Hàng nghìn người về Hà Nội sau khi ban hành chỉ thị 15

Thứ tư, 22/09/2021 21:54
(ĐCSVN) - Trong chiều 22/9, hàng dài xe nối đuôi nhau chở người dân trở về Hà Nội trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Trong ngày đầu tiên thu phí trở lại sau thời gian Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16, đơn vị quản lý đã mở lại 8 làn xe, cửa ngõ thủ đô ghi nhận hàng chục người làm thủ tục mỗi lượt tại chốt kiểm soát.
Dòng xe nối dài tại cao tốc Pháp Vân, Cầu Giẽ (ảnh: vnexpress)

Ngay sau khi thành phố Hà Nội chuyển trạng thái chống dịch xuống Chỉ thị 15, dòng xe chở người dân về lại Hà Nội làm việc nối dài trong ngày 22/9. Theo thông tin từ Đội Cảnh sát giao thông số 14, Công an TP Hà Nội, các phương tiện chủ yếu đi vào các làn dành cho xe cá nhân thay vì làn xanh cho xe tải như trước đó. Để qua được chốt kiểm soát, người dân phải không thuộc các địa phương đang giãn cách theo Chỉ thị 16. Ngoài giấy đi đường hoặc giấy công tác do cơ quan, doanh nghiệp cấp, những người trở lại Hà Nội còn phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính để đủ điều kiện vào thành phố.

Ở khu vực khai báo y tế, người dân sẽ được đóng dấu vào tay để qua các chốt kiểm soát sau khi điền vào mẫu giấy khai báo in sẵn hoặc quét mã QR, trình giấy xét nghiệm.

Cũng trong ngày 22/9, theo thống kê của đơn vị quản lý Trạm thu phí Pháp Vân, lưu lượng xe trên cao tốc cửa ngõ thủ đô đạt khoảng 35.000 xe. Còn tính từ 11h00 ngày 21/9 đến 11h00 ngày 22/9, các chốt cửa ngõ đã kiểm soát 18.220 lượt phương tiện với hơn 24.000 lượt người qua chốt. Trước tình hình này, cảnh sát đã phải điều thêm cán bộ phụ trách để tránh ùn tắc, đồng thời tăng tốc độ kiểm soát phương tiện.

Phú Quốc tăng lên 57 ca COVID-19 tại ổ dịch

Phát sinh từ 60 ca F1 liên quan tới 17 ca F0 tại phường An Thới, phường Dương Đông và xã Dương Tơ, Phú Quốc, Kiên Giang mới cập nhập thêm 40 người nhiễm SARS-CoV-2. Như vậy, tính tới ngày 22/9, số ca nhiễm COVID-19 ở thành phố Phú Quốc đã là 57 ca sau khi phát hiện ca F0 trong cộng đồng vào chiều 20/9.

Một chốt kiểm tra tại thành phố Rạch Giá, Kiên Giang (ảnh: TTXVN) 

Sau khi phát hiện trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên tại phường An Thới, thành phố Phú Quốc đã vào cuộc huy động tổng lực truy vết F1, F2. Quá trình tiến hành lấy mẫu gộp xét nghiệm là 505 mẫu với 1.200 người ở phường An Thới. Các thông báo hỏa tốc sau đó của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Phú Quốc đã nêu rõ việc tìm người đến các địa điểm ở phường An Thới gồm: cầu cảng An Thới, nhà thùng Hớn Hưng, cảng Vịnh Đầm, trại hòm Sáu Điệp và gia đình một bệnh nhân F0. Thông báo khẩn tìm người còn tập trung vào một bệnh nhân tại ở số 35, đường Nguyễn Trãi, khu phố 2, phường Dương Đông, chủ tiệm cơm chay khá nổi tiếng, mỗi ngày phục vụ hàng trăm khách.

Trước đó, từ ngày 6/9, thành phố Phú Quốc đã thay đổi việc giãn cách xã hội từ Chỉ thị 16/CT-TTg xuống Chỉ thị 15/CT-TTg và từ 0 giờ ngày 21/9 thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 19/CT-TTg. Hiện tại, phường An Thới đã tạm thời áp dụng trở lại Chỉ thị 16.

Không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy có thể bị phạt tới 600.000 đồng

Theo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không, Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ dự thảo với nhiều mức phạt được tăng mạnh.

Theo đó, mức phạt người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm được đề xuất mức phạt 600.000 đồng, thay vì 200.000-300.000 đồng như hiện nay.

Đối với người lái xe máy không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lái xe không hợp lệ, sẽ bị phạt 800.000 đến 1,2 triệu đồng. Với các phương tiện xe gắn máy không biển số, biển không rõ chữ số, che biển, hoặc dán thêm làm thay đổi chữ hoặc màu sắc sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng, tăng gấp 10 lần hiện nay.

Xử phạt người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm tại Hà Nội (ảnh: vnexpress)

Các mức phạt khác dành cho người lái xe ôtô vi phạm cũng được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tăng. Mức phạt 1,2-3 triệu đồng sẽ tăng lên tối đa 4 triệu đồng đối với người dưới 18 tuổi lái xe ôtô, hoặc tương tự xe ôtô. Với các xe ôtô quá niên hạn, xe đăng ký tạm, hoặc các xe có phạm vi hoạt động hạn chế quá thời gian cho phép, mức phạt 4-6 triệu đồng được tăng lên thành 10-12 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng. Đáng chú ý, với các trường hợp trốn tránh, không trả tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí, mức phạt tiền sẽ từ 4 đến 6 triệu đồng.

Đặc biệt, với hành vi đua xe, nghị định điều chỉnh mức phạt 7-8 triệu đồng thành 10-15 triệu đồng đối với người đua xe máy, xe máy điện trái phép. Đề nghị điều chỉnh 8-10 triệu đồng thành 20-25 triệu đồng đối với người đua xe ôtô trái phép.

Sau hơn một năm thực hiện Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, theo Bộ Giao thông Vận tải, mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm cần được điều chỉnh để tăng tính răn đe.

Cảnh báo áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông

Chiều 22/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo vùng áp thấp trên khu vực giữa Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Theo đó, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8, bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80km tính từ tâm áp thấp.

Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng sẽ mạnh thêm. Dự báo, đến chiều 23/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 14,8 độ vĩ Bắc; 110,8 độ kinh Đông, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 300km, cách bờ biển Bình Định khoảng 190km về phía Đông. Tất cả các tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn, với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Từ 16 giờ ngày 23 đến 16 giờ ngày 24/9, áp thấp nhiệt đới dự kiến sẽ di chuyển vào khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định, sau đó suy yếu dần. Vùng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông trong khoảng thời gian này là từ vĩ tuyến 12,5 đến 17,5 độ vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,5 độ kinh Đông.

Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khu vực giữa Biển Đông sẽ có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2-4m; biển động mạnh. Vào ngày mai, 23/9, vùng biển ngoài khơi từ Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9; sóng biển cao từ 1,5-3m; biển động mạnh.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã có công văn đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Kiên Giang, khu vực Tây Nguyên theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, thông báo cho các chủ phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn về người và tài sản, đồng thời duy trì thông tin liên lạc để xử lý các tình huống xấu. Ngoài ra, khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên phải chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng lực lượng để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, thường xuyên báo cáo thông tin về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Trợ lý của Tổng thống Ukraine bị mưu sát

Ngày 22/9, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, Anton Gerashchenko thông báo về việc trợ lý chính của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Sergei Shefir đã trở thành mục tiêu tấn công trong một vụ mưu sát.

Vết đạn trên nóc xe chở ông Shefir sau vụ tấn công ở Kiev (Ảnh: Ukrinform) 

Cùng ngày, chiếc xe chở ông Shefir đã bị trúng hơn 10 phát đạn ở ngoại ô thủ đô Kiev. Lái xe bị thương nặng, nhưng ông Shefir may mắn không bị thương sau vụ việc này. Ông Gerashchenko cho biết thêm trên trang Facebook cá nhân, chiếc xe chở ông Shefir đã bị tấn công ở khu vực gần làng Lesnyky, ngoại ô thủ đô Kiev. Ngay sau đó, ông Shefir đã được đưa đến một địa điểm an toàn.

Sergei Shefir được biết đến như là một trong những quan chức thân cận nhất với Tổng thống Zelensky, đồng thời hiện đang đứng đầu nhóm cố vấn cho nhà lãnh đạo Ukraine. Hiện Tổng thống Zelensky đang ở Mỹ để tham gia Khóa họp 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc và ông cũng đã được thông báo về vụ việc.

Giới chức Ukraine đã mở cuộc điều tra để làm rõ sự việc./.

HC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực