Hơn 60.000 lượt khách thập phương về tri ân các Vua Hùng

Chủ nhật, 18/04/2021 19:53
(ĐCSVN) - Hơn 60.000 lượt khách thập phương về tri ân công đức các Vua Hùng; Việt Nam có gần 68.000 người được tiêm chủng vaccine COVID-19; Bộ Giáo dục đề nghị không tăng học phí năm học 2021-2022; Ông Marc Evans Knapper được đề cử làm Đại sứ Mỹ tại Việt Nam; Campuchia: Số ca mắc mới tăng báo động, đều lây nhiễm trong cộng đồng… là những tin tức trong nước và thế giới đáng chú ý trong ngày 18/4.
Hơn 60.000 lượt khách thập phương về tri ân công đức các Vua Hùng
Đông đảo đồng bào thành kính dâng hương tưởng nhớ Tổ Mẫu Âu Cơ (Ảnh : Trung Kiên/TTXVN)

Ông Lê Trường Giang, Giám đốc Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, cho biết chỉ tính riêng 2 ngày 17-18/4 (tức ngày 6-7/3 Âm lịch), Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) đã đón khoảng hơn 60.000 lượt du khách thập phương về dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng.

Theo ông Lê Trường Giang, dịp Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm 2021 diễn ra vào ngày nghỉ cuối tuần, đặc biệt lại đúng ngày khai mạc Lễ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Tổ Mẫu Âu Cơ nên lượng du khách về dự lễ hội tăng cao.

Ngay từ sáng sớm 17/4 mặc dù trời mưa nặng hạt nhưng dòng người nối nhau tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng để dâng hương, tri ân công đức Tổ tiên.

Để đảm bảo phục vụ tốt nhất du khách khi về dâng hương, Khu Di tích đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự; bố trí các bãi đỗ xe hợp lý; quản lý, khai thác có hiệu quả dịch vụ xe điện tạo thuận lợi cho việc di chuyển giữa các điểm tham quan; đảm bảo công tác vệ sinh môi trường... Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch COVID-19 được chú trọng.

Theo Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, trong trạng thái bình thường mới vừa phát triển kinh tế-xã hội, vừa phòng chống dịch COVID-19, Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay có sự điều chỉnh phù hợp, tập trung tổ chức các hoạt động phần lễ, đảm bảo trang nghiêm, trọng thể, thành kính hướng về cội nguồn.

Theo đó, về phần lễ ngoài Lễ giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân và Tổ Mẫu Âu Cơ đã được tổ chức ngày 17/4 (tức ngày 6/3 âm lịch), từ nay đến ngày 21/4 (tức ngày 10/3 âm lịch) Ban Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm 2021 tiếp tục tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong”; Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại các di tích thờ Hùng Vương, các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn các huyện, thành, thị thực hiện theo nghi thức truyền thống vào ngày 21/4 (tức ngày 10/3 Âm lịch).

Việt Nam có gần 68.000 người được tiêm chủng vaccine COVID-19

Tiêm vaccine cho các nhân viên y tế tuyến bệnh viện quận, huyện tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN) 

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 18 giờ ngày 17/4 đến 6 giờ ngày 18/4, Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19, tổng số bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 tại nước ta vẫn là 2.781 trường hợp.

Báo cáo của Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho thấy đến nay đã có 2.475/2.781 bệnh nhân mắc COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh. Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, hiện 11 người có kết quả xét nghiệm âm tính lần một với SARS-CoV-2; 16 người âm tính lần hai; 18 người âm tính lần ba.

Cả nước còn cách ly, theo dõi sức khỏe 40.150 người, trong đó cách ly tại bệnh viện 531 người, cách ly tập trung 24.361 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 15.258 người.

Liên quan đến vaccine COVID-19, trong ngày 17/4 nước ta có thêm 1.423 người được tiêm chủng tại 6 tỉnh, thành phố. Cụ thể, Quảng Ninh 195 người; Hải Phòng 60 người; Hải Dương 477 người; Bắc Giang 83 người; Hà Tĩnh 526 người (đợt 2); Cao Bằng 82 người (đợt 2).

Ngày 17/4, thành phố Hải Phòng đã kết thúc tiêm vaccine COVID-19 đợt 1. Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương đang nỗ lực để hoàn thành đợt 1.

Tính đến 16 giờ ngày 17/4, Việt Nam đã tiêm vaccine COVID-19 đợt 1 và 2 cho 67.789 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương tại 19 tỉnh, thành phố.

Bộ Giáo dục - Đào tạo đề nghị không tăng học phí năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các trường giữ nguyên mức học phí năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021. (Ảnh: TTXVN) 

Thông tin từ Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tại dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP về vấn đề thu học phí các bậc học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Chính phủ xem xét cho phép giữ nguyên mức học phí năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021.

Hiện Chính phủ quy định về học phí tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, tuy nhiên Nghị định này sẽ hết hiệu lực khi năm học 2020-2021 kết thúc. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp các bộ, ngành cũng như lấy ý kiến rộng rãi các địa phương, các cơ sở giáo dục trên cả nước để hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86.

Chia sẻ thông tin về dự thảo này, Vụ Kế hoạch-Tài chính cho hay tại dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Chính phủ xem xét cho phép giữ nguyên mức học phí năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021.

Theo Vụ Kế hoạch-Tài chính, từ năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 và các đợt thiên tai, bão lũ ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước và tác động đến thu nhập của người dân. Việc giữ nguyên mức học phí nhằm chia sẻ khó khăn, góp phần giảm gánh nặng về tài chính cũng như nỗi lo tăng học phí cho phụ huynh và học sinh.

Dự thảo quy định mức tăng học phí tối đa mỗi năm học không quá 10% đối với giáo dục mầm non, phổ thông và không quá 15% đối với đào tạo đại học.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định cụ thể đối với học sinh thuộc đối tượng miễn, giảm học phí tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được nhà nước cấp bù học phí tối đa bằng mức học phí đối với học sinh trường công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên trên địa bàn.

Dự thảo Nghị định thay thế đã mở rộng các đối tượng được hưởng chế độ chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, bổ sung nhiều chính sách mới để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục của tất cả mọi đối tượng yếu thế trong xã hội, tập trung hỗ trợ học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận giáo dục.

Bên cạnh các chính sách mới, các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và các quy định khác tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP vẫn được giữ nguyên cho giai đoạn từ năm học 2021-2022 về sau…

Ông Marc Evans Knapper được đề cử làm Đại sứ Mỹ tại Việt Nam

Ông Marc  Knapper. (Nguồn: YONHAP) 

Mới đây, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề cử một loạt đại sứ tại cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ ở nước ngoài.

Trong số này có ông Marc Evans Knapper, Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Nhật Bản và Hàn Quốc tại Bộ Ngoại giao Mỹ, được đề cử làm tân Đại sứ tại Việt Nam.

Theo thông báo trên website của Nhà Trắng, ông Knapper hiện là Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Nhật Bản và Hàn Quốc tại Vụ Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ. Ông Knapper là viên chức ngoại giao cấp cao, với cấp hàm Tham tán Công sứ.

Ông từng đảm nhận cương vị Giám đốc Văn phòng phụ trách Nhật Bản, Giám đốc Văn phòng phụ trách Ấn Độ tại Bộ Ngoại giao Mỹ, trước khi làm Phó Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, rồi Đại biện lâm thời Mỹ tại Hàn Quốc.

Ông Knapper cũng từng kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo khác trong Đại sứ quán Mỹ ở Iraq và Nhật Bản. Ông tốt nghiệp cử nhân Đại học Princeton, lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Chiến tranh Quân đội Mỹ; thông thạo tiếng Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam hiện nay Daniel Kritenbrink chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ. Ông đã được Tổng thống Biden đề cử chức Trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương tại Bộ Ngoại giao Mỹ.

Campuchia: Số ca mắc mới tăng báo động, đều lây nhiễm trong cộng đồng

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. (Ảnh: THX/TTXVN) 

Ngày 18/4, số liệu do Bộ Y tế Campuchia công bố cho thấy số ca mắc mới COVID-19 ở nước này đang tăng ở mức báo động, với 618 ca ghi nhận trong 24 giờ qua, tất cả đều do lây nhiễm cộng đồng.

Trong ngày thứ 4 áp đặt lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội, số ca mắc mới COVID-19 ở Campuchia chủ yếu ghi nhận ở thủ đô Phnom Penh (493 ca), tiếp đến là các tỉnh Sihanoukville (75 ca) và Kandal (31 ca).

Các ca còn lại ghi nhận rải rác ở Svay Rieng, Prey Veng, Kampong Speu, Takeo và Kampong Cham.

Tính đến thời điểm này, Campuchia có tổng cộng 6.389 ca mắc COVID-19, trong đó có 43 ca tử vong - tăng hai ca so với một ngày trước đó.

Chính phủ Campuchia vừa thông báo sửa đổi Điều 3, làm rõ giới hạn về hoạt động kinh doanh và đi lại trong vùng dịch trong đợt phong tỏa do dịch COVID-19 ở thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao (tỉnh Kandal) từ ngày 15/4.

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 16/4 cảnh báo có thể kéo dài lệnh phong tỏa tại thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao và mở rộng ra một số tỉnh khác tại Campuchia.

Ông Hun Sen cho rằng nếu không có sự hợp tác của người dân, mục tiêu ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19 sẽ khó có thể thực hiện.

Người đứng đầu chính phủ tuyên bố những người dân đã bỏ về quê tại các tỉnh trong dịp Tết Chol Chhnam Thmey cổ truyền sẽ không được phép quay trở lại thủ đô trong thời gian phong tỏa (từ ngày 15-28/4).

Liên quan tới việc siết chặt lệnh phong tỏa, người phát ngôn Bộ Tư pháp Campuchia Kim Santepheap khẳng định rằng bất kỳ cá nhân nào vi phạm các biện pháp phong tỏa sẽ nhận hình phạt thích đáng theo Luật phòng chống COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm./.

PC (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực