Khởi tố Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng

Thứ ba, 05/04/2022 20:21
(ĐCSVN) - Khởi tố, tạm giam Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh; kỷ luật hai lãnh đạo Học viện Quân y; Nga nối lại đường bay với hơn 50 quốc gia “thân thiện”, bao gồm Việt Nam; 99% dân số thế giới đang hít thở không khí bị ô nhiễm cao… là những tin đáng chú ý ngày hôm nay, 5/4.

Khởi tố, tạm giam Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng

Tối 5/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) cho biết đang điều tra, xác minh một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư của các công ty thành viên thuộc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh).

Kết quả điều tra xác định trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 09 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử động vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

 Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ảnh: Tanhoangminhlands.com

Do đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Đỗ Anh Dũng và 06 bị can đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể:

 1. Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

 2. Đỗ Hoàng Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh.

3. Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt; Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh.

4. Trần Hồng Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil; Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh.

5. Nguyễn Khoa Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Cung điện Mùa Đông.

6. Lê Văn Thịnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh.

7. Phùng Thế Tính, Nguyên Giám đốc Trung tâm Tài chính Kế toán, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh.

Kỷ luật hai lãnh đạo Học viện Quân y

 Sáng 5/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì họp Ban Bí thư, xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương với Ban Thường vụ và lãnh đạo Học viện Quân y do những vi phạm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng trong vụ Việt Á.

Thông tin từ Văn phòng Trung ương Đảng cho biết, Ban Bí thư thống nhất với báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đi đến đánh giá như sau:
Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y hai nhiệm kỳ 2015 - 2025 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát.

 Trung tướng Đỗ Quyết, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Quân y

Hậu quả là dẫn tới một số lãnh đạo chủ chốt của Học viện và nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong đề xuất, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 và mua sắm vật tư y tế, kít xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19.

Cá nhân Trung tướng Đỗ Quyết, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Quân y, ngoài trách nhiệm chung với Ban Thường vụ Đảng ủy còn chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Học viện.

Ban Bí thư đánh giá ông Quyết đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng và Quy chế làm việc của đơn vị; ngoài ra vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương.

Đối với Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện là người được phân công nhiệm vụ chỉ đạo, triển khai công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ. Vì vậy, bên cạnh trách nhiệm chung trong các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, ông Lương phải chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Cá nhân ông Lương cũng được xác định vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương.

Ban Bí thư đánh giá những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y đã gây hậu quả nghiêm trọng. Vi phạm, khuyết điểm của hai ông Đỗ Quyết, Hoàng Văn Lương gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Học viện Quân y.

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm theo Quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo với Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 – 2025; thi hành kỷ luật đồng chí Trung tướng Đỗ Quyết và đồng chí Thiếu tướng Hoàng Văn Lương bằng hình thức Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025.

Nga nối lại đường bay với hơn 50 quốc gia

Bắt đầu từ ngày 9/4, Nga sẽ nối lại đường bay với 52 quốc gia trên khắp thế giới khi nước này dần dỡ bỏ các hạn chế liên quan tới dịch COVID-19, thông tin vừa được Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin chia sẻ.

“Bắt đầu từ ngày 9/4, chúng tôi sẽ dỡ bỏ các hạn chế được đặt ra nhằm hạn chế đại dịch Covid-19, áp dụng cho các chuyến bay thường lệ và thuê chuyến giữa Nga và một số quốc gia khác. Hiện chúng tôi đang nối lại các chuyến bay với 52 quốc gia, bao gồm cả Argentina, Ấn Độ, Nam Phi và các quốc gia thân thiện khác", Thủ tướng Nga vừa thông tin qua hãng truyền thông TASS.

Các quốc gia này được Nga gọi là các quốc gia “thân thiện” vì không tham gia vào các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow.

Các quốc gia được Nga nối lại đường bay đến và đi đầu tiên sau dịch COVID-19 chủ yếu là các nước thuộc châu Phi (15 quốc gia) và châu Á (25 quốc gia), ngoài ra còn có 7 quốc gia châu Mỹ, 4 nước châu Âu và 1 quốc gia châu Đại Dương.

Khách du lịch Nga đến đảo Phú Quốc (Việt Nam) trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát.
(Ảnh: Khánh Vy). 

Danh sách cụ thể các quốc gia sẽ nối lại đường bay với Nga từ ngày 9/4 bao gồm: Algeria, Afghanistan, Argentina, Bahrain, Bosnia và Herzegovina, Botswana, Brazil, Trung Quốc, Costa Rica, Ai Cập, Ethiopia, Fiji, Hong Kong, Israel, Ấn Độ, Indonesia, Iraq, Jamaica, Jordan, Kenya, Kuwait , Lebanon, Lesotho, Mauritius, Madagascar, Malaysia, Maldives, Maroc, Mozambique, Moldova, Mông Cổ, Myanmar, Namibia, Triều Tiên, Oman, Pakistan, Peru, Philippines, Ả Rập Saudi, Seychelles, Serbia, Sri Lanka, Syria, Thái Lan, Tanzania, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Uruguay, Venezuela, Việt Nam và Zimbabwe.

Nga đã áp đặt các hạn chế đi lại rộng rãi khi bắt đầu đại dịch vào tháng 3/2020. Sau lệnh dỡ bỏ hạn chế mới nhất, số quốc gia được coi là an toàn cho việc đi lại bằng đường hàng không đã được mở rộng, tuy nhiên vẫn còn nhiều nước chưa được cho phép nối lại đường bay.

Việc Nga nối lại đường bay với hơn 50 quốc gia “thân thiện”, trong đó có Việt Nam được cho là tín hiệu tích cực, góp phần thúc đẩy sự phục hồi của các hoạt động sản xuất kinh tế tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

99% dân số thế giới đang hít thở không khí bị ô nhiễm cao

 Ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Thủ đô New Delhi của Ấn Độ. (Ảnh: CBS NEWS).

Dữ liệu mới được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố cho thấy gần như toàn bộ dân số thế giới (99%) hít thở không khí có chứa hàm lượng chất ô nhiễm cao.

WHO cho biết đa số khu vực trên thế giới đều đang phải đối mặt vấn nạn ô nhiễm không khí, và vấn đề này còn đặc biệt nghiêm trọng hơn nhiều ở các nước nghèo.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết không khí toàn cầu hiện chứa quá nhiều chất ô nhiễm, và chất lượng không khí kém là nguyên nhân dẫn đến hàng triệu ca tử vong mỗi năm. "Gần như toàn bộ dân số toàn cầu (99%) đang phải hít thở không khí vượt quá giới hạn chất lượng không khí của WHO và đe dọa sức khỏe của tất cả mọi người" - WHO tuyên bố.

Trong báo cáo trước đó của mình cách đây 4 năm, WHO đã tiết lộ rằng có hơn 90% dân số toàn cầu đang bị ảnh hưởng vì ô nhiễm không khí, nhưng kể từ đó, tỷ lệ này đã không thay đổi quá nhiều.

Năm 2021, trong khi dữ liệu của Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng việc các nước áp dụng biện pháp phòng chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt và hạn chế đi lại đã giúp chất lượng không khí được cải thiện trong thời gian ngắn, WHO vẫn cảnh báo rằng ô nhiễm không khí vẫn là một vấn đề đáng báo động.

“Sau khi sống sót qua đại dịch COVID-19, chúng ta không thể chấp nhận được rằng vẫn còn đó 7 triệu ca tử vong do ô nhiễm không khí mà đáng lẽ chúng ta đã có thể ngăn ngừa được” - bà Maria Neira, người đứng đầu bộ phận sức khỏe cộng đồng và môi trường của WHO, cho biết.

Dựa trên dữ liệu chất lượng không khí từ hơn 6.000 thành phố và thị trấn của 117 quốc gia trên khắp thế giới, WHO cho biết phát hiện này rất đáng báo động, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Ngoài ra, báo cáo của WHO còn cho thấy các vấn đề liên quan đến ô nhiễm dạng hạt đang diễn biến tồi tệ hơn nhiều ở các nước nghèo. Tỷ lệ các thành phố ở những quốc gia thu nhập thấp và trung bình đạt được ngưỡng chất lượng không khí theo yêu cầu của WHO hiện là dưới 1%./.

TL (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực