòng.

Hãng tin Fox quyết định huỷ cầu truyền hình trực tiếp Toast & Roast 2022 từ Quảng trường Thời đại với lý do “sự lây lan của biến thể Omicron khiến đội ngũ sản xuất không thể đảm bảo chất lượng chương trình”.

Sự kiện đếm ngược mừng năm mới ở Công viên Grand (Los Angeles) và màn trình diễn pháo hoa của Space Needle ở Seattle sẽ chuyển sang hình thức phát sóng trực tiếp.

Tại Anh, Thị trưởng London - Sadiq Khan tuần trước thông báo sự kiện giao thừa ở Quảng trường Trafalgar đã bị hủy bỏ vì "sự an toàn của người dân phải đặt lên hàng đầu".

Tại Pháp, chính quyền thủ đô Paris đã quyết định huỷ bỏ một số hoạt động bao gồm chương trình bắn pháo hoa trên đại lộ Champs-Élysées. Thủ tướng Jean Castex thông báo rằng các bữa tiệc công cộng lớn sẽ bị cấm vào đêm giao thừa.

Tại Ý, các sự kiện đón giao thừa đã bị huỷ bỏ ở một số thành phố bao gồm Rome và Venice. Theo quy định hiện hành, các sự kiện ngoài trời đã bị cấm và các hộp đêm sẽ đóng cửa trong tháng 1.

Tại Đức, bữa tiệc đêm giao thừa hằng năm tại Cổng Brandenburg (Berlin) vẫn sẽ diễn ra nhưng không có khán giả. Các màn trình diễn sẽ được phát trực tiếp trên truyền hình. Thủ tướng Olaf Scholz thông báo rằng các cuộc tụ họp được giới hạn tối đa 10 người bắt đầu từ ngày 28/12.

Tại Nhật Bản, Giao lộ Shibuya ở Tokyo thường thu hút hàng chục nghìn người đón giao thừa trong bữa tiệc mừng năm mới lớn nhất nhì thế giới. Nhưng năm nay, giống như năm ngoái, sự kiện đón năm mới ở Shibuya đã bị huỷ bỏ. Người dân bị cấm sử dụng đồ uống có cồn ở Shibuya trong hai ngày 31/12 và 1/1.

Tại Ấn Độ, chính quyền New Delhi đã cấm tất cả các hoạt động tụ tập, bao gồm cả lễ giáng sinh và năm mới. Các nhà hàng và quán bar chỉ được phép hoạt động một nửa công suất.

Tại Nam Phi - điểm nóng lây lan của biến thể Omicron, người dân thành phố Cape Town vẫn được tụ tập đón năm mới, nhưng chính quyền địa phương đã áp dụng một số biện pháp hạn chế, bao gồm lệnh giới nghiêm từ 0h đến 4h sáng, bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng và đóng cửa các hộp đêm./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực