Khởi tố bị can Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc

Thứ ba, 07/06/2022 20:34
(ĐCSVN) - Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc; Bắt Trưởng khoa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La nhận 'hoa hồng' của Việt Á; Campuchia tuyên bố đã loại bỏ COVID-19; Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng... là những thông tin đáng chú ý trong ngày 7/6.

Tiếp tục điều tra mở rộng vụ án; rà soát, kê biên, phong tỏa tài sản của các đối tượng

Ngày 7/6, Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Phạm Công Tạc, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ vì có sai phạm liên quan Công ty CP Việt Á và Bộ Y tế.

Khởi tố bị can, bắt tạm giam cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Ảnh TL 

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ" xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan, theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 67/QĐ-CSKT-P9 ngày 17/12/2021, Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 30/QĐ-CSKT-P9 ngày 31/12/2021; thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Mở rộng điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định:

Ông Chu Ngọc Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ có hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong việc giao, quản lý, sử dụng Đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia nghiên cứu, chế tạo Kit xét nghiệm Covid-19, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước, đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại Khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Ông Nguyễn Thanh Long, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật trong việc cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương Kit xét nghiệm Covid-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước, đã phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Ông Phạm Công Tạc, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ có hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong việc quản lý, sử dụng Đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia nghiên cứu, chế tạo Kit xét nghiệm Covid-19, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước, đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại Khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Ngày 07/6/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với: ông Chu Ngọc Anh, ông Phạm Công Tạc về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại Khoản 3, Điều 219, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; ông Nguyễn Thanh Long về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Khoản 3, Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định, Lệnh nêu trên đúng quy định của pháp luật. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án; rà soát, kê biên, phong tỏa tài sản của các đối tượng để đảm bảo triệt để thu hồi cho Nhà nước.

Bắt Trưởng khoa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La nhận 'hoa hồng' của Việt Á

Chiều 7/6, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La thi hành quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Lò Văn Chiến, Trưởng Khoa Dược Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La về hành vi nhận hối lộ (quy định tại Khoản 2, Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015) liên quan đến việc đấu thầu mua kit xét nghiệm COVID- 19 của Công ty Cổ phần Việt Á.

Theo kết quả xác minh, từ tháng 9/2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La và Công ty Việt Á ký hợp đồng kinh tế về việc mua kit test COVID-19, với tổng giá trị gói thầu là 1,05 tỷ đồng.

Mới đây, Thanh tra tỉnh Sơn La ban hành kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Sơn La và gửi báo cáo tới Thanh tra Chính phủ.

Cơ quan thanh tra phát hiện 3 gói thầu do CDC tỉnh Sơn La, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên Mộc Châu thực hiện có giá dự toán của sinh phẩm SuperScript-PCR kit được lập dựa trên 3 báo giá của nhà cung cấp và chứng thư thẩm định giá của đơn vị thẩm định giá. Tuy nhiên, cơ quan này xác định, không có tài liệu chứng minh việc tham khảo giá trên Cổng thông tin Bộ Y tế theo quy định.

Cụ thể, năm 2021, CDC tỉnh Sơn La thực hiện gói thầu mua sắm trang thiết bị thiết yếu, sinh phẩm phục vụ công tác xét nghiệm virus bằng phương pháp RT-PCR và phê duyệt giá trúng thầu gần 200 nghìn đồng/test.

Cũng trong năm này, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La thực hiện gói thầu mua sinh phẩm thực hiện xét nghiệm COVID-19 và phê duyệt giá trúng thầu là 185 nghìn đồng/test; Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên huyện Mộc Châu thực hiện gói thầu mua sinh phẩm xét nghiệm phân tử Real-Time PCR và phê duyệt giá trúng thầu 185 nghìn đồng/test.

Tuy nhiên, trong thời gian đó, giá sinh phẩm trúng thầu của các cơ sở y tế khác được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế thấp hơn nhiều. CDC tỉnh Kiên Giang là 142 nghìn đồng/test; CDC Hải Dương hơn 140 nghìn đồng; Viện Pasteur TP.HCM là 141 nghìn đồng; CDC Đắk Nông là 141 nghìn đồng/test.

Đáng chú ý, cơ quan thanh tra phát hiện, sau khi 3 gói thầu mua kit xét nghiệm với giá cao trên thì các gói thầu tiếp theo của CDC tỉnh Sơn La, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La và Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên huyện Mộc Châu đều được mua với giá thấp hơn là 141 nghìn đồng/test.

"Do vậy, qua thanh tra xác định việc lập dự toán gói thầu đối với 3 gói thầu do CDC tỉnh Sơn La, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La và Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên huyện Mộc Châu thực hiện chưa tuân thủ đầy đủ quy định của Bộ Y tế. Việc làm này dẫn đến mua với giá cao hơn giá sinh phẩm trúng thầu tại các cơ sở y tế thời điểm gần nhất, trước đó được đăng trên Cổng thông tin của Bộ Y tế", kết luận nêu.

Ngoài ra, cơ quan thanh tra cũng phát hiện 6 gói thầu do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La thực hiện có thư mời thầu không đưa ra các yêu cầu năng lực của nhà thầu. Đồng thời, 8 gói thầu do Bệnh viện đa khoa các huyện Phù Yên, Sông Mã, Mộc Châu và Sở Y tế Sơn La thực hiện có chất lượng hồ sơ, thủ tục còn một số tồn tại.

Cơ quan thanh tra đề nghị thu hồi số tiền chênh lệch mà CDC tỉnh Sơn La, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La và Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên huyện Mộc Châu đã mua kit xét nghiệm giá cao với tổng là hơn 570 triệu đồng.

Đồng thời, đơn vị này yêu cầu yêu cầu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La xem xét, chỉ đạo các đơn vị tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan và báo cáo kết quả trước ngày 15/6.

Campuchia tuyên bố đã loại bỏ COVID-19

Ngày 7/6, Bộ Y tế Campuchia thông báo quốc gia Đông Nam Á này đã loại bỏ COVID-19 sau khi bệnh nhân cuối cùng mắc căn bệnh này đã bình phục.

Theo tuyên bố của bộ trên, Campuchia đã không còn ghi nhận ca mắc mới COVID-19 nào trong 31 ngày liên tiếp. Kể từ khi đại dịch bùng phát vào tháng 1/2020 đến nay, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 136.262 ca mắc, trong đó có 133.206 bệnh nhân đã bình phục và 3.056 ca tử vong.

Trao đổi với báo giới, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Or Vandine đánh giá sở dĩ có được thành công trong việc kiểm soát đại dịch lần này là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của chính phủ và hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19. Bà nhấn mạnh Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã đưa ra quyết định đúng đắn và kịp thời khi cung cấp vaccine ngừa COVID-19 miễn phí cho tất cả người dân Campuchia và người nước ngoài đủ điều kiện tiêm chủng. Bà nêu rõ: "Vaccine là công cụ mạnh mẽ nhất để bảo vệ cuộc sống (của mọi người) trước COVID-19, giảm mắc bệnh và tử vong".

Theo Bộ Y tế, đến nay Campuchia đã triển khai tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 15 triệu người, tương đương 94% trong tổng số 16 triệu dân của nước này. Trong số này, 14,3 triệu người, tương đương 89,4% dân số, đã tiêm đủ 2 mũi cơ bản. Ngoài ra, khoảng 9,25 triệu người, tương đương 58%, đã tiêm mũi thứ ba và 2,58 triệu, tương đương 16%, đã tiêm mũi thứ 4. Campuchia sẽ bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine thứ 5 cho các nhóm ưu tiên từ ngày 9/6 tới.

Với tỷ lệ tiêm chủng cao, kể từ tháng 11 năm ngoái, Campuchia đã khôi phục tất cả các hoạt động kinh tế xã hội và mở cửa trở lại biên giới cho những du khách được tiêm phòng đủ liều cơ bản mà không cần cách ly. Ông Kin Phea, người đứng đầu Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia, đã đánh giá cao vai trò của vaccine trong bảo vệ mạng sống của người dân, ổn định hệ thống y tế và đóng góp vào công cuộc khôi phục nền kinh tế.

Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng

Ngày 6/6 (theo giờ bờ Đông của Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp về năng lượng tại nước này.

Tổng thống Biden tuyên bố khả năng cung ứng đủ điện của đất nước đang bị đe dọa, đồng thời cho rằng một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là vì cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ban bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng. Ảnh: New York Times 

Phát biểu với báo giới, Tổng thống Biden nói rằng an ninh quốc gia và chất lượng cuộc sống của người dân Mỹ đang bị xuống cấp bởi tình trạng thiếu hụt tiềm tàng về nguồn cung điện. Nhà lãnh đạo Mỹ viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng - ban đầu là một phần của nỗ lực nhằm huy động toàn ngành công nghiệp tham gia cuộc Chiến tranh Triều Tiên – nhằm thúc đẩy sản xuất các tấm pin mặt trời trong nước và các dạng năng lượng "sạch" khác để tăng sản lượng điện cung cấp.

Tổng thống Biden đánh giá hiện nay có “nhiều yếu tố đang đe dọa khả năng cung ứng đủ sản lượng điện để phục vụ nhu cầu của khách hàng tại Mỹ. Các yếu tố đó bao gồm sự đứt gãy của thị trường năng lượng vì cuộc xung đột Nga-Ukraine và tình trạng thời tiết cực đoan ngày càng trầm trọng hơn vì biến đổi khí hậu".

Nhà Trắng trong một thông cáo ngày 6/6 nêu rõ Tổng thống Biden đã ra lệnh triển khai các biện pháp khẩn cấp để tăng những nguồn cung quan trọng cho các nhà sản xuất năng lượng mặt trời của Mỹ. Chính phủ Mỹ đồng thời tuyên bố miễn thuế 2 năm đối với các tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Đông Nam Á.

Trong thông báo, Nhà Trắng cho biết việc miễn thuế áp dụng với các tấm pin năng lượng Mặt trời nhập khẩu của Việt Nam, Campuchia, Malaysia và Thái Lan. Với quyết định này, Mỹ có thể đảm bảo đủ nguồn cung các bộ phận để đáp ứng nhu cầu phát điện trong khi sản xuất điện Mặt trời trong nước tăng lên. Tổng thống Biden cũng kích hoạt Đạo luật Sản xuất quốc phòng (DPA) để thúc đẩy sản xuất tấm pin năng lượng Mặt trời của Mỹ.

Nhà Trắng nhấn mạnh các công nghệ năng lượng sạch hiện nay đóng góp một phần quan trọng trong việc giảm chi phí năng lượng cho các gia đình, giảm rủi ro cho nguồn cung cấp điện ở Mỹ. Nước này đặt mục tiêu đến năm 2024 tăng gấp 3 lượng điện Mặt trời sản xuất trong nước, từ 7,5 gigawatt lên 22,5 gigawatt, đủ để cung cấp cho 3,3 triệu hộ gia đình ở nước này mỗi năm.

Với mục tiêu cắt giảm 50 đến 52% phát thải khí nhà kính vào năm 2030, cũng như việc loại bỏ phát thải carbon trong sản xuất điện của Mỹ vào năm 2035 như đã được Tổng thống Mỹ Biden cam kết, việc tăng cường năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời cũng mang ý nghĩa rất quan trọng.

Theo AP, Tổng thống Biden đã ủy quyền cho Bộ Năng lượng Mỹ vận dụng DPA để tăng tốc sản xuất các linh kiện tấm pin năng lượng mặt trời, thiết bị tiết kiệm năng lượng, cách nhiệt tòa nhà, máy biến áp cần thiết cho lưới điện và các thiết bị khác như pin nhiên liệu.

Việc chính quyền Tổng thống Biden ban bố các biện pháp khẩn cấp trong lĩnh vực năng lượng diễn ra trong bối cảnh giá xăng dầu, nhiên liệu tại Mỹ tăng vọt do nguồn cung đứt gãy vì cuộc xung đột Nga-Ukraine. Lâu nay, nỗ lực cắt giảm thuế năng lượng sạch của ông Biden và các đề xuất lớn khác nhằm khuyến khích hoạt động sản xuất năng lượng xanh ở trong nước, cũng bị đình trệ tại Quốc hội.

Dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, DPA cũng đã được kích hoạt trong giai đoạn đại dịch COVID-19 để tăng sản xuất thuốc và thiết bị y tế tại Mỹ. Trước đó, đạo luật này cũng từng được kích hoạt trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực