Hơn 18.000 F0 ở BV Dã chiến số 1 TP Hồ Chí Minh xuất viện

Thứ năm, 23/09/2021 19:27
(ĐCSVN) - Hơn 18.000 F0 ở Bệnh viện Dã chiến số 1 TP Hồ Chí Minh xuất viện; TP Hồ Chí Minh thông qua gói hỗ trợ hơn 7.300 tỷ đồng cho 5 nhóm đối tượng; Khởi tố Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên; Lộ thông tin cá nhân của 106 triệu du khách đến Thái Lan 10 năm qua; Biến thể R.1 chứa nhiều đột biến của virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh tại Mỹ… là tin tức đáng chú ý diễn ra trong ngày 23/9.

Hơn 18.000 F0 ở Bệnh viện Dã chiến số 1 TP Hồ Chí Minh xuất viện

 Các trường hợp khỏi bệnh được xe bệnh viện đưa về nhà - Ảnh: Báo Sức khoẻ và đời sống

Sau gần 3 tháng tiếp nhận bệnh nhân COVID-19, đến nay đã có hơn 18.000 F0 điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 1 TP Hồ Chí Minh được xuất viện.

Thông tin trên được bác sĩ Nguyễn Thành Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch, Bệnh viện Dã chiến số 1 TP Hồ Chí Minh cho biết ngày 23/9.

Theo đó, tính từ ngày 26/6 đến nay, bệnh viện tiếp nhận điều trị tổng số gần 21.000 ca COVID-19. Trong đó, có hơn 18.000 bệnh nhân đã được xuất viện, trở về với gia đình. Chiều 23/9, thêm hơn 500 trường hợp khác đã được ra viện.

Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm cho biết, trung bình mỗi ngày, đơn vị cho xuất viện khoảng 200 - 400 bệnh nhân, ngày cao nhất là hơn 600 trường hợp.

Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm cũng chia sẻ, mục tiêu chung của chúng tôi là đẩy mạnh việc dự phòng, theo dõi phát hiện bệnh chuyển nặng để kịp thời can thiệp, đưa lên tuyến trên, giảm tỷ lệ tử vong. Mặc dù số ca chuyển nặng tăng cao, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng điều trị, xử lý ổn thỏa.

“May mắn, chúng tôi vẫn chưa ghi nhận ca tử vong, tỷ lệ nhân viên dương tính thấp, chỉ dưới 30 trường hợp. Đây là điều rất đáng mừng với tập thể y bác sĩ, nhân viên y tế tại Bệnh viện Dã chiến số 1”, bác sĩ bác sĩ Nguyễn Thành Tâm chia sẻ.

Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1 TP Hồ Chí Minh đi vào hoạt động từ ngày 26/6, có quy mô 4.500 giường, đặt tại ký túc xá của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

TP Hồ Chí Minh thông qua gói hỗ trợ hơn 7.300 tỷ đồng cho 5 nhóm đối tượng

Bên cạnh việc chi hỗ trợ theo chính sách, người dân còn được nhận nhiều phần quà thiết yếu. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN) 

Gói hỗ trợ đợt 3 của TP Hồ Chí Minh dự kiến hỗ trợ hơn 7,3 triệu người với tổng kinh phí dự kiến hơn 7.300 tỷ đồng là gói hỗ trợ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, có độ bao phủ gần như toàn diện.

Sáng 23/9, tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh về các vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ người khó khăn do dịch bệnh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Nguyễn Thị Lệ cho biết TP đã thống nhất, ban hành Nghị quyết số 97 về chính sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong thời gian giãn cách xã hội kéo dài trên địa bàn thành phố (gói hỗ trợ đợt 3).

Gói hỗ trợ lần 3 quy định 5 trường hợp (nhóm) được hỗ trợ cụ thể, không phân biệt người thường trú, tạm trú, hay lưu trú trên địa bàn thành phố và 4 trường hợp không thuộc diện hỗ trợ đợt này.

Cụ thể nhóm 1 được hỗ trợ bao gồm các thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng đang gặp khó khăn.

Nhóm 2 là những người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội đang thực tế có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn (bao gồm người đang cách ly tập trung, đang trị bệnh…).

Nhóm 3 gồm người phụ thuộc của nhóm 2, trong đó, bao gồm cha, mẹ, vợ hoặc chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc trong cùng một hộ đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn (bao gồm người đang cách ly tập trung, đang trị bệnh...).

Ở nhóm 4 gồm cha, mẹ, vợ/chồng, con của những người đang hưởng lương hưu, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, đang tham gia bảo hiểm xã hội và được doanh nghiệp trả lương tháng 8/2021 mà có hoàn cảnh khó khăn (ở nhà làm nội trợ, hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc, bao gồm người đang cách ly tập trung, đang trị bệnh…) sống cùng một hộ và đang có mặt ở thành phố.

Nhóm 5 là những người lưu trú tạm thời trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu lao động nghèo, xóm nghèo, có hoàn cảnh thật sự khó khăn trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách và đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

Ngược lại, gói hỗ trợ lần 3 không hỗ trợ đối với 4 trường hợp gồm người đang hưởng lương hưu; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động; người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội; người lao động được doanh nghiệp trả lương của tháng 8/2021.

Tuy nhiên, người phụ thuộc của những người trên mà có hoàn cảnh thực sự khó khăn thì được hỗ trợ theo trường hợp ở nhóm 4. Mức hỗ trợ cho đợt này là 1 triệu đồng/người và được chi trả một lần cho người thụ hưởng.

Khởi tố Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên

Các bị can Nguyễn Văn Kiên, Trịnh Mạnh Cường, Đinh Văn Hữu (từ trái qua). Ảnh: mps.gov.vn 

Ngày 23/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Điện Biên về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo thông tin từ Bộ Công an, trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Điện Biên khẩn trương tiến hành xác minh vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh và các công ty, đơn vị liên quan.

Từ kết quả điều tra, xác minh, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ĐT; Trịnh Mạnh Cường, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD&ĐT tỉnh; Đinh Văn Hữu, Giám đốc Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Điện Biên cùng 5 người khác về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Kết quả điều tra bước đầu xác định, ông Nguyễn Văn Kiên đã chỉ đạo một số cán bộ dưới quyền thông đồng cùng với Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Điện Biên (nhà thầu) và Công ty cổ phần thẩm định giá BTC VALUE, Công ty TNHH tư vấn xây dựng T&C, Công ty TNHH tư vấn thiết kế và xây dựng Tây Đô thực hiện các hành vi vi phạm Luật Đấu thầu để cho Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Điện Biên trúng 2 gói thầu cung cấp thiết bị dạy học tối thiểu, gây thiệt hại tài sản nhà nước.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiến hành công tác điều tra mở rộng vụ án và xác minh thu hồi triệt để tài sản bị thiệt hại.

106 triệu du khách từng đến Thái Lan bị lộ dữ liệu cá nhân

Du khách đợi làm thủ tục để nhập cảnh tại sân bay Suvarnabhumi vào năm 2017. Ảnh: Bangkok Post 

Công ty an ninh mạng Comparitech (Anh) cho biết thông tin cá nhân của 106 triệu du khách đến Thái Lan trong 10 năm qua đã bị phát tán lên mạng vào tháng 8 năm nay, trước khi được chính quyền Thái Lan nhanh chóng xử lý.

Comparitech cho biết Kho dữ liệu 200 GB bị rò rỉ bao gồm những dữ liệu bị phát tán bao gồm tên đầy đủ, giới tính, số hộ chiếu, ngày đến, loại thị thực và tình trạng cư trú.

Bob Diachenko, người đứng đầu nghiên cứu an ninh mạng của Comparitech, phát hiện ra việc này vào 22/8. Chính quyền Thái Lan đã bảo mật cơ sở dữ liệu trở lại vào 23/8.

Ông Diachenko cho rằng bất kỳ người nước ngoài nào từng đến Thái Lan trong một thập kỷ qua có thể đã bị lấy cắp dữ liệu cá nhân trong sự cố này. Diachenko thậm chí còn xác nhận thông tin của chính ông cũng nằm trong kho dữ liệu đã bị phát tán.

Cơ quan An ninh mạng Quốc gia Thái Lan (NCSA) xác nhận vụ việc và cho biết họ không tìm được bằng chứng nào cho việc những dữ liệu này được bán cho các trang mạng ngầm.

Sự cố bảo mật này khiến khách du lịch và người nước ngoài ở Thái Lan đều bất bình.

Tổng cục trưởng Du lịch Thái Lan Yuthasak Supasorn cho biết, khách du lịch yên tâm rằng chuyện này sẽ không lặp lại trong tương lai. Việc thông tin cá nhân bị rò rỉ đã ảnh hưởng không nhỏ, khiến khách du lịch mất niềm tin. Ông cho biết thêm, khách du lịch có thể suy nghĩ kỹ trước khi đến Thái Lan, đặc biệt là khách doanh nhân, nếu nhận thấy các mối đe dọa đối với an ninh cá nhân của họ…

Biến thể R.1 chứa nhiều đột biến của virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh tại Mỹ

Một điểm xét nghiệm COVID-19 lưu động tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN 

Báo Newsweek dẫn số liệu của Cơ quan Y tế bang Kentucky cho biết 45 cư dân và nhân viên y tế đã nhiễm biến thể R.1 sau khi 1 nhân viên chưa tiêm chủng mắc bệnh vào tháng 3.

Biến thể R.1, được phát hiện lần đầu tiên ở Nhật Bản, chứa những đột biến mới có khả năng vượt qua khả năng bảo vệ của kháng thể ở những người được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.

Theo Outbreak.info, trang web thu thập dữ liệu về các biến thể SAS-CoV-2, tính đến ngày 21/9, biến thể R.1 đã lây nhiễm cho hơn 10.567 người trên khắp thế giới và đã được phát hiện ở 47 bang tại Mỹ.

Maryland là bang có số ca nhiễm biến thể R.1 cao nhất, với 399 ca mắc bệnh được ghi nhận kể từ khi biến thể này được phát hiện lần đầu tiên tại Mỹ. Tới nay, Mỹ ghi nhận 2.259 ca nhiễm R.1 và biến thể R.1 chiếm khoảng 0,5% số ca mắc COVID-19 tại Mỹ.

Biến thể R.1 cũng đã được phát hiện ở ít nhất 31 quốc gia trên thế giới, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước ở Tây Âu. Mặc dù số ca nhiễm biến thể R.1 vẫn ở mức thấp, cựu Giáo sư Trường Y Harvard William A. Haseltine nhận định 5 đột biến được tìm thấy trong R.1 có thể giúp biến thể này dễ lây lan hơn và tăng khả năng chống lại các kháng thể. Điều này đồng nghĩa với việc biến thể R.1 sẽ tránh được khả năng miễn dịch hình thành sau tiêm vaccine hoặc do từng mắc bệnh.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, biến thể R.1 chứa đột biến W152L có thể giảm hiệu quả của kháng thể. Biến thể R.1 có chứa “bộ ba” đột biến thường được phát hiện ở các biến thể trước đây gồm đột biến C241U, đột biến P323L ở polymerase NSP12 và đột biến D614G. Trong đó, đột biến D614G có thể làm gia tăng khả năng lây lan của virus. Trong khi đó, giới khoa học chưa rõ tác động của hai dạng đột biến còn lại./.

PC (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực