Khởi tố mới nhiều vụ án, bị can về các tội tham nhũng

Thứ năm, 05/08/2021 21:04
(ĐCSVN) – Đình chỉ công tác các công chức vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19; Khởi tố mới nhiều vụ án, bị can về các tội tham nhũng; Gần 3,5 triệu người có chứng nhận tiêm chủng COVID-19 điện tử; WHO kêu gọi các nước hoãn tiêm liều tăng cường vaccine COVID-19… là một số sự kiện tiêu biểu trong nước và quốc tế ngày 5/8.

Đình chỉ công tác các công chức vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 5/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định đối với ông Nguyễn Văn Dũng để xem xét, xử lý vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Thời hạn tạm đình chỉ công tác đối với ông Dũng là 30 ngày, kể từ ngày 5.8. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng ký quyết định giao ông Huỳnh Cao Nhất, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định, quản lý và điều hành sở này trong thời gian ông Nguyễn Văn Dũng bị tạm đình chỉ công tác.

 Các công chức liên quan đến vụ đi đánh golf trong mùa dịch bị đình chỉ công tác

(Ảnh minh họa)

Trước đó, ngày 04/8/2021, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế  đã ban hành Quyết định số 1160/QĐ-TCT về việc tạm đình chỉ công tác 15 ngày (bắt đầu từ ngày 04/8/2021) đối với ông Nguyễn Công Thành, Phó Cục trưởng Cục Thuế Bình Định để xem xét kiểm điểm trách nhiệm trong việc thực hiện quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế Bình Định, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan và ông Nguyễn Công Thành chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Các quyết định này được đưa sau khi báo chí đưa tin, từ ngày 31/7 – 1/8, ông Nguyễn Văn Dũng (Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định) và ông Nguyễn Công Thành (Phó cục trưởng Cục Thuế Bình Định), ông Nguyễn Hữu Lộc (Giám đốc Công ty TNHH khoáng sản Thành An - TP.Quy Nhơn),  ông Lê Văn Thảo (Tổng giám đốc Công ty CP Phú Tài - ở TP.Quy Nhơn) đã đi đánh golf tại một sân golf ở ngoại ô TP.Quy Nhơn, có tiếp xúc gần với một nữ nhân viên làm việc tại đây. Ngày 3/8, nữ nhân viên này có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Hiện nay, 4 người đi đánh golf đã được đưa đi cách ly tập trung.

Khởi tố mới nhiều vụ án, bị can về các tội tham nhũng

Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố mới 1.850 vụ án/3.294 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó có 144 vụ án/384 bị can về các tội tham nhũng...

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp thứ 20. (Ảnh: PV/TTXVN) 

Đây là thông tin được đưa ra tại Phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) được tổ chức ngày 5/8, tại Hà Nội. Phiên họp do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì.

Báo cáo tại Phiên họp cho biết, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, khởi tố mới nhiều vụ án, nhiều bị can, trong đó có nhiều bị can là cán bộ cấp cao, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, từ sau Phiên họp 19 của Ban Chỉ đạo đến nay, đã khởi tố mới 07 vụ án/35 bị can, khởi tố thêm 55 bị can trong 10 vụ án; phục hồi điều tra 01 vụ án/07 bị can; kết thúc điều tra 12 vụ án/111 bị can, kết thúc điều tra bổ sung 02 vụ án/23 bị can; truy tố 11 vụ án/112 bị can; xét xử sơ thẩm 13 vụ án/82 bị cáo, xét xử phúc thẩm 06 vụ án/20 bị cáo.

Tại Phiên họp, Ban Chỉ đạo cũng đã thống nhất nhiệm vụ trọng tâm công tác những tháng cuối năm 2021, trong đó yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng vừa phải tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa tập trung chỉ đạo hoàn thành các nhiệm vụ theo Chương trình công tác năm 2021.

Gần 3,5 triệu người có chứng nhận tiêm chủng COVID-19 điện tử

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel, đơn vị phát triển và quản lý nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 quốc gia cho biết, tính đến ngày 5/8, gần 3,5 triệu người Việt Nam đã có chứng nhận tiêm chủng COVID-19 điện tử.

 Những người đã tiêm 01 mũi vaccine phòng COVID-19 sẽ có chứng nhận màu vàng. (Ảnh: Diệu Linh)

Hiện nay, nền tảng sẵn sàng đáp ứng 5 triệu mũi/ngày phục vụ yêu cầu tiêm chủng tăng cường, mở rộng với việc ứng dụng thực tế tại 62/63 tỉnh, thành phố. Viettel cũng chuẩn bị các phương án về công nghệ và hạ tầng để đảm bảo vận hành tốt ngay cả khi nhu cầu tăng vượt dự kiến.

Khi tham gia tiêm chủng tại các điểm ứng dụng nền tảng, người dân sẽ chỉ mất chưa đến 5 giây để xác nhận thông tin bằng mã QR. Sau khi dữ liệu tiêm được cập nhật lên cơ sở dữ liệu được quản lý tập trung, người dân có thể tra cứu “Chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19” của mình trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hoặc trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19. Những người đã tiêm 01 mũi vaccine phòng COVID-19 sẽ có chứng nhận màu vàng, còn người tiêm đủ 2 mũi sẽ có chứng nhận màu xanh.

Việc cho phép đăng ký trước thông qua ứng dụng điện thoại giúp hạn chế tương tác giữa người đi tiêm và người phụ trách xác nhận thông tin, tiết giảm bước nhập liệu so với cách làm thông thường, đồng thời cũng giúp giảm thiểu sai sót, đảm bảo tính chính xác của thông tin.

WHO kêu gọi các nước hoãn tiêm liều tăng cường vaccine COVID-19

Ngày 4/8, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước tạm ngừng tiêm liều tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho những người đã tiêm đủ hai liều. Việc tạm ngừng tiêm liều vaccine thứ 3 sẽ được thực hiện ít nhất đến cuối tháng 9 tới để đảm bảo nguồn cung vaccine cho những nước nghèo hơn, tiến tới mục tiêu tiêm chủng cho tối thiểu 10% dân số của mỗi nước trên thế giới.

 Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: WHO) 

Lời kêu gọi trên được ông Ghebreyesus đưa ra trong bối cảnh khoảng cách tiếp cận vaccine giữa các nước giàu và các nước nghèo đang ngày càng bị nới rộng. Điểm đến của 80% lượng vaccine trên thế giới là các nước thu nhập cao và trên trung bình, trong khi các nước này lại chỉ chiếm chưa đầy 1 nửa dân số thế giới. Đáng quan ngại là thực tế này lại đang diễn ra vào thời điểm thế giới đang đối mặt với một kẻ thù nguy hiểm chung là biến thể Delta với khả năng lây lan nhanh chóng.

Theo số liệu thống kê của WHO, trong tháng 5/2021, các nước thu nhập cao đã thực hiện trung bình khoảng 50 mũi tiêm cho mỗi 100 người dân và con số trên giờ đã tăng gấp đôi. Trong khi tại các nước thu nhập thấp, con số ghi nhận được chỉ là 1,5 mũi tiêm trên mỗi 100 dân do thiếu nguồn cung vaccine. Để chặn đứng sự lây lan của biến thể Delta, nhiều nước đã bắt đầu hoặc cân nhắc đến phương án tiêm liều vaccine tăng cường cho người dân, ngay cả khi đây vẫn còn là điều gây tranh cãi.

Ngày 4/8, Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne đã hoan nghênh khuyến nghị của WHO về việc tạm hoãn tiêm liều vaccine COVID-19 tăng cường cho người dân. Bà Etienne cho rằng, nếu các nước phát triển hơn sử dụng vaccine dư thừa của họ để tăng cường khả năng bảo vệ cho những người đã được tiêm chủng, thay vì hiến tặng vaccine, thì điều này sẽ không chỉ tạo ra một “tình huống rất phức tạp” cho cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu, mà còn về vấn đề đạo đức./.

KG (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực