Khởi tố, tạm giam một số nguyên lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển

Thứ hai, 18/04/2022 20:28
(ĐCSVN) - Khởi tố, tạm giam một số nguyên lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Xét xử 12 bị cáo phạm tội 'Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”; Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự mới nhằm vào người Kurd ở Iraq… là những tin tức đáng chú ý trong ngày 18.4

Bắt giam nguyên Tư lệnh, nguyên Chính uỷ Cảnh sát biển

Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng: Chấp hành chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và chỉ đạo của Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương về việc xử lý các sai phạm liên quan đến cán bộ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra vụ án "Tham ô tài sản" liên quan đến sai phạm tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, ngày 13/4/2022, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với: Thiếu tướng Phạm Kim Hậu, nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng; Thiếu tướng Bùi Trung Dũng, nguyên Phó Tư lệnh; Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, nguyên Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị; Đại tá Nguyễn Văn Hưng, nguyên Phó Tư lệnh; Thượng tá Bùi Văn Hòe, Phó trưởng Phòng Tài chính về tội "Tham ô tài sản" quy định tại Khoản 4, Điều 353 Bộ luật Hình sự với vai trò đồng phạm với bị can Nguyễn Văn Sơn - Trung tướng, nguyên Tư lệnh và bị can Hoàng Văn Đồng - Trung tướng, nguyên Chính ủy.

 Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã thay đổi biện pháp ngăn chặn, bắt tạm giam đối với Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, nguyên Tư lệnh Cảnh sát biển. Ảnh: TP.

Cùng ngày, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã thay đổi biện pháp ngăn chặn, bắt tạm giam đối với bị can Nguyễn Văn Sơn và Hoàng Văn Đồng (trước đó, Nguyễn Văn Sơn và Hoàng Văn Đồng bị Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng khởi tố bị can, ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú về tội "Tham ô tài sản" quy định tại Khoản 4, Điều 353 Bộ luật Hình sự).

Các quyết định tố tụng của cơ quan điều tra đều được Viện kiểm sát quân sự Trung ương phê chuẩn.

Trước đó, tại phiên họp ngày 1/10/2021, Ban Bí thư đã kết luận và quyết định: Thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Trung tướng Hoàng Văn Đồng, Thiếu tướng Phạm Kim Hậu, Thiếu tướng Bùi Trung Dũng, Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với Đại tá Nguyễn Văn Hưng.

Ngày 22/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cách chức Tư lệnh Cảnh sát biển đối với Trung tướng Nguyễn Văn Sơn; cách chức Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Cảnh sát biển đối với Thiếu tướng Phạm Kim Hậu; cách chức Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Cảnh sát biển đối với Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết; cách chức Phó Tư lệnh Cảnh sát biển đối với Đại tá Nguyễn Văn Hưng; xóa tư cách nguyên Chính ủy Cảnh sát biển đối với Trung tướng Hoàng Văn Đồng; xóa tư cách nguyên Phó Tư lệnh Cảnh sát biển đối với Thiếu tướng Bùi Trung Dũng.

Đây là vụ án rất nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương, chỉ đạo các cơ quan tư pháp quân đội, tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan, bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, không có vùng cấm.

Xét xử 12 bị cáo phạm tội 'Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân'

Ngày 18/4, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 12 bị cáo phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, quy định tại Điều 109 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đây là vụ án hoạt động nhằm lật đổ chính quyền do các bị cáo là thành viên của tổ chức khủng bố “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” thực hiện tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, An Giang, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Phú Yên và Kon Tum, do Đào Minh Quân cầm đầu, chỉ huy thành lập ở nước ngoài, có nhiều hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, bạo động vũ trang chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 Các bị cáo hầu tòa ngày 18/4/2022. Ảnh: TTXVN.

Thời gian gần đây, các đối tượng cốt cán của tổ chức này như: “Trung tướng, Thứ tưởng Bộ Tài chính” Lâm Ái Huê, “Đại tá, Cục trưởng Cục Truyền thông công lý” La Ngọc Duyên, “Tổng Giám đốc Sở Dân vận” Nguyễn Thị Đăng, “Thiếu tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục chiến tranh chính trị” Tôn Hoàng Vũ… liên tục lôi kéo, hướng dẫn đăng ký tham gia tổ chức và chỉ đạo các bị cáo trong vụ án. 12 bị cáo trong vụ án đã tăng cường các hoạt động nhằm tuyên truyền, lôi kéo người khác tham gia tổ chức khủng bố “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, thực hiện “trưng cầu dân ý” bầu cho Đào Minh Quân làm “Tổng thống Đệ tam Việt Nam Cộng hòa”.

Trong vụ án này, 9 bị cáo gồm: Trần Thị Ngọc Xuân (sinh năm 1969), Nguyễn Thanh Xoan (sinh năm 1972), Nguyễn Thị Kim Phượng (sinh năm 1967), Lương Thị Thu Hiền (sinh năm 1968), Y Hon Ênuôl (sinh năm 1988), Y Phương Ding Riêh (sinh năm 1978), Nguyễn Minh Quang (sinh năm 1960), Hồ Thị Xuân Hương (sinh năm 1968), Lê Ngọc Thành (sinh năm 1972) bị truy tố theo khoản 1 Điều 109 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ba bị cáo Y Tũp Knul (sinh năm 1970), Phạm Hổ (sinh năm 1949) và Trần Văn Long (sinh năm 1955) bị truy tố theo khoản 2 Điều 109 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ba bị cáo Y Tũp Knul (sinh năm 1970), Phạm Hổ (sinh năm 1949) và Trần Văn Long (sinh năm 1955) bị truy tố theo khoản 2 điều 109 Bộ luật hình sự năm 2015.

Phiên tòa dự kiến xét xử tới ngày 19/4.

Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự mới nhằm vào người Kurd ở Iraq

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar ngày 18/4 cho biết nước này đã tiến hành một chiến dịch quân sự mới cả trên không và trên bộ nhằm vào các tay súng người Kurd ở miền Bắc Iraq.

Theo ông Akar, trong chiến dịch này, các đơn vị biệt kích và các lực lượng đặc biệt của Thổ Nhĩ Kỳ với sự hỗ trợ của các máy bay không người lái và trực thăng đã tấn công các căn cứ của đảng Công nhân người Kurd (PKK) tại các vùng Metina, Zap và Avashin-Basyan phía Bắc Iraq.

 Cảnh tàn phá tại căn cứ không quân Ain al-Asad ở tỉnh Anbar (Iraq) sau một vụ tấn công ngày 13/1/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Ông Akar cho biết thêm quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch trên sau khi phát hiện PKK lên kế hoạch thực hiện một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào nước này.

PKK nổi dậy chống lại nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1984 và bị Ankara coi là một tổ chức khủng bố.

Để đối phó với lực lượng này, Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào các căn cứ và trại huấn luyện của PKK ở phía Bắc Iraq, giáp biên giới.

Chiến dịch quân sự nói trên của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra sau các chiến dịch tương tự Claw-Tiger và Claw-Eagle ở miền Bắc Iraq hồi năm 2020./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực