Khởi tố 6 bị can nhận tiền "chạy án" cho nguyên Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức

Thứ tư, 10/11/2021 19:00
(ĐCSVN) - Thêm 7.930 ca COVID-19, nhiều địa phương gia tăng số mắc mới; Khởi tố 6 bị can vì nhận tiền "chạy án" cho nguyên Giám đốc bệnh viện Thủ Đức; Một bang ở Đức buộc phải ban bố tình trạng thảm họa do COVID-19… là những thông tin đáng chú ý trong ngày 10/11.

7.930 ca COVID-19, nhiều địa phương gia tăng số mắc mới

Trong đó 12 ca nhập cảnh và 7.918 ca ghi nhận trong nước (giảm 211 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 3.999 ca trong cộng đồng).

Ảnh minh họa 

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP. Hồ Chí Minh (1.414), Đồng Nai (848), Bình Dương (627), An Giang (450), Tây Ninh (435), Tiền Giang (396), Kiên Giang (327), Sóc Trăng (298), Bình Thuận (287), Đồng Tháp (274), Bạc Liêu (234), Bà Rịa - Vũng Tàu (191), Đắk Lắk (181), Cà Mau (180), Vĩnh Long (157), Cần Thơ (139), Long An (132), Bình Phước (131), Khánh Hòa (122), Hà Giang (94), Bến Tre (87), Hà Nội (80), Trà Vinh (74), Hậu Giang (63), Gia Lai (61), Quảng Ngãi (57), Nghệ An (51), Ninh Thuận (50), Phú Thọ (45), Hà Tĩnh (44), Bình Định (39), Bắc Giang (36), Đắk Nông (36), Thanh Hóa (33), Nam Định (29), Đà Nẵng (26), Bắc Ninh (23), Hưng Yên (23), Quảng Nam (19), Hải Dương (18), Phú Yên (16), Quảng Bình (13), Kon Tum (11), Quảng Trị (11), Lạng Sơn (9), Tuyên Quang (8 ), Điện Biên (6), Hà Nam (6), Thừa Thiên Huế (6), Ninh Bình (5), Vĩnh Phúc (4), Cao Bằng (2), Thái Nguyên (2), Lai Châu (2), Yên Bái (2), Hòa Bình (1), Bắc Kạn (1), Hải Phòng (1), Thái Bình (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Sóc Trăng (-274), Hà Nội (-188), An Giang (-107).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Tây Ninh (+194), Tiền Giang (+189), TP. Hồ Chí Minh (+138).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 7.596 ca/ngày.

Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 992.735 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.076 ca nhiễm).

Khởi tố 6 bị can nhận tiền "chạy án" cho nguyên Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức

Ngày 10/11, Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3), Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao cho biết đang kiểm sát điều tra vụ án "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt tài sản".

Cùng ngày, VKSND tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 6 bị can gồm: Bùi Thị Hồng Giang (SN 1975), luật sư, Giám đốc Công ty Luật TNHH Bùi Gia và cộng sự; Trần Văn Long (SN 1976), Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông du lịch Việt; Hà Duy Tuấn (SN 1985), lao động tự do, trú tại xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; Nguyễn Ngọc Triệu (SN 1973), nguyên Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (đã hoàn tục và thôi tất cả các chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại biểu HĐND tỉnh Hà Giang) và Bùi Trung Kiên (SN 1980), Lê Thanh An (SN 1976), nguyên là cán bộ Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an.

Hai bị can Nguyễn Minh Quân và Nguyễn Văn Lợi. Ảnh cand.com.vn

Theo Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án kinh tế, các bị can bị khởi tố về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại khoản 4, Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, 6 bị can có hành vi nhận tiền để "chạy án" cho Nguyễn Minh Quân (SN 1973), nguyên Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh).

Nguyễn Minh Quân là bị can trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức vừa bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố.

Trước đó, ngày 6/11, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét và Lệnh bắt bị can để tạm giam về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, đối với Nguyễn Minh Quân (SN 1973), Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức và Nguyễn Văn Lợi (SN 1986), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Nguyễn Tâm.

Kết quả điều tra vụ án xác định, Nguyễn Minh Quân và Nguyễn Văn Lợi đã thông đồng, câu kết thực hiện hành vi trái quy định của Luật đấu thầu trong việc mua sắm vật tư trang thiết bị y tế tại Bệnh viện TP Thủ Đức, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước. Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thi hành các Quyết định và Lệnh đúng quy định pháp luật.

Hiện Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tập trung lực lượng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, mở rộng vụ án, triệt để thu hồi tài sản cho Nhà nước và người bệnh.

Một bang ở Đức buộc phải ban bố tình trạng thảm họa do COVID-19

Số liệu của các cơ quan y tế ghi nhận tối 10/11 cho biết, chỉ trong 24 giờ qua, cả nước Đức đã ghi nhận có thêm 44.082 ca nhiễm mới, tăng gần 71% so với Thứ Tư tuần trước và là ngày ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục ở nước này từ đầu dịch.

Số ca tử vong trong ngày cũng tăng thêm 246 ca, nâng số người thiệt mạng vì dịch lên tới 97.032 ca trong tổng số 4,862 triệu ca nhiễm. Ngày 10/11 cũng là ngày có số ca tử vong cao nhất kể từ cuối tháng 5 vừa qua.

Trong số 16 bang ở Đức, có 3 bang ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất từ trước tới nay, trong đó riêng bang Bayern ghi nhận tới 10.401 ca, Baden-Wurttemberg 8.057 ca và Thuringen 2.022 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm mới tại bang Sachsen cũng tiếp tục gia tăng, với 6.412 ca.

Trong số 10 điểm nóng có tỷ lệ nhiễm mới trung bình 100.000 dân/7 ngày ở mức cao nhất trên toàn nước Đức thì có tới 9 điểm nằm ở bang Bayern, khiến giới chức bang miền Nam nước Đức này phải ban bố tái áp đặt tình trạng thảm họa trên toàn bang bắt đầu từ ngày 11/11.

Phát biểu tại thành phố Munchen, Thủ hiến Bayern Markus Soder nhấn mạnh, việc ban bố tình trạng thảm hoạ sẽ cho phép tất cả các cơ quan chức năng, cơ quan công vụ và các tổ chức liên quan kiểm soát thiên tai có thể phối hợp hành động bài bản và nhịp nhàng.

Trước đó, cũng do đại dịch COVID-19, Bayern từng phải ban bố tình trạng thảm hoạ ngày 9/12/2020 và tới ngày 4/6/2021 mới được dỡ bỏ.

Theo Thủ hiến Soder, tình hình lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp ở Bayern. Tỷ lệ mắc bệnh trung bình 100.000 dân/7 ngày luôn đạt mức cao mới, trong khi công suất sử dụng giường bệnh, đặc biệt là giường bệnh chăm sóc đặc biệt với bệnh nhân COVID-19, tiếp tục tăng cao. Nhiều bệnh viện đã không còn hoặc rất ít giường trống.

Trong bối cảnh dịch bệnh tăng mạnh trên toàn nước Đức, ông Soder cũng kêu gọi các đảng đang đàm phán thành lập chính phủ gồm SPD, FDP và đảng Xanh cần có một "kế hoạch khẩn cấp" phòng ngừa dịch bệnh, đồng thời cần phải áp đặt tiêm chủng bắt buộc ở một số ngành nghề nhạy cảm và đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm mũi tăng cường.

Trong khi đó, ngày 10/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel đề xuất nhanh chóng tiến hành Hội nghị thượng đỉnh liên bang để tìm cách ngăn chặn tình trạng dịch bệnh gia tăng không phanh hiện nay.

Theo người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Seibert, đại dịch đang lan rộng một cách khủng khiếp, đòi hỏi một sự phản ứng nhanh chóng và nhất quán.

Phát biểu tại một cuộc họp của nhóm nghị sĩ liên đảng bảo thủ, Thủ tướng Merkel cho rằng trong cuộc chiến chống đại dịch hiện nay, tiêm mũi tăng cường được đặt lên hàng đầu và Israel là mô hình cho thấy rõ hiệu quả khi nước này đã kiểm soát được làn sóng lây nhiễm thứ tư./.

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực